Trung Quốc âm mưu thống trị các vùng biển sâu có nhiều khoáng sản quý

Kexue, một trong những con tàu chuyên thăm dò biển sâu của Trung Quốc (ảnh: CFOTO/Future Publishing via Getty Images)

Mục tiêu của Bắc Kinh là kiểm soát các nguồn lực cần thiết cho công nghệ thế hệ tiếp theo, gồm cả các hệ thống vũ khí tiên tiến. Ở mọi ngóc ngách của Trái đất, Bắc Kinh đang âm thầm đặt nền móng cho “trật tự quốc tế mới” kiểu Trung Quốc (TQ).

Tăng tốc chiếm hữu đáy biển trước khi các nước khác kịp trở tay

Khi Dayang Hao nặng 5,100 tấn, một trong những tàu thám hiểm nước sâu tiên tiến nhất của TQ, rời cảng phía Nam Thượng Hải cách nay hai tháng, một biểu ngữ màu đỏ và trắng thường dùng khi đảng Cộng sản TQ cần “lên dây cót” tinh thần đã nhắc nhở thủy thủ đoàn về sứ mệnh cao cả của họ: “Nỗ lực, khám phá, đóng góp!”

Dayang Hao sẽ đi qua một vùng biển rộng 28,500 dặm vuông trên Thái Bình Dương giữa Nhật Bản và Hawaii, nơi TQ được độc quyền khai thác những khối đá có kích thước bằng quả bóng golf với số tuổi hàng triệu năm mà giá trị có thể lên đến hàng ngàn tỷ đôla.

Đây là hợp đồng mới nhất TQ giành được vào năm 2019 từ Cơ quan Đáy biển Quốc tế (International Seabed Authority – ISA) để thăm dò “các hạt đa kim loại” cần thiết cho mọi thứ, từ xe hơi điện đến hệ thống vũ khí tiên tiến. Nằm dưới đáy đại dương là những tảng đá hình củ khoai tây giàu manganese, cobalt, nickel và đồng; những ụ giống như ống khói được tìm thấy gần các miệng phun thủy nhiệt chứa đồng, kẽm, vàng, bạc và các lớp đá cứng trên các núi ngầm có nồng độ manganese, cobalt, nickel cao.

Các nhà nghiên cứu tin rằng đáy biển sâu chứa các kim loại quý hiếm vượt xa trên đất liền, những thứ rất cần thiết để chế tạo hầu hết các thiết bị điện tử và các chất bán dẫn (chip) tiên tiến ngày nay. Dù làm việc sâu dưới biển hay trên đất liền tại ISA thuộc Liên Hợp Quốc ở Kingston, Bắc Kinh đều quyết tâm đi đầu trong ngành công nghiệp khai thác biển sâu đang phát triển.

TQ hiện giữ năm trong số 30 giấy phép thăm dò được ISA cấp tính đến nay (nhiều nhất so với bất kỳ quốc gia nào). Các giấy phép này phân bổ cho bốn khu vực đáy biển để tìm kiếm các kim loại quý mà công nghệ hiện đại rất cần. TQ đang chuẩn bị cấp tập cho việc khởi động khai thác biển sâu ngay sau năm 2025. Khi hoạt động này tiến hành, TQ được độc quyền khai quật 92,000 dặm vuông đáy biển quốc tế (tương đương diện tích của Vương quốc Anh và bằng 17% tổng diện tích được ISA cấp phép).

Khoáng sản ở đáy sâu đại dương ngày càng trở thành nguồn nguyên liệu vô giá cho tương lai (ảnh: Carolyn Cole/Los Angeles Times via Getty Images)

Lúc đó TQ (vốn đã kiểm soát 95% nguồn cung kim loại đất hiếm của thế giới và sản xuất 3/4 tổng số pin lithium-ion) sẽ mở rộng sự thống trị đối với các ngành công nghiệp mới nổi như năng lượng sạch. TQ sẽ gửi các robot đến độ sâu 18,000 feet đáy biển để từ từ hút sạch khoảng bốn inch khoáng sản quý và bơm lên tàu.

