RFA
2023.11.06
Blogger Đường Văn Thái trước khi bị mất tích ở Thái Lan
Fb Thái Văn Đường
Blogger Đường Văn Thái được gửi thư thăm hỏi mẹ, vẫn chưa kết thúc điều tra
Ông Đường Văn Thái được gửi thư thăm hỏi mẹ trong khi ông vẫn đang bị điều tra về cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.
Blogger Đường Văn Thái, được nhiều người biết đến với tên Thái Văn Đường, chuyên đưa tin về tham nhũng và đấu đá nội bộ của ban lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, bị mất tích vào ngày 13/4 khi đang xin tị nạn chính trị ở Thái Lan và đã được phỏng vấn để đi định cư ở một nước thứ ba.
Hơn hai tháng sau, Cơ quan An ninh điều tra của Bộ Công an Việt Nam thông báo cho gia đình biết, ông đã bị bắt từ ngày 14/4 và đang bị giam giữ ở Trại tạm giam B14 của bộ tại huyện Thanh Trì (Hà Nội).
Bà Dương Thị Lư, mẹ của ông Thái, cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết bà đã được Cơ quan An ninh điều tra mời qua điện thoại đến trụ sở của cơ quan này vào ngày 03/11 để nhận thư của con trai.
Bà nói với RFA trong ngày 05/11:
“Con hỏi thăm mẹ đau đầu gối đã khỏi chưa, ho đã đỡ chưa. Con không về được thì con hỏi thăm sức khỏe của mẹ. Ở trong này con cũng được ăn uống đàng hoàng, không có vấn đề gì. Mẹ không phải lo cho con, bây giờ mẹ già rồi. Mẹ không phải lo cho con, con ở trong này cũng đầy đủ thế này thế kia.”
Người mẹ 75 tuổi nhận ra nét chữ và chữ ký của con trai trong bức thư nhưng hoài nghi về tình trạng thực sự của con mình. Khi bà đọc xong, phía công an không cho mang về kể cả bản sao và thu hồi lại bức thư.
Bà đề nghị gặp con trai nhưng phía an ninh từ chối viện dẫn “đang trong giai đoạn điều tra,” viên an ninh này cũng trấn an bà Lư, khẳng định phía cơ quan chức năng và ông Thái đang kết hợp nhau để điều tra, nói ra sự thật của vấn đề.
Gia đình cũng chưa thuê mướn luật sư do vẫn chưa kết thúc giai đoạn điều tra.
Phóng viên gọi điện cho Cơ quan An ninh điều tra để hỏi về tình trạng hiện tại của blogger Đường Văn Thái, tuy nhiên người trực điện thoại từ chối cung cấp thông tin.
Thông thường, trong các vụ án về an ninh quốc gia, bị can không được liên lạc với gia đình trong thời gian điều tra. Có nhiều trường hợp họ chỉ được gặp luật sư không lâu trước ngày xử án, và gặp gia đình sau khi kết thúc phiên toà sơ thẩm.
Ông Đường Văn Thái sang tị nạn chính trị ở Thái Lan từ năm 2018 và đã được Văn phòng Cao uỷ về người tị nạn của Liên Hiệp quốc ở Bangkok cấp quy chế tị nạn. Ngay trước khi bị mất tích ở khu vực gần nhà trọ ở Thanyaburi, tỉnh Pathum Thani, ông đã được phỏng vấn để đi định cư ở nước thứ ba.
Báo chí nhà nước sau đó đưa tin cho rằng, người đàn ông tên Đường Văn Thái đã xâm nhập qua biên giới trái phép vào Việt Nam và bị công an xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh bắt giữ để điều tra.
Hai tháng sau, Cơ quan An ninh điều tra gửi thông báo gia đình nói ông Đường Văn Thái “đã có hành vi: Thu thập thông tin, tài liệu để biên tập, viết bài, quay video clip có nội dung vi phạm pháp luật, phát tán trên mạng Internet, phạm vào Điều 117 Bộ luật Hình sự.”
Thông báo không nêu thông tin cụ thể ông này bị bắt giam khi nào và từ đâu.
Vẫn theo văn bản ký ngày 05/7 bởi Thiếu tướng Trần Thanh – Phó thủ trưởng Cơ quan an ninh điều tra, ông sẽ bị tạm giam đến ngày 12/8. Tuy nhiên, cho tới nay gia đình không nhận được văn bản gia hạn điều tra.
Theo Luật tạm giữ tạm giam, thời hạn tạm giam có thể kéo dài bốn tháng đối với vụ án rất nghiêm trọng, được gia hạn hai lần, mỗi lần không quá bốn tháng.
Hàng trăm video các bài nói chuyện được ông Đường Văn Thái phát trên các nền tảng mạng xã hội như YouTube và Facebook đã không còn ngay sau khi ông bị mất tích.
Nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế như Theo dõi Nhân quyền (HRW), Phóng viên Không Biên giới (RSF) và Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) cho rằng ông bị bắt cóc bởi lực lượng an ninh Việt Nam và đưa về Hà Nội, giống như trường hợp blogger Trương Duy Nhất của RFA ở Bangkok trong năm 2019 hay cựu quan chức dầu khí Trịnh Xuân Thanh ở Berlin năm 2017.