Tiếp tục loạt bài « Cạnh tranh Ấn – Trung là khó thể tránh », trong phần hai này, Didier Chaudet, nhà nghiên cứu về các vùng Trung – Nam Á, Viện Nghiên cứu Pháp về Trung Á (IFEAC), giải thích tiếp Trung Quốc và Ấn Độ, hai ông khổng lồ tại châu Á, vì những mục tiêu ngoại giao riêng, đang lao vào một cuộc cạnh tranh trong nhiều lĩnh vực. Nhưng đó lại là một cuộc chơi có « tổng bằng không ».
Đăng ngày: 18/10/2023
Ấn Độ để đối phó với Trung Quốc đã có những thay đổi sâu sắc trong chính sách đối ngoại. Khi xích lại gần Mỹ và tham gia nhiều diễn đàn, tổ chức do Trung Quốc chủ xướng, Ấn Độ đang dần từ bỏ chính sách phi liên kết có từ thời thủ tướng Nehru trong những năm 1950. Ông Didier Chaudet giải thích :
Didier Chaudet : Ấn Độ đã từ bỏ dần dần chính sách phi liên kết từ cuối thời kỳ Chiến Tranh Lạnh cuối thập niên 1990 và nhất là với việc ông Narendra Modi lên cầm quyền. Khi ông Modi nắm quyền, Ấn Độ đã đề ra một chính sách đối ngoại mới, một chính sách đối ngoại hậu Chiến Tranh Lạnh, chấp nhận xích lại gần Mỹ, từ bỏ luận điệu phi liên kết, từ bỏ bảo vệ quyền của người Palestine, bảo vệ các nước phương Nam, để có thể củng cố thế mạnh như là một cường quốc lớn, để phát triển kinh tế khi chủ yếu liên kết với Mỹ. Điều này được thấy rõ dưới thời chính quyền Bush, thời kỳ hậu năm 2001, thời điểm chiến tranh chống khủng bố và sự trỗi dậy mạnh mẽ của đảng BJP tại Ấn Độ.
Nhưng điều nghịch lý là Ấn Độ chơi « bắt cá hai tay ». Một mặt, Ấn Độ tham gia Bộ Tứ – QUAD, một diễn đàn an ninh do Mỹ dẫn đầu với sự tham dự của Nhật Bản và Úc nhằm kềm hãm Trung Quốc. Bên cạnh đó, Ấn Độ là một thành viên chính thức không chỉ của nhóm BRICS (quy tụ các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) mà cả trong khối OCS – Tổ chức Hợp tác Thượng Hải do Trung Quốc và Nga thành lập cùng với bốn nước Trung Á khác. Có thể giải thích thế nào về trò chơi « nước đôi » này của Ấn Độ ?
Didier Chaudet : Trên thực tế, Ấn Độ trên hết muốn khẳng định như một đại cường. Quốc gia này sẽ dùng mọi cách để đạt được điều đó dù rằng những phương cách này có vẻ đầy mâu thuẫn. Bộ Tứ – QUAD, mối quan hệ của Ấn Độ với Mỹ, sự hợp tác của nước này với tất cả các kẻ thù của Trung Quốc, bất kể đó là những nước nào, mục tiêu là nhằm có khả năng một lần nữa trở thành trung tâm của châu Á, tăng cường sức mạnh đối phó với Trung Quốc.
Nhưng đồng thời, Ấn Độ không có tầm nhìn tư tưởng về một cuộc Chiến Tranh Lạnh mới. Trên thực tế, đối với nước này, đó thực sự không hẳn là một cuộc chiến tranh lạnh mới, mà là một cuộc cạnh tranh kéo dài hàng thập kỷ, có từ những năm 1940 – 1950 với một nước láng giềng quá hùng mạnh.
