Lý do cây cọ chịu được gió bão 250km/h?
Khi phải chống chịu giữa những cơn bão dữ dội, cây cọ có lợi thế hơn các loài thực vật khác ở thân cây xốp, ít cành lá và hệ thống rễ độc đáo.
Lý do cây cọ có thể sống sót sau lốc xoáy và bão
Nhiều người rất ấn tượng với sức sống mãnh liệt của những cây cọ sống ven bãi biển. Sau khi những trận bão qua đi, nhiều loài thực vật bị phá hủy nhưng cọ thường vẫn sống sót. Vậy lý do là tại sao?
Cọ không phải cây thân gỗ
Cọ thuộc nhóm thực vật một lá mầm (monocots). Hạt của cây cọ thường chỉ bao gồm 1 lá mầm, có nghĩa nó sẽ tạo ra chỉ một lá khi nảy mầm. Cây cọ thuộc họ Cau, nhóm thực vật xuất hiện cách đây khoảng 100 triệu năm. Họ này bao gồm khoảng 181 chi và khoảng 2.600 loài đã biết. Dù cọ được gọi là cây, chúng là thực vật một lá mầm, có nghĩa chúng có họ gần với cỏ, ngô và lúa hơn những loài cây khác, theo Uriarte. Cây cọ có một thân và những chiếc lá hình tam giác gọi là lá lược mọc ra từ đỉnh.
Cọ không phải cây thân gỗ như nhiều loại cây khác.
Nói đơn giản hơn, cọ không phải là cây thân gỗ thông thường. Chúng giống cỏ và có nhiều điểm chung với cỏ hơn là cây. Điều này giúp cọ dù có ngoại hình khá to lớn nhưng lại linh hoạt. Một số loài cọ có thể uốn cong 40 – 50 độ trước khi thân bị rách hoặc gãy. Tính linh hoạt này giúp cọ là “ứng viên” hàng đầu để chống chọi với gió giật mạnh, thậm chí là cả những cơn bão nhiệt đới.
“Trong gió bão, cây cọ rất dễ uốn, vì vậy chúng có thể di chuyển theo gió và những chiếc lá lược thường rụng xuống, nhưng chúng có thể mọc rất nhanh ngay sau khi cơn bão đi qua. Điều đó khiến cây cọ chịu bão rất tốt”, Maria Uriarte, nhà sinh thái học rừng ở Đại học Columbia giải thích.
Cây cọ uốn cong dễ dàng trong gió nhờ phần thân chứa nhiều sợi và tương đối ướt. Nếu cắt ra, thân cọ trông giống một bó sợi dùng để vận chuyển nước và dưỡng chất. Phần thân cũng khá mềm nên càng linh hoạt. Chính độ dễ uốn này giúp cây cọ thích nghi tốt với những khu vực nhiều gió bão.
Cây cọ ít cành
Bạn có bao giờ để ý rằng cây cọ thường rất ít cành? Thực ra thì một số loài cọ vẫn có cành nhưng nó ít hơn nhiều so với bất kỳ loài cây nào khác sống ở vùng ven biển.
Và mặc dù cây cọ có cành thì hầu hết các cành này cũng đều rụng khi chúng lớn lên. Khi đạt đến độ trưởng thành, cọ thường chỉ còn lại những cành ở trên cùng.
Việc không có cành nghĩa là cây cọ không phải gánh quá nhiều trọng lượng trên phần thân. Hơn nữa, điều này cũng làm giảm “tải trọng” khi chúng tiếp xúc với gió mạnh. Ít cành cũng giúp đảm bảo rằng cây không lắc lư qua lại nghiêm trọng khi một cơn bão ập đến.
Lá cọ
Trong khi một số loại cây khác có mạng lưới cành và lá dày đặc để hấp thu tối đa ánh sáng mặt trời khi quang hợp thì cọ lại có khá ít lá nhưng lại có kích cỡ rất to. Đặc biệt hơn, lá cọ có thể gấp lại từ giữa, làm giảm diện tích bề mặt và làm giảm đáng kể sức cản không khí của cây khi có gió mạnh.
Rễ cọ thường ngắn, trải dài ở lớp trên cùng của đất.
Bộ rễ độc đáo
Sồi và rất nhiều loài cây to lớn khác thường có bộ rễ rất khỏe, kéo dài vài mét dưới lòng đất. Tuy nhiên, cọ lại có hệ thống rễ khá khác biệt. Rễ cọ thường ngắn, trải dài ở lớp trên cùng của đất, giúp cây bám chặt ở một vùng đất khá lớn.
Cây cọ rất khó bật rễ. Đó là vì chúng có hệ rễ độc đáo, cấu tạo từ lượng lớn rễ ngắn, tỏa rộng khắp tầng đất mặt, giúp cố định cây tại chỗ.
Nếu hệ thống rễ của cây có nhiều rễ mọc ngang dưới mặt đất, khi có gió mạnh tác động thì lực này sẽ truyền xuống rễ và lan rộng ra nhiều hướng. Điều này giúp ngăn ngừa khá tốt việc cây bị bật gốc. Có thể nói, hệ thống rễ độc đáo chính là lý do giúp cọ ‘chống chọi’ với các trận cuồng phong và những cơn bão dữ dội.