RFA
2023.10.23
Hội thảo về UPR tổ chức bởi UNDP và Bộ Ngoại giao Việt Nam ở Hà Nội cuối tháng tư 2023
UPR Việt Nam 2024: Thêm ba tổ chức nhân quyền yêu cầu Việt Nam phóng thích TNLT, sửa luật
Ba tổ chức nhân quyền đã gửi hai báo cáo chung tới Liên Hiệp quốc (LHQ) về tình trạng nhân quyền của Việt Nam, kêu gọi Nhà nước độc đảng ở Hà Nội phóng thích tù nhân lương tâm (TNLT) và sửa đổi, xây dựng luật theo hướng tôn trọng các quyền phổ quát của con người.
Nhân dịp Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) lần thứ tư của Việt Nam diễn ra vào tháng tư năm tới tại Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Geneva (Thuỵ Sĩ), tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền cùng hai tổ chức khác là Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam và Hội Anh em Dân chủ đã gửi hai báo cáo chung cho cơ quan nhân quyền LHQ trong phần đóng góp của khối xã hội dân sự trong kiểm điểm định kỳ tình hình nhân quyền Việt Nam kể từ kỳ kiểm định lần thứ ba (UPR3) năm 2019.
Cụ thể, trong báo cáo chung thứ nhất, Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam có trụ sở ở Hoa Kỳ và Người Bảo vệ Nhân quyền có trụ sở ở Việt Nam đưa ra báo cáo về việc Việt Nam đàn áp quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, và tự do hội họp. Trong báo cáo thứ hai, Hội Anh em Dân chủ, có trụ sở ở Việt Nam và đang hoạt động bí mật do sự đàn áp khốc liệt từ 2015 và Người Bảo vệ Nhân quyền đưa ra báo cáo về việc Hà Nội sử dụng các điều luật mơ hồ trong chương An ninh quốc gia để đàn áp giới bất đồng chính kiến, người hoạt động nhân quyền, và blogger…
Việt Nam vi phạm nghiêm trọng ba quyền cơ bản
Tiến sỹ Nguyễn Bá Tùng, Trưởng ban Điều hành của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, cho biết trong UPR3, Nhà nước Việt Nam có cam kết tôn trọng các quyền phổ quát và ban hành các luật để người dân dễ dàng thực thi những quyền này.
Tuy nhiên, theo ông, trên thực tế, trong bốn năm qua, Hà Nội tiếp tục gia tăng đàn áp và vi phạm trầm trọng các quyền cơ bản như quyền tự do ngôn luận, hội họp và lập hội, và trì hoãn các luật về lập hội và biểu tình.
Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) về báo cáo của hai tổ chức mới gửi cho LHQ:
“Báo cáo lần này chúng tôi chỉ tập trung vào bãi quyền cơ bản là quyền tự do ngôn luận quyền tự do hồi họp và quyền tự do lập hội. Đó là ba quyền trong thời điểm này và trong thời gian vừa qua cộng sản Việt Nam đã vi phạm rất là trầm trọng.
Trong kỳ kiểm điểm cách đây 4 năm, năm 2019 thì chính quyền Việt Nam đã hứa cam kết sửa đổi luật về quyền tự do ngôn luận cũng như tự do lập hội và tự do biểu tình nhưng mà cho đến nay tất cả những điều đó đã không được thực hiện.
Đặc biệt họ đã sử dụng những cái điều khoản rất là mơ hồ trong Luật Hình sự chẳng hạn như Điều 88, 117, và 331 để bắt bớ những người dám lên tiếng có lập trường và chính kiến khác với của đảng cầm quyền.”
Dẫn thống kê của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền, Tiến sỹ Nguyễn Bá Tùng cho biết hiện nay Việt Nam đang giam giữ khoảng 260 tù nhân lương tâm, trong đó có 63 người bị cáo buộc hoặc đã bị kết án về “tuyên truyền chống nhà nước” và 44 người bị bắt vì “lợi dụng quyền tự do dân chủ” chỉ vì thực thi quyền tự do ngôn luận, 39 người bị kết tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” vì thực hành quyền tự do lập hội, 55 người bị cầm tù vì “phá hoại chính sách đoàn kết” do thực hành tự do tôn giáo, và nhiều người bị án “phá rối an ninh” khi thực thi quyền biểu tình ôn hoà.
Tiến sỹ Nguyễn Bá Tùng nói về khuyến nghị cho chính quyền Việt Nam mà hai tổ chức đưa ra trong báo cáo:
“Chúng tôi có đưa ra một số khuyến nghị. Thứ nhất là thả những cái người tù bị bắt bớ vì họ sử dụng quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp chẳng hạn như là Hội Anh em Dân chủ và những người bị bắt i khi mà họ đã sử dụng quyền tự do ngôn luận
Thứ hai nữa là phải sửa đổi và tiến hành thật gấp những luật mà họ đã hứa trong kỳ kiểm điểm lần thứ ba.”
