Đăng ngày: 18/10/2023
Tại Pháp, khoảng 6 % dân nhập cư là đến từ các nước Đông Á và Đông Nam Á như Việt Nam, Lào, Thái Lan, Cam Bốt… Mặc dù có những điểm gần gũi về mặt văn hóa, phong tục hay tín ngưỡng, dân nhập cư từ mỗi nước lại có một trang sử riêng, hành trình nhập cư đến Pháp cũng khác biệt, từ giai đoạn thuộc địa đến thời Chiến tranh Lạnh.
Qua triển lãm “Nhập cư từ Đông Á và Đông Nam Á từ năm 1860”, Bảo tàng lịch sử nhập cư quốc gia Pháp đã vẽ lại chặng đường lịch sử 150 năm về những người di cư từ khu vực này đến Pháp, vốn ít được biết đến.
Triển lãm từ ngày 10/10/2023 đến ngày 18/02/2024 không chỉ nói về những chặng đường chung, đại diện cho hàng triệu người từ hàng thập kỉ qua, mà còn tập trung vào chặng đường của những cá nhân riêng biệt, những đồ vật, ấn phẩm cũng như lời chứng, như sợi chỉ đỏ dẫn dắt người xem đi ngược về quá khứ. Nhân dịp này, RFI Tiếng Việt đã phỏng vấn bà Émilie Gandon, giám tuyển của triển lãm tại Bảo tàng lịch sử nhập cư quốc gia Pháp (Musée national de l’histoire de l’immigration).
RFI : Qua những bức ảnh tư liệu từ cuối những năm 1860, cho đến những vật dụng cá nhân của gia đình Lý Cường đã đến nhập cư tại Pháp ra sao, hay bức tranh của vua Hàm Nghi. Bảo tàng đã mất bao lâu để chuẩn bị một triển lãm như vậy ?
Hai năm vừa qua, chúng tôi đã nghiên cứu rất nhiều để tìm ra các tác phẩm, tài liệu, hay những vật dụng có thể giúp chúng tôi kể lại câu chuyện này. Một số tư liệu, vật dụng là chúng tôi mượn từ những bảo tàng khác ở Pháp. Chúng tôi cũng đã đăng tin kêu gọi mọi người tham gia đóng góp cho triển lãm, mời những cá nhân, hiệp hội, đề xuất cho chúng tôi những đồ vật, các bức ảnh gia đình, hay những lời chứng, để câu chuyện được kể từ những người đã từng trải. Như vậy, chúng tôi có thể kể lại câu chuyện dài này theo dòng lịch sử, qua những câu chuyện nhỏ, những chặng đường đặc biệt của những cá nhân hay các gia đình. Đó là những người thực sự là hiện thân cho câu chuyện lịch sử mang tính phổ quát.
RFI : Tại sao lại chọn mốc thời gian 1860? Trong quá trình nghiên cứu tìm kiếm thông tin để chuẩn bị triển lãm, bảo tàng có gặp khó khăn nào hay không ?
Triển lãm giới thiệu lịch sử nhập cư từ Đông Á và Đông Nam Á vào Pháp từ năm 1860. Đó cũng là thời điểm kết thúc Chiến tranh Nha Phiến (guerre de l’opium), đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử quan hệ giữa Pháp và châu Á, cũng như sự mở cửa của Trung Quốc và Nhật Bản với Phương Tây và sự khởi đầu của chế độ thuộc địa của Pháp ở Nam Kỳ, miền nam Việt Nam.
Chúng tôi chọn khu vực này làm phạm vi địa lý vì nhiều lý do. Đầu tiên là vì các dòng di cư đã tồn tại lâu đời giữa các quốc gia châu Á này. Sau đó là ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Đông Á và Đông Nam Á trong thời gian dài, về mặt lịch sử cũng như văn minh. Cuối cùng là sự phân biệt chủng tộc mà những người đến từ khu vực này đã phải trải qua khi sinh sống trong xã hội Pháp. Khó khăn mà chúng tôi gặp phải, cũng như trong các triển lãm khác, đó là chọn đồ vật hay câu chuyện nào phù hợp nhất để giới thiệu với công chúng. Làm sao để có thể có được sự đồng cảm từ người tham quan, khiến họ có thể thấy mình trong câu chuyện đó, cũng như là để tiếng nói của những người liên quan trực tiếp đến câu chuyện này được phổ biến rộng rãi.
RFI : Triển lãm cũng dành một góc không nhỏ cho những người lính thợ từ Đông Dương, đến Pháp lao động, hoặc chiến đấu trong các cuộc chiến tranh thế giới, từ đồng phục cho đến những vật dụng lao động, những bức thư tay, thẻ định danh, hay những thước phim tư liệu mà các lính thợ làm việc tại các nhà máy than. Thế nhưng, trong lịch sử Pháp, số phận của những người lính thợ này lại ít người biết đến ?
