Thăm Việt Nam, tổng thống Putin không lo bị bắt theo lệnh truy nã của CPI – Tòa Hình sự Quốc tế ?

Đăng ngày: 30/10/2023

Tổng thống Vladimir Putin “vui vẻ nhận lời mời” thăm Việt Nam của chủ tịch Võ Văn Thưởng trong cuộc gặp ngày 17/10/2023 bên lề Diễn đàn Vành Đai và Con Đường ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ông Thưởng “khẳng định Việt Nam luôn ghi nhớ sự ủng hộ và giúp đỡ” của nhân dân Nga trong công cuộc xây dựng đất nước trước đây và ngày nay. Việt Nam có đường lối “đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa” và “luôn coi Liên bang Nga là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu”.

Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng và tổng thống Nga Vladimir Putin (P) gặp nhau bên lề Diễn đàn Vành đai và Con Đường (BRI) tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 17/10/2023.
Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng và tổng thống Nga Vladimir Putin (P) gặp nhau bên lề Diễn đàn Vành đai và Con Đường (BRI) tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 17/10/2023. AP – Grigory Sysoyev

Lời mời được đưa ra không lâu sau chuyến công du Việt Nam của tổng thống Mỹ Joe Biden, trong khi ông Putin cũng đang phải đối mặt với lệnh truy nã quốc tế do Tòa Án Hình Sự Quốc Tế ban hành. Một chuyến công du như vậy có thể diễn ra trong bối cảnh như thế nào ? Việt Nam có gặp trở ngại gì nếu tiếp đón tổng thống Putin ?

RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, giảng viên Trường Sư phạm Lyon, Pháp (École Normale supérieure de Lyon).


RFI : Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhận lời mời sớm thăm Việt Nam. Căn cứ vào bối cảnh chính trị thế giới hiện nay, liệu chuyến thăm có thể “sớm” diễn ra không ?

Laurent Gédéon : Để trả lời cho câu hỏi này cần nhắc lại tầm quan trọng của mối quan hệ Nga-Việt. Người ta nhớ rằng sự kiện ông Vladimir Putin lên nắm quyền đã đánh dấu một bước khởi đầu mới trong quan hệ giữa hai nước. Chuyến công du đầu tiên đầy ấn tượng của tổng thống Nga diễn ra ngay tháng 03/2001. Hai bên đã ký Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược. Đây cũng là thỏa thuận đầu tiên theo hình thức này của Việt Nam, tập trung tăng cường hợp tác song phương trong các lĩnh vực năng lượng, hạt nhân, công nghệ, quân sự, văn hóa và học thuật.

Kể từ năm 2008, hai bên đã thiết lập cơ chế Đối thoại quốc phòng thường niên. Năm 2012, Đối tác chiến lược được nâng cấp thành Đối tác chiến lược toàn diện. Năm 2013, một bản ghi nhớ về hợp tác hải quân được thông qua. Đến năm 2015, dưới sự bảo trợ của Nga, Việt Nam ký một thỏa thuận tự do thương mại với Liên minh Kinh tế Á-Âu. Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng được hai nước ký năm 2016.

Mối quan hệ song phương vẫn không ngừng tăng cường sau cuộc khủng hoảng tại Ukraina. Năm 2022, ngoại trưởng Nga Sergueï Lavrov đã công du Việt Nam hai ngày. Một năm sau đến lượt chủ tịch Tòa Án Tối Cao Liên bang Nga Vyatcheslav Lebedev. Ông Dmitry Medvedev, chủ tịch đảng Nước Nga thống nhất, phó chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga, cũng thăm Việt Nam vào tháng 05/2023.

Mối quan hệ song phương có thể được tóm lược như sau. Về mặt kinh tế, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong khối ASEAN. Matxcơva cung cấp gần như toàn bộ dầu khí mà Việt Nam sử dụng. Về mặt quân sự, Matxcơva là đối tác chính của Hà Nội. Nga giúp Việt Nam phát triển năng lực phòng chống tên lửa trên bộ và trên biển. Nga tham gia tích cực vào quá trình hiện đại hóa đội tầu chiến Việt Nam và tăng khả năng tấn công của quân đội Việt Nam.

Về mặt ngoại giao, tổng thống Vladimir Putin có thể trông cậy vào sự ủng hộ không lay chuyển của chính phủ Việt Nam. Ví dụ, Hà Nội đã không lên án cuộc xâm lược Ukraina. Tháng 04/2022, Việt Nam cũng bỏ phiếu chống một dự thảo nghị quyết loại Nga khỏi Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc.

Trở lại câu hỏi, dù khó đoán chính xác ngày công du nhưng dựa vào bối cảnh thuận lợi cho mối quan hệ Việt-Nga, có lẽ năm 2024 là thời điểm phù hợp cho chuyến công du chính thức Việt Nam của tổng thống Nga. Lý do là 2024 là năm quan trọng cho cả hai nước vì đánh dấu tròn 30 năm ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam – Nga (1994-2024).