Bốn khu vực được phép khai thác dù chiếm chưa đến 1% tổng diện tích đáy biển quốc tế vẫn rất lớn. 30 hợp đồng thăm dò trên diện tích 540,000 dặm vuông đáy biển chủ yếu tập trung tại một vùng rộng lớn của Thái Bình Dương được gọi là Khu Clarion-Clipperton dài 3,100 dặm, rộng hơn nước Mỹ và chứa gấp sáu lần lượng cobalt và ba lần lượng niken có trên đất liền.

Đáy đại dương đang dần trở thành “chiến trường cạnh tranh tài nguyên toàn cầu tiếp theo” của thế giới và TQ đang chiếm ưu thế. Khi các quốc gia chạy đua cắt giảm khí thải nhà kính, nhu cầu về các khoáng sản nằm yên dưới biển sâu sẽ tăng vọt. Khai thác mỏ dưới biển cũng sẽ mang lại cho Bắc Kinh một công cụ mới đầy tiềm năng trong cuộc cạnh tranh ngày càng leo thang với Mỹ.

Trong một dấu hiệu cho thấy những tài nguyên này có thể được vũ khí hóa như thế nào, Tháng Tám qua, TQ đã bắt đầu hạn chế xuất khẩu hai kim loại quan trọng dùng cho hệ thống phòng thủ của Hoa Kỳ. Carla Freeman, chuyên gia cấp cao về TQ tại Viện Hòa bình Mỹ (United States Institute of Peace) nhận định: “Nếu TQ dẫn đầu hoạt động khai thác khoáng sản dưới đáy biển, họ sẽ có cơ hội làm chủ tất cả các khoáng sản quan trọng cho nền kinh tế xanh thế kỷ 21”.

____________________

Cho đến thời điểm này, Hoa Kỳ đã làm rất ít để kiềm chế các động thái của TQ ở vùng biển sâu. Chỉ là quan sát viên của ISA, Mỹ có nguy cơ bị gạt sang một bên khi ISA dự thảo các quy tắc mới cho ngành công nghiệp khai mỏ đáy biển sâu. Không giống TQ, các công ty Mỹ không có bất kỳ hợp đồng thăm dò nào với ISA và cũng thiếu kế hoạch cạnh tranh trong ngành công nghiệp tương lai đầy triển vọng này.

____________________

ISA trở thành con cờ của TQ

Trong nỗ lực thống trị ngành công nghiệp khai thác biển sâu, TQ đã tăng cường áp lực lên ISA có trụ sở nằm trong một tòa nhà bằng đá vôi phong hóa nhìn ra Biển Caribe. Bằng cách gây ảnh hưởng lên một tổ chức mà cho đến nay TQ là người chơi quyền lực nhất (Hoa Kỳ không phải thành viên của ISA), Bắc Kinh có cơ hội định hình các quy tắc quốc tế có lợi cho mình.

Zhu Feng, giám đốc điều hành Trung tâm Hợp tác Nghiên cứu Biển Nam TQ (China Center for Collaborative Studies of the South China Sea) tại Đại học Nam Kinh, giải thích: “Nếu muốn đạt vị thế một cường quốc toàn cầu, TQ phải duy trì an ninh cho các tuyến đường biển và bảo vệ các lợi ích của mình. Vì thế, việc TQ trở thành một cường quốc hàng hải là điều không thể tránh khỏi”.

Isaac Kardon, tác giả cuốn “China’s Law of the Sea” và là thành viên cấp cao tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie (Carnegie Endowment for International Peace), nêu rõ: “Theo đúng logic, nếu chúng ta không đưa ra các quy tắc hướng dẫn thì TQ sẽ làm. Biển sâu là ‘khoảng trống’ của luật pháp quốc tế nên không có một cơ chế rõ ràng nào và nó đặc biệt hấp dẫn vì không có Hoa Kỳ ở đó. Đây là một chiến trường thực sự dù mục tiêu cạnh tranh giữa các cường quốc là gì”.

