- Tác giả,Minh Thư
- Vai trò,BBC News Tiếng Việt
Trong buổi phỏng vấn với chương trình radio Outlook của BBC đầu tháng 10, bà Nguyễn Thị Tâm, một phụ nữ gốc Việt sống ở California, không ngần ngại hát những giai điệu yêu thích của Nat King Cole, Ella Fitzgerald … mỗi khi được yêu cầu.
Ở tuổi 78, giọng hát đầy nội lực tự nhiên của bà nghe vẫn trẻ trung và lôi cuốn.
Con gái bà Tâm, chị Hannah Hà, từ nhỏ đã biết mẹ mình hát hay. Nhưng chỉ cách đây vài năm, chị mới phát hiện ra một quá khứ rock ’n’ roll của mẹ mình – ca sỹ Phương Tâm từng hát ‘nhạc kích động’, jazz và blues ở Sài Gòn trước năm 1975.
Tất cả bắt đầu từ chiếc máy hát karaoke của gia đình.
Từ các buổi hát karaoke với bạn bè…
Năm 1975, Hannah theo ba mẹ, bác sỹ Xuân Du và vợ mình là bà Nguyễn Thị Tâm, sang California, Mỹ, tỵ nạn khi chị mới lên tám.
Như nhiều người Việt tỵ nạn khác, hai ông bà phải làm việc rất vất vả để nuôi gia đình và tìm chỗ đứng ở xứ sở mới.
Khi Hannah và các em sang tuổi thiểu niên và gia đình đã dư giả hơn, ông Xuân Du và bà Tâm mua ngay món đồ mong ước: một chiếc máy hát karaoke.
“Khi đó, ba mẹ tôi có một nhóm bạn thân là người tỵ nạn từ Việt Nam. Họ thường tới nhà ăn uống và hát karaoke,” chị Hannah Hà kể với BBC Outlook từ nhà riêng ở Missouri.
“Mẹ tôi là một đầu bếp rất giỏi, và cha tôi là một người rất thích giao du. Sau khi ăn xong, mọi người ngồi hát. Đó là cách họ kết nối với nhau và kết nối với đất nước mà họ đã phải bỏ đi… Họ ăn món Việt, hát nhạc Việt tới bảy, tám giờ liền.”
“Tôi luôn biết là mẹ tôi hát hay, vì mỗi khi mẹ hát, tất cả mọi người yên lặng. Họ muốn được nghe giọng mẹ tôi qua micro, chất giọng làm cả căn phòng rung lên.”
Nhưng bà Tâm chẳng bao giờ kể với các con mình đã từng là ca sỹ.
Tới email từ một người lạ…
Năm 2019, khi bác sỹ Xuân Du qua đời, bà Tâm lần đầu tiên phải sống một mình. Hannah cùng các em lo lắng cho mẹ, và chị còn lo lắng hơn khi một ngày, bà Tâm nhận được email từ một người lạ.
“Tôi nhận đươc email từ một người ở Việt Nam. Ổng nói ổng là nhà sản xuất của bộ phim “Mắt Biếc” và ổng muốn dùng một bài hát của tôi trong phim,” bà Tâm kể.
Khi biết chuyện, Hannah sợ đây là email scam, nhất là vì họ còn hỏi thông tin hộ chiếu, tài khoản ngân hàng của chị. Và chị nghĩ làm gì có bài hát đã thu âm nào của mẹ chị. “Mẹ xóa hết email đi,” chị dặn mẹ.
Rồi họ được biết phim Mắt Biếc là có thật, và đã được chiếu ở Việt Nam. Vậy phải chăng bài hát được thu âm của mẹ chị cũng là có thật, Hannah bắt đầu đặt câu hỏi.
Bà Tâm không nói gì nhiều, bà chỉ nói chị đừng phí công đi tìm bài hát đó.
Nhưng Hannah không bỏ cuộc. Chị dành nhiều giờ cố tìm hiểu quá khứ của mẹ mình. Rồi bỗng nhiên chị tìm được manh mối đầu tiên.
“Tôi tìm được một album trên eBay. Và album đó là một đĩa LP gốc có ba bài hát của mẹ tôi. Nó được một người ở Pháp rao bán. Mắt tôi sáng lên. Tôi nhìn vào màn hình và nghĩ: “Trời ơi, đây là đĩa LP gốc.”.
Chị quyết tâm mua bằng được đĩa nhạc đó, và nó đã thuộc về chị với giá 167 đô la.
Khi album đến nơi, chị vội vàng mở. Đĩa nhạc rất cũ, và trên tấm bìa rất sờn và bạc màu là tấm ảnh của mẹ chị thời trẻ, ca sỹ Phương Tâm.
Ba bài hát trong đĩa nhạc là cửa sổ mở ra quá khứ của ngôi sao rock ‘n’ roll trẻ tuổi ở Sài Gòn trong thập niên 60.
