Đăng ngày: 19/10/2023
Vào nửa đầu tháng 9/2023, Tòa Thánh đã có nhiều hoạt động hướng về Trung Quốc. Bắt đầu là chuyến viếng thăm Mông Cổ, một nước bên cạnh Trung Quốc, của Đức giáo hoàng Phanxicô từ ngày 01-04/09/2023 và tiếp đó là chuyến viếng thăm của đức hồng y Matteo Zuppi đến Trung Quốc từ ngày 13-15/09.
Tòa Thánh đã có nhiều thông điệp gởi đến các nhà lãnh đạo và nhân dân Trung Quốc, nhưng đều nhận được sự « lãnh đạm thờ ơ » từ Bắc Kinh. Vậy Trung Quốc có thực sự không quan tâm đến chuyến viếng thăm mang tính chất nhân đạo này của người đại diện Tòa Thánh?
Linh mục Phạm Hoàng Dũng từ Liège, Bỉ có bài phân tích.
Thái độ “làm ngơ” của Trung Quốc
Trung Quốc hiện đang trải qua một giai đoạn khó khăn toàn diện. Nền kinh tế đang lâm vào khủng hoảng. Nội bộ giới lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc cũng đang có sự chuyển đổi bất thường và cho thấy sự bất ổn trong nội bộ Đảng. Tuy nhiên, vị thế của Trung Quốc như một cường quốc đối trọng với Hoa Kỳ và Liên Âu là không thể phủ nhận.
Giữa Trung Quốc và Nga có mối quan hệ sâu sắc từ lâu. Trong cuộc chiến giữa Nga và Ukraina, Trung Quốc luôn tỏ lập trường “lừng chừng” để vừa không làm mất lòng Nga, mà cũng không đánh mất cơ hội của mình với vị thế của một nước lớn khi mà Ukraina ngày càng tiến tới việc giành lại những phần lãnh thổ bị xâm chiếm.
Thế nên, câu trả lời với hãng Reuters từ người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Mao Ninh “hiện nay tôi không biết tin tức gì về vấn đề này” vào ngày 12/09/2023, một ngày trước chuyến thăm Bắc Kinh của đức hồng y Matteo Zuppi, chỉ là một cách tránh né, không muốn đề cập đến những vấn đề gọi là nhạy cảm. Điều này khiến người ta ngầm hiểu rằng, một người của Giáo hội Công Giáo thì sẽ chỉ đến Trung Quốc với những vấn đề nội bộ thuần tuý tôn giáo.
Bối cảnh của chuyến đi
Đức hồng y Matteo Zuppi, chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, đến Bắc Kinh lần này là trạm dừng chân thứ tư trong chuyến hành trình làm sứ giả của đức giáo hoàng Phanxicô với nhiệm vụ thuyết phục các bên hạ vũ khí trong cuộc chiến Nga – Ukraina. Đây là “sứ mệnh ngoại giao nhân đạo” mà các bên tham chiến (Nga, Ukraina) hay các cường quốc đứng sau như (Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc) mong muốn Tòa Thánh nắm giữ.
Ngài đã đến Kiev ngày 06/06, khởi đầu cho cuộc tìm kiếm “một nền hòa bình công bằng và bền vững”. Sau đó là chuyến đi đến Nga hồi cuối tháng Sáu (28-29/06), “sứ mệnh ngoại giao nhân đạo” nhằm hồi hương các trẻ em Ukraina bị bắt cóc sang Nga.
Tháng Bảy (17-19/07), ngài đã gặp và trao lá thư của đức giáo hoàng Phanxicô cho tổng thống Joe Biden đề cập đến việc chuyển giao những loại vũ khí bị cấm sử dụng như bom chùm. Chuyến đi Bắc Kinh này là nhằm tìm kiếm và đưa Trung Quốc tham dự và giữ vai trò của mình trong việc kết thúc cuộc chiến ở Ukraina.
Tuy nhiên, các bên đều không muốn Tòa Thánh giữ vai trò trung gian về ngoại giao và chính trị trong cuộc thương lượng này.
Nền ngoại giao quốc tế đã nhận thấy sự “hội tụ” giữa Tòa Thánh và Trung Quốc – mặc dù có những động cơ rất khác nhau – về cuộc chiến ở Ukraina : Cả hai đều vô tư về mặt chính trị – nghĩa là cả hai đều không có khuynh hướng nhắm tới chiến thắng của bên này hay bên kia – họ đánh giá cuộc xung đột đang diễn ra một cách tiêu cực (với việc giáo hoàng luôn lên án hành động xâm lược quân sự của Nga) và hy vọng rằng nó sẽ kết thúc càng sớm càng tốt. Do đó, cả hai đều sẵn sàng hợp tác trong các sáng kiến hòa bình.
