Pháp tổ chức Hội nghị quốc tế về Nam Bắc Cực

Tại Paris, từ ngày 8 đến ngày 10/11/2023 diễn ra hội nghị ‘‘One Planet – Polar Summit’’, hội nghị quốc tế đầu tiên về Nam Bắc Cực và tình trạng băng hà trên núi cao bị hâm nóng.

Đăng ngày: 08/11/2023

Nam Cực, khi vực gần trạm nghiên cứu của Pháp tại Dumont d'Urville. Ảnh chụp ngày 23/01/2010.
Nam Cực, khi vực gần trạm nghiên cứu của Pháp tại Dumont d’Urville. Ảnh chụp ngày 23/01/2010. REUTERS/Pauline Askin

Trọng Thành

Trong hai ngày đầu hội nghị, được tổ chức tại Bảo tàng Quốc gia Lịch sử Tự nhiên (Muséum national d’Histoire naturelle), các nhà khoa học, giới chức chính quyền các nước, các nhà hoạt động môi trường, các nhà thám hiểm sẽ thảo luận về các vấn đề lớn liên quan đến những khu vực băng hà trên hành tinh, vốn thường bị bỏ quên trong các đàm phán quốc tế về khí hậu.

Thượng đỉnh ‘‘One Planet – Polar Summit’’ vào ngày 10/11 sẽ có sự tham gia của tổng thống và lãnh đạo chính phủ nhiều nước. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đồng chủ trì thượng đỉnh với thủ tướng quốc gia Bắc Cực Na Uy, Jonas Gahr Støre. Theo điện Elysée, thượng đỉnh sẽ ra một bản ‘‘Kêu gọi Paris về Nam Bắc Cực và các băng hà’’ với các biện pháp cụ thể. ‘‘Kêu gọi Paris…’’ nhấn mạnh đến ‘‘tình trạng sụp đổ’’ của ‘‘tất cả các không gian băng trên toàn cầu’’, hiện tượng này đang ‘‘tăng tốc’’ và ‘‘sẽ có các tác động ghê gớm’’ đến các vùng đất ven biển và khiến nước ngọt trở nên khan hiếm.

Theo AFP, lãnh đạo nhiều quốc gia đang đối mặt với tình trạng băng hà tan chảy, như Nepal hay Kyrgyzstan, sẽ dự thượng đỉnh. Một đại diện của Trung Quốc cũng có mặt tại Hội nghị Paris. Nga vắng mặt cho dù là một quốc gia chủ chốt trong lĩnh vực này. Do cuộc xâm lăng Ukraina, Matxcơva không còn tham gia Hội Đồng Bắc Cực.

Theo giới chuyên gia, cuộc chiến giữa Israel và Hamas, và cuộc xâm lăng Ukraina của Nga, cùng các căng thẳng quốc tế có thể tác động mạnh đến khả năng đối thoại giữa các nhà khoa học. Trả lời RFI, ông Sébastien Treyer, giám đốc Viện Phát triển Bền vững và Quan hệ Quốc tế (IDDRI) tỏ ra lạc quan về khả năng hợp tác khoa học ‘‘xuyên biên giới’’, vượt qua thế đối đầu giữa các khối nước, như điều đã từng được chứng minh, chẳng hạn qua hợp tác giữa các nhà khoa học Tây Âu và Đông Âu thời Chiến tranh Lạnh để giảm bớt nạn ‘‘mưa axit’’. Tương tự như hiện nay, bất chấp các căng thẳng, Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn tiếp tục các đàm phán về khí hậu.

Bài Liên Quan

Leave a Comment