Bão tố Trung Đông: Bài học của VNCH 1973 cho Ukraine 2023

Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Xe tăng Israel chạy dọc đường biên với Dải Gaza hôm 18/10/2023. Xung đột bùng lên dữ dội sau vụ nhóm các tay súng Hamas bất ngờ tấn công Israel hôm 7/10, giết chết hơn 1.400 người và bắt làm con tin nhiều người

Trong gần 20 tháng của cuộc chiến, truyền thông quốc tế nói đến Ukraine hầu như hàng ngày.

Nhưng từ hơn một tuần qua, Ukraine đã biến khỏi các trang đầu trên báo, nhường chỗ cho Trung Đông, cho cuộc chiến Israel-Hamas.

Một số điều tra dư luận tại Hoa Kỳ phản ánh việc gió đổi chiều này. 65% người dân Mỹ cho rằng Mỹ nên công khai ủng hộ Israel, và điều đó đúng với đa số cử tri cả hai đảng: 77% Cộng hòa và 69% Dân chủ (NPR 13/10/2023).

Hai cuộc chiến Việt Nam và Ukraine là khác hẳn nhau về bản chất lẫn vai trò của Mỹ, nhưng về góc độ viện trợ thì có những điểm giống nhau, theo GS-TS Nguyễn Tiến Hưng từ Virginia, Hoa Kỳ.

Nhắc lại năm 1973 khi bão tố đến từ Trung Đông sau cuộc chiến Syria và Ai Cập tấn công Israel, ông nói nguồn lực của Mỹ từ Nam Việt Nam đã chuyển sang đổ dồn vào Israel.

Trả lời phỏng vấn của nhà báo Nguyễn Giang, BBC News Tiếng Việt tại London, GS Nguyễn Tiến Hưng, cựu Bộ trưởng trong chính phủ của Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, hiện ở Mỹ, nói về tình hình năm đó, so sánh với ngày hôm nay:

GS Nguyễn Tiến Hưng: Việc Hoa Kỳ sau 1973 chuyển hết sự chú ý và viện trợ sang cho Israel khiến người ta nói là “Nixon đã cứu Israel” (Nixon saved Israel).

Động thái này làm cho Sài Gòn bị hụt hẫng về viện trợ. Trong cuốn Khi Đồng Minh Tháo Chạy, chúng tôi đã đưa ra bằng chứng về việc viện trợ quân sự Mỹ cho VNCH đang từ 2,1 tỷ USD năm 1972/1973 xuống chỉ còn 700 triệu USD cho năm 1974/1975, và ngân khoản 1,4 tỷ USD bị cắt đi đã chạy sang Israel.

Còn hiện nay, tôi đọc báo thấy TT Biden đã tuyên bố rõ ràng: “Mỹ sẽ đứng sát cánh với Israel.” Như thế có thể đoán trước rằng trận chiến dịp Lễ Yom Kippur mùa Thu 2023 có nguy cơ cho Ukraine bị một cú sốc nặng về viện trợ.

Tất nhiên Hoa Kỳ vẫn nói là quyết tâm vì Ukraine nhưng nhìn lại lịch sử VNCH và bối cảnh chính trị, kinh tế của nước Mỹ hiện nay chúng tôi cho rằng cái đà đang tăng mạnh của quân viện Mỹ nói riêng và Phương Tây nói chung cho Ukraine có thể sẽ bị khựng lại nếu xung đột Israel – Hamas lan rộng.

Vì khoản tiền mà Quốc Hội Mỹ đã chấp thuận cho Ukraine chưa tháo khoán hết cho nên ngay trước mắt thì TT Zelensky vẫn còn nhận được viện trợ, như ngày hôm 15/10/2023 Washington tuyên bố ‘tăng’ thêm 725 triệu USD quân viện cho Ukraine.

Do đó, trước mắt ta thấy vào năm 2023 Tổng thống Volodymyr Zelensky không bị sốc nặng như Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu năm 1973. Nhưng nếu Iran, rồi những nước khác trong khối Ả Rập dính líu vào cuộc chiến Israel – Hamas, chuyện gì sẽ xảy ra sau vài tháng nữa, khi 2023 khép lại và 2024 mở ra thì lại là một vấn đề khác: cả về lượng (số tiền viện trợ) cả về phẩm (loại khí giới viện trợ) đối với Kyiv sẽ có thể chuyển hướng.

