Lâm Hoài Thạch/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) – Trong trận Mậu Thân, địch quân bị Quân Lực VNCH đánh bật ra khỏi thành phố Huế sau 28 ngày chiếm đóng. Đầu năm 1969, Trung Úy Phạm Châu Tài đảm trách chức vụ Đại Đội Trưởng Đại Đội 3, Tiểu Đoàn 81 Biệt Cách Dù, và tiêu diệt, bắt sống một số tù binh Cộng Sản đang đóng tại Khe Sanh. Một thời gian sau, ông được thắng cấp đại úy.
Lúc đó, Binh Chủng Lực Lượng Đặc Biệt có hai đơn vị thiện chiến nhất và lưu động, đó là Tiểu Đoàn 81 Biệt Cách Dù và Trung Tâm Hành Quân Delta.
Trong cuộc hành quân cuối cùng của Lực Lượng Đặc Biệt VNCH và Hoa Kỳ, Đại Đội 3 của 81 Biệt Cách Nhảy Dù do Đại Úy Phạm Châu Tài chỉ huy được lệnh nhảy qua Hạ Lào, nơi con sông Tchépone, bên Lào, cách biên giới Lào-Việt 5 cây số.
Trận cuối của Lực Lượng Đặc Biệt VNCH và Hoa Kỳ
Phi Đoàn 219 của Hoa Kỳ từ căn cứ Mai Lộc, Quảng Trị, bốc Đại Đội 3 của 81 Biệt Cách Dù cùng với bốn quân nhân Mỹ thuộc Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ nhảy xuống điểm thứ nhất đột ngột diệt một khẩu phòng không của địch. Khẩu đội phòng không của địch quân bị tiêu diệt, Đại Đội 3 lấy được một khẩu phòng không và nhiều thùng đạn, lính của “Hổ Xám” hai người hy sinh.
Trong số bốn quân nhân Mỹ có Thượng Sĩ Voix đã từng tham chiến trận Triều Tiên, nên có nhiều kinh nghiệm chiến trường, ông chỉ huy ba quân nhân Mỹ. Nhiệm vụ của toán quân nhân Mỹ này là gọi máy bay của Không Kỵ Hoa Kỳ yểm trợ cho Đại Đội 3 đang tham chiến. Hai xác của chiến sĩ Đại Đội 3 đã hy sinh và chiến lợi phẩm được Thượng Sĩ Voix gọi trực trăng đến mang về hậu cứ của Tiểu Đoàn 81 Biệt Cách Dù.
Sau đó, Đại Đội 3 của “Hổ Xám” tiếp tục sang ngọn đồi thứ hai để đánh một khẩu đội phòng không của địch nữa. Đang chuyển quân thì Thượng Sĩ Voix cho biết tin từ phi cơ thám sát của Mỹ là có khoảng 100 quân Cộng Sản từ phía Nam tiến đến đơn vị của “Hổ Xám.” Thượng Sĩ Voix cho biết là sẽ có phi cơ từ hạm đội Hoa Kỳ ngoài biển bay vào để đánh đoàn quân của Cộng Sản đang tiến quân đến đơn vị của Đại Đội 3 đang hành quân, chỉ chờ lệnh của “Hổ Xám” có đánh hay không? Phạm Châu Tài đồng ý, thì khoảng 10 phút sau, hai chiếc phản lực F5 bay vào mục tiêu dội bom tại điểm của địch đang di chuyển. Tiếp đó, thêm bốn chiếc phản lực nữa cũng đến dội bom vào đoàn quân này. Địch quân bị tiêu diệt hoàn toàn. Khi quân của Đại Đội 3 xuống lục soát thì không lấy được chiến lợi phẩm nào cả vì súng và người đã bị cháy rụi.
