Tình hình chiến sự giữa Israel và Hamas vẫn là chủ đề được nhiều báo Pháp số ra hôm nay, 03/11/2023, quan tâm, đặc biệt là vụ Israel oanh kích một trại tị nạn Jabaliya ở Gaza, bị tố cáo là « phạm tội ác chiến tranh », cũng như các hệ thống địa đạo chiến lược của Hamas ở Gaza, khiến Israel rơi vào bẫy.
Đăng ngày: 03/11/2023
Le Monde chạy tựa trang nhất “Tại Gaza, Israel rơi vào bẫy của Hamas”. Những hình ảnh hiếm hoi từ Gaza hôm 01/11, cho thấy đống đổ nát, khói bụi sau vụ oanh kích, mà Hamas cho biết hơn 190 thường dân thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Mặc dù không thể kiểm chứng được số thương vong qua nguồn tin độc lập nhưng ngay sau vụ oanh kích, Bolivia đã cắt quan hệ ngoại giao với Israel, nhiều nước đã triệu hồi đại sứ của mình tại Nhà nước Do Thái. Điều đáng nói là vụ tấn công của Israel vào khu vực này hoàn toàn có chủ đích, chứ không phải nhắm bắn nhầm.
Quân đội Israel khẳng định tấn công vào trại Jabaliya vì đó là những mục tiêu quân sự, các địa đạo, là nơi ẩn náu của một trong những chỉ huy của nhóm Hồi giáo Hamas, Ibrahim Bieri. Chuyên gia về chiến tranh tại đô thị, Daphné Richemond-Barak, tại đại học Reichman de Tel-Aviv ở Israel, được Le Monde trích dẫn, cho rằng việc các tòa nhà sụp đổ gần như hoàn toàn là « cái giá phải trả » để tiêu diệt Hamas, vì hố bom sâu như vậy chứng minh rằng có các địa đạo ở dưới lòng đất. Trên mạng xã hội X, Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc bày tỏ lo ngại về các cuộc tấn công của Israel, khiến nhiều thường dân thiệt mạng, « có thể cấu thành tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người ».
Le Monde chỉ ra rằng, kể từ đầu cuộc tấn công Hamas trả thù, Israel chưa nêu rõ bao nhiêu thủ lĩnh của Hamas đã bị tiêu diệt, tuy nhiên số người thương vong có thể lên đến hàng ngàn người, đặc biệt là ở Gaza. Nhật báo cho rằng Israel rơi vào thế « tiến thoái lưỡng nan », và đã đưa ra những lựa chọn sai lầm, nhắm vào các mục tiêu quân sự bất chấp ở đó có thường dân hay không, với biện minh là đã kêu gọi người dân di tản xuống phía nam Gaza. Thế nhưng, theo như tường trình của La Croix, cả nam bắc Gaza đều bị oanh kích, người dân Gaza phải sống trong điều kiện không có điện nước, viện trợ nhân đạo khó tiếp cận từ 27 ngày qua.
Le Monde kết luận rằng chuyện xảy ra ở trại tị nạn Jabaliya như là một hình thức tóm tắt về diễn biến của cuộc xung đột, về cách triển khai quân sự của Israel : ưu tiên mục tiêu quân sự, bất chấp thiệt hại về nhân mạng và tài sản có thể lớn gấp đôi, gấp ba. Tình hình này có thể lặp lại tại nhiều nơi khác và có nguy cơ trở nên khó chấp nhận trong mắt các bên vẫn ủng hộ Israel.
Trên thực tế, đó là cái bẫy của Hamas, và Israel không phải ngẫu nhiên bị rơi vào bẫy ở Gaza. Theo Le Monde, hệ thống đường hầm ngầm đã được bố trí khắp Gaza, thậm chí dẫn ra biển, có nơi sâu đến 60 mét. Các đường hầm này trở thành nơi di chuyển, vận chuyển hàng hóa, chứa vũ khí và cũng là nơi hoạt động của nhóm Hamas. Cái bẫy này đã khiến Israel khó có thể tấn công vào Hamas nếu không phá hủy các tòa nhà của cư dân ở phía trên.
Về phần mình, Libération dẫn lời chứng của một con tin được Hamas thả ra, cho biết anh đã phải đi bộ trong vòng 2 hay 3 tiếng dưới lòng đất, trong một mạng lưới đường hầm như mạng nhện. Các hệ thống đường hầm đã có ở Gaza từ lâu, nhưng đã tăng mạnh kể từ năm 2007, đến năm 2021, Hamas cho biết hệ thống địa đạo dài lên đến 500 km ở Gaza.
