Ngay sau ngày bị Hamas bất ngờ tấn công hôm 07/10/2023, khiến hơn 1.400 người thiệt mạng, Israel đã cấp tốc thành lập một đơn vị biệt kích có nhiệm vụ truy lùng và tiêu diệt các thành viên của phong trào Hồi Giáo bị Nhà Nước Do Thái cho là thủ phạm cuộc đột kích đẫm máu.
Đăng ngày: 03/11/2023
Theo truyền thông Israel vào hạ tuần tháng 10, đội biệt kích do cơ quan tình báo Mossad và cơ quan an ninh nội địa Shin Bet phối hợp thành lập, được đặt tên là Nili, chữ viết tắt của cụm từ Netzach Yisrael Lo Yeshaker trong tiếng Do Thái, nghĩa là “Sự vĩnh cửu của Israel là sự thực”. Nili cũng là tên một mạng lưới gián điệp của người Do Thái đã giúp đỡ Vương Quốc Anh trong cuộc chiến chống lại Đế Chế Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) ở Palestine, từ năm 1915 đến 1917.
Nhiệm vụ chính của Nili là truy lùng và triệt hạ các thành viên của Nukhba, lực lượng tinh nhuệ thuộc Lữ Đoàn Izz ad-Din al-Qassam, nhánh quân sự của phong trào Hamas. Đối với Israel, chính nhóm này là thủ phạm vụ tấn công của Hamas vào lãnh thổ Israel hôm 07/10.n hơn 1.400 người thiệt mạng.
Mục tiêu truy diệt của Nili còn là những chỉ huy cấp cao Hamas bị Israel cho là đứng sau cuộc tấn công, như thủ lĩnh cánh vũ trang Hamas Mohammed Deif, cấp phó của nhân vật này là Marwan Issa, cũng như lãnh đạo phong trào Hamas ở Dải Gaza Yahya Sinwar.
Nợ máu phải trả bằng máu
Cho đến nay, chính quyền Israel không hề xác nhận chính thức về sự tồn tại của đội biệt kích Nili, nhưng France24 đã trích dẫn ông Shahin Modarres, chuyên gia về tình báo Iran – Israel tại Nhóm Nghiên Cứu An Ninh Quốc Tế Verona (ITSS), trụ sở ở Ý, khẳng định rằng có rất nhiều lý do để Israel thành lập đơn vị này.
“Điều lệ của Mossad quy định rõ là trong nhiệm vụ của lực lượng này có việc vô hiệu hóa các mối đe dọa nhắm vào Israel và tiến hành các hoạt động trả thù. Nói cách khác, truy lùng các chiến binh Hamas là một phần trách nhiệm của lực lượng này”.
Chuyên gia Modarres cũng cho rằng việc truy diệt các thành viên Hamas cũng nhằm gỡ gạc thể diện cho hai ngành tình báo và an ninh Israel, đã bị tổn hại đáng kể vì không phát hiện sớm kế hoạch tấn công của Hamas, cho dù kế hoach này được cho là đã được chuẩn bị từ hai năm qua. Theo ông Modarres, chính vì bị mất mặt mà an ninh và tình báo Israel không còn lựa chọn nào khác ngoài tiến hành một chiến dịch tìm diệt theo hướng “nợ máu phải trả bằng máu”.
Theo giới quan sát nguyên tắc “nợ máu phải trả bằng máu” đã từng được Israel áp dụng trong lịch sử của minh, mà ví dụ rõ nhất là chiến dịch “Cơn thịnh nộ của Chúa”, chiến dịch báo thù mà tình báo Mossad của Israel đã tiến hành sau vụ thảm sát 11 vận động viên Israel ở Thế Vận Hội Munich (Đức) năm 1972.
Sau vụ thảm sát do nhóm vũ trang “Tháng 9 Đen” của Palestine thực hiện, Mossad đã truy lùng những thành viên của nhóm này trong suốt 20 năm để tiêu diệt từng người một, bất kể là những người này ở đâu. Theo ông Ahron Bregman, chuyên gia khoa học chính trị người Israel tại đại học King’s College ở Luân Đôn, công việc của đội Nili rất có thể sẽ như vậy.
