47 phút kinh hoàng nhưng chắc chắn chưa đủ

Saigon Nhỏ

Hiện trường cảnh thảm sát của Hamas tại Nir Oz, Israel (ảnh: Alexi J. Rosenfeld/Getty Images)

Quân đội Israel vừa công bố đoạn phim về cuộc đột kích thảm khốc ngày 7 Tháng Mười của phiến quân Hamas từ Dải Gaza, trong đó một số được lấy từ các camera ghi lại thời gian thực gắn trên người một số phiến quân đã chết.

Việc tổng hợp đoạn phim dài 47 phút là một phần trong nỗ lực của chính phủ Israel nhằm mô tả cả quy mô lẫn mức độ tàn khốc của cuộc đột kích có một không hai trong lịch sử Israel. Ngày 23 Tháng Mười, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã cho công chiếu một đoạn video dài 47 phút có nhiều cảnh mô tả các chiến binh Hamas giết người hàng loạt và hủy diệt bừa bãi nhà cửa trong cuộc đột kích đẫm máu ngày 7 Tháng Mười qua biên giới Israel.

Đây là một phần trong nỗ lực của phía Israel nhằm nêu rõ bản chất tàn ác của cuộc tấn công và phản bác lại những luận điệu phủ nhận mức độ nghiêm trọng của chúng. Theo quân đội Israel, đoạn phim được ghép nối nhiều nguồn khác nhau: Từ các camera gắn trên người những kẻ khủng bố đến camera an ninh và điện thoại di động của các nạn nhân Israel.

170 phóng viên trong nước và quốc tế đã được xem trước đoạn video này tại một căn cứ quân sự ở ngoại ô Tel Aviv. “Chúng tôi tạo ra một ký ức tập hợp cho thế hệ tương lai để xác định chúng ta đứng ở phía nào. Nếu học thuyết của Hamas là tội ác chống lại loài người thì đó không phải là vấn đề riêng của Israel” – Tướng Daniel Hagari, người phát ngôn chính của quân đội Israel nhận xét tại buổi chiếu phim.

Đoạn video dài cho thấy cảnh bạo lực kinh hoàng từ cuộc đột kích kéo dài hàng giờ ở nhiều địa điểm bên trong lãnh thổ Israel. Thi thể của một người lính Israel bị chặt đầu nằm trên sàn bê tông. Một tay khủng bố Hamas dùng cuốc làm vườn chặt đầu một người đàn ông khác. Những người tham dự lễ hội khiêu vũ tháo chạy điên loạn với hy vọng giữ được mạng sống.

Những con gấu đại diện cho những đứa trẻ Israel bị Hamas sát hại ngày 7 Tháng Mười được trưng bày tại Tel Aviv ngày 25 Tháng Mười (ảnh: Leon Neal/Getty Images)

Đoạn đầu video lấy từ camera của một tay súng Hamas cho thấy phiến quân Hamas cầm vũ khí đi qua một cộng đồng yên tĩnh gần biên giới Gaza. Một người đàn ông Israel và hai cậu bé chạy trốn vào nhà kho trong khu vườn. Một kẻ khủng bố bám theo và ném một quả lựu đạn vào bên trong. Sau đó y lôi hai đứa bé ra ngoài. “Tôi muốn mẹ tôi!” – cậu em hét vào mặt kẻ đuổi mình bằng tiếng Anh trong khi người anh khóc, nói: “Itay, anh nghĩ chúng ta sắp chết rồi!”

Trong đoạn phim khác, nhiều chiến binh Hamas có gắn camera trên đầu leo lên các xe bán tải, nhảy lên xe máy và đi bộ tới biên giới Israel để đến từng nhà truy bắt thường dân Israel. Một video ghi cảnh những kẻ khủng bố chở các nạn nhân Israel bị thương, một người bị mất cánh tay. Một đoạn video quay tại một kibbutz (nông trang), nơi có 100 người thiệt mạng cho thấy hai chiến binh Hamas tìm kiếm mục tiêu tại một sân chơi trẻ em vắng vẻ.

Có một cặp nghỉ ngơi bên ngoài một ngôi nhà, ngồi trên ghế nhựa và uống nước khi có tiếng súng tự động gần đó. Họ có vẻ bình thản đến lạnh lùng vì không biết điều tồi tệ đang xảy ra. Một đoạn video cho thấy phản ứng chậm chạp của lực lượng an ninh Israel. Một đoạn video ghi cảnh những kẻ xâm nhập bắn thẳng vào những phụ nữ lớn tuổi đang trốn trong nhà và các cô gái trẻ trốn trong hầm tránh bom. Một số ảnh cho thấy trẻ sơ sinh chết, thi thể trẻ sơ sinh cháy đen và người Israel bị thiêu sống trong xe hơi của họ.

Tại lễ hội âm nhạc sa mạc, một người đàn ông giả chết nấp dưới gầm một chiếc xe hơi đang đậu để rồi bị một tay súng bắn chết khi ông ta nhìn ra để xem đã an toàn chưa. Ở một cảnh khác trong video, một chiến binh Hamas đốt các đồ trang trí dành cho lễ hội Sukkot, ngày lễ kéo dài một tuần của người Do Thái và kết thúc vào ngày 7 Tháng Mười.