BBC: Theo ông, vì sao như vậy, có phải vì những lợi thế của Ukraine hiện nay so với VNCH trước đây?

GS Nguyễn Tiến Hưng: Đúng vậy, Ukraine đã có được sự ủng hộ thuần nhất và mạnh mẽ: cả Quốc Hội, cả Hành Pháp đều nhất mực về sự yểm trợ. Cho tới nay thì tại QH, cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều nhất trí, một sự việc rất hiếm hoi. Còn đối với VNCH thì ngược lại, đã phải đối đầu với bi kịch QH Mỹ “chạy làng” (welched) – dùng lời của Bộ Trưởng Quốc phòng James Schlesinger hồi đó. Ta có thể hiểu như sau.

Một là Hoa Kỳ không bị tổn thất về nhân mạng ở Ukraine. Cuộc chiến Việt Nam khác hẳn với cuộc chiến Ukraine cả về bản chất cả về vai trò của Mỹ. Ukraine không đem lại mâu thuẫn trong nội bộ nước Mỹ như biểu tình chống chiến tranh Việt Nam vì tuy Mỹ viện trợ nhưng không đem quân tới Ukraine, cho nên không có tổn thất lớn về nhân mạng Mỹ như ở Việt Nam.

Hai là chỗ đứng của Ukraine đối với quyền lợi của Hoa Kỳ là rất cao vì đối với quyền lợi Mỹ Ukraine 2023 vẫn là tiền đồn của Mỹ ở Âu châu để canh gác cho NATO, ngăn chặn nước Nga của ông Putin. Còn vai trò của VNCH là tiền đồn của “Thế giới tự do” thực ra đã chấm dứt vào năm 1973. Khi Hoa Kỳ mở được cửa Bắc Kinh thì tất phải đóng cửa Sài Gòn, bắt được tay ông Mao thì tất phải buông tay ông Thiệu.

Thứ ba, tôi còn thấy vào thời điểm này, Ukraine còn có thêm một lợi thế khác: Quốc hội Mỹ đã cam kết một ngân khoản lớn là 46,6 tỷ USD cho Ukraine xong rồi, và sự thành công tuy là tương đối của TT Zelensky trong chuyến đi Mỹ để vận động hồi tháng 12/2022 vừa qua. QH đã đồng loạt vỗ tay chào đón.

BBC: Thế nhưng hẳn người Ukraine phải tính đến khả năng tình hình thay đổi bất lợi cho họ, và họ đã và đang tự tăng cường tìm các nguồn vũ khí khác, ngoài Hoa Kỳ, và tự chế tạo, sản xuất vũ khí của mình. Ông đánh giá sao về câu chuyện này?

GS Nguyễn Tiến Hưng: Vâng, tất nhiên là ngoài những lợi thế như trên thì lại có những bất lợi tiềm ẩn với Ukraine. Ta thấy sức mạnh kinh tế, tài chính của cộng đồng người Mỹ gốc Do Thái rất mạnh. Ngoài ra, bảo vệ Israel là nền tảng chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ lâu nay ở Trung Đông. Bởi vậy nếu phải rút các nguồn tài lực từ Ukraine về để giúp Israel thì tôi tin rằng Mỹ sẽ không ngần ngại làm. Nói cách khác, rất có thể chính sách của Mỹ đối với cuộc chiến Israel-Hamas sẽ không còn là một chính sách đối ngoại (foreign policy) mà còn mang tính chất của một chính sách nội địa (domestic policy) của nước Mỹ.

Và sắp tới, điều bất trắc cho Ukraine là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024. Từ trước tới nay, các ứng viên tổng thống Hoa Kỳ đều cam kết ủng hộ Israel để nhận sự ủng hộ của cử tri bảo thủ và của người Mỹ gốc Do Thái. Dù cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào mùa Thu 2024, mùa tranh cử đã bắt đầu diễn ra khi mỗi đảng tuyển chọn ứng cử viên của mình.

Một điều nữa tôi thấy người ta hay quên là Hoa Kỳ có thể đánh giá lại vị thế của mình trong các cuộc xung đột khác nhau dựa trên những cân nhắc chiến lược mở rộng. Ví dụ như nếu chính sách giảm căng thẳng với Moscow trở thành ưu tiên của Mỹ thì tất sẽ ảnh hưởng đến sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Kyiv. Lịch sử cho ta bài học, năm 1973, khi TT Nixon và Cố vấn Kissinger đưa chiến lược “détente” (hòa hoãn) với Liên Xô làm ưu tiên thì nó đã ảnh hưởng sâu rộng tới tài trợ của Mỹ dành cho Sài Gòn.

Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Các tin tức quốc tế khác, kể cả tin về cuộc chiến tại Ukraine, đều đã nhường chỗ cho tình hình bạo lực đẫm máu ở Trung Đông những ngày qua trên truyền thông quốc tế. Trong hình là một quân nhân Ukraine trên cỗ pháo phòng không tự động do Đức sản xuất, tại một cuộc diễn tập quân sự tại Odesa hôm 17/10/2023

BBC: Nhân nói về Ukraine, nhiều bình luận cho rằng chính vì muốn rút dần khỏi Trung Đông để đối đầu với Trung Quốc mà Hoa Kỳ mở ra “lỗ hổng cơ hội” khiến Iran muốn lấp vào, và Hamas ra tay đánh Israel nhằm chống sự biến đổi cán cân liên minh trong vùng trước khi quá muộn. Về phía Hoa Kỳ theo ông nước Mỹ những năm tới có “chịu nổi” việc gánh vác ba mặt trận: Trung Đông, Đông Âu và Đông Á một khi xảy ra khủng hoảng nóng ở Eo biển Đài Loan hay không?

GS Nguyễn Tiến Hưng: Nói đúng ra Mỹ đang phải đối đầu với bốn mặt trận: Trung Đông, Ukraine, Đài Loan và Biển Đông. Theo tôi, Mỹ khó có thể đối đầu với nhiều mặt trận cùng một lúc: từ Thái Bình Dương tới Địa Trung Hải. Một ‘Báo cáo cho QH Mỹ từ Ủy ban Tư thế Chiến lược (Strategic Posture Commission)’ vừa được đưa ra để phân tích tình hình và đi tới kết luận là Mỹ cần phải gấp rút tăng khả năng quân sự thêm nữa vì khó có thể đủ nguồn lực để đối mặt với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan và các vấn đề khác cũng như xung đột ngày càng tồi tệ với Nga, và về việc Nga xâm chiếm Ukraine. Điều này có nghĩa là trong khi chờ đợi để phát triển thêm sức mạnh thì một phần của nguồn lực hiện nay sẽ chảy vào Trung Đông và nguồn lực cho Ukraine sẽ bị vơi đi.

Việc Hoa Kỳ rút chỗ này bù vào chỗ kia là chuyện rất tự nhiên – nguồn lực của nước Mỹ không phải là vô hạn. Nhưng tôi muốn nhắc lại các vai trò của những cá nhân quan trọng. Ở đây là yếu tố Henry Kissinger: khi cuộc chiến Yum Kippur 1973 xảy ra, TT Nixon ra lệnh cho Bộ Quốc Phòng cấp tốc gửi thiết bị và các máy bay cho Do Thái. Bộ trưởng Quốc phòng lúc ấy là James Schlesinger – ông là thầy dạy tôi trên 7 năm ở University of Virginia – cứ chần chừ vì cho rằng nếu chỉ gửi một số lượng nhỏ máy bay thì sẽ gây ít khó khăn hơn đối với Ai Cập, Syria và Liên Xô. Nhưng phản ứng của TT Nixon là “ dù chỉ gửi 3 chiếc máy bay hay 30 máy bay thì cũng vẫn bị chỉ trích”. Cho nên, theo ông viết lại trong hồi ký: “Tôi gọi cho Schlesinger và nói với ông ấy rằng tôi hiểu mối quan tâm của ông ấy… nhưng tôi sẽ chấp nhận hoàn toàn trách nhiệm cá nhân nếu hậu quả của hành động này là nước Mỹ phải cách xa khối Ả Rập và bị cắt nguồn cung cấp dầu lửa.”

Sau đó, Kissinger lại báo cáo rằng, “Có sự bất đồng ý kiến tại Ngũ Giác Đài về việc nên sử dụng loại máy bay nào cho cuộc không vận, tôi hết sức bực tức và nói với Kissinger, “Khốn kiếp, hãy sử dụng mọi chiếc chúng ta có. Hãy bảo họ gửi đi mọi thứ có thể bay được.” (Goddamn it, use every one we have. Tell them to send everything that can fly).