ISA đang chịu áp lực phải đưa ra bản quy tắc sau khi năm 2021, đảo Nauru ở Thái Bình Dương hợp tác với công ty The Metals Company của Canada đã yêu cầu ISA cho phép khai thác đáy biển trong vòng hai năm mà không chờ có quy tắc hướng dẫn.

Các quốc gia thành viên ISA phải đạt được thỏa thuận về bộ quy tắc cuối cùng, nếu không thế giới sẽ phải đối mặt với hoạt động lạm thác đáy biển mà không lo bị chế tài. Hiện tại, cuộc thảo luận chi tiết về “bản quy tắc tạm hai năm” đã phải dời sang năm sau.

Trong cuộc đàm phán kín với ISA vào giữa Tháng Bảy, phái đoàn TQ có mặt đầy đủ các bộ ngành, từ Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên thiên nhiên đến đại diện thường trực của TQ tại ISA và ba công ty nhà nước phụ trách năm hợp đồng thăm dò. Các đại biểu và cựu nhân viên ISA cho biết Bắc Kinh đang âm thầm vận động thông qua nhiều kênh khác nhau, gồm cả việc tổ chức các buổi hội thảo và bữa tối được “bôi trơn” bằng rượu baijiu (白酒 – bạch tửu; còn gọi là 烧酒 – thiêu tửu).

Theo ISA, tính đến 2021, TQ đã trở thành nước đóng góp lớn nhất vào ngân sách hành chính của cơ quan. Bắc Kinh thường xuyên đóng góp cho nhiều quỹ ISA khác nhau và năm 2020, TQ tuyên bố thành lập một trung tâm đào tạo chung với ISA tại thành phố cảng Thanh Đảo. Pradeep Singh, chuyên gia về quản trị đại dương thuộc Viện nghiên cứu bền vững (Research Institute for Sustainability) ở Đức, người có mặt tại các cuộc họp của ISA từ năm 2018, nhận xét: “Rõ ràng, khi TQ lên tiếng, ISA phải lắng nghe và điều chỉnh”. Các học giả và quan chức TQ muốn TQ có vai trò lớn hơn trong các tổ chức như ISA để tăng cường ảnh hưởng quốc tế của Bắc Kinh.

Trong 52 thành viên của ban thư ký ISA có hai người TQ. Ủy ban pháp lý và Ủy ban tài chính cũng có một người TQ. Theo Tổng thư ký ISA Michael Lodge, đó là các chuyên gia do chính phủ TQ đề cử. James McFarlane, người đứng đầu Văn phòng Giám sát Tài nguyên và Môi trường tại ISA từ 2009-2011, nhận định: “Nếu bạn có người bên trong ban thư ký điều hành và các uỷ ban trực thuộc, bạn sẽ biết cái gì sắp diễn ra”.

Lợi dụng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS)

Đối với TQ, khai thác biển sâu không chỉ liên quan đến tài nguyên thiên nhiên mà còn để lật đổ trật tự quốc tế truyền thống do phương Tây thống trị. Trong hai thập niên 1960 và 1970, khi các nhà nghiên cứu nhận ra mức độ giàu có về khoáng sản của đại dương, câu hỏi về việc ai có quyền đối với nguồn tài nguyên đó đã trở thành “vấn đề ý thức hệ”.

Các nước giàu như Hoa Kỳ muốn hoạt động khai thác dựa trên cơ sở “ai đến trước được phục vụ trước” trong khi TQ, một quốc gia đang phát triển, đứng về phía các quốc gia Nam bán cầu và cho rằng “các chiến lợi phẩm nên được chia sẻ”. Phía TQ đã thắng vào năm 1982 khi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) được hầu hết quốc gia phê chuẩn. Hoa Kỳ công nhận công ước nhưng chưa phê chuẩn, một phần vì không đồng tình với các quy định của công ước về khai thác đáy biển.

