Đăng ngày: 21/10/2023
Tính đến ngày 21/10/2023, xung đột giữa Israel và phe Hamas Hồi giáo người Palestine đã kéo dài được 2 tuần. Số liệu thống kê tính đến ngày 17/10 cho thấy đòn trả đũa của Israel đã làm cho gần 3.000 người Palestine thiệt mạng, phần đông là thường dân, hơn 12.500 người khác bị thương. Giới quan sát nói đến một « thảm họa nhân đạo » có quy mô « vượt ngoài sức tưởng tượng ».
Những cuộc oanh kích dữ dội và chiến dịch bao vây toàn diện mà Israel áp đặt đối với dải Gaza làm hàng triệu người dân Palestine phải sống trong cảnh khổ ải, không điện, không nước và không lương thực.
Dải Gaza về lại « thời kỳ nguyên thủy »
Tình trạng này còn thêm trầm trọng khi quân đội Israel hôm 13/10 ra lệnh cho người dân có 24 giờ để sơ tán trước khả năng một chiến dịch đổ bộ sắp bắt đầu. Hai mươi bốn giờ để chạy trốn, nhưng chạy đi đâu ? Người dân Palestine tự hỏi.
« Lịch sử tái diễn ». Cuộc tháo chạy này làm dấy lên nỗi lo một « thảm họa » thứ hai, 75 năm sau khi 700 ngàn người Palestine bị đuổi ra khỏi chính mảnh đất của mình năm 1948, ngay trong ngày thành lập nước Nhà nước Israel.
Chủ Nhật, ngày 15/10/2023, Philippe Lazzarini, lãnh đạo Cơ quan người tị nạn Palestine của Liên Hiệp Quốc khẳng định thế giới đang chứng kiến « một thảm họa nhân đạo chưa từng có », dải Gaza đang bị « bóp nghẹt ».
Đối với một người dân ở dải Gaza, khi trả lời đài RFI, « dù gì thì cái chết có lẽ êm dịu hơn là cuộc sống kinh hoàng này ». Với tờ Al Ayyam ở Palestine được Courrier International dẫn lại thì cuộc xung đột này đang « đưa người dân ở dải Gaza về với thời kỳ nguyên thủy ».
Ai Cập tiến thoái lưỡng nan
Trong một nỗ lực ngoại giao, tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 18/10 chỉ thuyết phục được Israel mở hành lang nhân đạo để đưa hàng viện trợ của cộng đồng quốc tế vào Gaza qua ngả cửa khẩu Rafah của Ai Cập. Đây là kết quả sau cuộc hội đàm giữa nguyên thủ Mỹ với đồng nhiệm Ai Cập Al Sissi và thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Nếu như Ai Cập cam kết cung cấp hỗ trợ nhân đạo, thì tổng thống Al Sissi cũng kêu gọi người Palestine nên « ở lại trên mảnh đất của mình ». Cánh cổng biên giới ở Rafah, lối thoát duy nhất, vẫn khép lại với người tị nạn Palestine. Trả lời kênh truyền hình France 24, Didier Billion, trợ lý giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược IRIS, trước hết giải thích :
« Ai Cập không muốn một mình gánh vác tình trạng nhân đạo thảm hại này. Giới lãnh đạo sẵn sàng tham gia vào một chiến dịch nhân đạo nếu cần thiết, nhưng Ai Cập không muốn cũng không thể một mình thực hiện do tình hình kinh tế trong nước rất sa sút. Họ không có khả năng xử lý một chiến dịch triển khai nhân đạo có quy mô lớn như thế với một số lượng tiềm năng lớn đến như vậy ».
Ủng hộ một giải pháp ngoại giao và kêu gọi các bên kềm chế, nhưng chính quyền Cairo hiện nay có mối quan hệ xung khắc với Hamas, có nguồn gốc từ Huynh Đệ Hồi Giáo, một tổ chức mà thống chế Abdel Fattah Al Sissi căm thù sâu sắc. Chuyên gia Didier Billion nhắc lại :
« Tổng thống Ai Cập hiện nay lên cầm quyền vào năm 2013 nhờ vào cuộc đảo chính quân sự, chống lại Mohamed Morsi, xuất thân từ phong trào Huynh Đệ Hồi Giáo. Từ 10 năm qua, phong trào này chịu sự trấn áp từ chính quyền Ai Cập. Việc hàng ngàn nhà đấu tranh bị cầm tù đã làm suy yếu đáng kể phong trào này. Ai Cập thật sự lo sợ nhìn thấy nhiều nhà đấu tranh gần gũi với phong trào Hồi giáo đó đổ vào trong nước. »
Cũng theo nhà nghiên cứu thuộc IRIS, ngay cả với giả thuyết Ai Cập chấp nhận mở cửa biên giới, các nhà lãnh đạo nước này cũng sợ rằng khó thể kiểm soát làn sóng di dân ồ ạt.
