Theo một quan chức Mỹ hôm 08/11/2023, Hoa Kỳ sẽ cho Sri Lanka vay nửa tỉ đô la để thực hiện dự án cảng nước sâu quốc tế Colombo West (Tây Colombo), do tập đoàn Ấn Độ Adani thực hiện. Đây được xem như phản ứng của Washington trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh ở Ấn Độ Dương và nhằm đáp trả dự án “Những con đường tơ lụa mới” của Trung Quốc.
Đăng ngày: 09/11/2023
Theo AFP, Cơ quan Phát triển Tài chính của Mỹ ( Development Finance Corporation – DFC), cho biết sẽ tài trợ 553 triệu đô la cho dự án cảng nước sâu của Sri Lanka. Cầu cảng container được quy hoạch dài 1,4km, sâu 20m và có khả năng tiếp nhận 3,2 triệu container/năm. Sri Lanka có tầm chiến lược quan trọng do nằm trên tuyến vận chuyển hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới nối từ Trung Đông đến Đông Á. Từ Colombo, thủ đô Sri Lanka, người đứng đầu cơ quan DFC Scott Nathan, tuyên bố : « Sri Lanka là một trong những trung tâm trung chuyển chính của thế giới, với một nửa số tàu container trên thế giới đi qua vùng biển của nước này ».
Lãnh đạo DFC bảo đảm rằng đây là khoản vay dành cho khu vực tư nhân, nên sẽ không làm tăng khoản nợ công của Sri Lanka, quốc gia đang hứng chịu khủng hoảng tài chính từ năm ngoái. Đồng thời, ông Scott Nathan nhấn mạnh dự án sẽ củng cố « vị trí của các đồng minh của chúng tôi trong khu vực ».
Trên thực tế, cảng nước sâu Tây Colombo, với tổng chi phí ước tính khoảng 700 triệu đô la, nằm ngay cạnh một cảng khác ở Colombo do Trung Quốc điều hành. Hồi năm 2014, hai tàu ngầm của Trung Quốc đã sử dụng cảng này bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ New Delhi.
Hồi tháng 12/2017, do không thể trả khoản vay khổng lồ của Trung Quốc, Sri Lanka đã buộc phải cho công ty China Merchants Port Holdings toàn quyền khai thác cảng Hambantota ở miền nam trong vòng 99 năm, làm dấy lên lo ngại về việc Bắc Kinh sử dụng « bẫy nợ » để gia tăng ảnh hưởng. Mặc dù Colombo khẳng định không cho phép nước ngoài sử dụng cảng của Sri Lanka vào mục đích quân sự để chống lại bất kỳ quốc gia nào khác, Ấn Độ và Mỹ vẫn lo ngại sự hiện diện của Trung Quốc tại Hambantota có thể mang lại lợi thế quân sự cho Bắc Kinh ở Ấn Độ Dương.