Xung đột ở Gaza và những hệ lụy, chính sách nhập cư lỏng lẻo của châu Âu, giải thưởng Sakharov được truy tặng cho cô Mahsa Amini là những chủ đề được các tờ báo Pháp quan tâm nhất hôm nay 20/10/2023.
Đăng ngày: 20/10/2023
Vài ngày sau vụ nổ tại bệnh viện Al-Ahli ở Gaza hôm 17/10, làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong thế giới Ả Rập, nhật báo Le Monde dành trang nhất cho việc Palestine và Israel tiếp tục đổ lỗi cho nhau về thảm kịch nói trên.
Một số video cho thấy vụ nổ đi kèm với những giây phút trước đó, được phát trên kênh Al-Jazeera, đã được nhiều chuyên gia quân sự nghiên cứu. Một loạt rocket, được bắn từ lãnh thổ Palestine, trong bóng tối, lúc 18h59 giờ địa phương. Một trong số rocket này đã phát nổ khi đang bay mà nguyên nhân không thể được xác định rõ ràng. Vụ nổ đầu tiên xảy ra sau đó vài giây, tiếp theo là vụ nổ thứ hai ở bệnh viện Al-Ahli.
Hình ảnh về thiệt hại do vụ nổ gây ra được chụp vào ngày hôm sau, cũng được đăng tải trên mạng xã hội, cho thấy một lỗ thủng có đường kính và độ sâu tương ứng với điểm tiếp xúc tại bãi đậu xe của bệnh viện, được cho là của quả đạn phát nổ. Có rất nhiều chiếc xe bị cháy, nhưng phạm vi thiệt hại dường như tương đối hạn chế và các tòa nhà của bệnh viện nhìn chung vẫn không suy suyển.
Cho đến thời điểm này, các chuyên gia quân sự vẫn chưa thể thống nhất ý kiến và đi đến một kết luận dựa trên những hình ảnh này. Justin Bronk, nhà nghiên cứu tại Royal United Services Institute (RUSI) ở Luân Đôn, chuyên gia về các vấn đề trên không, nghiêng về luận điểm của quân đội Israel rằng đây là một tai nạn do những quả rocket mà tổ chức Hamas bắn đi, và được cho là đã bị Iron Dome, hệ thống phòng không của Israel, đánh chặn, khiến chúng rơi xuống bãi đậu xe và khu vườn của bệnh viện, nơi có nhiều dân thường. Đối với nhiều chuyên gia, quy mô của sức công phá được trông thấy trên mặt đất dường như không tương ứng với quy mô của một vụ ném bom, đặc biệt là bom điều khiển từ xa – được gọi là JDAM – một loại vũ khí truyền thống được sử dụng bởi lực lượng không quân Israel.
Việc tên lửa bắn từ Gaza rơi xuống lãnh thổ Palestine thường xuyên xảy ra do chúng bị đánh chặn hoặc do quỹ đạo bị lỗi. Đại tá Michel Goya của lực lượng hải quân Pháp nhắc lại cuộc xung đột giữa Israel và Hamas vào mùa hè năm 2014, với 188 quả rocket được phóng từ Palestine đã bị rơi trước khi băng qua biên giới. Hôm 18/10, quân đội Israel tuyên bố tổng cộng 450 quả rocket của Palestine bị đánh chặn đã rơi xuống dải Gaza kể từ khi xung đột nổ ra hôm 07/10.
Tuy nhiên, luận điểm của Israel cũng khơi dậy sự ngờ vực đối với một số chuyên gia, bởi vì trong quá khứ, các bằng chứng do Nhà nước Do Thái đưa ra để « thoát tội » đã từng bị phản biện. Điển hình là trường hợp của Shireen Abu Akleh, nhà báo của kênh Al-Jazeera, bị quân đội Israel bắn chết vào tháng 05/2022 tại Jenin, Cisjordanie. Mặc dù chính phủ Israel một mực cáo buộc các chiến binh Palestine về cái chết của cô, song các cuộc điều tra của một số cơ quan truyền thông và tổ chức nhân quyền đã bác bỏ luận điểm này.
