Chiến dịch chống tham nhũng dường như không còn tập trung vào các quan chức cấp cao mà thay vào đó là người được bảo trợ, gia đình và đối tác làm ăn của họ.
Bài bình luận của Zachary Abuza*
2023.11.07
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn là cựu Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Cty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) ở Việt Nam.
AIC
Ngày 23/10/2023, các cơ quan tố tụng của Việt Nam bắt đầu xét xử vụ tham nhũng thứ hai đối với nữ doanh nhân hiện đang trốn chạy Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Đây không được xem là vụ án gian lận và hối lộ bình thường vì người phụ nữ này được cho là có quan hệ với Thủ tướng Phạm Minh Chính. Các cuộc đấu đá chính trị nội bộ của giới tinh hoa rõ ràng đang diễn ra khi cuộc chạy đua quyền lực trước kỳ Đại hội Đảng lần thứ 14 đang có chiều hướng tăng tốc.
Bà Nhàn, 54 tuổi, là cựu Chủ tịch của Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), một công ty thương mại được thành lập năm 1994 và đã tham gia vào hoạt động nhập khẩu khá nhiều mặt hàng, từ thiết bị điện tử cho doanh nghiệp, thiết bị y tế, dược phẩm, linh kiện ô tô, rượu cho đến công cụ máy móc và thiết bị nông nghiệp.
Tháng 12 năm ngoái, bà Nhàn đã bị xử vắng mặt cùng với 35 bị cáo khác trong một vụ án gian lận đấu thầu và hối lộ 6,3 triệu USD, liên quan tới 16 bệnh viện ở tỉnh Đồng Nai. Bà được cho là đã hối lộ 1,8 triệu USD cho các quan chức địa phương để có được các hợp đồng “thổi giá” (giá hàng hóa được thổi phồng), do đó đã bị kết án 30 năm tù giam vào tháng 1/2023. Cùng bị kết án với bà còn có ông Trần Đình Thành, người giữ chức Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai tại thời điểm xảy ra vụ việc, với tội danh nhận hối lộ.
Vụ việc được đưa ra xét xử mới đây cũng khá giống vụ việc khiến bà Nhàn bị kết án lần đầu tiên. Vụ án này liên quan đến sáu gói thầu thiết bị y tế cho các bệnh viện quốc doanh ở Quảng Ninh – một tỉnh nằm ở phía Đông Bắc Việt Nam – cũng như gian lận khi đấu thầu cung cấp thiết bị cho một phòng thí nghiệm y tế ở TP. Hồ Chí Minh.
Số tiền gian lận trong vụ án này chỉ ở mức 50 tỷ đồng (tương đương hai triệu USD). Tổng cộng, có 15 bị cáo, trong đó có kế toán của Cty AIC và cả anh trai của bà Nhàn. Anh trai bà Nhàn đã trốn khỏi Việt Nam nhưng sau đó lại quay trở lại để nhận trách nhiệm pháp lý.
Điều làm cho vụ này trở nên nhạy cảm là Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh giai đoạn 2011-2015 chính là Thủ tướng Phạm Minh Chính. Vị cựu quan chức tình báo của Bộ Công an đã có được một số kinh nghiệm quản lý đầu tiên [trong thời gian này] khi ông được chuẩn bị cho vị trí cấp cao trong Chính phủ.
Bà Nhàn được đồn là người tình cũ của ông Chính. Nhưng ngay cả khi đó là một tin đồn không có cơ sở, bà Nhàn rõ ràng đã được hưởng lợi từ mối quan hệ thân thiết với ông thủ tướng và các nhà lãnh đạo khác. Bà có đặc điểm là chịu khó nuôi dưỡng quan hệ với các lãnh đạo tỉnh nơi bà tìm kiếm các hợp đồng làm ăn.
Trang web của AIC cũng thông tin rằng công ty thường làm tư vấn cho Bộ Quốc phòng – một cơ quan đầy quyền lực ở Việt Nam.
Bà Nhàn với vai trò là người môi giới
Ngoài việc kinh doanh vật tư y tế, bà Nhàn còn được cho là đã trở thành người môi giới cho việc mua sắm vũ khí từ Israel của Việt Nam. Các báo cáo cho hay, các công ty quốc phòng Israel đã bán được khoảng 1,5 tỷ USD tiền vũ khí cho Việt Nam trong thập niên vừa qua vì Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tìm cách hiện đại hóa và giảm bớt sự phụ thuộc vào vũ khí của Nga.
Với bà Nhàn là trung gian môi giới, Israel đã đàm phán bán thêm khoảng hai tỷ USD vũ khí cho Việt Nam, trong đó có cả tên lửa đất đối không và các hệ thống vũ khí khác.
Năm 2018, Việt Nam bắt đầu đàm phán với Công ty Israel Aerospace Industries (IAI) về việc mua vệ tinh do thám Ofek-16 – thiết bị có khả năng giúp Việt Nam có được những hình ảnh trên không độc lập đầu tiên của mình.
Thương vụ này có trị giá 550 triệu USD nhưng bà Nhàn được cho là đã cố yêu cầu nhà sản xuất Israel nâng giá bán một cách đáng kể để có được phần hoa hồng lớn hơn. Các quan chức Israel đã tức giận vì kế hoạch tham nhũng này có tiềm năng làm đảo lộn việc mua bán và ít nhất đã trì hoãn việc thực thi.