Sau đó, Đại Đội 3 mới tiến về mục tiêu hai trên đồi có khẩu phòng không thứ hai. Khi đến nửa chân đồi thì “Hổ Xám” lệnh cho Thiếu Úy Đặng Đình Hoàng mang một trung đội lên đỉnh đồi kiểm soát. Đến mục tiêu, Thiếu Úy Hoàng mới trình “Hổ Xám” là mục tiêu an toàn vì Cộng Quân đã bỏ chạy hết, quân ta lấy được một khẩu phòng không và nhiều thùng đạn. Phạm Châu Tài lệnh cho đơn vị nghỉ mệt, vì đã đánh từ sáng sớm cho đến hơn 12 giờ trưa.
Đang nghỉ mệt, từ phía Đông, một chiếc trực thăng “nòng nọc” quan sát của Mỹ bay đến điểm của “Hổ Xám” vừa chiếm khẩu phòng không thứ hai của địch, chiếc trực thăng này bắn hai trái khói màu trắng xuống điểm của Đại Đội 3.
Đại Tá Lê Đức Đạt, tư lệnh Sư Đoàn 22 Bộ Binh, gắn huy chương cho ba Đại Úy Đào Minh Hùng (giữa), Nguyễn Sơn (phải) và Phạm Châu Tài (trái). (Hình: Phạm Châu Tài cung cấp)
Linh tính cho biết, “Hổ Xám” liền nhảy xuống hố. Hai phút sau, hai chiếc Cobra trực thăng Mỹ xuất hiện bắn đại liên và đạn rocket vào nơi đơn vị của “Hổ Xám,” một quả đạn nổ ra trên 1,000 cái đinh. Lính của “Hổ Xám” hơn 20 người bị trúng đinh. “Hổ Xám” liền tung ra hai trái khói màu vàng để cho trực thăng của Mỹ biết là đã bắn lầm vào quân ta, vì khói vàng là quân của VNCH. Khói trắng là địch.
Trực thăng thám sát của Mỹ đã hiểu lầm tưởng là quân của “Hổ Xám” là Cộng Sản vì họ phát hiện có khẩu phòng không của địch để lại. Mừng chiến thắng chưa hết, thì sự kiện đau lòng đã đến, Thiếu Úy Hoàng, Thượng Sĩ Voix và một lính truyền tin của “Hổ Xám” tử trận.
Quân của “Hổ Xám” vẫn tiếp tục đi đến mục tiêu thứ ba, nhưng khoảng chừng nửa tiếng sau thì có chiếc trực thăng của tiểu đoàn trưởng bay trên không và cho “Hổ Xám” biết là, lệnh của Trung Tá Huấn, chỉ huy trưởng hành quân Delta, bảo Đại Đội 3 chuẩn bị triệt xuất (rút quân). Gần một tiếng sau thì 16 chiếc trực thăng xuống bốc “Hổ Xám” và Đại Đội 3 về hậu cứ.
Trận chiến này cũng là trận cuối cùng của Binh Chủng Lực Lượng Đặc Biệt VNCH và Hoa Kỳ tại chiến trường miền Nam. Từ năm 1969 cho đến khi Lực Lượng Đặc Biệt giải tán vào Tháng Tám, 1970, “Hổ Xám” đã tham dự 10 cuộc hành quân Delta, từ cuộc hành quân Delta 41 đến cuộc hành quân cuối cùng là Delta 51, và ông cũng được thăng cấp đại úy trước đó.
Sau đó, các chiến sĩ “Dân Sự Chiến Đấu” của Lực Lượng Đặc Biệt được đưa về những đơn vị của Biệt Động Quân Biên Phòng. Một số chiến sĩ Lực Lượng Đặc Biệt được đưa về nhiều binh chủng khác như Nha Kỹ Thuật, Biệt Động Quân, Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến… Riêng Trung Tâm Hành Quân Delta và Tiểu Đoàn 81 Biệt Cách Dù hợp lại trở thành Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù, trực thuộc Phòng 3 Bộ Tổng Tham Mưu, và đã tham chiến nhiều mặt trận tại bốn vùng chiến thuật.
