Khủng hoảng Trung Cận Đông: Món lợi bất ngờ cho Nga và Trung Quốc

Căng thẳng tại Trung Cận Đông với xung đột Palestine-Israel bùng lên trở lại sau các vụ đột kích đẫm máu của lực lượng Hồi Giáo Palestine Hamas vào Israel ngày 07/10/2023, kéo theo chiến dịch trả đũa của quốc gia Do Thái, oanh kích dữ dội vào Dải Gaza, đã buộc Hoa Kỳ, nước cho đến nay vẫn đóng một vai trò thiết yếu trong khu vực, phải lao vào gánh vác.

Đăng ngày: 24/10/2023

Một khu phố ở Gaza bị phá hủy sau một vụ oanh kích của Israel, ngày 23/10/2023.
Một khu phố ở Gaza bị phá hủy sau một vụ oanh kích của Israel, ngày 23/10/2023. © Abed Khaled / AP

Trọng Nghĩa

Việc Washington bị “chia trí” vì cuộc khủng hoảng Israel Hamas quả là một tình huống có lợi cho Matxcơva và Bắc Kinh, hai đối thủ cạnh tranh chủ chốt của Mỹ.

Theo phân tích của hãng tin Anh Reuters, tình hình căng thẳng tại vùng Cận Đông, với Washington bị buộc phải hết mình ủng hộ Israel chống lại phong trào Hamas của người Palestine, là cơ hội để Matxcơva và Bắc Kinh tô bóng hình ảnh của mình trong tư cách là thế lực bảo trợ cho thế giới đang phát triển.

Trung Quốc đã liên tục kêu gọi các bên tự kiềm chế và ngừng bắn nhưng đồng thời gay gắt chỉ trích Israel. Trong lúc truyền thông nhà nước Trung Quốc đồng loạt đả kích Tel Aviv, cho rằng cách trả đũa mạnh tay của Israel “đã vượt quá phạm vi tự vệ”, ngoại trưởng Vương Nghị của nước này đã kêu gọi Israel ngừng “trừng phạt tập thể” toàn bộ cư dân Palestine ở Dải Gaza.

Nga cũng bày tỏ thái độ thông cảm với người Palestine và đổ lỗi cho Mỹ. Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tuần trước đã không ngần ngại cho rằng xung đột bùng lên là “một ví dụ sinh động về sự thất bại trong chính sách của Mỹ ở Trung Đông”.

Cả Trung Quốc lẫn Nga đều ủng hộ người Palestine từ trước đến nay và chỉ trích việc mà họ cho là “bị Hoa Kỳ gạt ra bên lề”.

Theo ông Jon Alterman, giám đốc Chương Trình Trung Đông tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế ở Washington, “Trung Quốc và Nga vẫn nhìn cuộc khủng hoảng hiện nay trong tương quan với Hoa Kỳ nhiều hơn là với Palestine hay Israel”.

Món quà trời cho đối với Nga

Phải nói là đối với Nga, đang phải vất vả với chiến dịch xâm lược Ukraina, khủng hoảng bất ngờ bùng lên tại vùng Trung Đông là một tình huống rất có lợi, đến mức mà theo ghi nhận của nhật báo Pháp Le Monde 20/10 vừa qua, các nhà ngoại giao phương Tây và giới quan sát đều gọi đó là một “món quà trời cho”.

Theo Le Monde, ngay sau khi nổ ra các vụ đột kích của lực lượng Hamas vào Israel hôm 07/10, truyền thông Nga hầu như không che giấu thái độ hài lòng, bất chấp nguy cơ xảy ra xung đột toàn diện ở Trung Đông, kể cả tại Syria. Nhật báo Nga nổi tiếng Moskovsky Komsomolets ngày 09/10 không ngần ngại cho rằng “Tình hình có thể có lợi cho Nga”.

 Đối với Le Monde, xung đột bùng lên trở lại ở vùng Trung Đông đã chuyển hướng dư luận ra khỏi vấn đề Ukraina, góp phần làm suy yếu lập trường ủng hộ mà phương Tây dành cho Ukraina. Bên cạnh đó còn có lập luận cho rằng với diễn biến tại vùng Trung Cận Đông, Hoa Kỳ sẽ không còn khả năng cung cấp vũ khí đồng thời cho cả Kiev lẫn Tel Aviv.