Câu chuyện trên đây cho thấy quyền lực và ảnh hưởng lớn mạnh của Kissinger. Ông luôn ủng hộ Israel và luôn có những “lời khuyên” quan trọng cho lãnh đạo Israel. Vừa mới đây, ngày 12/10/2023 khi Hamas cho biết họ sẽ giết những con tin mà không báo trước nếu Israel tấn công Gaza. Dù ở tuổi 100, Henry Kissinger vẫn tỉnh táo và lên tiếng ngay: “Israel không thể nhượng bộ trước sự đe dọa của Hamas đối với con tin” (Israel can’t yield to Hamas threat to kill hostages).

Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Trưởng phái đoàn thương thuyết của Bắc Việt, ông Lê Đức Thọ (trái) và cố vấn đặc biệt của Tổng thống Hoa Kỳ Nixon ông Henry Kissinger (phải) bắt tay nhau, vài ngày trước khi Hiệp định Paris 1973 được ký kết nhằm tìm giải pháp chấm dứt Cuộc chiến Việt Nam

BBC: Có bài học lịch sử nào nữa từ việc làm đồng minh của Mỹ mà GS muốn kể lại cho bạn đọc BBC?

GS Nguyễn Tiến Hưng: Tôi xin nhắc một chuyện. Đó là trong quan hệ với VNCH, Mỹ thường dùng lý do tham nhũng để cắt viện trợ. Hiện tượng này xảy ra ngay từ thời TT Ngô Đình Diệm (1955-1963). Đến thời TT Nguyễn Văn Thiệu thì chúng tôi được chứng kiến ngay tại Dinh Độc Lập. Từ sau Hiệp Định Paris (27/1/1973), báo chí ở New York, Washington – và một số trong 24 nhật báo ở Sài Gòn – đã nặng lời cáo buộc Chính phủ VNCH là tham nhũng.

Đến mùa Xuân 1975 khi VNCH yêu cầu QH Mỹ vãn hồi số 300 triệu USD bị cắt (làm cho quân đội không còn đủ tiền để mua những thứ cần thiết dù là thuốc men hay băng cứu thương), một phái đoàn QH Mỹ tới Sài Gòn để thẩm định.

Sau khi đi thăm viếng các nơi, phái đoàn trở về Sài Gòn họp với TT Thiệu tại Dinh Độc Lập ngày thứ Sáu 28/2/1975 để đúc kết tình hình. Chúng tôi cùng tham dự để ghi chép và giúp ông về Anh ngữ những khi cần. Ông Thiệu hy vọng rằng sau khi đúc kết tình hình và được hoàn toàn tự do đi mọi nơi, gặp những thành phần lên án chính phủ tham nhũng, v.v… phái đoàn sẽ có ít nhất là một vài phát biểu có chút thiện cảm đối với Miền Nam. Nhưng ngược lại, cuộc họp đã trở nên hết sức căng thẳng. Không thấy phái đoàn nói gì về nhu cầu viện trợ, mà chỉ đặt ra những câu hỏi rất khiêu khích. Tôi còn giữ được cuốn sổ tay ghi lại từng chữ những câu hỏi như: “Ông muốn viện trợ kinh tế mãi sao? Chừng bao lâu nữa?”.

Một câu khác: “Chúng tôi nghĩ rằng viện trợ Hoa Kỳ sẽ tùy thuộc vào một số yếu tố, như việc thả tù binh chính trị, chống tham nhũng… Quý vị đã làm gì cho các vấn đề này? Chúng tôi rất quan tâm.”

Sau gần 50 năm rồi mà mỗi khi nhớ lại cuộc họp này, bộ mặt căng thẳng của TT Thiệu hôm ấy vẫn còn hiện lên rõ ràng trong trí nhớ.

Bây giờ thì tôi lại thấy truyền thông Mỹ và cả một số dân biểu QH cũng đã bắt đầu nói đến chính phủ Kyiv “tham nhũng”. Đài NPR mới hôm 10/10 đưa tin “Một số thành viên trong Quốc Hội cho rằng tham nhũng ở Ukraine là lý do để cắt viện trợ của Mỹ”. Đây là điều ông Zelensky phải suy nghĩ.