Một số dấu hiệu cho thấy đây không phải là những suy đoán viễn vong: Chính quyền Trung Quốc đã theo dõi chuyến đi của đức giáo hoàng Phanxicô tới Mông Cổ và những đề cập của ngài đến Trung Quốc một cách rất cẩn thận và theo một cách hoàn toàn bất thường. Truyền hình Trung Quốc đã phát sóng một đoạn phim ngắn với những lời của Đức Thánh Cha về mối quan hệ với Trung Quốc.
Sự “hội tụ” đặc biệt này khẳng định tầm quan trọng của việc theo đuổi đối thoại ngay cả với những người ở xa và cho thấy rằng ngày nay, trong khi sự cân bằng thế giới đang thay đổi sâu sắc, những cách tiếp cận hòa bình cũng có thể được tìm thấy ở những nơi mà người ta không mong đợi. Các hình thức hợp tác đa phương trong truyền thống đang gặp khủng hoảng và việc tìm kiếm các hình thức chủ nghĩa đa phương mới để ngăn chặn xu hướng tàn khốc sử dụng chiến tranh như một công cụ thông thường để giải quyết xung đột là điều cấp thiết.
Hồ sơ đem đến Bắc Kinh
Qua việc tiếp đón đức hồng y Zuppi, Bắc Kinh thừa nhận rằng Tòa Thánh có thể là một tác nhân quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế lớn đòi hỏi nỗ lực chung. Nhưng trong thực tế, hoàn toàn không có một lịch trình hay một hồ sơ cụ thể cũng như những vấn đề cụ thể cần giải quyết để các bên có thể cùng ngồi lại thương thuyết. Ngoài hai hồ sơ đã được thực hiện ở Matxcơva: hồi hương trẻ em Ukraina và mở lại con đường vận chuyển ngũ cốc. Điều này hoàn toàn có lợi cho Trung Quốc vì đây là nước mua nhiều lúa mỳ của Ukraina.
Đối diện với bậc thầy trong thuật kiên nhẫn
Chưa từng bao giờ có chuyện sứ giả của giáo hoàng được chào đón ở Bắc Kinh để nói về các vấn đề chính trị. Lãnh đạo họ Tập đã mệt mỏi với cuộc chiến của Nga : Để đưa đất nước ra khỏi cơn khủng hoảng hiện tại, ông cần đến Hoa Kỳ và châu Âu. Khi hợp tác với Tòa thánh nhằm hướng tới một “nền hòa bình công bằng” ở Ukraina mà không gây hậu quả với các đồng minh. Thế nên, sứ mệnh của đức hồng y Matteo Zuppi đến Trung Quốc phù hợp với khuôn khổ này. Đặc phái viên của giáo hoàng không mang đến Bắc Kinh một kế hoạch định sẵn, mà thay vào đó ngài dệt nên một mạng lưới các mối quan hệ đa phương.
Tại Kiev, Matxcơva, Washington, và bây giờ là Bắc Kinh, tổng giám mục Bologna đang tiến hành tiến trình hòa giải nhân đạo, để đưa những đứa trẻ bị bắt cóc sang Nga trở về Ukraina và tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi tù binh. Đức hồng y sẽ gặp Lý Huy (Li Hui), đặc phái viên về các vấn đề Á – Âu, người trong những tháng gần đây đã tham gia vào một chuyến công du ngoại giao đến Kiev, Vacxava, Paris, Bruxelles, Matxcơva và gần đây nhất là đến Jeddah,để tìm giải pháp cho cuộc xung đột đã đưa ông
Từ hội nghị thượng đỉnh Jeddah đến cuộc gặp với đức hồng y Zuppi, Bắc Kinh đã cho thấy một chính ngoại giao mới về cuộc chiến ở Ukraina và tỏ ra họ là Bậc thầy trong nghệ thuật kiên nhẫn, dù rất háo hức – bất chấp tất cả những hành động cân bằng khó khăn mà nước này phải tính đến – rằng giờ đây sẽ đạt được một giải pháp cho cuộc xung đột ở Ukraina.
Từ đầu cuộc chiến đến nay, Trung Quốc đã dần thay đổi lập trường, cân bằng lại giọng điệu và hành động, đồng thời tiếp tục công khai phô trương mối quan hệ với Matxcơva, thay đổi quỹ đạo từng bước nhỏ. Hội nghị thượng đỉnh Jeddah cách đây một tháng rưỡi đã chứng minh điều này. Và nó vẫn chưa được đưa ra ánh sáng ngay cả bây giờ, sau khi tiếp đón đặc phái viên của giáo hoàng, đức hồng y Matteo Zuppi, tại Bắc Kinh.
