Hôm qua, 08/11/2023, ít tuần trước hội nghị khí hậu COP28, Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) công bố bản báo cáo ”Production Gap Report” (*), cho biết dự kiến sản lượng năng lượng hóa thạch toàn cầu sẽ tăng gấp đôi so với mức cần có vào năm 2030. Báo cáo của LHQ nhấn mạnh hố sâu ngăn cách giữa cam kết giới hạn nhiệt độ Trái đất với hành động cụ thể. Vấn đề khẩn cấp ‘‘giã từ năng lượng hóa thạch’’ đang trở nên nóng bỏng ”chưa từng có”, trước thềm COP28, đầu tháng 12/2023.
Đăng ngày: 09/11/2023
Vì sao ‘‘giã từ năng lượng hóa thạch’’ là tâm điểm của COP28 ?
Trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, có ba mảng chính. Thứ nhất là nỗ lực cắt giảm khí thải để hãm lại đà biến đổi khí hậu, thứ hai là thích nghi, đối phó với các tác hại của biến đổi khí hậu, và thứ ba là đền bù các thiệt hại, tổn thất do biến đổi khí hậu. Việc ‘‘giã từ năng lượng hóa thạch’’ là nhằm giải quyết vấn đề nguồn gốc chính dẫn đến biến đổi khí hậu.
Năng lượng hóa thạch – chiếm đến 90% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính – đã được cộng đồng quốc tế điểm mặt là thủ phạm chính của tình trạng Trái đất bị hâm nóng. Cắt giảm mạnh và hướng đến từ bỏ các năng lượng hóa thạch chính – than đá, dầu mỏ, khí đốt – được coi là biện pháp không thể tránh khỏi và khẩn cấp để giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá từ 1,5°C đến 2°C so với thời tiền công nghiệp, là điều đã cộng đồng quốc tế ghi vào Hiệp định khí hậu Paris năm 2015. Bởi vượt quá mức nhiệt độ tăng này, các điều kiện môi trường trên Trái đất sẽ trở nên khắc nghiệt gấp bội phần. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, nóng ẩm kỷ lục, bão lũ… ngày càng trầm trọng, cùng nước biển dâng cao…, vô cùng bất lợi cho đời sống con người.
Tuy nhiên, trên thực tế, giữa tuyên bố và mục tiêu chung với các cam kết và hành động cụ thể là cả ‘‘một vực thẳm’’ khó vượt qua, như ghi nhận của giới quan sát. Hay nói một cách khác, lời nói không đi kèm hành động, thậm chí nói một đằng làm một nẻo. Tại hội nghị khí hậu COP27 của Liên Hiệp Quốc ở Ai Cập năm ngoái, mục tiêu giã từ năng lượng hóa thạch đã không được đưa vào tuyên bố chung của thượng đỉnh, bất chấp nhiều áp lực quốc tế. Đây là điều mà giới bảo vệ môi trường coi như một ‘‘thất bại’’ của COP27.
Trong những tháng gần đây áp lực quốc tế gia tăng nhằm vấn đề giã từ năng lượng hóa thạch trở thành tâm điểm của hội nghị khí hậu COP28. Ngày 20/09/2023, tại Liên Hiệp Quốc, ở New York, tiếp theo phiên khai mạc của Đại Hội Đồng, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã tổ chức một ‘‘thượng đỉnh nâng tầm các tham vọng khí hậu’’. Mục tiêu là tạo một động lực chính trị quan trọng cho các cam kết cắt giảm khí thải tại COP28 tới.
Từ một ”húy kỵ” đến áp lực đưa vào Tuyên bố chung
Báo Pháp Le Monde dẫn lời chuyên gia về khí hậu Fanny Petitbon, tổ chức phi chính phủ Care France, nhận định : cho đến trước COP26 ở Glasgow, Anh quốc, vấn đề giã từ năng lượng hóa thạch gần như là một chuyện ‘‘kiêng kị’’, bất chất đòi hỏi hành động khẩn cấp hiện nay. COP26 mới đề cập đến việc giã từ than đá, nhưng ”chưa bao giờ mục tiêu giã từ năng lượng hóa thạch nói chung lại được nói đến nhiều như trong vòng sáu tháng gần đây”, trước thềm một thượng đỉnh khí hậu của Liên Hiệp Quốc. Trước thềm hội nghị về khí hậu do tổng thư ký Antonio Guteress tổ chức tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, ngày 17/09, 75.000 người tuần hành kêu gọi giã từ năng lượng hóa thạch. Hôm trước, hàng trăm nhà tranh đấu đã phong tỏa Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) để kêu gọi chấm dứt tài trợ cho than đá, dầu mỏ và khí đốt. Đối với giới tranh đấu, đây là một cách để gây áp lực nhằm các lãnh đạo thế giới đạt đồng thuận về vấn đề sống còn của nhân loại: giã từ kịp thời năng lượng hóa thạch để hãm lại đà hâm nóng Trái đất.