Vì vậy, với Ấn Độ, liên kết với BRICS, với Tổ chức Hợp tác Thượng Hải OCS, là một cách để tiếp tục tự khẳng định mình như là một đại cường. Từ chối hậu thuẫn Ukraina là để duy trì các mối quan hệ hữu hảo với Nga, dù rằng Nga đang gần gũi với Trung Quốc, đó cũng là vì lợi ích của Ấn Độ.
Quốc gia này, khi duy trì một mức độ độc lập nhất định với Hoa Kỳ, gởi đi một thông điệp rất rõ ràng đến phương Tây : chúng ta sẽ cùng nhau hợp tác để chống lại Trung Quốc, nhưng chúng tôi chỉ quan tâm riêng đến mối hợp tác này, ngày mai, đừng có tin rằng Ấn Độ sẽ bảo vệ nền dân chủ ở Trung Đông, hoặc đấu tranh cho tự do của Ukraina, điều đó họ không quan tâm. Điều họ quan tâm là trở thành một cường quốc. Trung Quốc là một trở ngại chính, và do vậy, cần dùng mọi cách để đạt được mục tiêu trở thành một đại cường.
Vậy thì tại sao Ấn Độ lại tham gia vào Tổ chức Hợp tác Thượng Hải OCS. Đúng như tên gọi của nó, tổ chức này được truyền cảm hứng nhiều từ Trung Quốc ?
Didier Chaudet : Bởi vì, trên thực tế, vào thời điểm đó, Ấn Độ gia nhập vào Tổ chức Hợp tác Thượng Hải OCS, là nhờ vào sự hậu thuẫn của Nga. Lúc đó Nga muốn giảm bớt tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong tổ chức này, cũng như muốn ngăn chặn Trung Quốc có quá nhiều ảnh hưởng tại Trung Á.
Còn đối với Ấn Độ, khi gia nhập OCS, ngoài việc giúp Nga chống lại Trung Quốc, còn có thể tăng cường ảnh hưởng của New Delhi ở Trung Á nhờ vào diễn đàn này. Khi nhìn lại những cuộc họp gần đây của OCS, những cuộc họp trong năm 2023 này, người ta có cảm giác đó là một sự lãng phí thời gian. Bởi vì Ấn Độ tốn nhiều thời gian chỉ trích Pakistan, rồi Pakistan chỉ trích Ấn Độ và Ấn Độ chỉ trích Trung Quốc về vấn đề đường biên giới. Nói tóm lại, họ đang xa rời tinh thần Thượng Hải và tinh thần hợp tác.
Nhưng khi hoạt động như thế, khi sử dụng một diễn đàn được tổ chức ở Trung Quốc để chỉ trích Trung Quốc, trên thực tế, ở một khía cạnh nào đó Ấn Độ gần như đã thành công trong việc cản trở Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Nếu như Ấn Độ không thể có được một sức ảnh hưởng trước tổ chức này, chí ít Ấn Độ cũng đang gây cản trở, khiến chúng trở nên vô dụng đôi chút.
Năm nay, các cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải khá vô ích. Nếu như điều đó làm cho Bắc Kinh khó chịu, đây quả là một thắng lợi gián tiếp cho Ấn Độ. Mối quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc ngày nay ở mọi cấp độ là một ván cờ có tổng bằng không, nghĩa là khi Trung Quốc thắng thì Ấn Độ thua. Khi Ấn Độ được thì Trung Quốc mất.
Trong sự cạnh tranh này, Trung Quốc và Ấn Độ có vai trò gì trong nhóm BRICS ?
Didier Chaudet : Trên thực tế trong nội bộ nhóm BRICS, Trung Quốc và Ấn Độ có hai tầm nhìn khá khác biệt, nhưng vẫn có thể tương thích tùy theo các tiến triển. Ấn Độ muốn biến BRICS thành một diễn đàn cho các nước phương Nam để rồi sau đó có thể nói chuyện với nhóm G7 (nhóm bảy nền công nghiệp phát triển nhất), với các cường quốc kinh tế lớn, đặc biệt là phương Tây.