Việt Nam sử dụng luật để bảo vệ chế độ
Trong UPR3, mười quốc gia trong đó có Úc, Vương quốc Anh, Pháp, Hà Lan và Nauy đã đề nghị Việt Nam xem xét và sửa đổi Bộ luật Hình sự, đặc biệt là nhiều điều luật mơ hồ trong chương An ninh quốc gia, để bảo đảm quyền con người phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Tuy nhiên, Hà Nội không hề sửa đổi cho dù chấp nhận nhiều khuyến cáo của một số quốc gia. Trái lại, Việt Nam tăng cường sử dụng các điều luật này đển trấn áp giới bất đồng chính kiến và blogger, với số người bị bắt vì “tuyên truyền chống nhà nước” hay “lợi dụng quyền tự do dân chủ” ngày càng tăng và những bản án kết tội họ có xu hướng nặng nề hơn.
Trong báo cáo chung của mình, hai tổ chức Hội Anh em Dân chủ và Người Bảo vệ Nhân quyền đã nêu rõ tình trạng hồ sơ nhân quyền của Việt Nam ngày càng trầm trọng.
Luật sư Nguyễn Văn Đài, đồng sáng lập và hiện là chủ tịch Hội Anh em Dân chủ, nói với RFA:
“Trong bản báo cáo này chúng tôi có viết một cách rất là tổng quát về Bộ luật Hình sự Việt Nam trong đó nêu bật những điều luật hết sức mơ hồ mà được coi như là công cụ của Nhà nước Cộng sản Việt Nam dùng để bảo vệ chế độ cũng như là bảo vệ Đảng Cộng sản chứ nó không phải mục đích là bảo vệ an ninh quốc gia như là họ thường rêu rao.”
Trong chương An ninh quốc gia, Hà Nội thường sử dụng Điều 117 “tuyên truyền chống nhà nước” để tống giam người bất đồng chính kiến, Điều 109 “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” để trừng trị những người tham gia các tổ chức chính trị độc lập với nhà nước như Hội Anh em Dân chủ.
Những người hoạt động về tự do tôn giáo thuộc các sắc dân thiểu số ở Tây Nguyên hoặc miền núi phía Bắc thường bị bắt về cáo buộc “phá hoại chính sách đoàn kết” theo Điều 116.
Tuy không nằm trong phần An ninh quốc gia, Điều 331- lợi dụng quyền tự do dân chủ cũng được nhà nước sử dụng thường xuyên để giam cầm Facebookers chia sẻ các thông tin không có lợi cho chế độ trên mạng xã hội.
Việt Nam cần phải xoá bỏ các điều khoản này để bảo đảm quyền cơ bản của con người, theo luật sư Nguyễn Văn Đài, người từng bị kết án 15 năm tù về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” cùng với mười thành viên khác của Hội Anh em Dân chủ.
“Trong báo cáo này chúng tôi cũng đưa ra nhiều khuyến nghị là để mà bảo đảm những quyền tự do ngôn luận tự do báo chí quyền tập hội hội họp – nói chung những quyền chính trị cơ bản của dân thì nhà nước độc tài sản Việt Nam cần phải ở gỡ bỏ tất cả những điều luật đó ở trong Bộ luật Hình sự và thay thế vào đó là những điều luật bảo vệ những quyền con người cơ bản của người dân.”
Ông kêu gọi các tổ chức quốc tế và chính phủ các quốc gia tiến bộ cùng lên tiếng để yêu cầu Hà Nội xoá bỏ những điều luật mơ hồ của Bộ luật Hình sự để bảo đảm việc thực thi ôn hoà các quyền cơ bản của người dân mà không sợ bị trừng phạt.
Chia sẻ chung quan điểm, ông Andrea Giorgetta, Giám đốc Văn phòng Châu Á của Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế (FIDH) thúc giục cộng đồng quốc tế sử dụng UPR4 để yêu cầu Việt Nam cải thiện hồ sơ nhân quyền. Ông nói với RFA qua tin nhắn:
“Khi Chính phủ Việt Nam tăng cường đàn áp bất đồng chính kiến ôn hòa, Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát là một trong số ít diễn đàn còn lại để cộng đồng quốc tế xem xét kỹ lưỡng hồ sơ nhân quyền tồi tệ của Hà Nội.
Chúng tôi kêu gọi các quốc gia thành viên LHQ sử dụng việc xem xét định kỳ hồ sơ nhân quyền của Việt Nam để thể hiện mối quan ngại của họ về những vi phạm trong nước và yêu cầu Hà Nội tuân thủ các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế của mình.
Các quốc gia thành viên LHQ cũng nên tận dụng cơ hội này để kêu gọi Việt Nam trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị, sửa đổi luật pháp hà khắc và đảm bảo tôn trọng nhân quyền của mọi người dân trong nước.”
FIDH cùng Ủy ban Quyền làm người Việt Nam (VCHR) từ Pháp hôm 11/10 đệ trình một báo cáo về việc Việt Nam không thực hiện nhiều khuyến nghị quan trọng mà Hà Nội đã chấp nhận trong UPR3.