Ngày 08/09, Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Khí hậu, trong bản ‘‘đánh giá toàn cầu’’, đã chỉ trích mạnh mẽ việc đông đảo các quốc gia không tôn trọng cam kết thực thi Hiệp định Paris. Bản đánh giá của Công ước khung của Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh việc tiêu thụ than đá, dầu mỏ và khí đốt phải bắt đầu giảm ngay từ năm 2025, để tuân thủ mục tiêu không để nhiệt độ tăng quá 1,5°C, và ‘‘hướng đến loại trừ dần dần toàn bộ việc sử dụng các năng lượng hóa thạch không có hệ thống thu giữ khí thải’’.
Dự báo năng lượng hóa thạch ”đạt đỉnh” trước 2030 là tín hiệu lạc quan?
Tháng 8 vừa qua, Cơ quan Năng lượng Quốc tế AIE dự báo nhu cầu năng lượng hóa thạch sẽ đạt đỉnh trước năm 2030. Phải chăng đây là một tín hiệu lạc quan cho thấy nhân loại đang bước vào ‘‘giai đoạn đầu của việc giã từ năng lượng hóa thạch’’, như nhận định của tổng giám đốc AIE?
Báo cáo thường niên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, công bố hồi cuối tháng 8, nhận định: lĩnh vực năng lượng toàn cầu đang trải qua một giai đoạn chuyển đổi mãnh liệt. Tổng giám đốc AIE Fatih Birol phát đi một tín hiệu lạc quan: ‘‘Nếu như năm 2023 là năm nóng nhất trong lịch sử, thì chúng ta cũng có nhiều cơ sở để hy vọng. Năm 2030 tình hình sẽ khác’’. Cụ thể là, theo lãnh đạo AIE, đầu tư cho các năng lượng tái tạo tăng đến 40% từ năm 2020. Hiện tại, tổng đầu tư cho các năng lượng tái tạo nhiều hơn 1,8 lần so với tổng đầu tư cho các năng lượng hóa thạch. Đơn cử như một ngày có đến một tỉ đô la đầu tư cho việc lắp đặt pin mặt trời. Số lượng xe ô tô chạy điện cũng tăng vọt : nếu như cách nay 2 năm, chỉ có 1/25 xe bán ra là xe điện thì giờ đây tỉ lệ này là 1/5, và dự kiến sẽ là 1/2 vào năm 2030.
Theo nhiều chuyên gia về khí hậu, mặc dù bức tranh toàn cảnh về những thay đổi trong lĩnh vực năng lượng mà Cơ quan Năng lượng Quốc tế đưa ra nói trên cho phép ít nhiều lạc quan, nhưng còn xa mới đủ để đạt được các mục tiêu về khí hậu. Để COP28 tới được coi là thành công, AIE kêu gọi các quốc gia gia cam kết tăng đầu tư cho năng lượng tái tạo gấp 3 lần trước năm 2030, tăng gấp đôi nhịp độ thực thi tiết kiệm năng lượng, và cắt giảm 25% nhu cầu năng lượng lượng hóa thạch, giảm một nửa đầu tư cho các năng lượng hóa thạch để thực thi các cam kết khí hậu (không xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện than mới)…. Toàn bộ các biện pháp quyết liệt này mới đủ để giữ được nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5°C, so với xu thế hiện nay sẽ hướng đến nhiệt độ tăng ít nhất là 2,4°C.
