RFA
2023.11.03
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Mark Rutte chứng kiến Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM trao giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty BESI.
Công ty BE Semiconductor Industries N.V (BESI), doanh nghiệp vi mạch bán dẫn của Hà Lan, đã nhận giấy chứng nhận đầu tư của Ban quản lý Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh trong ngày 2/11.
Dự kiến doanh nghiệp này sẽ lắp đặt thiết bị vào năm 2024 và vận hành vào năm 2025, truyền thông nhà nước loan tin trên trong ngày 3/11.
Đại diện Công ty BESI cho hay trong giai đoạn đầu, dự án sẽ được đầu tư với số vốn hơn 115 tỉ đồng (tương đương 4,9 triệu USD), thời hạn hoạt động là 50 năm.
Dự kiến BESI sẽ lắp đặt máy móc, thiết bị và tuyển dụng lao động từ nay đến cuối năm 2024 và dự án sẽ đi vào hoạt động vào quý 1/2025.
Ông Nguyễn Anh Thi – trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM nói trên tờ Tuổi Trẻ rằng, dự án đầu tư của Công ty BESI tuy có quy mô nhỏ nhưng đây là giai đoạn 1 để đánh giá môi trường đầu tư tại Việt Nam, trước khi doanh nghiệp này quyết định đầu tư quy mô lớn hơn.
Theo ông Thi, việc thu hút Công ty BESI trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn sẽ mang lại những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam nói chung và của TP.HCM nói riêng. Đặc biệt là tạo cơ hội việc làm trình độ cao cho lao động cũng như đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Theo ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, BESI là công ty toàn cầu có trụ sở tại Hà Lan, hoạt động trên 7 cơ sở ở châu Á và châu Âu với lĩnh vực hoạt động là phát triển, sản xuất, kinh doanh và cung cấp thiết bị bán dẫn cho ngành công nghiệp bán dẫn và điện tử toàn cầu. Khách hàng của doanh nghiệp này chủ yếu là các nhà sản xuất vi mạch đa quốc gia, các nhà thầu lắp ráp và các công ty điện tử, công nghiệp.
Cũng trong ngày 2/11, ông Henk Jan Poerink, phó chủ tịch phụ trách hoạt động toàn cầu của công ty, nói với Reuters rằng khoản đầu tư của BESI dự kiến sẽ tăng đáng kể với kế hoạch xây dựng nhà máy riêng tại Việt Nam trong vòng bốn năm tới.
Ông Poerink cho biết BESI sẽ tiếp bước các công ty Hà Lan khác để tạo ra một “hệ sinh thái” bán dẫn tại Việt Nam, đồng thời cho biết thêm rằng ít nhất hai công ty khác trong phái đoàn cũng đang có kế hoạch đầu tư, tuy nhiên ông này không tiết lộ tên cụ thể.
Theo ông Poerink chiến lược của công ty đòi hỏi phải ít phụ thuộc hơn vào Trung Quốc, nơi công ty vẫn tiếp tục phát triển nhưng chỉ để phục vụ thị trường Trung Quốc đang mở rộng.
Cũng theo Reuters, các công ty và nhà cung cấp chất bán dẫn Hà Lan đang lên kế hoạch đầu tư sản xuất tại Việt Nam. Các khoản đầu tư ban đầu được biết đến không lớn, nhưng báo hiệu sự thay đổi nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc như một trung tâm xuất khẩu trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng giữa Bắc Kinh và phương Tây đã hạn chế doanh số bán chip tiên tiến nhất của Hà Lan sang Trung Quốc.
Việt Nam là nơi có nhà máy lắp ráp chip lớn nhất của Intel (INTC.O) và cũng là trung tâm sản xuất lớn của gã khổng lồ Samsung và LG của Hàn Quốc .