Kiev « bị tổn thất nhiều vì tình hình ở Trung Đông khi mà mọi chú ý tập trung vào chiến tranh Israel -Hamas ». Tổng thống Zelensky đã nhìn nhận như trên. Những đợt oanh kích của quân đội Nga vào lãnh thổ Ukraina và sức kháng cự của hơn 40 triệu dân Ukraina sau hơn 620 ngày chiến tranh không còn chiếm trang nhất các tờ báo lớn ở Âu Mỹ. Xung đột tại Trung Cận Đông làm lộ rõ thêm hiện tượng công luận phương Tây mệt mỏi trước một « cuộc chiến đang sa lầy ».
Đăng ngày: 08/11/2023
Hàng trăm người dân Israel bị phong trào Hồi Giáo Palestine Hamas sát hại trong loạt khủng bố trên lãnh thổ Israel hôm 07/10/2023 và hơn 200 công dân nhiều nước bị bắt làm con tin, rồi kế hoạch phản công của quân đội Israel nhắm vào dải Gaza, nguy cơ xung đột « lan rộng » trong khu vực … đã hoàn toàn thay thế những bản tin về Ukraina trên các kênh truyền thanh, truyền hình và những bài phân tích trên báo viết, báo mạng về Ukraina.
Nội bấy nhiêu cũng đủ là một « thất bại ê chề » đối với Kiev, bởi ngay từ những ngày đầu chiến tranh, khi quân Nga tràn sang biên giới, « ưu tiên tuyệt đối của ông Zelensky là thu hút chú ý của quốc tế vào Ukraina », để ủy lạo tinh thần những người lính cầm súng trên chiến trường và dân cư hậu phương, để bảo đảm Ukraina có được trang thiết bị quân sự chống lại ngoại xâm. Hamas tấn công vào Israel và đã làm tiêu tan hết những nỗ lực đó.
Ngõ cụt quân sự
Nhưng theo các chuyên gia Pháp, « ít nhất là từ ba tháng qua, Ukraina bị bế tắc » về nhiều mặt. Trước hết là về quân sự : Cuộc phản công từ tháng 6/2023 không mang lại kết quả mong muốn. Trả lời tuần báo Anh The Economist, số ra ngày 01/11/2023, tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraina, tướng Valeri Zaloujny nhìn nhận « chiến dịch phản công rơi vào ngõ cụt (…), rất có thể là sẽ không có những bước đột phá ngoạn mục ».
Đáng thất vọng không kém là Ukraina đã nhận được rất nhiều viện trợ quân sự của phương Tây (bao gồm từ tên lửa hiện đại đến xe tăng, hệ thống phòng không, tên lửa chống hạm, chống tăng … ), lính Ukraina cũng đã được đào tạo « theo các tiêu chuẩn » của NATO, vậy mà « trong 5 tháng Ukraina chỉ giành lại được vài trăm cây số vuông từ tay kẻ thù ».
Nhà quan sát châu Âu Cédric Mas, chuyên nghiên cứu về lịch sử quân sự, nêu bật một nghịch lý đó là khả năng chiến đấu của lính Ukraina giờ đây « khá hơn nhiều so với thời điểm tháng 5/2022 khi Ukraina để mất Mariupol », thế nhưng dân chúng Ukraina không mảy may hy vọng « nhanh chóng giành được chiến thắng » và mọi người bắt đầu chuẩn bị tinh thần để « tiếp tục sống thêm một mùa đông khắc nghiệt dưới các trận mưa bom của quân đội Nga ».
Trong hoàn cảnh đó theo nhà sử học Cédric Mas, « đã đến lúc Ukraina cần đổi mới cả về học thuyết quân sự » thay vì chỉ một mực cầu viện phương Tây cung cấp thêm vũ khí đời mới.
