Trong bối cảnh số người Palestine tại dải Gaza thiệt mạng không ngừng gia tăng, do các cuộc tấn công của Israel, áp lực quốc tế đối với chính quyền Tel Aviv càng lúc càng tăng, kể cả từ phía các quốc gia thân thiện với Nhà nước Do Thái trong thời gian gần đây.
Đăng ngày: 02/11/2023
Theo số liệu được bộ Y Tế của chính quyền Hamas tại dải Gaza loan báo vào hôm nay, 02/11/2023, số người Palestine bị thiệt mạng trong các vụ tấn công của quân đội Israel từ ngày 07/11 đến nay đã vượt ngưỡng 9000 người, trong đó có gần 4.000 trẻ em.
Số liệu này dĩ nhiên không thể được kiểm chứng một cách độc lập, trong bối cảnh Hamas phân biệt rõ ràng ai là thường dân, ai là chiến binh trong số những người thiệt mạng. Thế nhưng điều hiển nhiên là con số thường dân Palestine bị vạ lây và chết oan trong cuộc chiến giữa Israel và Hamas rất lớn.
Người dân Gaza không chỉ là nạn nhân của bom đạn. Chủ trương phong tỏa ngặt nghèo vùng lãnh thổ này do Quân Đội Israel tiến hành từ gần 4 tuần lễ nay đang gây ra một thảm họa nhân đạo bị các tổ chức quốc tế cực lực lên án.
Trong bối cảnh đó, Israel ngày càng bị cộng đồng quốc tế chỉ trích, thậm chí lên án, từ các tổ chức Liên Hiệp Quốc đang hoạt động tại Gaza, cho đến các nước từ lâu nay có quan hệ thân thiện với chính quyền Tel Aviv.
Phản ứng đối với Israel đặc biệt dữ dội sau hai vụ không kích liên tiếp trong hai ngày 31/10 và 01/11 vừa qua nhắm vào trại tị nạn Jabaliya ở phía bắc Gaza, nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng Hamas. Đây là trại tị nạn lớn nhất Gaza, có tới 116.000 người trên một diện tích khoảng 1,4 km2, một trong những khu vực đông dân nhất trong khu vực. Theo số liệu của Hamas, hai vụ không kích này đã khiến 195 người chết, 777 người bị thương và 120 bị mất tích dưới đống gạch vụn.
Bị tố cáo tấn công vô tội vạ, Israel đã khẳng định rằng đó là những cuộc oanh kích có trọng điểm. Chính quyền Tel Aviv cho biết đã nhắm cụ thể vào chiến binh và một số thủ lĩnh Hamas – phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công khủng bố vào Israel ngày 7 tháng 10, và lẩn trốn dưới các địa đạo đào phía dưới các tòa nhà dân sự, lấy thường dân làm bia đỡ đạn.
Một số nước tuyệt giao với Israel
Ngay sau các cuộc tấn công của Israel vào trại tị nạn Jabaliya, Bolivia, một nước châu Mỹ Latinh, đã tuyên bố đoạn giao với Tel Aviv, trong lúc Chilê và Colombia đã cho triệu hồi đại sứ ở Israel về nước, tố cáo Israel “vi phạm luật nhân đạo” và đã tiến hành một “vụ thảm sát”.
Hệ trọng hơn cả là Qatar, nước đang tham gia vào nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng con tin bị Hamas bắt giữ, cũng lên án “một vụ thảm sát mới” làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán”. Bên cạnh đó, Jordanie, quốc gia Ả Rập thứ hai đã đạt được thỏa thuận hòa bình với Israel gần ba mươi năm trước, cũng đã triệu hồi đại sứ của mình về nước. Ả Rập Xê Út, quốc gia mà tiến trình bình thường hóa quan hệ với Israel đã bị đình chỉ ngay sau khi Israel bắt đầu tấn công vào Gaza, cũng đã lên án cuộc đột kích vào Jabaliya “bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất”.
Theo nhận định của nhật báo Mỹ The Wall Street Journal ngày 01/11, cuộc tấn công vào trại tị nạn Jabaliya là “một thách thức nữa đối với Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác đang cố gắng duy trì sự ủng hộ” đối với chiến dịch tiêu diệt Hamas của Israel. Tờ báo ghi nhận: Thương vong dân sự ở Gaza càng gia tăng, áp lực quốc tế trên Israel càng nặng nề.