Phía Mỹ cho rằng việc gia nhập UNCLOS sẽ làm suy yếu chủ quyền của Hoa Kỳ trên các vùng biển khơi khi trao quá nhiều quyền lực cho ISA. Sau UNCLOS, ISA được thành lập vào năm 1994 và chịu trách nhiệm giám sát hoạt động khai thác biển sâu. TQ là một trong những quốc gia đầu tiên cử phái đoàn thường trực tới ISA. Tờ báo chính thức của đảng Cộng sản TQ tuyên bố “UNCLOS là một chiến thắng chống lại bá quyền hàng hải”, trong khi người đứng đầu Cục Quản lý Đại dương Nhà nước TQ xem đây là “Sự hình thành một trật tự hàng hải quốc tế mới”.

Độc chiếm thế giới đại dương nói chung là tham vọng không che giấu của Trung Quốc. Trong ảnh là một cuộc biểu tình lên án Trung Quốc của người dân Philippines (ảnh: J. Gerard Seguia/Pacific Press/LightRocket via Getty Images)

TQ tham gia tích cực vào cuộc đua biển sâu, và trong vài thập niên qua đã đổ nhiều tiền vào công nghệ và thiết bị khai thác đáy biển, bắt kịp ngoạn mục các đối thủ phương Tây đi trước rất xa (thậm chí trong một số lĩnh vực, vượt qua phương Tây). Năm 2001, nhà thầu khai thác biển sâu đầu tiên của TQ, Hiệp hội Nghiên cứu và Phát triển Tài nguyên Khoáng sản Đại dương (COMRA) đã giành được giấy phép đầu tiên của ISA để thăm dò các nốt đa kim (polymetallic nodules).

TQ hiện có ít nhất 12 cơ sở nghiên cứu biển sâu. Cơ sở rất lớn ở thành phố Vô Tích thuộc tỉnh Giang Tô đã lên kế hoạch tuyển dụng 4,000 nhân viên vào năm 2025. Hàng chục trường cao đẳng tập trung vào khoa học biển mọc lên. Trong một bài phát biểu năm 2016, Tập Cận Bình đặt việc tiếp cận “kho báu” của đại dương là một ưu tiên và ra lệnh cho cấp dưới phải “làm chủ các công nghệ then chốt có thể tiếp cận đáy biển”.

Một trọng tâm của cuộc tranh luận về khai thác biển sâu hiện nay là liệu hoạt động này có thể được thực hiện mà không gây hại cho các loài và hệ sinh thái đại dương hay không. Các nhà khoa học cảnh báo:

“Khai thác mỏ dưới đáy biển sẽ phá hủy một thư viện thông tin quan trọng đối với những đột phá về y học, hiểu biết về nguồn gốc sự sống và những tiến bộ khác; sẽ làm xáo trộn bể chứa carbon tự nhiên lớn nhất thế giới, nơi hấp thụ 1/3 lượng CO2 tạo ra trên đất liền. Ngoài ra, máy móc và tàu vận tải sẽ gây thêm tiếng ồn và ô nhiễm, gây thiệt hại cho sinh vật biển”.

Các nhà môi trường nhắc lại: “Lịch sử cho thấy, TQ thường có những ưu tiên với các quy định lỏng lẻo”. Trong cuộc họp kéo dài ba tuần vào Tháng Bảy qua do ISA tổ chức, các đại biểu TQ đã khuyên tổ chức này “nên thận trọng trong việc áp dụng các hình phạt tài chính đối với các nhà thầu vi phạm các quy tắc”. Phái đoàn TQ phản đối việc thành lập một ủy ban độc lập để bảo đảm các công ty tuân thủ đúng các quy định về môi trường. Trong tuần họp cuối cùng, TQ đơn phương chặn cuộc tranh luận về bảo vệ hàng hải, gồm cả lệnh cấm khai thác mỏ ở vùng biển sâu, một đề xuất hiện được 22 quốc gia lo ngại về thiệt hại môi trường ủng hộ, dẫn lại từ The Washington Post.

Bài Liên Quan

Leave a Comment