Ngoại giao Trung Quốc mềm mỏng hơn khi ông Tập giải quyết các thách thức trong nước

China

18 tháng 10 2023

Gần đây, Trung Quốc đã có giọng điệu nhẹ nhàng hơn trong cách đối xử với thế giới, trả tự do cho một nhà báo người Úc, mời quân đội Mỹ tham dự một diễn đàn quốc phòng và đồng ý thỏa thuận tái cơ cấu khoản nợ trị giá 4,2 tỷ USD với Sri Lanka,theo Reuters.

Cách tiếp cận hòa giải đối với các đối thủ cũng như các đối tác của Trung Quốc ở các nước đang phát triển được đưa ra khi Chủ tịch Tập Cận Bình đang nỗ lực giải quyết những vấn đề kinh tế nhức nhối nhất nước trong nhiều năm qua.

Mặc dù hoan nghênh Hoa Kỳ khi nước này tập trung vào cuộc khủng hoảng ở Trung Đông, nhưng giọng điệu mới có thể không báo hiệu một sự thay đổi lâu dài và những căng thẳng cũ có thể sẽ sớm tái xuất hiện, các nhà phân tích cho hay.

Hiện tại, Trung Quốc muốn trấn an thế giới rằng hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra bình thường trong lĩnh vực thương mại, Noah Barkin, nhà phân tích của Rhodium Group và chuyên gia về quan hệ đối ngoại của Trung Quốc, nói.

Barkin nói: “Các nhà lãnh đạo của họ muốn trấn an các nhà đầu tư nước ngoài rằng quan hệ với Mỹ và các đồng minh của nước này ở châu Á và châu Âu không phải đang lao dốc một chiều”.

Tuần trước, Trung Quốc đã thả người dẫn chương trình tin tức người Úc Thành Lôi (Cheng Lei), sau khi giam giữ cô suốt 3 năm vì lý do an ninh quốc gia, bước đi mới nhất trong mối quan hệ nồng ấm hơn với Australia và dọn đường cho chuyến thăm của thủ tướng nước này.

Hoa Kỳ đã được mời tham dự một diễn đàn quốc phòng sắp tới ở Bắc Kinh – báo hiệu sự tan băng trong trao đổi quân sự – và ông Tập đã có những lời tử tế dành cho phái đoàn Hoa Kỳ do Thượng nghị sĩ Chuck Schumer dẫn đầu vào tuần trước.

Khi ông Tập chủ trì một diễn đàn trong tuần này đánh dấu kỷ niệm 10 năm Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của ông, Bắc Kinh đã đồng ý với Sri Lanka cơ cấu lại hơn 4 tỷ USD khoản nợ của mình và ký một biên bản ghi nhớ để cơ cấu lại khoản nợ của Zambia. Zambia là quốc gia châu Phi đầu tiên vỡ nợ trong đại dịch Covid-19.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh hy vọng rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể thúc đẩy “trở lại con đường phát triển lành mạnh và ổn định trong quan hệ Mỹ-Trung”.

‘Làm bộ thiện chí’

China
Chụp lại hình ảnh,Lãnh đạo Nga và Trung Quốc đứng giữa, hàng đầu trong nhóm các nhà lãnh đạo dự Hội nghị Sáng kiến Vành đai & Con đường ở Bắc Kinh tuần này

Sự thay đổi ngoại giao của Trung Quốc diễn ra khi những áp lực khác nhau đè nặng lên Tập Cận Bình, bao gồm cả suy thoái kinh tế, vốn ngày càng trở nên trầm trọng hơn do tháo chạy vốn, khủng hoảng tài sản và tỷ lệ thất nghiệp cao ở thanh niên.

Willy Lam, thành viên cấp cao tại tổ chức nghiên cứu Jamestown Foundation của Hoa Kỳ, cho biết: “Tập Cận Bình đang làm lành với các cường quốc phương Tây nhằm giảm tốc độ các công ty đa quốc gia rời khỏi Trung Quốc, nhằm chống lại việc Trung Quốc bị cắt khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Trung Quốc không hề thay đổi giọng điệu trong mọi vấn đề. Nước này đã không lùi bước trước cuộc đối đầu hàng hải leo thang với Philippines ở Biển Đông.

Nhưng đồng thời, Trung Quốc muốn tăng cường quan hệ chính trị và thương mại với các nước đang phát triển, vì cả lý do kinh tế và như một phần trong nỗ lực thúc đẩy một trật tự thế giới đa cực bao gồm cả các nước Nam Mỹ, châu Phi và châu Á.

Trung Quốc muốn phản bác ý kiến cho rằng BRI – kế hoạch kết nối châu Á với châu Phi và châu Âu thông qua cơ sở hạ tầng và các khoản đầu tư khác – là một hình thức “ngoại giao bẫy nợ”, khiến các khoản vay mà một số quốc gia không thể trả được.

Những nhượng bộ về nợ đối với Sri Lanka và Zambia có thể giúp ích.

Huiyao Wang, chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết: “Mục đích của BRI luôn là giúp đỡ các nước đang phát triển”, đồng thời cho biết thêm rằng dự án này nên được coi giống như Kế hoạch Marshall – kế hoạch của Mỹ hậu Thế chiến thứ hai,nhằm tái thiết châu Âu – dành cho các nước đang phát triển. Ông nói thêm rằng nước này “rất coi trọng sự hợp tác với các nước đang phát triển.”

Về mặt chính trị, sự biến mất của Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương và Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc đã làm phức tạp thêm nỗ lực của Tập Cận Bình nhằm tập trung nỗ lực vào chính sách đối ngoại và an ninh nhằm đối phó với sự cạnh tranh ngày càng tăng của nước này với Mỹ.

Việc ổn định mối quan hệ với Mỹ, bao gồm cả cuộc gặp giữa ông Tập và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại hội nghị thượng đỉnh châu Á-Thái Bình Dương sắp tới, có thể giúp Trung Quốc có thêm không gian để thở.

Nhưng với cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ vào năm tới và khả năng Donald Trump trở lại làm tổng thống, một số người cho rằng Biden có rất ít cơ hội để nhượng bộ nhiều – đặc biệt là về các vấn đề cốt lõi của Trung Quốc, trong đó có việc Hoa Kỳ hạn chế xuất khẩu chất bán dẫn và thuế quan thương mại.

Bất kỳ cuộc tập trận quân sự nào của Trung Quốc trước cuộc bầu cử tháng 1 ở Đài Loan cũng sẽ tạo ra xích mích với phương Tây.

“Những căng thẳng cơ bản trong mối quan hệ vẫn còn và đây chỉ là sự cải thiện tạm thời, có khả năng kéo theo gần như ngay lập tức một đợt suy thoái khác,” Zack Cooper, chuyên gia về quan hệ Mỹ-Trung và thành viên cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Mỹ ở Washington, cho biết.

Bài Liên Quan

Leave a Comment