Theo Le Monde, phản ứng tàn bạo của Israel đối với người Palestine tại Dải Gaza cũng như lập trường ủng hộ Tel Aviv của phương Tây đã làm suy yếu hai trụ cột trong lập luận của phương Tây về Ukraina: Việc Nga không tuân thủ luật pháp quốc tế và những tội ác mà quân đội Nga gây ra. Đối với tờ báo Pháp, không thể tránh khỏi việc so sánh hành động của Israel đối với người Palestine với cuộc xâm lược Ukraina của Nga. Cũng như vậy, khó có thể tránh khỏi việc so sánh giữa vụ Nga ném bom vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraina và quyết định của Israel cắt điện ở Gaza. Đối với phía Nga, phương Tây lại cho thấy thái độ đạo đức giả, bên trọng bên khinh, làm ngơ cho Israel trong lúc lại lên án Nga.

Một nhà ngoại giao châu Âu đã thừa nhận rằng khủng hoảng Israel-Palestine bùng lên là “ơn trời dành cho Putin”. Bà Tatiana Kastouéva-Jean, thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, cũng lưu ý: “Tất cả các lập luận và nỗ lực của phương Tây đều bị suy yếu. Đây là một món quà trời ban cho Matxcơva, vốn đang hy vọng thoát khỏi sự cô lập trên trường quốc tế nhờ có mặt trận mới này ở Trung Đông.”

Trung Quốc trong tính thế tế nhị

Đối với Trung Quốc cũng vậy, việc Hoa Kỳ bị phân tâm vì hồ sơ Cận Đông, bên cạnh việc phải gánh vác vấn đề Ukraina, các yếu tố này có thể khiến Mỹ bớt chú ý đến những tranh chấp với Bắc Kinh, từ Đài Loan, Biển Đông, cho đến công nghệ cao cấp, thương mại. Tuy nhiên, tình hình bất ổn tại Trung Cận Đông có thể sẽ không có lợi cho Trung Quốc.

Theo nhật báo Kinh tế Pháp Les Echos, căng thẳng bùng lên giữa Israel và người Palestine nói riêng, và có thể là với khối Ả Rập, đang đẩy Trung Quốc vào một tình thế tế nhị.

Cho dù trước đó rất thân với khối Ả Rập, và hêt sức ủng hộ người Palestine, từ năm 1992, Trung Quốc đã không ngừng tăng cường quan hệ với Israel.  Đối với Bắc Kinh, Israel là nhà cung cấp công nghệ quan trọng, cung cấp cho Trung Quốc một giải pháp thay thế cho lệnh cấm vận của Mỹ đối với các linh kiện bán dẫn tiên tiến. Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia tại Đại học Tel Aviv, hơn một nửa hàng xuất khẩu của Israel sang Trung Quốc là linh kiện điện tử, bao gồm cả chip.

Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng phải quan tâm đến các nước Ả Rập, Hồi Giáo, đồng minh của Palestine vì phụ thuộc rất nhiều vào dầu mỏ Trung Đông, nhập từ cả Ả Rập Xê Út lẫn Iran.

Theo nhà nghiên cứu Pháp Antoine Bondaz, Trung Quốc hoàn toàn nhận thức được thiện cảm của các nước Ả Rập đối với Palestine và trong cuộc khủng hoảng hiện nay, Bắc Kinh tránh chỉ trích Hamas và tìm cách khẳng định mình là đối tác thiết yếu của các nước Ả Rập và các quốc gia đang phát triển. Đó là một cách tiếp cận nhằm nhấn mạnh càng nhiều càng tốt sự tương phản với nhận thức của nhiều nước cho rằng Hoa Kỳ thân Israel, cho phép Bắc Kinh gieo rắc nghi vấn về uy tín của Mỹ và các nước phương Tây bị mô tả là vô trách nhiệm, đạo đức giả và thiên vị.

Bài Liên Quan

Leave a Comment