Hôm nay, 06/11/2023, 22 quốc gia thuộc Cơ quan Không gian châu Âu (European Space Agency) họp tại Sevilla, Tây Ban Nha, để thảo luận về tương lai của lĩnh vực hàng không vũ trụ, trong bối cảnh cạnh tranh đến từ Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ ngày càng gia tăng.
Đăng ngày: 06/11/2023
RFI
Từ Bruxelles, thông tín viên RFI Pierre Benazet cho biết thêm :
Châu Âu đang đứng trước một lựa chọn đơn giản : Duy trì khả năng tự chủ trong không gian, hoặc trở thành khách hàng của các nước khác, thậm chí là của các doanh nghiệp tư nhân như SpaceX của Elon Musk. Một mặt châu Âu không có các phương tiện để tự đưa các phi hành gia của mình lên không gian và có nguy cơ bị gạt ra một bên trong các chuyến bay có chở phi hành gia.
Mặt khác, các bệ phóng của châu Âu hiện không hoạt động, vì vẫn đang phải chờ tên lửa Ariane 6 và tên lửa Vega-C của Ý. Điều trớ trêu là 4 vệ tinh trong hệ thống vệ tinh định vị Galileo, nhằm cung cấp dịch vụ định vị của châu Âu, sẽ do SpaceX phóng lên vào năm 2024.
Trong bối cảnh này, tại hội nghị ở Sevilla, các nước châu Âu muốn thảo luận về ý định duy trì sự “hiện diện thường trực và độc lập” của các chuyến bay có chở phi hành gia hoặc robot trong quỹ đạo và trên Mặt trăng. Châu Âu cũng muốn xây dựng các kế hoạch đầu tư cho việc quan sát khí tượng trong tương lai.
Câu hỏi hóc búa nhất hiện nay là vấn đề tài chính dài hạn, do Ý và Đức đang dần rời bỏ Arianespace và các tên lửa đẩy, có thể khiến châu Âu tiêu tốn khoảng 350 triệu euro mỗi năm.