Các nhà báo ở Việt Nam đang phải đối mặt với các mối đe dọa và ngược đãi trên diện rộng, và thường xuyên bị bắt giữ hoặc bỏ tù vì các bài viết và bình luận của họ, theo một báo cáo chung gửi Liên Hiệp Quốc của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ), Freedom House và Robert F. Kennedy Human Rights.
Báo cáo chung được công bố vào ngày 2/11, Ngày Quốc tế chấm dứt quyền miễn trừ đối với tội ác chống lại các nhà báo, trước đợt Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) của Việt Nam tại Geneva vào tháng 4-5/2024.
Việt Nam được xếp là một trong những nước bỏ tù các nhà báo nhiều nhất thế giới, với ít nhất 21 người ngồi tù tính đến ngày 1/12/2022, theo CPJ.
Trong nửa đầu năm 2023, ít nhất 20 nhà báo, nhà hoạt động và người bảo vệ nhân quyền đã bị bắt. Một số người bị quản thúc tại gia, thường là vào các ngày quốc lễ hoặc trong các chuyến thăm của quan chức nước ngoài.
Báo cáo nhấn mạnh sự đối xử tàn nhẫn đối với các nhà báo và người bảo vệ nhân quyền, bao gồm cả việc giam giữ kéo dài trước khi xét xử và biệt giam.
Báo cáo tập trung vào việc xem xét việc Việt Nam tuân thủ nghĩa vụ nhân quyền quốc tế ảnh hưởng như thế nào đến các nhà báo và những người bảo vệ nhân quyền và những tiến bộ mà VIệt Nam đạt được kể từ lần rà soát cuối cùng vào năm 2019.
Đặc biệt, những mối quan ngại được nêu trong báo cáo này liên quan đến:
Nhà báo chết trong tù
Trong năm năm qua, ít nhất có một nhà báo (Đỗ Công Đương) – người thường bình luận về các vấn đề chính trị – chết vì mắc bệnh trong tù.
Ít nhất bảy nhà báo khác bị giam giữ trong thời gian báo cáo được thực hiện bị đánh đập bởi cai trại hoặc/và bị từ chối điều trị y tế bất kể bệnh nặng.
Một trong số đó là việc một nhà báo đang mai thai, khi ở trong tù đã bị đánh đập và bóp cổ. Cô là người vận động cho các nữ tù nhân khác và lên tiếng về điều kiện nhà tù.
Nhà báo Nguyễn Văn Hóa, một nhà hoạt động Công giáo và cộng tác viên thường xuyên của Đài Á Châu Tự Do, bị đánh đập dã man, bị biệt giam và bị ngược đãi trong khi ngồi tù bảy năm sau khi bị bắt vào tháng 1/2017.
Những trường hợp này cho thấy Việt Nam vi phạm Điều 5 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền trong đó bảo vệ tù nhân khỏi việc bị tra tấn và bị đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục.
Án tù dài hạn
Ông Phạm Chí Dũng – nhà báo và chủ tịch của Hội Nhà báo Độc lập – bị kết án 15 năm tù về tội chống nhà nước theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự.
Nhà báo Lê Mạnh Hà bị kết án tám năm tù theo Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015 về tội đăng, chia sẻ bài viết trên Facebook có nội dung bị cho là bôi nhọ nhà nước và Chủ tịch nước Việt Nam.
Nhà văn, nhà thơ Trần Đức Thạch bị bắt và bị kết án 12 năm tù tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 109 Bộ luật Hình sự. Ông Thạch viết về kinh nghiệm của mình khi còn là một cựu quân nhân Bắc Việt và những tội ác chiến tranh mà ông chứng kiến, đồng thời nhận xét về hệ thống pháp luật ở Việt Nam. Việc bắt giữ ông có thể được thúc đẩy bởi các bài viết của ông trên mạng xã hội để ủng hộ Hội Anh em Dân chủ.
Nhà báo nổi tiếng Phạm Đoan Trang bị kết án chín năm tù với tội danh tuyên truyền chống nhà nước sau khi bà tham gia một hội nghị nhân quyền và viết bài về các vấn đề chính trị.
Những trường hợp này phản ánh một xu hướng rộng lớn hơn, trong đó quan chức nhà nước bịt miệng và đe dọa các nhà báo vì đã công khai tham gia vào các vấn đề chính trị.
Bắt cóc nhà báo
Trong năm năm qua, có ít nhất hai nhà báo đưa tin về chính trị ở Việt Nam đã bị bắt cóc từ nước láng giềng Thái Lan sau khi đến thăm văn phòng Thái Lan của Cao ủy Liên Hiệp Quốc cho người tị nạn (UNHCR), gồm ông Trương Duy Nhất và Đường Văn Thái.
Những vụ việc này cũng có thể bị coi là vi phạm Điều 14 của Tuyên ngôn Quốc tế về Bảo đảm cho các cá nhân có quyền tìm kiếm và được tị nạn khỏi sự đàn áp ở các quốc gia khác.
Từ chối quyền được xét xử công bằng và quy trình kháng cáo
Đã có ít nhất hai báo cáo về việc các nhà báo bị xét xử kín hoặc không công bằng trong năm năm qua.