Macron lưỡng lự về chuyến đi Israel
Về khía cạnh ngoại giao, Le Monde quan tâm đến việc tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang suy tính có nên đi Israel hay không, và đi với mục đích gì ? Ông Macron đang cân nhắc mọi khả năng, đánh giá những rủi ro và lợi ích. Vào thời điểm Israel chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công trên bộ vào dải Gaza, nguyên thủ quốc gia Pháp dường như sẵn sàng, nhưng vẫn do dự khi tính đến chuyện đi Tel Aviv. Bên lề chuyến thăm chính thức Albanie, hôm 17/10, chủ nhân điện Elysée đã thừa nhận ông có thể sẽ tới Israel « trong những ngày hoặc tuần tới ». Ông phát biểu : « Mong muốn của tôi là có thể đến đến Israel và đạt được một thỏa thuận cụ thể về việc xuống thang hoặc về các vấn đề nhân đạo. »
Chuyến thăm của tổng thống Pháp tới Israel đã được lên kế hoạch từ ngày 07/10 ngay sau các cuộc tấn công của Hamas nhắm vào Israel, nhưng dường như ông Macron vẫn đang lưỡng lự, trong khi hàng loạt các nguyên thủ quốc gia trên thế giới đã đổ xô tới Israel, từ thủ tướng Đức Olaf Scholz đến tổng thống Mỹ Joe Biden, và gần đây nhất là thủ tướng Anh Rishi Sunak.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al-Sissi cũng đã mời tổng thống Macron dự một hội nghị diễn ra vào ngày mai 21/10 để thảo luận về tương lai cuộc đấu tranh của người Palestine, điều có thể khiến ông Macron quyết tâm tới Trung Đông, tạo điều kiện cho Pháp khẳng định lập trường của mình, giữa việc ủng hộ Israel đối mặt với chủ nghĩa khủng bố và mối quan tâm đối với chính nghĩa của Palestine. Tuy nhiên, Paris lo ngại rằng hội nghị thượng đỉnh này sẽ dẫn đến một thông cáo chống Israel, điều khiến điện Elysée lo lắng.
Chính sách nhập cư của Pháp cần được sửa đổi
Bài xã luận của tờ Le Figaro chỉ trích gay gắt chính sách nhập cư của Pháp. Hãy nghe lại phát biểu hồi đầu tuần của em gái thầy Samuel Paty, người bị một kẻ khủng bố chặt đầu cách đây 3 năm. Bà Mickaëlle Paty nói : « Nếu cái chết của anh trai tôi đã thay đổi được gì thì lẽ ra thầy Dominique Bernard vẫn còn sống. » Chỉ một câu nói, người phụ nữ này đã tóm tắt tâm trạng của đại đa số người dân Pháp. Các nhà lãnh đạo đã làm gì trong suốt 3 năm từ bi kịch ở Conflans-Sainte-Honorine cho đến ở Arras, hai vụ có rất nhiều điểm tương đồng : chủ nghĩa Hồi Giáo, quá khứ của hung thủ, nghề nghiệp của nạn nhân, phương thức gây án, những sai sót trong chính sách nhập cư của Pháp? Phát biểu của bà Paty được hiểu như một phán quyết cuối cùng : « Đã không có biện pháp cụ thể nào được thực hiện, và cái chết của anh tôi không hề được phân tích tỉ mỉ. »
Liệu cuộc tấn công ở Arras cuối cùng có thức tỉnh các nhà lãnh đạo, và buộc Pháp phải nhìn thẳng vào sự thật ? Nhật báo thiên hữu quả quyết rằng toàn bộ chính sách nhập cư của Pháp cần phải được xem xét lại để kiểm soát tốt hơn dòng người nhập cư. Cần phải đóng cửa biên giới đối với những nhân vật không được hoan nghênh, hoặc là trục xuất họ. Cần phải tỏ ra cứng rắn, thậm chí là tàn nhẫn đối với những người có thể trở thành sát thủ, những kẻ đã hạ sát Samuel Paty và Dominique Bernard. Le Figaro cho rằng cần phải dẹp bỏ các ngoại lệ vì lý do gia đình, đẩy nhanh thủ tục pháp lý liên quan đến vấn đề này, ngưng hỗ trợ các hiệp hội giúp đỡ di dân, dẫn đến việc « sản sinh » ra những kẻ lạm dụng lòng tốt của chính quyền để thực hiện những hành động man rợ. Giờ đây, các bài diễn văn không còn đủ sức thuyết phục, những bài diễn văn sáo rỗng sau mỗi cuộc tấn công khủng bố, kể từ vụ tấn công của Mohammed Merah tại Toulouse hồi năm 2012.