Bà Nhàn chưa bao giờ bị buộc tội vì bất kỳ hoạt động gì liên quan đến việc mua sắm vũ khí – điều này có lẽ phản ánh nỗi lo sợ sẽ làm hé lộ thông tin về các hoạt động mua sắm của quân đội – vốn là một vấn đề nhạy cảm.
Từ trước đến nay phía Viện kiểm sát chỉ tập trung vào các giao dịch trong trong lĩnh vực y tế của bà, rất giống cách các điều tra viên có thể đang tập trung vào các hoạt động kinh doanh khác của nữ tài phiệt Nguyễn Thị Phương Thảo, hơn là vào tập đoàn SOVICO của bà – một doanh nghiệp vốn có lịch sử môi giới nhập khẩu vũ khí từ Nga.
Bà Nhàn đã bỏ trốn kể từ khi Bộ Công an ra lệnh bắt bà vào tháng 4/2022.
Phiên tòa xét xử bà hồi tháng 12 năm ngoái diễn ra trong bối cảnh chiến dịch “Đốt lò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hạ bệ hai Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam và hai tháng sau đó là Chủ tịch nước kiêm Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Phúc. Vào thời điểm đó, Thủ tướng Chính dường như là mục tiêu tiếp theo.
Ông Chính được nói là đã trải qua một buổi tự phê bình và được tiếp tục giữ chức. Nhưng có thể nói điều thực sự đã cứu ông không phải sự vô tội của ông mà là việc thiếu một người thay thế rõ ràng. Không ai trong số các Phó thủ tướng mới là ủy viên Bộ Chính trị và có một sự thiếu hụt tổng thể về kinh nghiệm quản lý kinh tế trong cơ quan nắm quyền ra quyết định tối cao nhất ở Việt Nam.
Báo chí đưa tin bà Nhàn đang trốn ở Đức và nước này đã từ chối yêu cần dẫn độ chính thức của Việt Nam. Trên thực tế, Berlin đã cảnh cáo Hà Nội không tái diễn hành động bắt cóc – giống như vụ việc xảy ra năm 2017 đối với ông Trịnh Xuân Thanh – người vốn là lãnh đạo điều hành của Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).
Sau khi bị bắt cóc bất hợp pháp, được nói là qua đường Slovalia, ông Thanh đã bị kết tội biển thủ và kết án tù chung thân trong một phiên tòa đồng thời kết án ủy viên Bộ Chính trị, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn dầu khí PetroVietnam Đinh La Thăng 13 năm tù giam. Đức đã trục xuất hai cán bộ ngoại giao của Việt Nam và kết án hai người khác vì hành vi bắt cóc và đang muốn ngăn chặn một vụ bắt cóc tương tự.
Các mục tiêu mới
Phiên tòa xét xử bà Nhàn có thể là một nỗ lực mới nhằm làm suy yếu Thủ tướng Chính khi cuộc đua vào các vị trí lãnh đạo đang nóng lên trước kỳ Đại hội lần thứ 14 của Đảng Cộng sản Việt Nam dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 1/2026.
Ban Việt ngữ Đài Á Châu Tự Do (RFA) đã đưa tin Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đương nhiệm và hai cựu Phó Chủ tịch đã bị điều tra và chính thức bị khiển trách vì những yếu kém trong quản lý và giám sát thương vụ của Cty AIC – thêm những áp lực không mong muốn đối với ông Thủ tướng.
Bộ Chính trị tiếp tục chỉ có 17 thành viên vì cả hai Hội nghị Trung ương lần thứ 7 và thứ 8, diễn ra lần lượt vào tháng 5 và tháng 10 năm nay đã không đạt được đủ sự đồng thuận để bầu các ủy viên mới sau khi hạ bệ các ông Phạm Bình Minh và Nguyễn Xuân Phúc.
Trong khi đó, Bộ trưởng Công an Tô Lâm tiếp tục vũ khí hóa một cách hiệu quả Bộ đầy quyền lực của mình để điều tra và vô hiệu hóa các đối thủ chính trị.
Tuy nhiên, việc hạ bệ hai phó thủ tướng và Chủ tịch nước – những người đều được cộng đồng doanh nghiệp quốc tế và giới ngoại giao tin tưởng – đã dẫn tới những câu hỏi về sự ổn định chính trị – một trong những điểm mạnh cơ bản của Việt Nam.
Như vậy, chiến dịch “Đốt lò” dường như không còn hướng mục tiêu vào các quan chức cao cấp mà thay vào đó là những người họ bảo trợ, gia đình, đối tác làm ăn với hy vọng rằng sẽ mang đến những bằng chứng buộc tội. Cách tiếp cận gián tiếp này ít tạo ra tin tức giật gân hơn nhưng là chìa khóa để hiểu những diễn biến, điều động phía sau hậu trường.
*Zachary Abuza là giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ ở Washington và là trợ giảng tại Đại học Georgetown. Các quan điểm thể hiện trong bài viết này là của riêng tác giả và không phản ánh quan điểm của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Trường Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ, Đại học Georgetown hay RFA.