RFA
2023.10.24
Gia đình bên mộ của tử tù Lê Văn Mạnh
Những lời nhắn nhủ sau cùng của ông Lê Văn Mạnh viết cho gia đình trước khi bị cơ quan chức năng đưa đi thi hành án sau hơn một tháng mới đến được tay người thân, trong đó ông vẫn khẳng định bị oan và nhờ gia đình tiếp tục đi đòi lại công lý.
Ông Lê Văn Mạnh, sinh năm 1982, bị kết án tử hình vì bị cho là thủ phạm trong vụ án “hiếp dâm và giết” một nữ sinh ở cùng thôn 4, xã Yên Thịnh, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá năm 2005 cho dù ông liên tục kêu oan và việc kết tội ông không có bằng chứng thuyết phục cũng như có nhiều thiếu sót trong quá trình điều tra.
Ông bị tiêm thuốc độc ngày 22/9 tại một cơ sở thi hành án của Bộ Công an ở tỉnh Hoà Bình. Sau đó, xác của ông được đưa về mai táng tại một nghĩa trang của tỉnh Thanh Hoá.
Sau hơn một tháng, gia đình xuống Trại tạm giam của Công an tỉnh Thanh Hoá để đòi thư và băng ghi âm của ông trước khi bị tiêm thuốc độc. Bà Nguyễn Thị Việt, mẹ của ông Mạnh, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngày 24/10:
“Em trai của Mạnh hôm qua (23/10- PV) đi xuống đòi mãi mới được là cái thư chứ không có cái ghi âm. Cái ghi âm mở ra chạy được có 18 giây, hắn không có cái gì cả chỉ có nghe tiếng sột soạt là hết.”
Cho rằng phía công an chưa giao băng ghi âm đầy đủ cho thân nhân nên gia đình sẽ tiếp tục đòi. Bà Việt nói tiếp:
“Ngày mai con trai tôi em của Mạnh tiếp tục xuống dưới đấy đòi băng ghi âm tiếp, băng ghi âm thì dứt khoát là phải có cái điều gì con trai tôi nói ở trong đó, nên gia đình tôi là phải xuống đòi bằng được cái băng ghi âm.”
Trong lá thư dài khoảng một trang giấy A4 viết ngay trước thời điểm bị đưa đi thi hành án nhưng không đề ngày tháng, tử tù Lê Văn Mạnh khuyên gia đình không nên đau buồn vì bản thân xem cái chết nhẹ tựa lông hồng. Ông khẳng định:
“Con không làm gì nên tội cả nên con không có gì phải hổ thẹn với lương tâm cả. Con chết rồi bố mẹ và các em, các con vẫn phải tiếp tục giúp con kêu nỗi oan này lên các cơ quan pháp luật của nhà nước cho đến khi nào con được minh oan thì thôi vì con bị giết oan thật sự bố mẹ ạ.”
Bà Việt cho rằng con trai mình bị chết oan nên sẽ tiếp tục làm mọi việc có thể để minh oan cho ông.
“Gia đình tôi cũng thực hiện di nguyện của con, nếu con bị giết oan thì bố mẹ không đem xác con về, không (tổ chức) ma chay cúng bái gì hết. Khi nào đòi được công lý rồi thì bố mẹ mới đem về thờ cúng ma chay.”
Trên trang Facebook cá nhân của ông Lê Văn Cường, em trai của tử tù cho hay, ông cùng với chị ruột xuống Trại tạm giam của Công an tỉnh Thanh Hoá để đòi thư và băng ghi âm lời nói cuối cùng của anh ruột mình.
Phía công an đưa lại thư (bản gốc) và một đĩa CD mà họ bảo đây là bản ghi âm của ông Mạnh trước khi thi hành án nhưng khi mở ra nghe chỉ có vài câu nói không nghe rõ ràng, nhiều tạp âm và chỉ vỏn vẹn 18 giây.
Hai chị em chỉ nhận thư và từ chối nhận đĩa CD đó, yêu cầu phía công an giao lại bản ghi âm đầy đủ của người anh, vì họ cho rằng anh mình nói nhiều hơn chứ không thể ngắn thế được.
Theo Khoản 1 Điều 82 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định, trước khi bị đưa đi thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc, người chấp hành án được ăn, uống, viết thư, ghi âm lời nói gửi lại thân nhân.
Lê Văn Mạnh cùng với Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng là những tử tù kêu oan trong nhiều năm qua. Cao uỷ Nhân quyền Liên Hiệp quốc, nhiều quốc gia và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế kêu gọi Việt Nam dừng thi hành án tử hình của họ và điều tra về cáo buộc tra tấn ép cung.
Hồ Duy Hải là người bị kết tội giết hai chị em gái nhân viên Bưu cục Cầu Voi, tỉnh Long An năm 2008, còn Nguyễn Văn Chưởng bị cho là thủ phạm giết một sỹ quan công an ở Hải Phòng năm 2007. Cả hai đều có chứng cứ ngoại phạm và đều tố cáo bị tra tấn ép cung nhưng bị các cơ quan tố tụng tảng lờ.
Đầu tháng 8 vừa qua, gia đình Nguyễn Văn Chưởng nhận được thông báo của Toà án thành phố Hải Phòng về việc đăng ký nhận xác về để mai táng. Gia đình người này đã gửi đơn tới nhiều cơ quan trung ương để đề nghị dừng thi hành án đồng thời điều tra lại vụ án có nhiều dấu hiệu oan sai. Cho tới nay, nhà chức trách Hải Phòng vẫn chưa thực hiện việc thi hành án đối với người này.
Trong thời gian gần đây có nhiều tử tù bị kết tội giết người nhưng sau nhiều năm được minh oan do thù phạm thực sự ra đầu thú. Đó là trường hợp của các ông Hàn Đức Long và Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, ông Trần Văn Thêm ở Bắc Ninh, và ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận. Những người này đều tố cáo bị tra tấn ép cung nhưng lời khai của họ không được ghi nhận bởi toà án các cấp.