- Duy Lê
19 tháng 10, 2023
Một người đàn ông bế thi thể đứa trẻ thiệt mạng trong cuộc không kích hôm 18 Tháng Mười 2023 tại Khan Yunis, Gaza. (ảnh: Ahmad Hasaballah/Getty Images)
Hàng trăm người tụ họp cầu nguyện, thương tiếc cậu bé 6 tuổi người Mỹ gốc Palestine bị đâm chết gần Chicago, chỉ vì con là người Hồi giáo.
Tại sân bóng rổ ở Plainfield, Illinois, nơi bé Wadea Al-Fayoume, 6 tuổi, rất mê môn thể thao này, mọi người cầu nguyện cho linh hồn cháu, một cậu bé người Mỹ gốc Palestine.
Những bức ảnh của cậu bé được trưng bày đầy trên sân, miệng nở nụ cười tươi, rất ngây thơ, trong trắng, khiến ai nhìn thấy cũng không cầm được nước mắt.
Cha của cậu bé, Oday Al-Fayoume, nói ngắn gọn với mọi người bằng tiếng Ả Rập, giải thích rằng ông đã học được rất nhiều tiếng Anh từ con trai mình. “Wadea đi rồi, ai dạy tiếng Anh cho tôi đây!” người cha đau buồn kêu lên, vào ngày sau khi con trai được chôn cất.
Nhưng có một chi tiết anh muốn mọi người biết. Ông chỉ vào một bức ảnh hiện được chia sẻ rộng rãi về con trai mình khi đang mừng sinh nhật vài ngày trước khi bị giết và hỏi: “Bạn có biết Wadea đang làm gì trong bức ảnh này không? Nó đang đợi tôi hoàn thành ghép nửa trái tim vào bàn tay có sẵn nửa trái tim của nó đấy!,” người cha nói, giơ tay lên và uốn cong các ngón tay để hoàn thành hình trái tim.
Văn phòng Cảnh sát trưởng Will County cho biết Wadea bị người chủ nhà đâm 26 nhát tại nhà vào Thứ Bảy. Mẹ của cậu bé, Hanaan Shahin, 32 tuổi, cũng bị đâm hơn chục nhát dao, nhưng còn sống sót, nhà chức trách cho biết.
Văn phòng cảnh sát trưởng cho biết hai mẹ con bị nghi phạm nhắm tới để triệt hạ, vì họ theo đạo Hồi và vì cuộc xung đột đang diễn ra ở Trung Đông liên quan đến Hamas và người Israel.
Nghi phạm 71 tuổi, bị buộc tội giết người cùng nhiều tội danh khác. Vụ tấn công cũng đang được Bộ Tư pháp điều tra như một tội ác của lòng thù hận.
Theo văn phòng của Hội đồng Quan hệ Mỹ-Hồi giáo ở Chicago, cậu bé Wadea được sinh ra ở Mỹ. Juhie Faheem, thành viên Ban Y tế Tâm thần Will County, cho biết: “Những gì bạn nhìn thấy là một cậu bé Mỹ con, cháu bé không hề đeo biển hiệu hay vòng cổ cho rằng cháu là người Hồi giáo. Cháu luôn nở nụ cười trên môi, rất đáng yêu và không có lý do gì để bị ghét bỏ.”
Một số trẻ em đã tham dự buổi cầu nguyện, trong đó có một cậu bé giơ tấm biển có dòng chữ “Cháu không phải là mối đe dọa” (I am not a threat) với hình vẽ màu cờ Palestine.
Cynthia Glass, mẹ của người bạn thân nhất của Wadea, nói trong nước mắt, rằng từ giờ, hai đứa trẻ không còn được chơi với nhau nữa; không bao giờ được ngồi cạnh nhau trong lớp nữa, và không bao giờ được đi lên xe buýt cùng nhau nữa.
Buổi cầu nguyện có những giây phút im lặng, do Imam Hassan Aly chủ trì.
“Wadea có nghĩa là hòa bình, nhưng cháu đã không được sống trong hòa bình ở thế giới này,” Aly nói. “Nhưng chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng giờ đây cháu bé đã được yên nghỉ trong hòa bình vĩnh cửu, bên cạnh những đứa trẻ khác ở Gaza, cũng như những trẻ em và thường dân vô tội khác, phải chết vì bạo lực.”
Xung đột Hamas – Israel đã giết chết nhiều em bé ở Dải Gaza, trong khi gia đình của các bé cũng mất nhà cửa, người chết không được an táng, người sống trong cảnh thiếu thốn vì lệnh phong tỏa, và phập phồng lo sợ không biết bao giờ đến phiên mình.
Giữa giao tranh, người Palestine ở Dải Gaza trú ẩn trong các trường học do cơ quan cứu trợ của Liên Hợp Quốc (UNRWA) điều hành. Nhưng có những đứa trẻ nói rằng trú ẩn trong trường học cũng không an toàn. “Mảnh tên lửa rơi khắp nơi, cháu sợ lắm, lúc chạy loạn trong đêm tối, cháu sợ không được nhìn thấy ông bà, cha mẹ nữa,” Haneen, 16 tuổi, nói.
Đêm 17 Tháng Mười , xung đột ở Dải Gaza tăng nhiệt khi bệnh viện Al-Ahli ở miền trung bị tập kích, khiến ít nhất 500 người thiệt mạng và rất nhiều người bị thương, trong số thương vong có nhiều trẻ em.
Cùng ngày, Lực lượng Hamas đang kiểm soát Dải Gaza cho biết ít nhất 940 trẻ nhỏ ở dải đất này đã thiệt mạng từ khi giao tranh nổ ra. Theo Al Jazeera, ở Dải Gaza chỉ có 2.3 triệu dân, khoảng một nửa dân số dưới 18 tuổi.
Mấy ngày qua, người dân và trẻ em ở Dải Gaza sống trong tình cảnh thiếu điện, nước cùng các nhu yếu phẩm, các em phải mang theo can để lấy nước sinh hoạt. Nguồn nước cạn kiệt đến mức nhiều người dân ở khu vực phải nhịn tắm, để lấy nước mà uống.
Hamas – Israel đang đổ lỗi cho nhau, trong khi các quốc gia và các tổ chức trên thế giới lên án hành động này. Nhưng bom vẫn rơi, đạn vẫn nổ, và sinh mạng của người dân vẫn bị đe dọa từng giờ từng phút, trong đó có biết bao trẻ em vô tội.