Đại Úy Phạm Châu Tài (giữa) chuẩn bị vào mật khu An Lão. (Hình: Phạm Châu Tài cung cấp)
Cuối năm 1971, Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù được di chuyển về Kon Tum. Sư Đoàn 22 Bộ Binh của Đại Tá Lê Đức Đạt là tư lệnh đang hành quân ở Tân Cảnh. Phía Tây Tân Cảnh là vùng dãy Trường Sơn rất dài từ bên Lào xuyên qua Việt Nam, có những cứ điểm Alpha, Delta, Charlie.
Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù nhảy vào đồi Charlie chỉ hai đại đội gồm Đại Đội 3, “Hổ Xám” đại đội trưởng, Đại Đội 4 do Đại Úy Đào Minh Hùng làm đại đội trưởng. Hai đại đội này vào khu vực này để quan sát con đường từ dãy Trường Sơn xuống đến Kon Tum. Họ khám phá ra một căn cứ do Trung Đoàn Công Binh của Bắc Việt thành lập cho địch quân vào làm hậu cứ hành quân để xâm nhập vào Kon Tum.
Sau đó, Tư Lệnh Sư Đoàn 22 mới yêu cầu Đại Tá Phạm Văn Huấn là chỉ huy trưởng của Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù ra lệnh cho “Hổ Xám” hướng dẫn công binh VNCH tiêu hủy căn cứ của địch quân đóng dưới đồi Charlie. Và cũng ngọn đồi này, sau này Trung Tá Nguyễn Đình Bảo, tiểu đoàn trưởng của Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù, tử trận tại đây.
Trận chiến An Lộc bùng nổ vào Tháng Ba, 1972. Cộng Quân đưa Sư Đoàn Công Trường 7 cắt đứt Quốc Lộ 13, chạy dài từ Lai Khê, An Lộc, đến Lộc Ninh để đánh tỉnh lỵ Bình Long. Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù đang đóng quân tại phía Tây của biên giới Việt-Miên được lệnh về Tây Ninh đóng quân ở Trảng Lớn. Trong lúc này, Cộng Quân đã bao vây An Lộc.
Ngày 13 Tháng Tư, 1972, Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù nhảy vào An Lộc. Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù được lệnh vào Lai Khê để chờ vào An Lộc. Binh Chủng Nhảy Dù gồm ba tiểu đoàn 5, 6 và 8 đang bao vây An Lộc và tạo một khoảng trống cho Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù nhảy vào vòng chiến.
Ngày 16 Tháng Tư, Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù với quân số tổng cộng 916, và chỉ có 550 quân tiến vào An Lộc.
Đặt chân vào An Lộc ngày 17 Tháng Tư và đã bắt tay với Tướng Lê Văn Hưng. Đến 9 giờ tối, 81 Biệt Cách Nhảy Dù đánh đột ngột ban đêm bằng lựu đạn và lưỡi lê vào địch quân đang bao vây An Lộc. Bị đánh bất ngờ, Cộng Quân bị tiêu diệt nặng, số còn lại từ An Lộc chạy về hướng Bắc. Lúc đó, trên đồi Đồng Long địch quân mới pháo kích xuống, vì không đủ quân của các đơn vị bạn vào án ngữ những điểm của 81 Biệt Cách Nhảy Dù đánh xong nên bị địch phản công. Sau đó quân của “Hổ Xám” mới rút về chi khu Chợ Mới của Bình Long, có hai khẩu Pháo Binh 105 ly của Sư Đoàn 5 bắn trực xạ vào các chiến xa của địch đang tiến vào Bình Long.
Đi tù và vượt biển
Ngày 29 Tháng Năm, 1972, “Hổ Xám” được đặc cách lên thiếu tá tại chiến trường An Lộc. Ngày 10 Tháng Sáu, 1972, “Hổ Xám” đụng với địch quân thêm một trận lớn nữa, thì Cộng Quân bị đẩy lui. Ngày 12 Tháng Sáu, 1972, 81 Biệt Cách Nhảy Dù cấm cờ vàng trên ngọn đồi Đồng Long. Tướng Lê Văn Hưng tuyên bố chiến thắng An Lộc. Ngày 24 Tháng Sáu, 1972, Liên Đoàn Biệt Kích 81 rời khỏi An Lộc.