Chuyển đổi ”mô hình năng lượng”: Công việc dời non lấp bể đầy bất trắc
Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, ít tiêu thụ năng lượng hóa thạch hơn, có thể sẽ chỉ diễn ra trong nhiều năm tới. Nhiều nhà quan sát cảnh báo là không nên mất cảnh giác trước một số tín hiệu lạc quan nêu trên. Đúng là nếu như dự báo của AIE trở thành hiện thực, nhân loại chúng ta sẽ bước vào ‘‘một đảo lộn lịch sử’’. Bởi từ 150 năm nay, đây là lần đầu tiên nhân loại thực sự tiến hành chuyển đổi triệt để về mô hình năng lượng, thay năng lượng hóa thạch bằng năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, không nên đánh đồng niềm tin và hy vọng với thực tế, cho dù tiến trình chuyển đổi năng lượng đang diễn ra, kỷ nguyên năng lượng hóa thạch còn lâu mới chấm dứt. Về viễn cảnh tương lai, các tính toán của AIE dựa trên các chính sách do chính phủ các nước cung cấp, vấn đề là các bên phải thực thi nghiêm túc mục tiêu đã đề ra. Tình hình nhiều phần bất lợi ở không ít khu vực, khi áp lực cắt giảm mức cam kết đang ngày càng mạnh trong bối cảnh lạm phát gia tăng, khủng hoảng nhiều mặt. Đơn cử như việc chính phủ Pháp khuyến khích các doanh nghiệp bán xăng dầu với giá hạ mới đây không phải là một dấu hiệu tích cực.
Viễn cảnh tương lai cắt giảm năng lượng hóa thạch đầy bất trắc, ngược lại trong hiện tại, nhân loại vẫn đang tiếp tục tiêu thụ ngày càng nhiều dầu mỏ hơn. Đơn cử nhu cầu dầu mỏ thế giới phá kỷ lục vào tháng 6/2023, với mức 103 triệu baril/ngày. Lời kêu gọi của AIE năm 2021, ngừng đầu tư mới vào năng lượng hóa thạch trong hiện tại không được hưởng ứng. Trong năm 2022, giới nghiên cứu ghi nhận 425 dự án khai thác dầu mỏ, than đá, khí đốt mới đang trong quá trình phát triển, với viễn cảnh là lượng khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính sẽ tăng vọt trong những năm tới. Quyết tâm bám giữ năng lượng hóa thạch để tiếp tục hưởng các nguồn lợi khổng lồ được nhiều nhà quan sát điểm mặt như là trở lực chính cho xu thế chuyển sang mô hình năng lượng mới.
”Thời Đại Đồ Đá không chấm dứt vì nhân loại thiếu đá...”: Lời nhắn nhủ của một bộ trưởng Dầu Mỏ
Nhà báo Stéphane Lauer, trong một nhận định trên Le Monde, chỉ ra sự tương phản cao độ giữa viễn cảnh được cho là ‘‘nhu cầu năng lượng hóa thạch đạt đỉnh’’ vào năm 2030 với việc đông đảo giới đầu tư tiếp tục rót tiền ồ ạt vào loại hình năng lượng, đã bị điểm mặt là thủ phạm của đại thảm họa khí hậu – môi trường đang bắt đầu diễn ra. Trong bối cảnh này, giới quan sát tiếp tục chú ý đến phát biểu cách đây hơn hai thập niên của cố bộ trưởng dầu mỏ của Ả Rập Xê Út, ông Ahmed Zaki Yamani: ‘‘Thời Đại Đồ Đá (trong lịch sử nhân loại) đã không chấm dứt với lý do nhân loại thiếu đá, cũng tương tự Kỉ Nguyên Dầu Mỏ sẽ phải chấm dứt rất sớm trước khi nhân loại khai thác hết dầu’’.
Phát biểu của cố bộ trưởng Dầu Mỏ Ả Rập Xê Út, nhân kỷ niệm sinh nhật 40 năm tổ chức dầu mỏ OPEP, bị coi là ”ngược dòng” vào thời điểm đó. Giờ đây, nhận định của ông có thể coi như một lời tiên tri, một lời nhắc nhở. Hội nghị khí hậu COP28 tới tại Dubai, thủ phủ kinh tế của quốc gia dầu khí Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập là một dịp để chiêm nghiêm về nhận định này.
23 năm sau phát biểu của cố bộ trưởng dầu mỏ, sản lượng dầu mỏ toàn cầu có thể đang sắp đạt đỉnh (peak oil) không phải vì nhân loại đã khai thác hết dầu, mà là vì ”nhu cầu đang chững lại”. Nhưng vấn đề sống còn với nhân loại là Kỉ Nguyên Dầu Mỏ sẽ chấm dứt nhanh hay chậm, nhân loại có nỗ lực đủ để cắt giảm đủ mạnh, đủ nhanh nhu cầu năng lượng hóa thạch. Mà, nỗ lực chỉ có thể đủ mạnh, nếu mục tiêu đặt ra đủ tầm mức. Giã từ năng lượng hóa thạch chính là mục tiêu như vậy.
