Từ lái xe taxi, chuyên chở di dân bất hợp pháp, hay chủ nhà trọ, cho đến những kẻ bị tình nghi điều hành đường dây môi giới vượt biên trái phép, tổng cộng 19 người bị xét xử tại tòa tiểu hình ở Paris, Pháp từ ngày 17/10 đến ngày 10/11/2023., trong vụ án 39 người thiệt mạng trong chiếc xe tải đông lạnh ở Anh năm 2019. Các phiên điều trần cho thấy sự phức tạp của vụ án khi phải xác định bị cáo là nạn nhân hay là một đầu não trong đường dây “buôn người”.
Đăng ngày: 27/10/2023
Thông thường, mỗi phiên điều trần kéo dài năm tiếng, trong ba tuần đầu tiên, tòa chất vấn các bị cáo, nêu ra các cáo buộc và những bằng chứng thu thập được sau khi điều tra. Cụ thể, cơ quan điều tra của Pháp đã xác định 3 địa điểm lưu trú di dân bất hợp pháp tại Aubervilliers, Fontenay-aux-Roses, Nogent-sur-Marne, ngoại ô Paris, được coi là trạm trung chuyển trước khi sang Anh, cũng như danh tính của chủ nhà và các tài xế taxi chở di dân bất hợp pháp.
Trong số các bị cáo, có 8 người Việt. Họ bị cáo buộc các tội như hỗ trợ nhập cảnh và lưu trú bất hợp pháp người nước ngoài ở Pháp, phạm tội có tổ chức…
Trong số bị cáo người Việt, 4 người, với biệt danh là Tony, Hoàng, Long, Thắng bị cáo buộc “ngộ sát”. Qua các cuộc nghe lén điện thoại, Công tố Paris đặc biệt nhấn mạnh đến từ “hàng”, hay “gà” mà các bị cáo dùng để ám chỉ những di dân muốn vượt biên, không khác gì một loại hàng hóa bị chất trong xe tải, chỉ ra rằng những người này nhận thức được rủi ro mà các nạn nhân phải đối mặt.
Trình diện tại tòa ngày 26/10, bị cáo Hoàng, vốn đã bị theo dõi qua điện thoại từ nhiều tháng, trước khi bị bắt giữ cách nay hơn hai năm, bị cáo buộc là một trong những người tiếp nhận di dân Việt, hỗ trợ lưu trú, điều hành đường dây ở Pháp. Trước tòa, Hoàng đã bác bỏ mọi liên quan đến đường dây môi giới đưa di dân vượt biên trái phép, mà thay vào đó cho biết chỉ “hỗ trợ” đi chợ, nấu ăn, đặt xe taxi… với hy vọng được giảm giá khi sang Anh và khẳng định mình có thể là nạn nhân trong chiếc xe tử thần khiến 39 người thiệt mạng, nhưng “hôm đó quá đông người”, nên đành phải ở lại Pháp.
Luật sư của bị cáo Hoàng, Slama Dylia cho rằng “đây là vụ án rất phức tạp, bởi vì có những bị cáo phải ra hầu toà hôm nay, bị coi như là những kẻ “đao phủ”, nhưng trên thực tế, sau các phiên xử, chúng tôi có thể thấy rằng họ có thể là những nạn nhân. Những người đứng trong hàng của các bị cáo hôm nay, có thể là những người đã bỏ mạng trong xe tải cách nay 4 năm.” Theo lịch trình, vào tuần sau, còn có 4 phiên điều trần những nhân vật được cho là nắm giữ vị trí chủ chốt của đường dây tại Pháp, trước khi viện Công tố, vào ngày 07/11, sẽ đưa ra các cáo buộc chính thức. Phiên xử sẽ kết thúc vào ngày 10/11, một số bị cáo có nguy cơ phải đối mặt với án tù lên đến 10 năm.