RFI : Tổng thống Nga Putin bị Tòa Án Hình sự Quốc tế (CPI) phát lệnh bắt vì bị cáo buộc cưỡng ép đưa trẻ em Ukraina sang Nga hoặc các vùng lãnh thổ Ukraina bị Nga chiếm đóng. Nhưng dường như ông Putin có thể hoàn toàn yên tâm nếu đến thăm Việt Nam ?

Laurent Gédéon : Việt Nam, cũng như Nga, không tham gia Công ước Roma. Theo một sắc lệnh tổng thống ký ngày 16/11/2016, Nga đã rút khỏi.

Tuy nhiên, cần nhắc đến một tiền lệ về trường hợp cựu tổng thống Sudan Omar El-Béchir. Tháng 06/2015, ông Omar El-Béchir, bị truy tố vì tội diệt chủng ở Darfour, đến Nam Phi dự thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Phi. Dù ký Công ước Roma nhưng Nam Phi đã từ chối bắt ông Omar El-Béchir trước khi ông vội rời khỏi nước này. Chính quyền Pretoria lập luận rằng họ bị khó xử giữa việc tôn trọng quy định của Tòa Án Hình Sự Quốc Tế với chính luật pháp của Nam Phi liên quan đến bảo đảm quyền miễn trừ của tổng thống. Đáp lại, Tòa Án Hình Sự Quốc Tế cho rằng Pretoria đã không làm tròn bổn phận quốc tế vì không bắt tổng thống Sudan lúc ông có mặt trên lãnh thổ Nam Phi. Tòa Án Hình Sự Quốc Tế nhắc lại rằng Nam Phi, cũng như bất kỳ quốc gia thành viên nào khác, có nghĩa vụ bắt giữ một cá nhân bị Tòa Án Hình Sự Quốc Tế truy nã.

Ngoài ra cũng cần nhắc lại trường hợp của cựu tổng thống Chilê Augusto Pinochet dù khuôn khổ pháp lý không hẳn giống nhau. Ông Pinochet là đối tượng trong lệnh bắt quốc tế của một bồi thẩm đoàn quốc gia Tây Ban Nha. Bồi thẩm đoàn này tuyên bố có thẩm quyền dựa trên nguyên tắc thẩm quyền chung sau khi các nạn nhân chịu tra tấn và ép mất tích ở Chilê đệ đơn kiện. Tướng Pinochet bị chính quyền Anh bắt vào tháng 10/1998 khi đến nghỉ ở Anh Quốc. Bị quản thúc tại gia, nhà cựu độc tài trở thành đối tượng bị dẫn độ theo quyết định của các thẩm phán Anh. Nhưng biện pháp này chưa bao giờ được thi hành cho đến khi ông Pinochet được trả tự do và trở về Chilê năm 2000.

Liên quan đến tổng thống Vladimir Putin, vấn đề từng được nêu lên hồi tháng 08/2023 nhân thượng đỉnh BRICS ở Pretoria. Chính quyền Nam Phi tỏ ra do dự, thậm chí còn nêu khả năng rút khỏi Quy chế Roma. Cuối cùng, họ đã không là gì. Còn tổng thống Nga quyết định không công du Nam Phi vì phần nào không muốn đẩy đối tác Nam Phi vào thế khó xử.

Trong trường hợp của Việt Nam, bối cảnh có thể sẽ khác bởi vì ông Putin là khách mời chính thức chứ không phải đến nhân dịp nào đó, ví dụ trong khuôn khổ một cuộc họp thượng đỉnh quốc tế. Ngoài ra, ông Putin là người đứng đầu một Nhà nước không tham gia Quy chế Roma, là khách mời của một nước cũng không phải là thành viên Quy chế Roma. Trong bối cảnh đó, khả năng Tòa Án Hình Sự Quốc Tế gây sức ép có lẽ sẽ rất hạn chế bởi vì Việt Nam không bị ràng buộc phải tuân theo những quy định của Tòa Án Hình Sự Quốc Tế.

Trong những điều kiện nói trên, có thể thấy rằng không phải khía cạnh pháp lý sẽ đè nặng lên việc đánh giá rủi ro cho chuyến công du mà là khía cạnh chính trị.

RFI : Việt Nam ngỏ lời mời nhưng liệu có thực sự muốn ông Putin đến thăm vào thời điểm này không ?

Laurent Gédéon : Trong bối cảnh như vậy, Hà Nội có lẽ sẽ bị gây sức ép từ hai đối tác chính : Hoa Kỳ và Trung Quốc. Về phía Bắc Kinh, khó có thể thấy Trung Quốc nhất quyết yêu cầu Việt Nam dẫn độ đồng minh thân cận nhất của họ.

Liên quan đến Hoa Kỳ, cần phải tính đến chủ đích của Washington muốn xích gần Việt Nam về mặt địa chiến lược, trong đó minh chứng mới nhất là chuyến công du Hà Nội của tổng thống Joe Biden trong hai ngày 10 và 11/09. Mỹ chủ trương vượt một bước trong mối quan hệ song phương và tiến tới hợp tác đối tác chiến lược toàn diện và việc này đã được thực hiện. Cho đến hiện nay, Việt Nam chỉ ký mô hình hợp tác này với các nước Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc và Trung Quốc. Cho nên đối với Washington, đó là một thắng lợi ngoại giao đáng kể.