Và trong diễn đàn này, Ấn Độ muốn có một hướng đi trung dung bởi vì New Dehli muốn Ấn Độ của ông Narendra Modi ngày nay có một vai trò giống như của cựu thủ tướng Pandit Nehru vào cuối những thập kỷ 1940, đầu thập niên 1950. Ấn Độ ngày nay nói rõ nước này muốn là phát ngôn viên cho châu Á và các nước Nam bán cầu trước phương Tây.
Nhưng vấn đề với cách tiếp cận này, nó bao hàm một hệ thống phân cấp nhất định được đưa ra một cách công khai, nghĩa là các nước phương Nam phải chấp nhận một người Anh Cả và người Anh Cả đó sẽ là Ấn Độ. Cùng lúc phát biểu của Ấn Độ cũng nói rằng « Chúng ta sẽ không đi theo lô-gic đối đầu với phương Tây, chúng ta sẽ cùng nhau sắp xếp dưới sự điều hành của Ấn Độ nếu được, để có thể nói chuyện với phương Tây ».
Cách tiếp cận của Trung Quốc đối với nhóm BRICS khá khác biệt. Đây là lý do vì sao Trung Quốc đã ủng hộ những nước mới gia nhập nhóm BRICS như Ai Cập, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Iran, v.v… Trung Quốc muốn đưa thêm nhiều nước vào BRICS nhằm biến nhóm này thành một khối chống phương Tây, một khối thay thế cho ảnh hưởng của phương Tây. Tất nhiên, cách tiếp cận này đã được Nga hậu thuẫn.
Như vậy, quyết định mở rộng nhóm BRICS được thông báo trong kỳ thượng đỉnh nhóm BRICS trong tháng 8/2023 là một thắng lợi ngoại giao cho Trung Quốc ?
Didier Chaudet : Tôi nghĩ Trung Quốc đã đạt được điều họ muốn nhưng điều đó không có nghĩa là Ấn Độ đã thua bởi vì trên thực tế, trong nội bộ nhóm BRICS trước khi các nước mới gia nhập, nhóm BRICS là không đoàn kết lắm. Đó chẳng qua chỉ là một nhóm có một tầm ảnh hưởng tương đối hạn chế.
Người ta nói nhiều về tiềm năng của nhóm BRICS nhưng thực tế là gì thì chúng ta giờ có thể đặt nghi vấn. Trong nội bộ BRICS, chúng ta có thể chia thành hai phe : Một bên là phe của những nước có nhiều mối quan hệ hữu nghị với phương Tây, như Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và Ấn Độ, những nước rất thường nói chuyện, rất gần gũi với phương Tây và bên kia là những nước chống phương Tây nói chung và Hoa Kỳ nói riêng như các nước Iran, Nga và Trung Quốc.
Nội bộ nhóm BRICS hiện giờ có hai phe. Và việc có hai phe sẽ gây khó khăn cho hoạt động của BRICS như là một nhóm thống nhất. Hơn nữa, đây là lý do vì sao, trước việc cho gia nhập thêm nhiều nước mới, Ấn Độ lúc đầu đã phản đối dự án trước khi đổi ý chấp thuận. Nhưng Ấn Độ không phải là nước duy nhất lúc đầu phản đối. Brazil cũng tỏ ra không mấy chắc chắn, bởi vì nước này cũng có những mối liên hệ kinh tế chặt chẽ không chỉ với Trung Quốc mà với cả Hoa Kỳ.
Vì vậy, Ấn Độ không muốn mất bên này hay bên kia và trong lúc đó với Trung Quốc, chúng ta đang hướng đến một thế giới mà ở đó người ta sẽ phải chọn phe !
Trước một Trung Quốc dồi dào nguồn ngoại tệ, liệu Ấn Độ có những phương cách để cạnh tranh với Trung Quốc ? Mời quý vị đón theo dõi phần cuối cùng của loạt bài « Cạnh tranh Ấn – Trung là khó thể tránh ».