2023.11.06
Sản phẩm từ nhôm (minh họa)
Báo Công Thương/Cục Phòng vệ Thương mại
Bộ Thương mại Hoa Kỳ vào ngày 24/10 chính thức khởi xướng việc điều tra chống bán phá giá với nhôm đùn ép nhập khẩu từ Việt Nam. Bộ Công thương đưa tin này hôm 4/11.
Nguyên đơn là Liên minh nhôm, thép, giấy và lâm nghiệp, cao su, công nghiệp, năng lượng, liên đoàn lao động công nghiệp và dịch vụ Hoa Kỳ.
Phía nguyên đơn nêu tên khoảng 14 công ty Việt Nam, theo báo Công Thương.
Báo Công thương cho biết, theo nguyên đơn, căn cứ số liệu của Hải quan Hoa Kỳ, trong năm 2022, Việt Nam chiếm khoảng 7,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của các quốc gia vào Hoa Kỳ, đứng thứ tư trong số các quốc gia xuất khẩu nhiều nhất vào Hoa Kỳ, sau Mexico, Colombia, Trung Quốc (chiếm tỷ lệ lần lượt là 12,9%, 10,2% và 9,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của các quốc gia vào Hoa Kỳ trong năm 2022).
Theo Cục Phòng vệ thương mại – Bộ Công Thương, do Hoa Kỳ coi Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế phi thị trường, nên Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) sẽ sử dụng các giá trị thay thế của quốc gia thứ ba để tính toán biên độ phá giá cho Việt Nam. Trong vụ việc này, nguyên đơn đề nghị sử dụng Indonesia là quốc gia thay thế do cho rằng Indonesia có mức độ phát triển kinh tế tương đồng với Việt Nam và có số lượng đáng kể các nhà sản xuất nhôm đùn ép và các sản phẩm từ nhôm (Indonesia nằm trong danh sách các nước thay thế mới nhất do DOC ban hành cho Việt Nam).
Việt Nam hiện đang cố gắng thuyết phục Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường để tránh những bất lợi bao gồm các vụ kiện về chống trợ cấp, chống bán phá giá.
Tuy nhiên, một số chuyên gia được RFA phỏng vấn nhận định Việt Nam khó đạt chuẩn để được công nhận là nền kinh thế thị trường do tiền tệ chưa thể chuyển đổi tự do, người lao động không được thương lượng về mức lương với người sử dụng lao động, Chính phủ còn can quan thiệp quá sâu vào các hoạt động kinh tế.