Tiền lệ của chiến dịch “Con Thịnh Nộ Của Chúa”
Theo giới quan sát, những gì được Israel đã làm trong chiến dịch “Con Thịnh Nộ Của Chúa” trước đây có thể cho phép chúng ta biết được phần nào cách thức hoạt động của đội biệt kích Nili.
Theo France24, để thực hiện chiến dịch “Cơn thịnh nộ của Chúa” kéo dài hơn hai thập kỷ, Israel được cho là đã thành lập 5 nhóm biệt kích, với nòng cốt là lực lượng sát thủ tinh nhuệ Kidon của cơ quan Mossad. Các vụ ám sát hầu như không được tiến hành một cách kín đáo, mà thường được thực hiện một cách phô trương như dùng chất nổ, nhằm truyền thông điệp răn đe tới kẻ thù.
Chuyên gia Shahin Modarres giải thích là các nhóm biệt kích Israel thời “Cơn thịnh nộ của Chúa” “có trách nhiệm gửi tín hiệu đến các nhóm khủng bố khác và thường dàn dựng các vụ ám sát”. Vì vậy, vào năm 2011, đội Kidon được cho là đã hạ sát Darioush Rezaeinejad, một kỹ sư hạt nhân người Iran, ngay khi nạn nhân đang đón con đi học về, ngay giữa đường phố ở Tehran. Trước đó, vào năm 1978, cái chết của nhà hoạt động nổi tiếng người Palestine Wadie Haddad, chính thức vì bệnh bạch cầu, được cho là cũng do đặc vụ Kidon gây ra.
Hoạt động ở Gaza và cả ở những nơi khác
Đối với giới quan sát, phạm vi hoạt động của đội biệt kích Nili sẽ không chỉ giới hạn ở vùng Gaza, mà rất có thể sẽ mở rộng ra nhiều nước khác
Dĩ nhiên là địa bàn hoạt động chính của đội biệt kích Nili sẽ là Dải Gaza, căn cứ địa của lực lượng Hamas. Đối với chuyên gia Bregman, công việc cụ thể của nhóm biệt kích này tại Gaza sẽ là “tìm kiếm và giải thoát con tin nếu có thể” và “truy tìm các thành viên Hamas đã tấn công và sát hại dân thường Israel”.
Đây sẽ là một công việc phức tạp trong bối cảnh Quân Đội Israel cùng lúc cũng mở chiến dịch tấn công vào Gaza.
Ngoài Gaza, Nili còn có thể hành động tại những nơi khác. Theo ông Bregman các đối tượng mà Nili muốn triệt hạ có thể sẽ bao gồm các thành viên cấp cao của Hamas đang ở nước ngoài: “Việc trong đơn vị Nili có thành viên của Mossad cho thấy Israel cũng sẽ nhắm tới các thành viên Hamas hiện không có mặt tại Dải Gaza, mà đang ở những nơi như Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar, như cựu thủ lĩnh Khaled Meshaal hay người đứng đầu văn phòng chính trị Hamas Ismail Haniyeh”.
Theo ghi nhận của nhật báo Pháp Les Echos, trong chiến dịch “Cơn Thịnh Nộ của Chúa”, đã có ba thành viên nhóm “Tháng 9 Đen” bị hạ sát trên đất Pháp, một số người khác ở Ý, đảo Sýp và ở Liban.
Chiến dịch ám sát đó từng gây ra một số căng thẳng với các quốc gia nơi chúng diễn ra, đã bị dừng lại vào năm 1991 sau một sai lầm lớn. Một người phục vụ quán cà phê ở Na Uy, anh trai của một trong những nhạc sĩ trong nhóm Gipsy Kings, bị nhầm là thành viên của Tổ Chức Gải Phóng Palestine và bị đặc vụ Israel giết chết.