Theo giới quan sát, đưa mục tiêu ‘‘giã từ năng lượng hóa thạch’’ vào tuyên bố chung ắt hẳn sẽ là chủ đề trung tâm gây bất đồng gay gắt tại COP28 này. Ngày 16/10/2023, khối 27 nước châu Âu thông qua lập trường chung trong đàm phán tại COP28 coi giã từ năng lượng hóa thạch là mục tiêu chính thức của khối, cùng với cắt giảm ít nhất 55% khí thải gây hiệu ứng nhà kính trước 2030 (so với 1990). Quyết tâm nói trên đặt Liên Âu – quê hương của công nghiệp hóa, của mô kinh tế dựa trên năng lượng hóa thạch – ở tuyến đầu của cuộc chiến bảo vệ khí hậu. Tuy nhiên, vấn đề chính vẫn là lời nói và hành động, tầm mức các cam kết cụ thể và tốc độ thực thi.
Vì một ‘‘Hiệp ước không phổ biến năng lượng hóa thạch’’
Tính chất cấp bách của tình hình hiện nay khiến ngày càng có nhiều vận động quyết liệt hướng đến mục tiêu loại bỏ hoàn toàn năng lượng hóa thạch. Đầu tháng 11/2023 vừa qua, 46 triệu nhân viên ngành y tế toàn cầu đã gửi thư ngỏ đến chủ tịch COP28, ông Al-Jaber, một đại gia ngành dầu mỏ, yêu cầu hànhd động để chấm dứt năng lượng hóa thạch. Giữa tháng 9, nhiều nhà khoa học ra lời kêu gọi yêu cầu Pháp tham gia ‘‘Hiệp ước không phổ biến năng lượng hóa thạch’’ (Fossil Fuel Non-Proliferation Treaty – TNPCF). Sáng kiến vì một ‘‘Hiệp ước không phổ biến năng lượng hóa thạch’’ hiện được 8 đảo quốc, cùng Nghị Viện Châu Âu, Tổ chức Y tế Thế giới, cùng hàng nghìn tổ chức xã hội dân sự, hàng trăm nghìn người ủng hộ.
Tên gọi ‘‘Hiệp ước không phổ biến năng lượng hóa thạch’’ ngụ ý coi năng lượng hóa thạch nguy hiểm như các vũ khí hủy diệt hàng loạt. Ông Alex Rafalowicz, giám đốc điều hành của Sáng kiến vì một ‘‘Hiệp ước không phổ biến năng lượng hóa thạch’’ nhấn mạnh: ”Năng lượng hóa thạch là một trong những đe dọa lớn nhất đối với an ninh nhân loại trong thế kỷ 21’’.
Ghi chú
(*) Báo cáo ”Production Gap Report” của UNEP cho biết trong số 19/20 quốc gia phát thải đứng đầu thế giới, 17 nước cam kết hướng đến ‘‘trung hòa khí thải’’, nhưng đa số tiếp tục ‘‘thúc đẩy, trợ giá, hậu thuẫn, lập kế hoạch khai thác’’ các nguồn năng lượng hóa thạch. Không quốc gia nào đưa ra các cam kết đủ để thực thi Hiệp định Paris. 19 quốc gia nói trên, chiếm 80% lượng khí thải toàn cầu, gồm Úc, Brazil, Canada, Trung Quốc, Colombia, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Kazakhstan, Koweit, Mêhicô, Nigeria, Na Uy, Qatar, Nga, Ả Rập Xê Út, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Vương Quốc Anh và Hoa Kỳ (Nam Phi không có số liệu). Tuy nhiên, báo cáo LHQ cũng ghi nhận một điểm sáng : bốn nước Đức, Trung Quốc, Canada và Indonesia ”đã bắt đầu phát triển các kịch bản sản xuất phù hợp với cam kết”. Một điểm sáng khác là Liên minh giã từ Dầu mỏ và Than đá (Beyond Oil and Gas Coalition), thành lập từ năm 2021, gồm 12 quốc gia và khu vực là thành viên chính thức (trong đó có một số nước châu Âu như Pháp, Đan Mạch, Thụy Điển…), và khoảng 10 thành viên liên kết.