Ca sỹ rock and roll ở Sài Gòn những năm 1960
Sinh năm 1945, bà Nguyễn Thị Tâm lớn lên ở Sài Gòn. Cha bà luôn khuyến khích bà học hành, nhưng từ nhỏ, bà chỉ có một đam mê cháy bỏng – đam mê ca hát.
“Khi tôi 12 tuổi, tôi thường nghe các bài nhạc Mỹ mặc dù tôi không hiểu tiếng Anh.
“Ba tôi không cho tôi nghe nhạc, nhưng tôi ra ngoài và nghe lỏm từ nhà hàng xóm. Ông hàng xóm bật nhạc rất to, toàn nhạc Mỹ.”
Những năm 1950, nhạc rock and roll Mỹ bắt đầu ảnh hưởng tới thị hiếu ở Việt Nam. Cô bé Tâm thuộc hết giai điệu các bài hát cô mê mẩn.
“Ở xóm tôi, có một ông chơi đàn mandolin. Ông đã dạy tôi hát những bài đó. Chính ông là người gợi ý tôi nên có một tên sân khấu – Phương Tâm. Ông nói tên đó nghe hay hơn khi tôi biểu diễn.”
Khi 16 tuổi, bà được biết có một cuộc thi tuyển ca sỹ cho quân đội VNCH. Bà không kể cho ai và lẳng lặng đi thi một mình. Bà biết chắc mình muốn trở thành ca sỹ.
Tâm đã thắng trong cuộc thi và được nhận vào làm ca sỹ hát các bài động viên tinh thần cho binh sỹ VNCH. Có thu nhập khá tốt, nhưng sau một năm, bà quyết định thôi hát cho quân đội và đi hát ở các phòng trà và câu lạc bộ.
Phương Tâm nhanh chóng trở thành một trong những tên tuổi được tìm đến nhiều nhất. Bà hát rock ‘n’ roll cho CLB lính Mỹ, rồi hát blues và jazz cho các sỹ quan.
Bà đi chạy sô hàng đêm, biểu diễn tại sáu, bảy địa điểm khác nhau, từ 5 giờ chiều tới 1 giờ sáng.
Ở giai đoạn này, Phương Tâm được nhiều nhạc sỹ mời thu âm cho đĩa nhạc của họ. Với chất giọng khỏe khoắn, hơi khàn, bà có năng khiếu bẩm sinh cho dòng nhạc rock ‘n’ roll, blues và psychedelic đang thịnh hành lúc đó. Gương mặt của ca sỹ Phương Tâm 18 tuổi được in trên nhiều bìa đĩa và áp phích quảng cáo. Nhiều bài báo viết về ngôi sao trẻ tuổi này.
“Tôi không để ý lắm tới các lời mời đi thâu nhạc ở studio. Tôi tới studio, thâu nhạc rồi cất đĩa nhạc đi. Tôi không nghe lại các bài tôi đã thâu,” bà Tâm kể.
Bắt đầu cuộc đời mới
Nhưng rồi cuộc đời bà Tâm rẽ sang ngả khác. Quyến rũ và tài năng, cô ca sỹ trẻ có rất nhiều người hâm mộ, trong đó có người bác sỹ quân đội tên Xuân Du. Cũng đam mê nhạc Mỹ, ông Xuân Du luôn đi theo bà từ CLB này tới CLB khác.
Một ngày tháng 11/1963, sau khi nghe Phương Tâm hát bài ‘Tenderly’, ông Xuân Du xin địa chỉ và tới nhà bà hôm sau.
Sau vài năm, và hàng trăm lá thư (ông Xuân Du được điều đi phục vụ ở một bệnh viện xa Sài Gòn), họ cưới nhau. Bà Tâm bỏ hát, rời Sài Gòn náo nhiệt và theo ông đi Đà Nẵng. Hannah Hà ra đời năm 1966, và sau đó là hai người con nữa. Bà Tâm tận tụy hết mình với vai trò người vợ người mẹ.
Năm 1975, vài ngày trước khi quân đội Bắc Việt chiếm Sài Gòn, ông Xuân Du, bà Tâm cùng ba người con lên đường đi Mỹ tỵ nạn trên một trong những chuyến bay chở hàng cuối cùng của Mỹ ra khỏi Việt Nam. Họ phải bỏ lại cuộc sống khá giả ở Việt Nam, và bắt đầu lại từ đầu.
“Tôi rất buồn khi mới sang Mỹ,” bà Tâm nhớ lại.
“Chồng tôi phải học lại để làm bác sỹ bên Mỹ. Tôi để con ở nhà và đi làm tại một nhà máy dệt may, làm gia công, để có đủ tiền cho ổng đi học trường y. Đó là những năm rất khó khăn,” bà Tâm kể.
Những tháng ngày đi hát của bà Tâm giờ đây chỉ là ký ức xa xôi. Bà từ bỏ hoàn toàn ý tưởng đi hát bên Mỹ, và chỉ muốn hết lòng chăm lo cho chồng con.
