Thủ tướng Anh bổ nhiệm ông David Cameron làm ngoại trưởng, sa thải bộ trưởng nội vụ Suella Braverman

Cameron
Chụp lại hình ảnh,Ông David Cameron từng làm thủ tướng Anh 2010-2016. Trong ảnh cũ là ông và người kế nhiệm, bà Theresa May

Thủ tướng Anh Rishi Sunak đang tiến hành một cuộc cải tổ nội các của ông bằng quyết định không dễ dàng là “sai thải” bà Suella Braverman khỏi chức Bộ trưởng Nội Vụ (Home Secretary).

Nhưng tin tức dư luận chú ý là lại việc ông David Cameron, cựu thủ tướng của đảng Bảo thủ, năm nay 57 tuổi, được mời lại tham gia nội các ở cương vị tân Bộ trưởng Ngoại giao.

Ông David Cameron từng làm lãnh đạo đảng Bảo thủ từ 2005 đến 2016 và đắc cử lên làm Thủ tướng Anh từ 2010 tới 2016.

Tuy thế ông đã xin từ chức và tự rút lui khỏi Hạ viện sau khi cuộc trưng cầu dân ý Brexit (2016) do ông đề xướng diễn ra, tạo chấn động lớn cho xã hội Anh khi mà quá bán cử tri, trái với suy nghĩ của ông, đã bỏ phiếu rút Anh khỏi EU.

Ông James Cleverly sẽ rời vị trí Ngoại trưởng để nắm Bộ Nội vụ từ hôm nay, sau khi bà Braverman bị mất chức.

Một loại các tên tuồ̉i cho nhiều chức vụ khác ở cấp bộ trưởng và thứ trưởng chuyên trách được công bố mới hoặc luân chuyển vị trí trong ngày đầu tuần, đánh dấu cuộc cải tổ nội các của ông Sunak.

Theo đài BBC, ngay sau khi tin bà Braverman bị sa thải thì người ta thấy Bộ trưởng Ngoại giao James Cleverly được mời vào số 10 Phố Downing, London.

Việc đến Phủ Thủ tướng vào lúc này khiến báo chí bình luận có thể chức Bộ trưởng Nội vụ sẽ được giao cho ông.

Ngay sau đó, cựu Thủ tướng David Cameron vào Phủ Thủ tướng, khiến các nhà báo Anh tin rằng có thể ông Cameron sẽ lên làm Bộ trưởng Ngoại giao khi ông Cleverly chuyển sang nắm Bộ Nội vụ.

Chỉ một vài giờ sau, cả hai tin trên đều được xác nhận.

Tuy thễ, để làm được bộ trưởng trong nội các, ông Cameron phải trở thành thành viên Nghị viện mà ông lại tự bỏ chức Hạ nghị sĩ sau khi thôi chức thủ tướng năm 2010.

Thủ tướng Sunak đã đề nghị lên vua Charles phong ông Cameron làm ‘Lord’ hay ‘life peer’ (tước quý tộc hình thức) để vào Thượng viện (House of Lords), cơ quan không do dân bầu.

Một vấn đề nữa ngay lập tức nảy sinh từ cách bổ nhiệm một người không phải nghị sĩ Hạ viện vào chính phủ là Hạ viện sẽ không trực tiếp chất vấn ông David Cameron, vì theo một quy định cổ xưa, ông không có ghế trong Hạ viện (House of Commons).

Các dân biểu Hạ viện chỉ có thể yêu cầu ông trả lời bằng văn bản hoặc buộc ông ra điều trần trước các Ủy ban của Hạ viện như cách họ làm với bất cứ công dân Anh nào bị hoặc được Quốc hội mời giải trình một vấn đề, theo BBC News.

Đài BBC trong bản tin tiếng Anh cùng ngày cũng đã có ngay bài nhắc lại một bê bối tài chính mà ông David Cameron dính vào, trong vụ công ty Greensill.

Theo điều tra của BBC Panorama hai năm trước, ông David Cameron từng “bay khắp thế giới” quảng bá cho công ty Greensill và kiếm được 10 triệu USD.

