Thổ Nhĩ Kỳ rà soát cuối kỳ thuế chống bán phá giá với dây hàn nhập khẩu từ Việt Nam

RFA
2023.10.25

sharethis sharing button

Thổ Nhĩ Kỳ rà soát cuối kỳ thuế chống bán phá giá với dây hàn nhập khẩu từ Việt Nam

Sản phẩm dây hàn Việt Nam hiện đang chịu thuế chống bán phá giá 21,15 – 29,65% tại Thổ Nhĩ Kỳ

 Công thương

Sản phẩm dây hàn có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam đang bị Thổ Nhĩ Kỳ khởi xướng điều tra rà soát cuối kỳ lệnh áp thuế chống bán phá giá.

Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho truyền thông hay tin trên trong ngày 25/10 dẫn thông báo của Tổng cục Nhập khẩu, Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ (DGI).

Theo đó, hàng hóa bị điều tra là dây hàn bằng kim loại cơ bản, có lõi là chất trợ dung, dùng để hàn hồ quang điện (cored wire of base metal, for electric arc-welding) được phân loại theo mã HS 8311.20 có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam.

Vụ việc điều tra chống bán phá giá bắt đầu từ tháng 3/2018, khi hai doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ là Công ty TNHH Thương mại và Công nghiệp Gedik Kaynak và Công ty TNHH Oerlikon Welding Electrodes and Industry đã nộp đơn yêu cầu khởi xướng điều tra dây hàn bằng kim loại của Việt Nam, cáo buộc rằng sự gia tăng nhập khẩu sản phẩm này gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tháng 6/2018, Thổ Nhĩ Kỳ khởi xướng điều tra vụ việc, và chính thức ban hành lệnh áp thuế từ tháng 10/2018. Mức thuế chống bán phá giá áp dụng đối với doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu dây hàn của Việt Nam là 21,15 – 29,65%. Nếu không được gia hạn, biện pháp chống bán phá giá sẽ hết thời hạn vào năm 2023.

Tháng 1/2023, Thổ Nhĩ Kỳ đã thông báo tiếp nhận hồ sơ yêu cầu điều tra rà soát cuối kỳ vụ việc và nhận được hồ sơ của Công ty TNHH Oerlikon Welding Electrodes and Industry – doanh nghiệp sản xuất vật liệu hàn của Thổ Nhĩ Kỳ. Công ty này cho rằng việc chấm dứt biện pháp chống bán phá giá sẽ dẫn đến việc tiếp tục hoặc tái diễn hành vi bán phá giá và gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước của Thổ Nhĩ Kỳ.

Do đó, ngày 10/10/2023, Tổng cục Nhập khẩu, Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ (DGI) đã khởi xướng rà soát cuối kỳ như đã nêu.

Để đảm bảo quyền và lợi ích của các doanh nghiệp của Việt Nam, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu liên quan chủ động đăng ký tham gia, hợp tác đầy đủ, toàn diện với DGI trong suốt quá trình vụ việc. Đồng thời, thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin cho Cục Phòng vệ thương mại để được hỗ trợ kịp thời.

Bài Liên Quan

Leave a Comment