TỰ DO TÔN GIÁO & NHÂN QUYỀN POSTED ON THỨ NĂM, 26 THÁNG 10 2023
Nguyên nhân căn cốt khiến chính quyền Việt Nam kỳ thị chủng tộc đối với những người Thượng bản địa và sắc dân thiểu số H’mông đó là vì họ giữ một niềm tin tôn giáo. Đây là nội dung hai bản báo cáo quan trọng đã được BPSOS đệ trình cho Uỷ Ban chuyên trách theo dõi Công Ước Xoá Bỏ Mọi Hình Thức Phân Biệt Chủng Tộc (Convention on the Elimination of All Forms of Racial Discrimination).
Các bản báo cáo này được tổ công tác vận động quốc tế của BPSOS phối hợp với ba tổ chức dân sự chuyên đấu tranh cho quyền của từng nhóm sắc dân gồm Người Thượng Vì Công Lý (Montagnards Stand For Justice), Người H’mông Vì Nhân Quyền (H’mong For Human Rights) và Evangelical Church of Christ of the Central Highlands Greensboro, North Carolina hoàn thành vào tháng 8 năm 2023. Đây là thời điểm Uỷ Ban chuyên trách này chuẩn bị cho phiên kiểm điểm tình hình nhà nước Việt Nam thực hiện công ước sẽ diễn ra cuối tháng 11 năm 2023. Bản báo cáo thứ nhất có tên là “Statelessness of H’mong and Montagnards resulting from Racial Discrimination”. Bản báo cáo thứ hai có tên là “Race-based Discrimination against H’mong in Vietnam”.
Hai bản báo cáo đã dẫn chứng cụ thể hàng chục vụ việc mang tính hệ thống của chính quyền Việt Nam tấn công vào một nhóm sắc dân hoặc những gia đình của các sắc dân này khi họ lựa chọn và thực hành niềm tin tôn giáo không theo sự chỉ đạo của chính quyền. Các số liệu dẫn chứng từ những vụ việc quy mô lớn như vụ tấn công người H’mong ở Mường Nhé năm 2011 cho đến những vụ việc mới gần đây nhà nước Việt Nam tiếp tục bắt tù những nhà truyền đạo người Thượng. Đây là những bằng chứng cụ thể xác định trong nhiều năm qua sắc dân H’mong và các sắc dân bản địa người Thượng là nạn của tình trạng kỳ thị chủng tộc chỉ vì lý do tôn giáo.
Không chỉ dùng vũ lực và hình sự (bắt tù đày) mà chính quyền Việt Nam còn dùng một biện pháp hành chính khá phổ biến để tấn công những người những gia đình có niềm tin tôn giáo đó là không cấp giấy tờ tùy thân cho họ. Hậu quả của biện pháp này là khiến cho hàng trăm ngàn người thuộc các sắc dân kể trên rơi vào tình cảnh vô quốc tịch ngay chính trên quê hương mình. Đối tượng trẻ em là những người chịu thiệt thòi nhất bởi chúng không được đến trường chỉ vì không có giấy khai sinh. Nhiều trẻ vẫn còn chịu sự kỳ thị của cộng đồng với quan niệm trẻ sinh ra ngoài giá thú chỉ bởi bố mẹ chúng không thể thực hiện được việc đăng ký kết hôn do không có giấy tờ tuỳ thân. Đối với những người lớn, hậu quả để lại rất đa dạng. Họ không thể tìm kiếm được việc làm có hợp đồng. Họ cũng không thể tiếp cận được với các chính sách y tế và phúc lợi xã hội. Không chỉ dừng lại ở hành vi tước đoạt giấy tờ tuỳ thân, chính quyền còn tiếp tục sử dụng chính tình trạng này để không thực hiện các dịch vụ công cho người dân…
Bản báo cáo thứ ba, “Vietnam Targets its Largest Indigenous Group: Montagnards and Hmong”, có nói đến cách nhà nước Việt Nam sử dụng tổ chức tôn giáo để tấn công tôn giáo.
Hai tổ chức tôn giáo lớn được chính quyền Việt Nam sử dụng làm công cụ tấn công các tổ chức tôn giáo của người bản địa và các sắc dân thiểu số đó là Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Miền Bắc và Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Miền Nam.
Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Miền Bắc được chính quyền Việt Nam công nhận từ năm 1963 và Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Miền Nam được chính quyền Việt Nam công nhận vào năm 2001. Sau khi được công nhận, hai tổ chức này đã thu nạp hầu hết các tín đồ người bản địa thiểu số để lập thành các điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo trực thuộc cho mình. Tuy nhiên, hai tổ chức này không tôn trọng sự khác biệt về văn hoá của các dân tộc bản địa mà họ công khai thực hiện các chủ trương từ chính quyền đó là đồng hoá và quản lý chặt chẽ mọi sinh hoạt của các điểm nhóm. Họ im lặng trước các cuộc tấn công của chính quyền vào các điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo của người bản địa dân tộc thiểu số. Tệ hại hơn, khi các điểm nhóm trực thuộc đề nghị họ phải thực hiện nghĩa vụ bảo hộ thì họ vẫn tiếp tục im lặng không đáp ứng. Do đó, kể từ khoảng năm 2005 trở lại đây, hàng loạt các điểm nhóm trực thuộc đã chủ động rời bỏ hai tổ chức này. Gia nhập hay rút khỏi một tổ chức là quyền đương nhiên của mỗi thành viên. Tuy nhiên, hai tổ chức tôn giáo này đã không tôn trọng quyền đó của thành viên mà trái lại họ còn ra văn bản không thừa nhận tư cách độc lập của điểm nhóm đã chấm dứt quan hệ trực thuộc với họ.
Bằng ba bản báo cáo chi tiết, BPSOS và các tổ chức cộng sự đã cung cấp cho uỷ ban của công ước nêu trên một bức tranh toàn cảnh về việc chính quyền Việt Nam kỳ thị chủng tộc với những sắc dân bản địa thiểu số thông qua những thủ đoạn và phương thức khác nhau. Lý do đơn thuần chỉ vì những sắc dân này thực hiện quyền tự do lựa chọn và thực hành niềm tin tôn giáo theo cách riêng phù hợp với bản sắc của họ. Sự tấn công này chính là sự vi phạm nhân quyền đồng thời làm mất quyền được giữ gìn văn hoá của mỗi sắc dân.
Thông qua ba bản báo cáo và các hoạt động trực tiếp của tổ công tác vận động quốc tế sẽ có mặt tại Thuỵ Sĩ trong thời gian diễn ra phiên rà soát của Liên Hiệp Quốc với Việt Nam về tình hình thực thi Công Ước Xoá Bỏ Mọi Hình Thức Phân Biệt Chủng Tộc (29-30/11/2023), BPSOS và các tổ chức cộng sự mong muốn sẽ thúc đẩy sự lên tiếng mạnh mẽ của các tổ chức quốc tế để buộc Việt Nam phải từng bước thay đổi chính sách kỳ thị chủng tộc và tấn công tôn giáo của những người bản địa.
Chúng ta hãy cùng nhau theo dõi và chờ xem chính quyền Việt Nam giải trình với uỷ ban theo dõi Công Ước Xoá Bỏ Mọi Hình Thức Phân Biệt Chủng Tộc như thế nào. Đồng thời nhiệm vụ của mỗi chúng ta là hãy gửi những câu hỏi chất vấn tới nhà nước Việt Nam khi họ không giải trình hoặc giải trình không đúng vào vấn đề thông qua các cơ chế giám sát của công ước.