Trong những điều kiện đó và căn cứ vào tầm quan trọng của Việt Nam đối với Washington trong quá trình cạnh tranh toàn cầu giữa hai siêu cường, rất có thể Mỹ chỉ gây sức ép mang tính biểu tượng thông qua tuyên bố về chuyến công du của tổng thống Nga nếu chuyến công du diễn ra.

RFI : Ông Putin từng tuyên bố là không muốn đẩy “bạn hữu” vào thế khó xử khi quyết định không đến dự thượng đỉnh BRICS ở Nam Phi. Liệu có thể suy luận là ông Putin sẽ đến Việt Nam vào thời điểm thích hợp ?

Laurent Gédéon : Tôi không nghĩ là bối cảnh giống với bối cảnh chuyến công du Nam Phi từng dự kiến của tổng thống Nga. Ông Putin nhận lời mời đích danh từ đồng nhiệm Việt Nam. Cần phải coi cử chỉ này không phải là một lời mời thông thường mà có ý nghĩa về mặt ngoại giao và địa-chính trị.

Qua lời mời tổng thống Nga, Hà Nội gửi đi ba thông điệp. Trước tiên là thông điệp gửi đến Nga, bày tỏ mong muốn của Việt Nam tiếp tục quá trình hợp tác được gây dựng từ nhiều năm qua trong bối cảnh hai nước thông hiểu nhau. Lời mời này cũng thể hiện sự coi trọng của chính quyền Việt Nam, muốn nói rằng Nga không bị loại khỏi cuộc chơi và Nga luôn giữ tiềm năng địa-chính trị quan trọng trong mắt Việt Nam.

Thông điệp thứ hai được gửi đến Trung Quốc. Hà Nội muốn cho Bắc Kinh thấy là họ duy trì mối quan hệ đặc quyền với Nga, quốc gia mà Trung Quốc cũng có mối quan hệ gần gũi sâu sắc. Điều này tăng cường vị thế của Việt Nam đối với Bắc Kinh trong khi hai bên tranh chấp chủ quyền gay gắt ở Biển Đông.

Thông điệp cuối cùng được gửi đến Hoa Kỳ. Không phải ngẫu nhiên mà ngay sau chuyến công du Việt Nam của ông Biden mà Hà Nội mời tổng thống Nga đến thăm. Khi mời ông Putin, Hà Nội muốn đánh dấu sự khác biệt và tự chủ trong quyết định đối với Hoa Kỳ, đồng thời khẳng định rằng Việt Nam không đi theo chương trình hành động của Washington.

Tất cả những yếu tố trên cho phép nghĩ rằng chuyến công du của tổng thống Nga sẽ diễn ra khi Hà Nội và Matxcơva thấy có lợi, dù là về mặt đối ngoại, đối nội, quân sự hay bất kỳ lý do nào khác và có thể là vào năm 2024.

RFI : Trung Quốc, nước không tham gia Quy chế Roma, đã trải thảm đỏ đón “thượng khách” Putin tại Diễn đàn Vành Đai và Con Đường. Liệu mối quan hệ song phương được tăng cường có tác động đến mối quan hệ với Việt Nam ?

Laurent Gédéon : Người ta thấy chính quyền Nga thường chủ trương trung lập về mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam và những cạnh tranh giữa hai nước này ở Biển Đông. Nhìn chung, Matxcơva không lên án những hành động của Hải Quân và hải cảnh Trung Quốc, hai lực lượng vẫn thường có sự cố với tầu tuần tra và tầu cá Việt Nam trong những năm gần đây.

Nga phản đối quốc tế hóa xung đột ở Biển Đông, như vậy là đứng về lập trường của Trung Quốc vì nước này cũng phản đối. Luận điểm này có thể khiến Hà Nội khó xử, thêm vào đó là Nga và Trung Quốc gia tăng hợp tác trong lĩnh vực quân sự, chẳng hạn các cuộc diễn tập hải quân thường xuyên giữa hạm đội Nga và Trung Quốc.

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh là Nga được lợi khi chú ý đến mối quan hệ với Hà Nội vì Việt Nam cũng là một trong những đối thủ cạnh tranh quan trọng của Trung Quốc ở trong vùng. Do đó, Matxcơva có thể dựa vào mối quan hệ với Hà Nội để hạn chế nguy cơ đối đầu trực diện với Bắc Kinh. Nhìn vào mối quan hệ không cân bằng về tổng thể giữa Trung Quốc và Nga, việc này không hẳn có lợi cho Nga về lâu dài. Do đó, Matxcơva có lợi khi đa dạng hóa các liên minh và các điểm hỗ trợ trong khu vực. Với chất lượng của mối quan hệ chặt chẽ Việt Nam và Liên bang Nga, rõ ràng Hà Nội là đối tác có chủ đích của Matxcơva. Do đó, trong những điều kiện hiện nay, Việt Nam không có gì phải lo trước sự xích lại gần nhau giữa Trung Quốc và Nga.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, giảng viên Trường Sư phạm Lyon, Pháp.

Thu Hằng

Bài Liên Quan

Leave a Comment