Chỉ hai ngày sau, Bộ Tổng Tham Mưu mới ra lệnh Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù ra tham chiến mặt trận Quảng Trị. “Hổ Xám” phải chỉ huy bốn đại đội để tham chiến trận Quảng Trị dưới quyền đều động của Tư Lệnh Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù để đánh chiếm lại Cổ Thành Quảng Trị. Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù đóng quân tại trại An Dương Dương, vượt sông Mỹ Chánh qua Đại Lộ Kinh Hoàng đạp trên xác người, đi chung với Tiểu Đoàn 5 và 11 Nhảy Dù đánh Cộng Quân đang chiếm cổ thành rất nhiều trận. Sau đó, Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến vào thế Liên 2 Nhảy Dù, tham chiến trận đánh tiếp tục tại cổ thành Quảng Trị.
Tháng Mười, 1972, “Hổ Xám” được lệnh về Sài Gòn để học ba tháng khóa Bộ Binh Cao Cấp. Mãn khóa, Phạm Châu Tài về làm phụ tá của liên đoàn trưởng đóng quân tại Tây Ninh và tham chiến nhiều trận ở Trảng Bàng, Bình Dương, Lái Thiêu, Trị Tâm, Phước Long.
Sau đó, Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù có Chiến Đoàn 1 và 2 đóng quân ở Biên Hòa, và Chiến Đoàn 3 đóng quân ở Tây Ninh.
“Hổ Xám” được lệnh đưa Chiến Đoàn 3 về trấn thủ Bộ Tổng Tham Mưu vì nơi này không còn quân trừ bị để bảo vệ.
Chiến Đoàn 3 về đến Sài Gòn vào chiều 26 Tháng Tư, 1975. Ông vào trình diện Bộ Tổng Tham Mưu thì vẫn còn rất nhiều sĩ quan đang ở đây, Đại Tướng Cao Văn Viên, tham mưu trưởng, vẫn còn đang làm việc.
“Hổ Xám” lệnh cho 1,000 quân của ông tung ra bên ngoài vòng đai của Bộ Tổng Tham Mưu.
Ngày 28 Tháng Tư, 1975. Đại Tướng Cao Văn Viên đã rời khỏi Bộ Tổng Tham Mưu. Nghe tin, “Hổ Xám” mới vào Bộ Tổng Tham Mưu thì ông thấy mọi người như là đàn ong vỡ tổ, xe cộ chạy tán loạn. Lúc đó, ông mới gọi về Đại Tá Phan Văn Huấn là chỉ huy trưởng của Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù đang đóng quân ở Biên Hòa để báo cáo tình hình tại Bộ Tổng Tham Mưu. Lệnh Đại Tá Huấn cho Chiến Đoàn 3 của 81 Biệt Cách Nhảy Dù trấn thủ Bộ Tổng Tham Mưu.
“Hổ Xám” Phạm Châu Tài tại Little Saigon. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Tối 29 Tháng Tư, Đại Tá Trần Văn Thăng, cục trưởng Cục An Ninh Quân Đội, được lệnh điều về thay thế cho Đại Tá Tòng. Trung Tướng Vĩnh Lộc, Trung Tướng Nguyễn Hữu Có, Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh, Chuẩn Tướng Lý Bá Hỷ cùng với nhiều sĩ quan nữa cũng còn ở trong Bộ Tổng Tham Mưu.
Trung Tướng Nguyễn Hữu Có cho biết bây giờ ông ta là quyền Tổng Tham Mưu Phó, có phụ tá là Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh. Tướng Có vỗ vai Thiếu Tá Tài nói: “Em ráng giữ Bộ Tổng Tham Mưu đêm nay nữa thôi. Ngày mai không còn đánh nhau nữa, vì mình có giải pháp.”