Một tổn thất nặng nề về tâm lý
Tuyên bố của tướng Valeri Zaloujny được đưa ra trong bối cảnh, như vừa nói, công luận và truyền thông quốc tế từ một tháng nay hoàn toàn chuyển hướng, tập trung vào xung đột giữa Israel và Hamas, vào chiến sự ở dải Gaza; vào thảm họa nhân đạo và vào nguy cơ khu vực Trung Cận Đông « bốc cháy » nếu như tổ chức vũ trang Hồi Giáo Hezbollah thân Iran nhập cuộc.
Những đồng minh thân thiết nhất, những điểm tựa vững chắc nhất của Kiev, như Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu, vì những lý do khác nhau, đang rà soát lại các chính sách viện trợ quân sự cho Ukraina.
Hạ Viện Mỹ từ đầu tháng 10/2023 lao vào một cuộc đối đầu với Nhà Trắng, dứt khoát từ chối thông qua khoản viện trợ quân sự 24 tỷ đô la cho Ukraina. Hơn một năm trước bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, kết quả bầu cử vào tháng 11/2024 « có thể làm thay đổi hết tất cả » như ghi nhận của Cédric Mas.
Còn tại Châu Âu, « mặt trận yểm trợ Kiev » cũng đang rạn nứt tứ bề : Slovakia vừa có chính phủ mới mà thủ tướng Robert Fico có lập trường thân Matxcơva. Tân lãnh đạo Slovakia tuyên bố ngừng viện trợ quân sự cho Ukraina.
Guillaume Lasconjarias, giảng dậy tại đại học Sorbonne, Paris và chuyên nghiên cứu về các vấn đề quốc phòng cho rằng, bên cạnh tình hình trên các đường chiến tuyến, mặt trận thứ nhì và cũng là một thách thức không kém đối với tổng thống Volodymyr Zelensky, là những đấu đá chính trị tại Hoa Kỳ và rạn nứt trong hàng ngũ của Liên Âu về vấn đề Ukraina, khiến Kiev phải « xét lại một cách thấu đáo chiến lược gìn giữ toàn vẹn lãnh thổ ».
Trong mọi trường hợp, các mục tiêu giành thắng lợi, chiếm lại các vùng lãnh thổ đã rơi vào tay quân đội Nga như Donbass hay Crimée vào thời điểm này dường như đang « xa vời hơn bao giờ hết ».
Cỗ máy chiến tranh của Nga hồi sinh
Cũng trên tờ The Economist, tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraina, Valeri Zaloujny báo động « chiến tranh sa lầy sẽ có lợi cho phía Nga », tạo cơ hội cho Matxcơva « gây dựng lại lực lượng » đã tổn thất trong gần hai năm qua. Theo thẩm định của bên tình báo Estonia, Nga vẫn còn « khoảng 4 triệu đạn pháo » và đang được Bắc Triều Tiên tiếp sức. Về nhân sự, Nga vẫn có nguồn nhân lực dồi dào hơn 143 triệu dân, không ít trong số đó còn trong độ tuổi đi lính.
Vào lúc mà các nhà máy sản xuất đạn của Liên Âu hoạt động hết công suất mà vẫn chưa đủ để trang bị cho Ukraina, thì cỗ máy công nghiệp quốc phòng Nga đã cất cánh trở lại bất chấp tất cả những biện pháp trừng phạt và phong tỏa của phương Tây.
Tổng tham trưởng quân đội Ukraina cảnh báo Nga đã chịu nhiều tổn thất về nhân mạng, « nướng » trên dưới 150.000 quân trong gần hai năm xung đột vừa qua và kho đạn dược cũng hao mòn, nhưng Nga vẫn « giữ thế thượng phong về vũ khí, trang thiết bị quân sự, đạn pháo và tên lửa ».
Khả năng thích nghi với tình huống của Nga rất lợi hại, theo lời tướng Zaloujny và nhất là « rất khó để chặn bắt một số vũ khí của Nga ». Đầu đạn có trang bị hệ thống dẫn đường của Mỹ Excalibur chẳng hạn cũng đã bị đối phương làm nhiễu sóng, không bắn trúng mục tiêu.