Đúng là trong triển lãm, chúng tôi muốn làm nổi bật câu chuyện của những người lính Lê Dương, lính thợ Đông Dương đến từ Việt Nam, Lào, Cam Bốt, cách mà họ bị trưng dụng, đa số là bị cưỡng bức tham gia vào Đệ Nhất và Đệ Nhị Thế Chiến. Họ thường được giao cho những nhiệm vụ ở hậu phương, làm việc trong các nhà máy sản xuất thuốc súng, hay xưởng sản xuất máy bay.
Đúng là dù đã có nhiều triển lãm hay nghiên cứu để làm sáng tỏ, nhưng những câu chuyện này vẫn không được nhiều người biết đến tại Pháp. Những năm gần đây, chúng tôi đã đề cập đến nhiều hơn, chúng tôi cố gắng sửa chữa những điều bị lãng quên về sự tham gia của những lao động thời thuộc địa, lực lượng hỗ trợ chiến tranh. Ví dụ như câu chuyện về những lính Senegal, gần đây đã được chuyển thể thành phim và dần được nhiều người biết đến. Thế nhưng, ngày nay, câu chuyện của các lính thợ đến từ thuộc địa của Pháp ở châu Á và Đông Dương thì vẫn nằm trong bóng tối. Do vậy, nhiệm vụ của chúng tôi là làm sao để câu chuyện này được biết đến, phổ biến nhiều hơn.
RFI : Triển lãm cũng dành một gian lớn về giai đoạn nhập cư với những đoạn video của những nhân chứng kể về quá trình nhập cư vào Pháp của người tị nạn từ Việt Nam Lào Cam Bốt dưới thời chiến tranh Lạnh ?
Những người tị nạn từ Đông Nam Á đến các nước phương Tây chủ yếu là từ những năm 70 đến giữa những năm 1990. Tại triển lãm, chúng tôi giới thiệu tới công chúng một phong trào di cư lớn, rất quan trọng. Phủ Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc ước tích rằng từ 1975 đến 1995 có khoảng 3 triệu người tị nạn rời khỏi Việt Nam, Lào, Cam Bốt. Hơn 1 triệu người xin tị nạn tại các nước phương Tây, trong đó, Pháp tiếp đón khoảng 130.000 người. Pháp là quốc gia tiếp đón lớn thứ hai những người tị nạn này, sau Hoa Kỳ. Vào những năm 1970, số phận của những người tị nạn từ khu vực này được truyền thông cũng như giới trí thức truyền tải rộng rãi. Nhiều hình ảnh về những thuyền nhân được đăng khắp các báo, có những thuyền nhân đã bỏ mạng trên biển.. Những hình ảnh đó đã gây phẫn nộ, thu hút sự chú ý của cộng đồng các nước phương Tây. Thời điểm đó, chúng ta đã chứng kiến nỗ lực của cả thế giới để hỗ trợ những người tị nạn này, từ Phủ Cao Ủy Tị Nạn LHQ cho đến nỗ lực của các nước và tương trợ của các tổ chức để tiếp đón họ.
Tại sao gian cuối của triển lãm lại đề cập đến vấn đề phân biệt chủng tộc mà cộng đồng nhập cư từ khu vực này gặp phải ở Pháp ?
Đúng là vấn đề phân biệt chủng tộc, định kiến đối với cộng đồng người châu Á tại Pháp là một chủ đề trọng tâm trong triển lãm. Chúng tôi muốn chỉ ra rằng, những người gốc châu Á, dù là đến từ Việt Nam, Trung Quốc, hay Lào, Cam Bốt, đều phải chịu đựng những định kiến mang tính khuôn mẫu. Đó là một vấn đề lớn mà chúng tôi muốn nêu ra tại triển lãm. Những định kiến rập khuôn đó luôn luôn tồn tại, cách mà chúng xuất hiện trong quá khứ và xuất hiện trở lại thường xuyên. Chúng tôi lấy ví dụ về “péril jaune” – hiểm họa da vàng, xuất hiện từ thế kỉ 19 và cụm từ mang tính kỳ thị người da vàng này xuất hiện trở lại tại Pháp trong thời gian đại dịch Covid-19 do virus corona bắt nguồn từ Trung Quốc. Tại triển lãm, chúng tôi cũng muốn chỉ ra các cuộc huy động ngày nay chống những hành động kỳ thị sắc tộc ra sao. Đó là sợi chỉ thời gian từ những năm 1980 đến nay. Chúng tôi nêu ra các cuộc biểu tình chống kỳ thị chủng tộc tại Pháp, cũng như các sáng kiến nhằm thúc đẩy sự hiện diện của cộng đồng người châu Á tại Pháp.