Tình cảnh người dân tị nạn ở Gaza: ‘Chúng tôi đang trong thời kỳ tăm tối’

Hàng ngàn người bị mất nhà cửa ở miền bắc đã phải sống chật chội trong những ngôi trường như tại Deir al-Balah
Chụp lại hình ảnh,Hàng ngàn người bị mất nhà cửa ở miền bắc đã phải sống chật chội trong những ngôi trường như thế này tại Deir al-Balah

  • Tác giả,Joel Gunter & Yasser Qudih
  • Vai trò,Tường thuật từ Jerusalem và Deir al-Balah
  • 13 tháng 11 2023

Tắm bằng nước biển ô nhiễm, sống trong những căn lều chật chội, ăn số bánh mì ít ỏi có thể tìm thấy được, hoặc có ngày chẳng tìm được gì để bỏ bụng. Ở miền nam Gaza, hàng trăm ngàn người tị nạn đang bị mắc kẹt trong một cuộc khủng hoảng nhân đạo, đang trở nên trầm trọng hơn và khiến mọi mạng lưới bảo vệ đứng trước bờ vực tan vỡ.

Những người tị nạn đang đến từ miền bắc của Gaza, để chạy trốn khỏi chiến dịch ném bom của Israel. Họ đi trên đường Salah al-Din, nối miền bắc và nam, hàng ngàn người đi bộ, một số người mang theo số ít đồ đạc, ra đi dắt theo con cái và chỉ bộ quần áo vận trên người.

Một bé gái cầm một chiếc áo như lá cờ trắng, khi gia đình của em đi về hướng nam, dừng nghỉ trên đường Salah al-Din
Chụp lại hình ảnh,Một bé gái cầm một chiếc áo như lá cờ trắng, khi gia đình của em đi về hướng nam, dừng nghỉ trên đường Salah al-Din

Hàng chục ngàn người đã dừng tại Deir al-Balah, một thành phố ở miền trung Gaza tại một vùng an toàn vốn hiện rơi vào một cuộc khủng hoảng do dòng người di cư. Những người tị nạn ở Deir al-Balah đang chen chúc trong những ngôi trường, được gấp rút chuyển thành chỗ tạm trú của Liên Hiệp Quốc, có 70 người chỉ trong một lớp học, xung quanh là đồ ăn vứt đi và ruồi nhặng.

“Nếu nói về chỗ ở, thì chúng tôi hiện phải nằm một bên để ngủ, bởi vì không có đủ chỗ để ngã lưng,” Hassan Abu Rashed, một người thợ rèn 29 tuổi, đã bỏ chạy cùng gia đình từ Jabalia ở thành phố Gaza.

“Nếu nói về thực phẩm, chúng tôi hy vọng sẽ tìm một vài miếng bánh mì để bỏ bụng mỗi ngày. Nếu nói về tình trạng y tế, hệ thống ống cống trong trường bị hỏng. Nếu nói về bệnh tật, có thủy đậu, bệnh chàm và ở đây có cả rệp nữa. Nếu nói về tình trạng của mình, chúng tôi đang tuyệt vọng.”

Hàng trăm ngàn người đã đổ xô đi bộ trên đường Salah al-Did, chạy trốn khỏi các cuộc ném bom xa hơn về phía bắc
Chụp lại hình ảnh,Hàng trăm ngàn người đã đổ xô đi bộ trên đường Salah al-Did, chạy trốn khỏi các cuộc ném bom xa hơn về phía bắc

Ở cổng một trường học ở Deir al-Balah, Khaled Filfel, một người cha 42 tuổi, đang cô độc và chịu áp lực về nhu cầu của gia đình. “Tôi không thể có tã cho con gái khuyết tật 21 tuổi của mình”, ông nói. Trên hết, hai cha con vẫn không thể tìm được nước uống hoặc thực phẩm cho đến hôm đó.