Về chủ đề này, Libération cho biết quân đội Israel cũng đã có sự chuẩn bị, lập một tiểu đội chuyên biệt, được trang bị kính nhìn trong bóng tối, robot điều khiển từ xa để thiết lập các bản đồ đường hầm, cũng như loại bom GBU-28, có thể phá hủy các đường hầm với độ sâu 30 mét. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chiều sâu và chiều rộng của các địa đạo vượt quá khả năng chuyên môn của Israel, đặc biệt là các hệ thống nằm này được ẩn dưới lòng đất tại khu vực rộng 365 km và có tới 2 triệu dân sinh sống ở phía trên. Le Figaro thì nhấn mạnh đến số phận của những thường dân Palestine, nêu ra lời cảnh báo của các tổ chức phi chính phủ và y sĩ về các hành động « trái với luật pháp quốc tế », biến Gaza thành « mồ chôn của trẻ em ».
Về chiến tranh Ukraina, cả Les Echos đề cập đến « quy luật tàn nhẫn của thời sự », khi diễn biến chiến sự giữa Nga và Ukraina với những tiên đoán về Đệ Tam Thế Chiến, đã bị thay thế bằng một đe dọa khác đối với hành tinh khi cuộc xung đột ở Israel có thể lan rộng sang Liban, đến Iran, hay việc Hoa Kỳ có thể can thiệp quân sự vào Trung Đông. Theo cây bút Yves Bourdillon của nhật báo kinh tế Pháp, « đúng là tội ác của Hamas, hay các vụ đánh bom ở Gaza » có vẻ kịch tính ngoạn mục hơn là những chiếc xe tăng, drone bị phá hủy thường ngày ở Ukraina. Hai cuộc chiến ở hai bối cảnh khác nhau, trên thực tế lại như hai mặt của đồng xu. Cuộc xung đột ở Hamas đối đầu với Israel, thách thức phương Tây, giống như Ukraina là bức tường chống lại Nga, đe dọa an ninh châu Âu. Hamas cũng được hỗ trợ bởi Iran – vốn là đồng minh của Nga. Cuộc chiến giữa Israel và Hamas dường như khiến phương Tây mất tập trung, nhưng những hỗ trợ bằng lời nói, hay tài chính mà phương Tây hứa hẹn giành cho Kiev không giảm đi. Hơn nữa cuộc phản công của Ukraina ít nhiều cũng có được kết quả tích cực trên chiến trường.
Vẫn về thời sự quốc tế, cả La Croix và Le Monde và Le Figaro, đều quan tâm đến việc Pakistan trục xuất 1,7 triệu người tị nạn Afghanistan khỏi nước này. Phóng sự của Le Monde cho biết các loa phát thanh phát đi thông báo tại các khu phố tập trung đông người Afghanistan ở Karachi : những ai không có giấy tờ sẽ bị bắt giữ, sau đó trục xuất về Afghanistan. Pakistan là điểm đến của hàng triệu người di cư từ Afghanistan sau các cuộc chiến tại nước này. Thông báo trục xuất đã được đưa ra từ đầu tháng 10, và đến cuối tháng 10, chính phủ Pakistan đã mở ra 49 trại tạm giam trên khắp đất nước. Ngoài đường phố, các xe bus nối dài, chất đầy hàng hóa, thảm đệm, đồ đạc của những người quyết định bỏ nhà cửa, tài sản ở Pakistan để trở về Afghanisan. Có những người buộc phải trở về, dù không còn gì ở Afghanistan và phải đối mặt với nhiều rủi ro từ chính quyền Taliban và các chính sách Hồi giáo hà khắc đối với phụ nữ (trẻ em nữ không được đến trường).
Những người tị nạn từ Afghanistan, vừa không được chào đón bởi chính quyền Islamabad, và cả đại đa số người Pakistan, bị truyền thông nước này coi là « những kẻ khủng bố », buôn ma túy… Từ đầu tháng 10, ước tính có khoảng 140 000 người Afghanistan không có giấy tờ đã rời khỏi Pakistan. Làn sóng trục xuất những người tị nạn « chưa từng có » này, trên thực tế là chính sách được đưa ra bởi một chính phủ lâm thời, do thủ tướng Anwar-Ul-Haq Kakara lãnh đạo từ tháng 08/2023, sau khi cựu thủ tướng Iram Khan bị lật đổ vào tháng Tư, và bị bắt giữ hồi tháng Tám vì tội « tiết lộ tài liệu mật ». Quân đội « đầy quyền lực » của Pakistan cũng đang giám sát chặt chẽ việc trục xuất để gây áp lực với chính quyền Taliban ở Kabul. Quan hệ giữa hai nước đã trở nên căng thẳng sau khi Taliban lên nắm quyền vào năm 2021. Le Figaro nêu ra 473 vụ tấn công khủng bố đã xảy ra tại Pakistan từ năm 2021 đến 2023, lấy đi sinh mạng của 785 người.