BBC: Được biết TT Zelensky gần đây đã đẩy nhanh việc chống tham nhũng, cho sa thải một loạt quan chức, tướng tá quân đội, bắt một số nhà tài phiệt, nhưng liệu tiếp tục kháng chiến chống Nga, ông ta và người Ukraine dân chủ có tin được Hoa Kỳ về lâu dài không?

GS Nguyễn Tiến Hưng: Trước hết xin điểm ra các tuyên bố công khai. Sau khi Quốc hội thông qua dự luật ngân sách mà không có ngân khoản cho Ukraine, TT Biden cho tổ chức một cuộc gọi khẩn cấp với các nhà lãnh đạo thế giới để trấn an họ về việc ông tiếp tục ủng hộ Ukraine.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby cho biết: “Tổng thống tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ Ukraine để nước này tự vệ trong thời gian cần thiết, giống như mọi nhà lãnh đạo khác. Cuộc đàm luận bao gồm các nguyên thủ quốc gia và ngoại trưởng từ Canada, Đức, Ý, Nhật Bản, Ba Lan, Romania, Pháp và Vương quốc Anh, cũng như các nhà lãnh đạo hàng đầu của NATO và Ủy ban châu Âu,” ông nói (trích theo New York Post 3/10/2023).

Khi xung đột Irsrael – Hamas bùng nổ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết tại cuộc họp với các bộ trưởng quốc phòng NATO: “Chúng tôi có thể và sẽ sát cánh cùng Israel, ngay cả khi chúng tôi sát cánh cùng Ukraine.”

Ngoài những tuyên bố công khai của giới chức Hoa Kỳ, cũng có khả năng (dù khộng thể kiểm chứng) là trong hậu trường thì TT Zelensky cũng đã nhận được những cam kết bí mật từ giới lãnh đạo cao cấp nhất, như Bộ trưởng Ngoại giao Antony Blinken hay chính TT Biden, rằng yểm trợ của Mỹ cho Ukraine sẽ tiếp tục.

Nhưng tôi nghĩ rằng TT Zelensky không thể dựa hoàn toàn vào những hứa hẹn này để tính toán chiến lược và phải chuẩn bị cho tình huống tồi tệ nhất.

Nhìn lại VNCH, có ai biết đâu rằng khi bị QH công khai cắt giảm quân viện thì ở hậu trường TT Nixon rồi TT Ford liên tục trấn an TT Thiệu rằng đừng lo, Sài Gòn vẫn tiếp tục nhận được viện trợ. Như lịch sử đã diễn ra: khi VNCH bị tổng tấn công năm 1975 thì đã không nhận được viện trợ mà còn bị cắt đi. Năm 1973 Chính phủ Sài Gòn đã không có cách nào để xoay xở ngoài việc thắt lưng buộc bụng, đẩy mạnh phát triển lúa “Thần Nông” và dùng đòn bảy thuế má để khuyến khích các hãng tìm dầu ngoài khơi phải khai thác dầu cho nhanh. Ngoài ra, dù TT Thiệu đã cố gắng để điều đình với Chính phủ VNDCCH giải pháp hiệp thương giữa Bắc và Nam để đi tới thống nhất trong hòa bình, nhưng đã quá muộn.

Tôi thấy tình thế của Zelensky dù sao vẫn khá hơn, chỉ cần ông ta biết chuẩn bị cho tình huống bết bát nhất, chứ không thể để cho tới khi quá muộn. Vì một khi tình hình đã chuyển mà quốc gia không theo kịp thì thật là thảm kịch. Tôi mong Ukraine đứng vững nhưng kinh nghiệm của thời gian làm việc tại VN lại làm tôi bi quan, khi nghĩ về VNCH. Năm 1973, vào lúc tuyệt vọng TT Thiệu tâm sự với ký giả người Ý Oriano Fallaci rằng “Đôi khi tôi có cảm tưởng như chẳng còn có thể làm gì hơn được nữa ngoài việc cầu Chúa.”

Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng sinh năm 1935 ở Thanh Hóa, từng giữ chức Tổng trưởng (Bộ trưởng) Kế hoạch của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa kiêm cố vấn của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trước 1975 ở Sài Gòn. Ông là tác giả cuốn ‘Khi Đồng minh Tháo chạy’ và là đồng tác giả cuốn The Palace Files- Hồ sơ Dinh Độc Lập, viết cùng Jerrold L. Schecter bằng tiếng Anh. Hiện ông định cư tại Hoa Kỳ.

Bài Liên Quan

Leave a Comment