- Minh An
8 tháng 11, 2023
Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (ảnh: Pavlo Bahmut / Ukrinform/Future Publishing via Getty Images)
Những tin tức liên quan Ukraine gần đây không mấy sáng sủa. Cuộc phản công quân Nga gần như bị đình trệ; cuộc chiến Israel-Hamas khiến sự quan tâm thế giới với Ukraine trở nên lơi lỏng, và đặc biệt viễn cảnh Donald Trump trở lại Tòa Bạch Ốc với chính sách giảm hoặc thậm chí ngưng ủng hộ Kyiv ngày càng gần. Do đó, việc EU vừa tuyên bố Ukraine đang đi đúng hướng trong hành trình hướng tới việc gia nhập EU là một tín hiệu lạc quan đối với Kyiv.
Ngày 8 Tháng Mười Một 2023, Ủy ban Châu Âu tại Brussels đã công bố đánh giá thường niên về những cải cách cần thiết mà các quốc gia mong muốn trở thành thành viên EU đang thực hiện. Tám quốc gia đang háo hức gia nhập EU – trong đó có Ukraine, Georgia, Moldova và sáu quốc gia ở phía Tây Balkan – đang được đánh giá cao (Thổ Nhĩ Kỳ trên danh nghĩa vẫn là một quốc gia ứng cử viên nhưng các cuộc đàm phán gia nhập của nước này đã bị tạm dừng). Tính đến thời điểm này, Ukraine là nước tỏ ra tích cực lớn nhất.
Kết quả cuối cùng của báo cáo ngày 8 Tháng Mười Một cho biết, Ukraine và Moldova nên được bật đèn xanh để bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức. Tuy nhiên, phải mất vài năm nữa cờ Ukraine mới có thể tung bay bên ngoài các tòa nhà ở Brussels. Mục tiêu đến năm 2030 được đưa ra bởi Charles Michel, người chủ trì các cuộc họp của các nhà lãnh đạo EU với tư cách chủ tịch Hội đồng châu Âu, được nhiều người đánh giá là quá tham vọng. Các cuộc đàm phán của Croatia, quốc gia gần đây nhất gia nhập EU năm 2013, kéo dài đến sáu năm.
Việc gia nhập EU đòi hỏi phải có sự nhất trí của tất cả thành viên hiện tại ở mọi giai đoạn của quá trình. Đó là một quy trình “dựa trên thành tích” (“merit-based” process), tức không có con đường tắt để trở thành thành viên EU. Không thành viên mới nào được kết nạp mà không cam kết các vấn đề liên quan pháp quyền và chuẩn mực dân chủ. Hiện không ý kiến chỉ trích nào về Ukraine. Tuy nhiên, một số nhà ngoại giao bày tỏ rằng sẽ rất khó để kết nạp một quốc gia không kiểm soát hoàn toàn lãnh thổ của họ, huống hồ một quốc gia đang có chiến tranh. “Liệu Crimea có phải là một phần của EU?” – có ý kiến nêu.
Câu hỏi hóc búa nữa là EU phải cải tổ như thế nào để cho phép có tới chín thành viên mới. Một liên minh 27 thành viên vốn đã khó quản lý, đặc biệt trong các lĩnh vực cần có sự nhất trí, như các vấn đề liên quan chính sách đối ngoại và thiết lập ngân sách. Việc bầu lại các thể chế cho 36 thành viên sẽ tỏ ra khó khăn. Dù vậy, bằng cách tạm thời bật đèn xanh cho các ứng cử viên tiềm năng, các thành viên EU đang cam kết rằng họ luôn sẵn sàng mở cửa.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ca ngợi quyết định của EU ngày 8 Tháng Mười Một là “bước đi lịch sử” khi bật đèn xanh cho Kyiv thực hiện các cuộc đàm phán về tư cách thành viên ngay khi nước này đáp ứng những điều kiện cuối cùng. Ủy ban EU cho biết các cuộc đàm phán nên chính thức được khởi động một khi Kyiv đáp ứng các điều kiện liên quan việc kiểm soát tham nhũng. “Đây là một bước đi mạnh mẽ và mang tính lịch sử, mở đường cho một EU mạnh mẽ hơn với Ukraine là thành viên”, Tổng thống Volodymyr Zelensky nói.
Giới chức EU dự kiến tiến hành các cuộc đàm phán liên quan việc xét Kyiv gia nhập chính thức EU sẽ bắt đầu vào năm 2024. Báo cáo của Ủy ban châu Âu ngày 8 Tháng Mười Một cho thấy Kyiv đã đáp ứng bốn trong bảy điều kiện để bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập chính thức, trong khi nhiều điều kiện khác sắp hoàn tất.
Ủy ban EU kêu gọi Ukraine bổ sung số lượng nhân viên trong một cơ quan mới được thành lập nhằm chống tham nhũng hiệu quả hơn; sửa đổi luật kê khai tài sản đối với viên chức; thông qua luật chống vận động hành lang để hạn chế quyền lực giới lãnh đạo cấp cao; và nghiên cứu luật để bảo vệ ngôn ngữ các dân tộc thiểu số. Các quan chức Ủy ban bày tỏ sự ngạc nhiên trước tiến bộ nhanh chóng của Ukraine và Moldova trong hồ sơ gia nhập EU và tin tưởng hai nước sẽ giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trước thời hạn 24 Tháng Ba 2024.
Hungary được coi là rào cản chính có thể làm tiêu tan hy vọng của Ukraine. Thủ tướng Viktor Orban gần đây đã gặp gỡ tay bắt mặt mừng với Vladimir Putin. Viktor Orban cũng liên tục chỉ trích việc gửi thêm hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Dù vậy, khả năng Ukraine trở thành thành viên EU không phải thấp. Trong những ngày đầu lịch sử EU, việc mở rộng được thúc đẩy bởi nhu cầu củng cố Tây Âu trong Chiến tranh Lạnh và sau đó là do nhu cầu ổn định chính trị tại những quốc gia thuộc khối Liên Xô cũ. Bây giờ, sự đe dọa mới từ Nga đã làm sống lại sự thu hút mở rộng với sự có mặt các nước Tây Balkan và Đông Âu.
Nhà ngoại giao Đức Michael Gahler nói: “Các nước châu Âu hiểu rằng chúng ta đang xung đột có hệ thống với một nước Nga hung hãn. Thế giới đang theo dõi cách châu Âu giải quyết vấn đề này. Nếu chúng ta trở lưng với Ukraine, đó sẽ là thảm họa. Chúng ta sẽ bị đánh giá là đối tác không đáng tin cậy đối với phần còn lại của thế giới.”