Zuppi nói với Tv2000 : “Một cuộc thảo luận thẳng thắn” với Lý Huy, người phụ trách hồ sơ của chủ tịch Tập, “với một cuộc trao đổi quan điểm quan trọng về triển vọng cho tương lai”. Các cuộc đàm phán rất có ý nghĩa trong bối cảnh Trung Quốc và Tòa Thánh không có quan hệ ngoại giao và vẫn bất đồng về việc bổ nhiệm các giám mục.
Bắc Kinh muốn đạt được gì từ chuyến thăm của Zuppi?
Đây chắc chắn là một sứ mệnh thú vị, vì Trung Quốc công nhận vai trò “chính trị và ngoại giao” của Vatican trong chiến tranh Ukraina. Theo nghĩa này, đây là một dấu hiệu rất hữu ích về mức độ quan tâm mà Trung Quốc dành cho Vatican.
Hồi tháng 2/2023, Trung Quốc đã đưa ra một “kế hoạch hòa bình“, mặc dù nhiều người coi đó là một cử chỉ mang tính biểu tượng do tài liệu này hết sức mơ hồ.
Lúc này, quả bóng ngoại giao đang lăn, nên Trung Quốc muốn tham gia với bất kể vị trí nắm giữ trên sân là gì. Tuyên bố lập trường trong trường hợp này đang chứng tỏ sự hữu ích vì nó quy định vai trò tiềm năng của Trung Quốc. Vatican, ở một khía cạnh nào đó, đang mang lại lợi ích cho Bắc Kinh: Đưa Trung Quốc vào danh sách các nơi cần lấy ý kiến, tức là giúp Trung Quốc được “ra sân”.
Do đó, trên thực tế, Tòa Thánh đang tạo nên một sức nặng cho Trung Quốc mà có lẽ các quốc gia khác không muốn trao cho Trung Quốc. Bản thân Nga cũng không thực sự bị thuyết phục về vai trò của Trung Quốc trong sứ mệnh hòa bình ở Ukraina. Vì vậy, trong nhiều khía cạnh, đây thực sự là một ân huệ mà Vatican đem lại cho Trung Quốc.
Trung Quốc sẽ gây áp lực lên Nga ?
Người ta sẽ cho rằng Tòa Thánh muốn – hoặc có thể – đạt được điều gì từ chuyến thăm của Zuppi. Điều đó có thể là Trung Quốc sẽ gây áp lực lên Nga để đạt được hòa bình. Vatican đang cố gắng bằng mọi cách để tìm ra con đường cho phép đạt được hòa bình. Nhưng liệu những áp lực đó có thể trở thành hiện thực ?
Trên thực tế, Trung Quốc không muốn “gây áp lực” với Nga và Nga cũng không sẵn sàng chấp nhận áp lực từ Trung Quốc. Mối tương quan giữa Trung Quốc và Nga rất rất tế nhị. Hai nước rất thận trọng trong lập trường của mỗi bên đối với nhau. Vì vậy, trên thực tế, hồng y Zuppi không thể đạt được nhiều thành tựu. Nhưng điều thú vị là quả bóng vẫn tiếp tục lăn.
Liệu Vatican có đã sử dụng chuyến thăm này để giải quyết nhiều vấn đề song phương hay không ? Chẳng hạn như việc đơn phương bổ nhiệm giám mục Thượng Hải.
Tuyệt đối Không. Vatican có một cơ cấu nghiêm túc: Luôn phân biệt các thẩm quyền. Các vấn đề song phương – như Đức Thánh Cha cũng đã nói – được giao phó cho Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và đức hồng y Pietro Parolin. Đối với những ai không thông hiểu hoạt động ngoại giáo của Toà Thánh nói chung và cách riêng giữa Vatican và Trung Quốc trong trường hợp này, cần phải biết nhiệm vụ của đức hồng y Zuppi là không đề cập đến các vấn đề song phương Vatican – Trung Quốc.
Sứ mệnh của đức hồng y Zuppi ở Bắc Kinh là lôi kéo những bên liên quan ra sân trên mặt trận ngoại giao vì hòa bình, Ngài kết luận khi trở về Roma, “quả bóng giờ đây không chỉ ở phía sân Ukraina nữa. Mọi người đều phải chơi. Ukraina đã chơi và cũng đã đưa ra đề xuất của mình. Trên thực tế, mọi người đều phải chơi vì hòa bình.”
Và thực sự chuyến đi Bắc Kinh của đức hồng y Matteo Zuppi đã đạt được thành công khi lôi kéo một nước Trung Quốc vào cuộc chơi vì hòa bình của Ukraina. Ba ngày sau chuyến đi Bắc Kinh của đức hồng y Zuppi, ngoại trưởng Vương Nghị của Trung Quốc đã đến Matxcơva. Về phần mình, ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov cũng đã sẵn sàng tiếp đón vị đại diện của đức giáo hoàng Phanxicô trong thời gian tới.
RFI