‘Truy tìm’ và phát hành tuyển tập các bài hát gốc của Phương Tâm
Quay lại thời điểm 2019, chị Hannah Hà và gia đình, bạn bè của bà Tâm đều sốc khi biết bà từng là một ca sỹ đã thu âm trong những năm 1960.
“Tôi không thể tin được. Đầu tôi muốn nổ tung với hàng ngàn câu hỏi. Làm sao lại có chuyện này? Vì sao bà không kể cho chúng tôi? Ai sáng tác các bài hát này? Không thể tin được, nhưng giờ đây tôi phải tìm hiểu cho ra nhẽ,” chị kể với BBC.
Hannah bắt đầu tìm hiểu. Chị tìm được vài video trên YouTube dường như có hình ảnh và nhạc của mẹ, nhưng bà Tâm đều nói: đó không phải mẹ.
Hannah biết điều chị cần làm – thu thập, chỉnh sửa và phát hành một tuyển tập các ca khúc gốc do Phương Tâm hát.
Đây là công việc không dễ dàng chút nào. Sau khi Bắc Việt chiến thắng năm 1975, gần như toàn bộ băng, đĩa nhạc, sách báo từ thời trước 1975 bị cấm, đốt, và tiêu hủy.
Không có kinh nghiệm tìm kiếm nhạc cũ, Hannah liên hệ với một nhà sản xuất và sưu tập nhạc có tên Mark Gergis, người chuyên về nhạc Việt Nam trước 1975. Chị biết vài năm trước, ông phát hành một tuyển tập nhạc trong đó có một bài của Phương Tâm.
Mark lập tức đồng ý giúp chị. Ông kết nối Hannah với một nhà sưu tập người Mỹ, Adam Ferguson, người muốn tìm hiểu âm nhạc Đông Nam Á và lúc đó có mặt tại Sài Gòn.
Mark tìm được một cửa hàng bán băng đĩa cũ rất lớn. Mỗi tuần, suốt vài tiếng, Hannah gọi Facetime cho ông, và ông giơ cho chị xem các đĩa LP cũ lấm bụi, hết đĩa này tới đĩa khác, cho tới khi họ tìm được những đĩa có hình bà Tâm trên bìa.
Vì âm thanh trên các đĩa này LP không còn tốt hay nguyên vẹn, chị Hannah phải cố tìm rất nhiều đĩa nhạc khác nhau, mong lấy được một đoạn ở đĩa này, một đoạn ở đĩa kia.
Trong quá trình này, chị may mắn được nhiều người giúp đỡ. Cường Phạm, một nhà sưu tập và Jan Hagenkotter, nhà sản xuất đĩa cho Saigon Supersound đã tặng cho gia đình chị các đĩa nhạc gốc quý báu.
Cuối cùng, sau 18 tháng trời, hàng trăm email và cuộc gọi, và rất nhiều giờ đồng hồ lùng sục, Hannah, Mark Gergis và cộng sự cũng thu thập được 25 bài hát gốc của Phương Tâm. Chúng được xử lý, khôi phục lại một cách khéo léo và phát hành trong Album Phương Tâm Magical Nights: Saigon Surf, Twist & Soul (1964 -1966) năm 2021.
“Khi tôi ngắm album này, tôi nghĩ đến những người đã hợp tác giúp tôi làm ra nó, rồi được mẹ tôi xác nhận tất cả những bài trong đó là do bà hát. Điều đó khiến mọi chuyện đều bõ công và rất xúc động. Tôi không biết tả thế nào, nó là một trải nghiệm kỳ diệu một đời mới có một lần,” chị Hannah Hà chia sẻ.
Bà Tâm cũng xúc động không kém khi được nghe lại trọn bộ các ca khúc bà từng hát và thu sau 55 năm.
“Mỗi lần Hannah gửi cho tôi một bản audio cho tôi nghe, tôi đều khóc. Tôi không tin nổi tôi đã thâu những bài như thế. Tôi nhớ lại giọng hát trước kia của mình. Nước mắt tôi tuôn trào,” bà Tâm nói với chương trình BBC Outlook.
Với Hannah Hà, sau phát hiện ‘động trời’ này, chị nhìn mẹ mình với cách nhìn hoàn toàn khác.
“Giờ đây tôi nhìn mẹ tôi như một người có bản ngã riêng. Còn trước kia, tôi luôn nhìn bà như vợ của ba tôi, và người mẹ nghiêm khắc với con cái. Giờ tôi biết mẹ tôi từng nổi tiếng, nổi tiếng hơn cha tôi lúc đó, nổi tiếng hơn tất cả các con bà,” chị Hannah nói.
“Bà có quá khứ rất đặc biệt mà nhiều người muốn biết thêm. Tôi rất tự hào về bà. Tôi rất tự hào về những gì bà đã làm khi còn là thiếu nữ.”