« Có lẽ không một nước nào chấp nhận một rủi ro như thế. Hơn nữa, nếu như hàng chục hay hàng trăm người dân ở dải Gaza vượt qua biên giới, những người này sẽ trụ lại ở Sinai. Nhưng bán đảo Sinai không phải là một vùng an toàn. Đây là điểm buôn lậu, nơi hoạt động của các băng đảng mafia, nơi sinh sống của nhiều ổ thánh chiến. Do vậy, điều đó khiến chính quyền Ai Cập lo lắng. »
Giải cứu con tin : Qatar, một tác nhân « không thể thiếu »
Ngày 20/10/2023, phe Hamas thông báo thả hai người Mỹ trong số hơn 200 con tin bị tổ chức « khủng bố » Hồi giáo dẫn đi trong cuộc tấn công bất ngờ hôm 07/10. Tổng thống Joe Biden tức thì có lời cảm ơn Qatar và Israel vì mối quan hệ « đối tác » của hai nước trong chiến dịch này.
Trả lời đài RFI ngày 19/10/2023, Yves Aubin de la Messuzière, cựu đại sứ và cựu lãnh đạo ban Trung – Cận Đông ở bộ Ngoại Giao Pháp giải thích về vai trò thiết yếu của Qatar :
« Phương Tây không thể đàm phán trực tiếp với phe Hamas vì họ bị xem như là một tổ chức khủng bố. Theo tôi, việc phải nhờ đến Qatar dường như là cần thiết. Rồi còn có vấn đề tài chính, bởi vì chúng ta nói nhiều đến Iran nhưng không phải thế. Nguồn tài chính đến từ Qatar, tiền đổ vào khu vực này rất nhiều.
Qatar có vai trò chủ chốt thực sự vì họ đã có kinh nghiệm từ nhiều năm qua, họ có nhiều mối liên hệ ở bên trong dải Gaza và do vậy họ có quyền chỉ huy, chí ít là về mặt chính trị. Tất nhiên, họ nói chuyện với nhau hàng ngày, họ bảo vệ Hamas, nên có một mối quan hệ mà không một nước nào khác có được.
Tôi nghĩ là, tuy không hoàn toàn chắc chắn, nhưng Qatar có đóng một vai trò nào đó. Họ đã từng thực hiện điều đó trong vụ thả các y tá người Bulgari. Qatar đã chi ra rất nhiều tiền trong vụ việc này. Điều khủng khiếp trong vấn đề con tin thường có sự cạnh tranh từ nhiều tác nhân khác nhau.
Nhưng bất kể là gì, điều quan trọng ở đây là còn có con tin người Mỹ. Chúng ta phải xem ông Biden nói gì, nghĩa là, “Nghe đây, chúng ta hãy đàm phán bí mật”, nhưng không hẳn là trực tiếp với Hamas về vụ con tin. Mỹ nhất thiết phải liên lạc với Hamas, nhưng sẽ ở Doha. »
Chiến dịch đổ bộ ở Gaza : Israel gặp khó khăn
Ngày 21/10/2023 là đúng 2 tuần từ khi xảy ra cuộc tấn công đẫm máu của quân « khủng bố » Hamas nhắm vào lãnh thổ Israel làm gần 1.500 người chết. Tuy nhiên, quân đội Israel vẫn chưa thể khởi động cuộc đổ bộ « trả đũa » trên dải Gaza. Theo phân tích từ chuyên gia về rủi ro quốc tế Stephane Audrand với đài RFI, quân đội Israel trên thực tế chưa chuẩn bị cho một kịch bản tấn công như thế :
« Đúng là có vấn đề về thời tiết. Mưa nhiều và bão cát đã cản trở hoạt động của không quân. Chúng cản trở việc nhắm mục tiêu, cản trở hoạt động của nhiều thiết bị điện tử, đó là một lý do thực sự.