Đến sáng hôm sau, tức là ngày 30 Tháng Tư, bắt đầu 6 giờ sáng thì Cộng Sản pháo dữ dội vào phi trường Tân Sơn Nhất. Sau đó, quân Cộng Sản Bắc Việt từ Củ Chi theo Quốc Lộ 1 tiến vào Sài Gòn. Khoảng hơn 9 giờ sáng thì bộ đội Cộng Sản đụng độ với đơn vị 81 Biệt Cách Nhảy Dù tại Ngã Ba Bà Quẹo, Ngã Tư Bảy Hiền, Lăng Cha Cả,…
Thiếu Tá Tài kể: “Khi gặp Việt Cộng tiến vào thành phố thì chúng tôi nổ súng liền, vì chúng tôi đang chờ chúng nó đến. Lúc đó hai chiếc xe tăng của Cộng Quân đi trước tại Ngã Tư Bảy Hiền thì bị chúng tôi khai hỏa và đã bị quân Biệt Cách Dù đánh gục, và đoàn xe đưa quân Cộng Sản bằng những chiếc Molotova, GMC đã bị chúng tôi cũng đánh gục gần 10 chiếc.”
“Trong lúc này, từ Phòng 3 Bộ Tổng Tham Mưu ra lệnh cho quân đội VNCH ngừng bắn, thì chúng tôi ngưng bắn. Nhưng quân Cộng Sản lại tiếp tục vô nữa, gặp chúng nó, chúng tôi vẫn tiếp tục chiến đấu, tổng cộng có sáu chiếc xe tăng T 54 của chúng bị chúng tôi đánh gục. Tôi thấy tình hình này không được ổn vì lệnh của cấp trên cứ bảo mình phải ngưng nổ súng mà quân Cộng Sản vẫn tràn vào, nên tôi mới vào Bộ Tổng Tham Mưu đến phòng chỉ huy của Đại Tướng Cao Văn Viên,” ông kể.
“Lúc đó, không có một vị tướng nào còn ở đây nữa. Tại phòng làm việc của Tư Lệnh Tổng Tham Mưu thì có rất nhiều điện thoại để tư lệnh làm việc và cũng có để tên của từng đơn vị trên mỗi điện thoại. Tôi mới dùng điện thoại màu đỏ để gọi về Phủ Tổng Thống, cũng may là tôi vẫn còn liên lạc được với họ. Tôi nghe bên đường dây của Phủ Tổng Thống lên tiếng: ‘Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh, tôi nghe. Ai ở đầu dây đó,’ thì tôi mới trả lời tôi là Thiếu Tá Phạm Châu Tài chỉ huy trưởng Chiến Đoàn 3, Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù bảo vệ Bộ Tổng Tham Mưu. Ông ta hỏi tiếp: ‘Có gì không?’ Tôi mới nói: ‘Tôi muốn nói chuyện với một giới chức cao cấp nhất của Quân Lực VNCH là tổng thống,’ bởi vì tại Bộ Tổng Tham Mưu các tướng lãnh đã chạy hết rồi,” ông kể tiếp.
Sau đó Tướng Dương Văn Minh nói với “Hổ Xám” rằng: “Các em chuẩn bị bàn giao đi.”
Đó là lời nói cuối cùng của Tướng Dương Văn Minh nói với “Hổ Xám.” Vài tiếng sau, Đại Tướng Dương Văn Minh trên đài phát thanh tuyên bố đầu hàng giặc.
Sau mặt trận cuối cùng để bảo vệ Bộ Tổng Tham Mưu. Thiếu Tá Phạm Châu Tài bị Cộng Sản cầm tù 10 năm tại Bắc Việt. Sau khi ra tù thì ông đi vượt biên bằng đường biển liền chớ không phải chờ được định cư tại Hoa Kỳ bằng chương trình H.O.