Theo điều tra của một tờ báo Ukraina, « ảnh vệ tinh cho phép xác nhận là trong những tháng gần đây Nga đã xây dựng thêm hoặc mở rộng hoạt động của nhiều nhà máy sản xuất trang thiết bị quân sự ». Điển hình là nhà máy Gorbounov tại Kazan, (cách thủ đô Matxcơva 700 km về hướng đông), chuyên sản xuất các loại máy bay ném bom Tu-16, Tu-22 và Tu-160 đã được nâng cấp. Tương tự như vậy các công xưởng chế tạo tên lửa ở Doubna (cách Matxcơva 125 km về phía bắc), trung tâm chế tạo các loại drone quân sự ở Kronstadt gần sát thành phố Saint Petersbourg, tập đoàn Kalachnikov…. đều đã được khuếch trương thêm để đáp ứng nhu cầu chiến tranh.
Hamas, « đòn hiểm » nhắm vào Ukraina
Điều gì khiến chiến tranh Ukraina đang dần dần « chìm vào quên lãng » ? Báo Le Figaro hôm 05/11/2023 nêu bật bốn lý do :
Thứ nhất, cuộc chiến này không sớm đền hồi kết và cũng không ai biết sẽ chuyển biến ra sao.
Điểm thứ nhì, như chính tổng thống Volodymyr Zelensky ghi nhận, một phần công luận thế giới đã bắt đầu quen sống với chiến tranh Ukraina. Sau những giây phút bàng hoàng khi thấy một quốc gia hạt nhân xâm chiếm một quốc gia có chủ quyền, sau khi lóe lên hy vọng Ukraina nhanh chóng giành được chiến thắng, đại đa số dân chúng ở Âu Mỹ giờ đây chỉ biết rằng cuộc chiến Matxcơva khởi động đang đè nặng lên các xã hội của phương Tây và cũng chính « khả năng kháng chiến của người dân Ukraina khiến một phần công luận Âu Mỹ nghĩ rằng cuộc chiến đó không liên can gì đến họ ».
Còn tại châu Âu, dường như những đe dọa sử dụng vũ khí nguyên tử « chiến thuật » của tổng thống Vladimir Putin không còn khiến công luận rúng động như trước. Nếu như mùa đông năm ngoái phần lớn các nước châu Âu lo thiếu điện, vì không có xăng, dầu và khí đốt của Nga, thì giờ đây mục tiêu « tiết kiệm năng lượng » không còn là mối lo hàng đầu của các chính phủ.
Lý do thứ ba là các điểm tựa của Kiev đang có cùng lúc quá nhiều hồ sơ khác cần giải quyết. Riêng Washington thì phải chuẩn bị cho các cuộc bầu cử vào tháng 11/2024. Các ứng cử viên tổng thống, hay dân biểu Quốc Hội và nghị sĩ cấp địa phương đều biết là khi đi bỏ phiếu, cử tri Mỹ không mấy quan tâm đến những vấn đề như « bảo vệ dân chủ, tự do, toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraina ».
Mới chỉ tháng 6/2023 vẫn có khoảng 65 % công luận Mỹ ủng hộ viện trợ quân sự cho Kiev. Tỷ lệ này đã rơi xuống còn 41 % vào đầu tháng 10/2023.
Cuối cùng, xung đột Israel Hamas khiến sự « đoàn kết » của Hoa Kỳ với Ukraina càng bị thách thức. Washington bắt buộc phải ưu tiên yểm trợ đồng minh Do Thái cả về mặt tài chính lẫn quân sự.
Việc Hạ Viện Mỹ đề nghị « tách bạch » ngân sách viện trợ cho Ukraina và Israel, rồi chỉ thông qua gói viện trợ khẩn cấp hơn 14 tỷ đô la cho chính quyền Tel Aviv, nhưng vẫn im lặng về khoản viện trợ cho Kiev, cũng đủ cho thấy « đâu là ưu tiên của Hoa Kỳ ».