Hơn nữa, việc xây dựng một lực lượng cho cuộc tấn công trên bộ rất phức tạp, mất nhiều thời gian. Đây là một chiến dịch quân sự đã không được tính trước. Từ năm 2014, Israel đã không còn mạo hiểm tiến vào dải Gaza nữa. Lần cuối cùng, thiệt hại rất nặng nề, họ đã mất khoảng 60 binh sĩ. Vì vậy, điều đó có nghĩa là phải thành lập một lực lượng đặc biệt.
Ngoài ra, cần phải bao vây toàn bộ khu vực nhằm ngăn chặn cuộc xâm nhập từ Hamas. Ở đây còn có khía cạnh phòng thủ trong các chiến dịch hiện tại, do đó, họ cần có thêm thời gian để trang bị cho hơn 300 ngàn quân dự bị, lập các nhóm chiến thuật, lập kế hoạch tiến quân.
Rồi Israel cũng cần có thời gian để sơ tán thường dân Palestine bởi vì một trong số chiến lược chính của Hamas là sử dụng tối đa số thường dân Palestine làm lá chắn cho họ. Vì vậy, tôi nghĩ rằng Israel muốn có thêm thời gian để sơ tán càng nhiều càng tốt nhằm hạn chế thiệt hại liên đới. »
« Predator Files » : Đảng cầm quyền Đức muốn siết chặt các quy định
Trong khuôn khổ cuộc điều tra « Predator Files », Tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) cùng nhiều cơ quan truyền thông châu Âu thuộc tổ chức Hợp tác Điều tra châu Âu (European Investigative Collaborations, EIC) ngày 09/10/2023, tiết lộ nhiều nhà báo và chính trị gia tại châu Âu đã bị dọ thám thông qua một tài khoản Twitter (@Joseph_Gordon16) có liên hệ chặt chẽ với Việt Nam và được cho là hoạt động cho chính quyền Việt Nam, hoặc một số nhóm lợi ích Việt Nam.
Vụ việc đã được truyền thông Đức loan tải, do việc đại sứ Đức tại Washington, Hoa Kỳ, bà Emily Haber, cũng bị trúng mã độc từ tài khoản Twitter (@Joseph_Gordon16). Trả lời nhà báo Thu Hằng của RFI Tiếng Việt, ông Lê Trung Khoa, phóng viên tờ thoibao.de ở Đức, cũng từng bị phần mềm gián điệp Predator tấn công, cho biết thêm phản ứng từ chính quyền Berlin sau những tiết lộ trên :
« Trong liên minh cầm quyền nước Đức hiện nay, các chính trị gia đảng SPD và Đảng Xanh đang kêu gọi kiểm soát chặt chẽ hơn phần mềm gián điệp sau khi “Hồ sơ Predator” được công bố.
Bà Katarina Barley, Phó Chủ tịch Nghị viện Châu Âu và là ứng cử viên hàng đầu của đảng SPD trong chiến dịch bầu cử châu Âu sắp tới, nói với tờ SPIEGEL rằng “những phanh phui gần đây cho thấy rằng chúng ta cần những quy định rõ ràng về việc sử dụng và buôn bán phần mềm gián điệp, chẳng hạn như kiểm soát của tư pháp theo đúng quy định và giám sát hiệu quả của quốc hội. Ủy ban EU cho đến nay vẫn không có biện pháp.”
Nữ Nghị sĩ đảng Xanh trong Nghị viện châu Âu là bà Hannah Neumann cũng cho rằng bà bộ trưởng Nội Vụ Đức Nancy Faeser và ông bộ trưởng Tư Pháp Đức Marco Buschmann có trách nhiệm.
Bà Neumann, mới đây là thành viên Ủy ban điều tra phần mềm gián điệp của Nghị viện EU, nói rằng, “các đảng trong liên minh cầm quyền đã thống nhất vấn đề này một cách rõ ràng trong thỏa thuận liên minh. Do đó, đã đến lúc chính phủ Đức phải thúc đẩy EU để chúng ta có thể đưa ngành công nghiệp nguy hiểm này vào tầm kiểm soát theo quy định”.
Khối đảng Xanh của bà trong Nghị viện châu Âu đã yêu cầu đưa vấn đề này ra thảo luận trong kỳ họp toàn thể Nghị viện EU vào tuần tới. Bà Neumann cũng cho biết, ủy viên Tư pháp EU Didier Reynders sẽ soạn thảo một dự thảo luật về chủ đề này, như đã thông báo. »