7 tháng 11 2023
Sáu nguồn tin nói với Reuters rằng Vladimir Putin đã quyết định tham gia cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 3/2024, một động thái sẽ giúp ông nắm quyền ít nhất cho đến năm 2030, vì người đứng đầu Điện Kremlin cảm thấy ông phải lèo lái nước Nga vượt qua giai đoạn nguy hiểm nhất trong nhiều thập kỷ.
Sau khi xoa dịu một cuộc binh biến vũ trang của thủ lĩnh nhóm lính đánh thuê Wagner vào tháng Sáu, Putin đã chuyển sang củng cố sự ủng hộ từ các lực lượng an ninh, lực lượng vũ trang và cử tri khu vực bên ngoài Moscow, trong khi Wagner đã bị buộc phải khuất phục.
Quốc phòng, vũ khí và tổng chi tiêu của Nga đã tăng vọt trong khi ông Putin xuất hiện nhiều lần trước công chúng trong những tháng gần đây.
Một trong những nguồn tin am hiểu về kế hoạch cho biết: “Quyết định đã được đưa ra – ông ấy sẽ tranh cử”.
Một nguồn tin khác xác nhận rằng đã có quyết định và các cố vấn của Putin đang chuẩn bị cho sự tham gia tranh cử của ông. Ba nguồn tin khác cho biết quyết định tranh cử tổng thống vào tháng 3/2024 đã được đưa ra.
Các nguồn tin nói với Reuters với điều kiện giấu tên do tính nhạy cảm thông tin.
Một trong số họ cho biết manh mối dự kiến sẽ được tiết lộ trong vài tuần nữa và thông tin này phù hợp với bài báo trên tờ Kommersant vào tháng trước.
Trong khi nhiều nhà ngoại giao, điệp viên và quan chức cho biết họ dự đoán Putin sẽ nắm quyền suốt đời, thì cho đến nay vẫn chưa có xác nhận cụ thể nào về kế hoạch tái tranh cử của Putin.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết ông Putin vẫn chưa bình luận về vấn đề này và nói thêm: “Chiến dịch này vẫn chưa được công bố chính thức”.
Nga trong chiến tranh
Ông Putin, 71 tuổi, người được Boris Yeltsin trao chức tổng thống vào ngày cuối cùng của năm 1999, đã giữ chức tổng thống lâu hơn bất kỳ nhà cầm quyền Nga nào khác kể từ Josef Stalin, vượt qua nhiệm kỳ 18 năm của Leonid Brezhnev.
Các nhà ngoại giao nói rằng không có đối thủ nặng ký nào có thể đe dọa cơ hội giành phiếu bầu của ông Putin nếu ông tái tranh cử. Cựu điệp viên KGB được tỷ lệ tán thành là 80%, có thể tin tưởng vào sự ủng hộ của nhà nước và các phương tiện truyền thông nhà nước, và hầu như không có phe đối lập chính thống nào thách thức việc ông tiếp tục nắm quyền.
Tuy nhiên, Putin phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng nhất mà bất kỳ người đứng đầu Điện Kremlin nào cũng phải đối mặt kể từ khi Mikhail Gorbachev vật lộn với Liên Xô đang sụp đổ hơn ba thập kỷ trước.
Cuộc chiến ở Ukraine đã gây ra cuộc đối đầu lớn nhất với phương Tây kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 và hậu quả là các lệnh trừng phạt của phương Tây đã gây ra cú sốc lớn nhất cho nền kinh tế Nga trong nhiều thập kỷ.
Lạm phát tăng nhanh trong khi đồng rúp giảm giá kể từ khi chiến tranh bắt đầu và chi tiêu quốc phòng sẽ chiếm gần 1/3 tổng chi ngân sách của Nga vào năm 2024, dự thảo kế hoạch của chính phủ cho thấy.
Nhưng mối đe dọa trực tiếp lớn nhất đối với khả năng Putin tiếp tục nắm quyền xuất hiện vào tháng Sáu, khi lính đánh thuê quyền lực nhất của Nga, Yevgeny Prigozhin, lãnh đạo một cuộc nổi loạn ngắn ngủi.
Prigozhin thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay hai tháng sau ngày xảy ra cuộc binh biến, và Putin kể từ đó đã sử dụng Bộ Quốc phòng và Lực lượng Vệ binh Quốc gia để mở rộng quyền kiểm soát của các đồng minh đối với tàn quân của lực lượng Wagner.
Phương Tây coi Putin là một tội phạm chiến tranh và kẻ độc tài, người đã đưa Nga vào cuộc chiếm đất kiểu đế quốc, làm suy yếu nước Nga, củng cố tinh thần dân tộc của Ukraine, đồng thời khiến phương Tây phải đoàn kết lại và trao cho NATO một ý thức sứ mệnh mới.
Tuy nhiên, Putin lại cố gắng để cuộc chiến này được nhìn nhận như một phần của cuộc xung đột với Hoa Kỳ mà giới tinh hoa Điện Kremlin cho rằng nhằm mục đích chia rẽ Nga, chiếm lấy nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào của nước này và sau đó chuyển sang giải quyết tranh chấp với Trung Quốc.
Một trong những nguồn tin cho biết: “Nga đang phải đối mặt với sức mạnh tổng hợp của phương Tây nên sự thay đổi lớn sẽ không có lợi”.
Tuy nhiên, đối với một số người Nga, cuộc chiến đã cho thấy những khiếm khuyết của nước Nga thời hậu Xô Viết.
Chính trị gia đối lập người Nga đang bị bỏ tù Alexei Navalny nói rằng Putin đã đưa nước Nga đi vào ngõ cụt chiến lược dẫn tới sự hủy hoại, xây dựng một hệ thống dễ vỡ gồm những kẻ nịnh bợ tham nhũng mà cuối cùng sẽ để lại sự hỗn loạn hơn là ổn định.
Oleg Orlov, một trong những nhà vận động nhân quyền được kính trọng nhất ở Nga, nói với Reuters vào tháng Bảy: “Nga đang đi thụt lùi. Chúng ta đã rời bỏ chủ nghĩa toàn trị Cộng sản nhưng bây giờ đã quay trở lại với một loại chủ nghĩa toàn trị khác.”