Đáng chú ý, nhà báo Phạm Đoan Trang bị kết án chín năm tù trong phiên tòa kéo dài một ngày được đánh dấu bằng những vi phạm thủ tục và vi phạm các quyền cơ bản của bà khi luật sư của bà bị cấm triệu tập nhân chứng hoặc tranh luận về bằng chứng mà cơ quan công tố đưa ra.
Nhóm luật sư của bà chỉ có vài tuần để chuẩn bị cho phiên tòa mặc dù có 11.000 trang bằng chứng để xem xét.
Ngoài ra, nhà báo Lê Anh Hùng đã bị giam giữ hơn bốn năm trong trại tâm thần trước khi bị đưa ra tòa.
Cấm xuất cảnh
Ít nhất hai nhà báo đã bị tịch thu hộ chiếu.
Một luật sư và gia đình ông đã bị cấm lên chuyến bay tới Hoa Kỳ do bài viết và sự ủng hộ của ông nhằm bảo vệ tù nhân chính trị và nạn nhân của sự bất công.
Quấy rối nhà báo
Phạm Đoan Trang từng buộc phải cắt đứt quan hệ với nhà xuất bản của bà do bị cảnh sát quấy rối.
Các thành viên của nhà xuất bản đã lẩn trốn để tránh bị quấy rối và duy trì việc xuất bản trong khi hàng chục người khác bị thẩm vấn vì tội mua và đọc sách bởi nhà xuất bản này.
Ngưng cấp thẻ nhà báo
Ít nhất năm nhà báo bị kết tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015 do các bài đăng trên mạng xã hội, và bị cấm làm báo trong ba năm sau khi thụ án từ hai đến bốn năm rưỡi tù.
Một tờ báo điện tử bị đình chỉ giấy phép hoạt động báo chí trong ba tháng sau khi công bố thông tin được cho là sai lệch và không phù hợp.
Qua các đánh giá này, CPJ, Freedom House và Robert F. Kennedy Human Rights khuyến nghị Việt Nam:
- Cung cấp phương pháp điều trị y tế thích hợp cho tù nhân theo Điều 19 Tuyên ngôn Nhân quyền trong Công ước Quốc tế.
- Chấm dứt việc sử dụng vũ lực quá mức, đánh đập và biệt giam kéo dài đối với nhà báo và người bảo vệ nhân quyền.
- Trả tự do cho tất cả các nhà báo bị bắt giữ hoặc bỏ tù tùy tiện vì thực hiện quyền tự do của họ
- Tiến hành các biện pháp nhằm chấm dứt việc thực hiện các hình phạt tù kéo dài không tương xứng với mức độ bị cáo buộc.
- Đảm bảo tất cả các nhà báo đều có quyền được tư vấn pháp lý và kháng cáo bản án của họ.
- Thực hiện các biện pháp nhằm chấm dứt việc bắt cóc các nhà báo bởi các tổ chức nhà nước và phi nhà nước.
- Điều tra kịp thời và hiệu quả các mối đe dọa và tấn công nhằm vào các nhà báo.
- Thiết lập một cơ chế hiệu quả để bảo vệ các nhà báo gặp rủi ro
- Đảm bảo các cá nhân, bao gồm cả các nhà báo, có quyền tìm kiếm và được tị nạn từ ở các quốc gia khác theo Điều 14 của Tuyên bố chung về Quyền con người
- Ngừng giam giữ các nhà báo trong cơ sở tâm thần trước khi xét xử.
- Chấm dứt việc biệt giam các nhà báo và giam giữ các nhà báo trong thời gian dài thời gian không xét xử.
- Chấm dứt việc tùy tiện quản thúc tại gia các nhà báo.
- Chấm dứt việc tịch thu hộ chiếu của nhà báo và thành viên gia đình họ
- Điều tra kịp thời và hiệu quả các mối đe dọa và tấn công nhằm vào các nhà báo và gia đình họ.
- Cải cách luật Tự do Báo chí năm 2016 theo hướng phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm cả việc đảo ngược quyền lực của nhà nước có thẩm quyền tối cao để xác định ai đủ tiêu chuẩn làm nhà báo.
- Chấm dứt sự kiểm soát của chính phủ đối với tất cả các phương tiện truyền thông để thúc đẩy tự do báo chí.
- Bãi bỏ lệnh cấm làm nhà báo đối với những người bị cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ hoặc các cáo buộc tương tự
- Khôi phục giấy phép báo chí cho bất kỳ ấn phẩm nào bị đình chỉ do bị cáo buộc xuất bản thông tin bất lợi.
- Cải cách các quy định của Bộ luật Hình sự 2015 được sử dụng để hành hạ nhà báo, trong đó có Điều 109 (hình sự hóa tội “tuyên truyền chống nhà nước”); Điều 117 (tội hình sự “làm, tàng trữ, phát tán hoặc phổ biến thông tin, tài liệu, vật phẩm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”); và Điều 331 (lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích của Nhà nước, quyền hợp pháp và lợi ích của tổ chức, công dân).
- Bãi bỏ Luật An ninh mạng