Sau 4 năm trùng tu, lâu đài Villers-Cotterêts, vùng Hauts de France, khoác lên mình sứ mệnh mới. Ngày 30/10/2023, tổng thống Pháp Emmanuel Macron khánh thành Trung tâm tiếng Pháp Quốc tế – Cité internationale de la langue française tại chính nơi vua François I ký sắc lệnh bắt buộc sử dụng tiếng Pháp trong các văn bản hành chính thay tiếng Latinh vào tháng 08/1539.
Đăng ngày: 30/10/2023
Đặc phái viên Thu Hằng tường trình từ Villers-Cotterêts :
Hồi sinh lâu đài Villers-Cotterêts bị bỏ hoang trong thời gian dài và biến công trình đầy ý nghĩa lịch sử thành nơi bảo tồn, phát triển và quảng bá tiếng Pháp là một trong những dự án văn hóa quan trọng trong nhiệm kỳ của tổng thống Macron. Cộng đồng Pháp ngữ, ngôn ngữ được nói nhiều thứ 5 trên thế giới, ở 88 nước, từ giờ có “một ngôi nhà chung” tạo điều kiện cho sáng tạo văn hóa, nghệ thuật và kinh tế.
Trước khoảng 500 khách mời tại lễ khánh thành, trong đó có rất nhiều thành viên xã hội dân sự địa phương, ông Macron phát biểu : “Đây là địa điểm có một không hai. Chưa bao giờ có một cơ quan dành riêng cho tiếng nói của chúng ta. Chưa một tổng thống nào thực hiện một dự án văn hóa ở quy mô lớn như vậy ở bên ngoài Paris. Và tỉnh Aisne cũng chưa bao giờ có một dự án văn hóa nào được đầu tư lớn như vậy”. Đây là một trung tâm, chứ không phải là một bảo tàng”.
Trả lời RFI Tiếng Việt, ông Paul Rondin, giám đốc Trung tâm tiếng Pháp Quốc tế, cho biết trung tâm không chỉ dành riêng cho cộng đồng nói tiếng Pháp mà cho cả những người yêu ngôn ngữ của Molière. Trung tâm được thiết kế riêng, sáng tạo với nhiều trò chơi, để khách tham quan, người lớn và trẻ em, có thể hòa mình khám phá.
15 phòng trưng bày đưa người xem trở lại thế kỷ 16 với sắc lệnh của vua François I bắt buộc sử dụng tiếng Pháp trong văn bản hành chính, đến quá trình tiếng Pháp trở thành ngôn ngữ phổ thông, đa dạng và phong phú hơn nhờ “vay mượn” tiếng nước ngoài, ví dụ tiếng Ý trong lĩnh vực nghệ thuật, cũng như việc một số từ tiếng Pháp được sử dụng trong nhiều ngôn ngữ trên thế giới và thách thức đối với tiếng Pháp trong trào lưu “Anh hóa” hiện nay. Ngoài ra, Trung tâm còn là nơi đào tạo, giảng dạy tiếng Pháp, là nơi tiếp đón các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu và chủ doanh nghiệp.
Sau 4 năm trùng tu với ngân sách hơn 211 triệu euro, chủ yếu do Nhà nước tài trợ trong kế hoạch tái thiết, Trung tâm tiếng Pháp Quốc tế có tham vọng trở thành cầu nối hiện tại và quá khứ, với những người nói tiếng Pháp và yêu tiếng Pháp không phân biệt biên giới, là nơi kết nối văn hóa với tất cả mọi người.