Công ty đầu tư của Lex Greensill người được ông Cameron cho bàn làm việc trong Phủ Thủ tướng khi đang tại nhiệm, đã bị điều tra hình sự ở Đức và Thụy Sĩ.

Năm 2021, công ty phá sản, và hàng tỷ USD “biến mất”, theo BBC Panorama.

Người ta cũng nói một “di sản” nữa của ông không kể thất bại Brexit là thái độ quá thân với Trung Quốc thời Tập Cận Bình.

Xi
Chụp lại hình ảnh,Hồi 2015, ông David Cameron mời ông Tập Cận Bình thăm Anh để đánh dấu ‘Kỷ nguyên Vàng’ trong quan hệ hai nước và dẫn ông Tập đi uống bia, bày tỏ tình thân

Ra hẳn khỏi nội các

Theo Chris Mason, biên tập viên chính trị của BBC News sáng 13/11/2023 thì bà Braverman, 43 tuổi, không chỉ phải thôi chức bộ trưởng đầy quyền lực mà bị ông Sunak “mời ra hẳn khỏi chính phủ Anh”.

Được biết bà đã chấp nhận quyết định của Thủ tướng Sunak.

Những ngày qua bà bị chỉ trích là “đã thổi lên căng thẳng trước cuộc tuần hành lớn của phái ủng hộ người Palestine thứ Bảy tuần qua”.

Ngoài ra, bà còn đăng bài trên báo Anh công khai ủng hộ Israel mà không được Phủ Thủ tướng chuẩn thuận các nội dung chi tiết.

Tại một số cuộc biểu tình ủng hộ vấn đề Palestine, phản đối cuộc oanh kích của Israel vào Gaza người ta thấy có biểu ngữ, ở cả London và Edinburgh, đòi bà Braverman từ chức.

Xung khắc vì vấn đề Trung Đông

Bà Braverman từng giữ chức Bộ trưởng Nội vụ, vị trí trọng yếu trong việc tạo ổn định xã hội khi các làn sóng đấu tranh, biểu tình, tuần hành đối chọi nhau diễn ra.

Xung đột Israel-Hamas lại đang làm cho tình hình chung xấu đi ở Anh nhưng các phát biểu của bà Braverman bị cho là “thêm dầu vào lửa”.

Chẳng hạn, bà bất đồng với Cảnh sát Đô thành London khi cảnh sát cho phép hàng vạn người ủng hộ Palestine tuần hành thứ Bảy tuần qua và công khai chỉ trích cảnh sát.

Là thành viên một viện nghiên cứu thiên hữu và thuộc nhóm hữu của đảng Bảo thủ, bà còn nói các nhóm cực hữu Anh tổ chức “phản biểu tình” bị cảnh sát xử lý mạnh mẽ là đúng, trong khi “bọn người ủng hộ Palestine (pro-Palestinian mobs) lại gần như bị bỏ qua.

Phát biểu này của bà đã bị chính Phủ Thủ tướng bác bỏ hôm 11/11.

Đảng Lao động hiện ở ghế đối lập, và cả một số nghị sĩ đảng Bảo thủ cho là bà Braverman “nói năng thiếu trách nhiệm và cần từ chức”.

Năm 2022, bà Braverman đã được phong làm Bộ trưởng Nội vụ trong thời gian ngắn, cùng chính phủ của nữ Thủ tướng Liz Truss.

Bộ trưởng Nội vụ Anh có nhiệm vụ chỉ đạo việc thực hiện các chính sách bảo vệ biên giới và giải quyết các vấn đề nảy sinh từ làn sóng nhập cư trái phép vào Anh vốn đang gây sức ép lớn lên chính quyền.

Braverman
Chụp lại hình ảnh,Sinh năm 1980, bà Suella Braverman từng hai lần giữ chức Bộ trưởng Nội vụ Anh, cho đến hôm nay 13/11.

Bài Liên Quan

Leave a Comment