Thay vì chú ý đến những phát biểu của Karim Benzema, bộ trưởng Nội Vụ Gérald Darmanin nên tìm cách thông qua những đạo luật siết chặt nhập cư phù hợp với những thách thức mà đất nước đang đối mặt. Thay vì lên án « sự ngây thơ » của các thể chế châu Âu khi đối mặt với chủ nghĩa thánh chiến, thì trước tiên Pháp phải thừa nhận những sai sót trầm trọng trong vấn đề này. Tổng thống Emmanuel Macron từng nói rằng « mọi nền dân chủ đều có điểm yếu ». Điều đó không sai, nhưng khi đối mặt với chủ nghĩa khủng bố Hồi Giáo thì tốt hơn hết là không nên phạm sai lầm.
Thụy Điển muốn thắt chặt chính sách nhập cư
Theo nhật báo kinh tế Les Echos, Thụy Điển cũng có những mối quan ngại tương tự. Trong bối cảnh Arras tổ chức tang lễ cho thầy Dominique Bernard, nhà giáo bị đâm chết trong cuộc tấn công thánh chiến và hai công dân Thụy Điển bị bắn chết ở Bỉ, Liên Hiệp châu Âu (EU), hôm qua, đã đề cập đến những hồ sơ này trong cuộc họp ở Luxembourg.
Trước đó một hôm, trong cuộc họp với thủ tướng Bỉ Alexander De Croo, đồng nhiệm Thụy Điển Ulf Kristersson nhấn mạnh : « Chúng ta phải có khả năng bảo vệ biên giới của mình. Chúng ta cần biết ai đang ở Thụy Điển, hợp pháp hay bất hợp pháp. Những người sồng bất hợp pháp sẽ bị trục xuất. »
Uỷ viên Nội vụ châu Âu, bà Ylva Johansson, cũng nhấn mạnh rằng việc kẻ khủng bố giết hai người Thụy Điển tại Bruxelles đã ở lại Liên Âu kể từ năm 2011, mặc dù đơn xin tị nạn của người này đã bị bốn quốc gia từ chối, là một « hồi chuông cảnh báo ». Do đó, bà Johansson kêu gọi khối 27 phối hợp chặt chẽ hơn trong việc trục xuất những người không có giấy tờ hợp lệ và khẩn trương xem xét lại các quy định có hiệu lực từ năm 2008.
Các bộ trưởng của Liên Âu cũng thảo luận về việc tăng cường hợp tác xuyên biên giới giữa cảnh sát, cuộc chiến chống thông tin sai lệch và tình trạng cực đoan hóa trực tuyến. Hiện tượng này ảnh hưởng đến những người ngày càng trẻ, bao gồm cả những thiếu niên ở độ tuổi 11-14.
Mahsa Amini được truy tặng giải thưởng Sakharov
Về lĩnh vực xã hội, tờ La Croix dành bài xã luận cho sự kiện giải thưởng nhân quyền Sakharov năm nay được trao cho cô Mahsa Amini và phong trào « Phụ nữ, Cuộc sống, Tự do » ở Iran. Mahsa Amini đã chết vì đeo khăn trùm đầu « không đúng cách ». Để ngăn hiện tượng tương tự xảy ra, người dân Iran đã vùng lên từ hơn một năm qua. Một năm đầy thách thức đối với chế độ Hồi Giáo qua những cuộc biểu tình công khai với mái tóc tung bay trong gió. Một năm với những cuộc đàn áp, tra tấn, bỏ tù và giết chóc, bằng chứng cho thấy chế độ thần quyền và quyền tự do của phụ nữ khó lòng hòa hợp được với nhau.
Lòng dũng cảm đáng kinh ngạc của những người tham gia biểu tình trong phong trào « Phụ nữ, Cuộc sống, Tự do » tiếp tục khơi dậy sự ngưỡng mộ trên toàn thế giới. Việc Nghị Viện Châu Âu hôm qua quyết định trao giải thưởng Sakharov danh giá cho những người tham gia phong trào, cũng như cho người vô tình khởi xướng nó, cô Mahsa Amini, bị chết sau khi cảnh sát bắt đi, là bằng chứng của sự ngưỡng mộ này. Đứng đầu là chủ tịch Nghị Viện Châu Âu Roberta Metsola, các dân biểu đã « kêu gọi tập hợp tất cả những người bảo vệ sự bình đẳng, nhân phẩm và tự do ở Iran ».
Nhật báo Công Giáo kết luận, giống như giải Nobel Hòa Bình, được trao cách đây vài ngày cho nhà báo và nhà hoạt động người Iran Narges Mohammadi, giải thưởng Sakharov lần này chứng tỏ « cộng đồng quốc tế » không nhắm mắt trước những vấn đề liên quan đến nhân quyền, rằng quyền lợi của cả nam giới lẫn phụ nữ đều cần được tôn trọng.