Trong video có giọng nói của một tay súng Hamas dùng điện thoại di động của một nạn nhân Israel gọi cho cha mẹ ở Gaza để khoe với người cha mình đang ở Israel. “Con đã giết 10 tên bằng tay không. Máu của chúng còn dính trên tay. Cho con nói chuyện với mẹ”. “Xin Chúa bảo vệ con” – người mẹ nói trong nước mắt. “Mẹ ơi, con trai mẹ là một anh hùng. Giết, giết, giết hết” – kẻ khủng bố này nói trước khi điện thoại trao lại cho người cha ở đầu dây bên kia. “Bố tự hào về con – người cha nói – Nhưng hãy quay về Gaza, quay về ngay. Thế là quá đủ!”

IDF vẫn tiếp tục thu thập thêm bằng chứng tội ác và sẽ biên soạn một báo cáo toàn diện về cuộc đột kích của Hamas. Khoảng 1,400 người Israel bị chết và hàng trăm người khác bị bắt đưa về Gaza làm con tin.

Bộ Y tế do Hamas kiểm soát ở Gaza cho biết ít nhất 5,000 người bị thiệt mạng trong đợt trả thù chưa biết bao giờ mới kết thúc của Israel. Israel đáp trả cuộc đột kích bằng một chiến dịch không kích nhằm vào những mục tiêu cho là của Hamas ở Gaza, và quân đội đang chuẩn bị cho cuộc tấn công trên bộ.  Khi những cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine lan rộng khắp thế giới Ả-rập và một số thủ đô phương Tây, Israel cũng nỗ lực vận động sự ủng hộ cho cuộc chiến sắp tới của họ.

Phần mình, Hamas luôn phủ nhận tấn công dân thường. Khaled Meshaal, giám đốc các hoạt động cộng đồng hải ngoại của Hamas và là phát ngôn viên chính của nhóm tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Al Arabiya có trụ sở tại Ả-rập Saudi chỉ vài ngày trước khi đoạn phim tố cáo được công bố:

“Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang bịa đặt về các vụ thảm sát để lấy cảm tình ở phương Tây. Trong tất cả các cuộc chiến tranh đều có một số thường dân là nạn nhân. Chúng tôi không chịu trách nhiệm về những trường hợp như thế. Hamas không cố ý giết hại dân thường. Vấn đề là của những người lính trong một số tình huống giải thích được”.

Những con tin bị Hamas bắt ngày 7 Tháng Mười (Marcus Yam, Los Angeles Times/Getty Images)

Robert Rozett, nhà sử học cấp cao tại Viện Nghiên cứu Holocaust Quốc tế (International Institute for Holocaust Research) ở Yad Vashem, nhận định:

“Những người phủ nhận quy mô và tính bạo lực của cuộc đột kích không dễ bị thuyết phục bởi bất kỳ bằng chứng nào. Họ bị ám ảnh bởi chủ nghĩa bài Do Thái và ác cảm đối với Israel. Khi dứt khoát khẳng định loại tội ác này chưa từng xảy ra, họ sẽ nói rằng video là do Israel bịa ra để kích động và nằm trong chiến thuật bôi nhọ đối phương của Israel”.

Thực tế đã chứng minh nhận thức này. Một loạt meme và bài đăng trên mạng xã hội được lan truyền bởi những tài khoản có hàng chục ngàn người theo dõi đã đặt ra câu hỏi: Liệu số thương vong đối với dân thường Israel có nhiều như chính quyền Israel công bố không? Fadi Qur’an, giám đốc phụ trách chiến dịch tại nhóm nhân quyền Avaaz có trụ sở ở Bờ Tây, nêu ý kiến:

“Rõ ràng có sự liên quan giữa chủ nghĩa bài Do Thái và việc đặt câu hỏi về tính xác thực trong những gì chính phủ Israel công bố. Không ai phủ nhận những gì mà nhiều người Israel phải đối mặt trong ngày 7 Tháng Mười, hoặc phủ nhận việc có những người vô tội đã chết. Tuy nhiên, thời điểm này thật thích hợp để đặt câu hỏi về tính xác thực của những gì chính phủ hoặc quân đội Israel công bố vì họ có truyền thống phát tán những lời dối trá và thông tin sai lệch”.

Lý lẽ của những người ủng hộ nhân quyền luôn mang tính “hai mặt”. Hãy nghe nhận xét kiểu này của Sari Bashi, giám đốc phụ trách chương trình của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) tại Bờ Tây:

“Không thể dùng hành động tàn bạo của Hamas vào ngày 7 Tháng Mười để biện minh cho các cuộc không kích trừng phạt của Israel trong hai tuần qua và cuộc bao vây toàn bộ Gaza, làm cạn kiệt lương thực, nước và nhiên liệu. Hamas đã phạm những tội ác chiến tranh đối với thường dân Israel nhưng không thể dùng nó để biện minh cho việc quân đội Israel phạm tội ác chiến tranh chống lại thường dân Palestine”.

Đó là lập luận “tiêu chuẩn kép” của những người chọn chỗ đứng sao cho họ chỉ có thể nhìn về một phía và tự bịt mắt để không thấy tội ác từ phía bên kia.

Bài Liên Quan

Leave a Comment