Sau hơn 600 ngày thách thức phương Tây trên hồ sơ Ukraina và đã nhiều lần đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp sự toàn vẹn lãnh thổ Nga bị đe dọa, hôm 02/11/2023 tổng thống Putin ban hành sắc lệnh « rút lại việc phê chuẩn CTBT – Hiệp Ước Cấm Thử Vũ Khí Hạt Nhân ». Phải chăng đây là dấu hiệu báo trước Matxcơva có thể sử dụng cả vũ khí hủy diệt hàng loạt trong một cuộc đối đầu với phương Tây ?
Đăng ngày: 03/11/2023
Hy vọng câu trả lời là không.
Đầu tháng 10/2023 chủ nhân điện Kremlin báo trước sẽ rút lại việc phê chuẩn Comprehensive Nuclear Test Ban Treaty – Hiệp ước cấm thử nghiệm vũ khí hạt nhân, mà Nga đã đặt bút ký vào năm 2000. Giải thích cho hành động này, Matxcơva đưa ra lý do chính là từ khi hiệp định này chào đời năm 1996 đến nay, Mỹ vẫn chưa phê chuẩn.
Tháng trước, Hạ Viện rồi Thượng Viện Nga đã lần lượt thông qua việc ngừng phê chuẩn CTBT. Cùng lúc Matxcơva thông báo bắn thử tên lửa đạn đạo có thể mang theo đầu đạn hạt nhân chuẩn bị đối phó khi cần « trả đũa » nếu nước Nga bị tấn công bằng vũ khí nguyên tử. Mùa hè vừa qua, Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật đến Belarus, đồng minh thân thiết của Matxcơva sát cạnh với biên giới Ukraina.
Đầu năm nay, tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo « đình chỉ tham gia » New Start – Hiệp Định Cắt Giảm Vũ Khí Chiến Lược Mới, đã ký kết với Hoa Kỳ từ năm 2010 dưới thời tổng thống Barack Obama.
Vào lúc thế giới lo ngại về một cuộc chạy đua hạt nhân, thêm một dấu hiệu báo trước chủ nhân điện Kremlin đang chuẩn bị đưa nước Nga vào một cuộc đối đầu vũ trang với phương Tây đó là Hạ Viện Douma tuần trước vừa thông qua dự luật về ngân sách cho giai đoạn 2024-2026, dự trù tăng 70 % các chi phí quốc phòng. Chi tiêu quân sự của Nga sẽ chiếm đến 6 % GDP thay vì 3,9 % như hiện tại.
Trong hoàn cảnh đó chuyện gì sẽ xảy ra khi mà sau 23 năm phê chuẩn CTBT giờ đây Nga không còn tự trói mình trong hiệp định đó nữa ? Nhiều nhà quan sát cho rằng đây là một tín hiệu mạnh Matxcơva gửi đến Âu Mỹ. Thậm chí, tổng thống Vladimir Putin dường như « chuẩn bị cho một cuộc đối đầu với phương Tây » như thể đó là một trong những « ưu tiên ». « Rút khỏi CTBT » rồi đây sẽ cho phép nước Nga « tiến hành các vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân ».
Trên thực tế, có nhiều yếu tố cho thấy bản thân quyết định « rút lại việc phê chuẩn Hiệp Ước Cấm Thử Vũ Khí Hạt Nhân » mang tính biểu tượng nhiều hơn. Đành rằng hiện hữu từ 1996 và được hơn 40 quốc gia hưởng ứng. Nhưng văn bản này vẫn chưa chính thức có hiệu lực bởi vì không đạt được số thành viên phê chuẩn cần thiết. Khác với trường hợp của Anh hay Pháp, cho đến nay, nhiều nước như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Israel, Iran… chưa bao giờ đặt bút ký vào tài liệu này. Matxcơva đã phê chuẩn CTBT từ năm 2000 và giờ đây Nga chỉ « rút lại » việc phê chuẩn. Điều này không có nghĩa là Nga « hoàn toàn ra khỏi » thỏa thuận quốc tế này, như một chuyên gia trong ngành ghi nhận.
Điểm quan trọng khác, giả thử Matxcơva có ý định tiến hành thử nghiệm hạt nhân thì một số tiếng nói trong ngành ghi nhận là chưa chắc « Trung Quốc, nước láng giềng sát cạnh » và cũng « người bạn mới » của Nga sẽ dễ dàng tán đồng và chấp nhận quyết định của Nga. Vả lại lần cuối cùng mà Matxcơva thử vũ khí nguyên tử là từ năm 1990, dưới thời Liên Xô cũ.
Một cái « chốt » an toàn khác là « học thuyết nguyên tử của Nga » quy định chỉ sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt trong « trường hợp duy nhất để tự vệ » có nghĩa là khi nước Nga bị « tấn công trước bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt và vũ khí quy ước đe dọa đến sự sống còn của Liên Bang Nga ».
Xét cho cùng, từ năm 2000 đến nay, nước duy nhất trên thế giới thử bom nguyên tử là Bắc Triều Tiên.
Trong bối cảnh một cuộc đối đầu giữa Matxcơva và Âu Mỹ hiện tại, mọi quyết định của Nga « rút khỏi » những cam kết theo chiều hướng hòa bình đều gây lo ngại. Liên Hiệp Quốc hay Hoa Kỳ « lấy làm tiếc » về quyết định của Nga không đi « đúng hướng ». Nhưng làm thế nào để chỉ trích nước Nga khi mà bản thân Mỹ và nhiều nước có bom nguyên tử vẫn chưa ký kết vào hiệp định CTBT và văn bản này vẫn chưa có hiệu lực.