Mặc dù vậy, có hai điều tốt lành cho Filfel. Đầu tiên là vợ cùng sáu đứa con của anh đã ra khỏi Gaza khi Hamas tấn công Israel. Điều thứ hai là ai đó đã thấy con gái của anh ấy ở trường học vào buổi sáng hôm đó và cho họ ở tạm một căn phòng ở một gia đình lân cận. “Bởi vì tình trạng của con gái tôi nên họ cho chúng tôi trú thân,” Filfel nói. “Một số người ở đây đang trông chừng cho nhau.”

Trước khi cuộc chiến tranh nổ ra, cơ quan tị nạn của Liên Hiệp Quốc, Unwra, đã có một kế hoạch ứng phó cho 1.500 người phải ra đi tạm trú tại mỗi ngôi trường, giám đốc cơ quan này ở Gaza, Thomas White nói với BBC. Các nơi ở tạm thời từ những trường học hiện đang có 6.000 người – tổng cộng có 670.000 người trên khắp 94 nơi tạm trú ở miền nam.

Không còn chỗ, nhiều người tị nạn phải sống trong những túp lều tạm thời như thế này
Chụp lại hình ảnh,Không còn chỗ, nhiều người tị nạn phải sống trong những túp lều tạm thời như thế này

“Chúng tôi đã bị quá tải,” ông White nói. “Mọi người ở mọi nơi. Vệ sinh cũng bị quá tải, trung bình 125 người cho một nhà vệ sinh, và khoảng 700 người dùng chung một nhà tắm. Có thể cảm thấy bầu không khí ngột ngạt khi nhiều người chen chúc trong những ngôi trường này, khi số người quá đông.”

Để thoát khỏi những căn phòng và sân trường chật chội ở Deir al-Balah, một số cư dân mới đã đi dạo một quãng ngắn đến bãi biển phía đối diện và ban ngày thì ở đó.

Sáng thứ Bảy, một gia đình trẻ tắm và giặt giũ áo quần trên biển, tìm cách không để rác thải trôi ra biển và dạt lên bãi cát. Khi xong xuôi, họ phơi áo quần dưới ánh nắng mặt trời. Họ đã ở Deir al-Balah trong ba tuần rồi.

“Có thể thấy chúng tôi đã quay trở lại thời kỳ tăm tối,” người cha của gia đình nhỏ, Mahmoud al-Motawag, 30 tuổi nói. “Chúng tôi dùng biển để làm mọi việc,” ông nói. “Để tắm giặt, rửa chén bát, và hiện để uống nước vì không tìm thấy được nguồn nước sạch. Chúng tôi chỉ ăn mỗi bữa một ngày, và chúng tôi xin những ngư dân cho chúng tôi hai con cá để dành cho mấy đứa con.”

Mahmoud al-Motawag và vợ mình là Duaa, cùng những đứa con nhỏ của họ, đang chờ phơi áo quần trên một bãi biển ở Deir al-Balah
Chụp lại hình ảnh,Mahmoud al-Motawag và vợ mình là Duaa, cùng những đứa con nhỏ của họ, đang chờ phơi áo quần trên một bãi biển ở Deir al-Balah

Mahmoud, một nhân viên nông trại từ Jabalia, nói gia đình anh đã bỏ chạy sau các đợt ném bom. Anh đang ngồi gần hai đứa con của mình, con trai bốn tuổi và con gái hai tuổi, và vợ là cô Duaa. Gia đình anh đã dành nguyên ngày trên bãi biển, Mahmoud nói, khi vừa đang chờ áo quần khô nhưng chủ yếu là để tránh phải quay về những túp lều nóng nực trên sân trường, vốn là ngôi nhà tạm thời của họ cùng với 50 người khác.

Khi anh nói chuyện, cô Duaa, chỉ chừng 20 tuổi, đặt tay lên chiếc bụng bầu đã lớn của mình. Cô ấy sẽ sinh em bé trong một tháng nữa, cô cho biết. Khi bệnh viện địa phương đứng trên bờ vực ngừng hoạt động, cô tự hỏi liệu mình có khả năng phải sinh con trong ngôi trường hiện quá tải người và dơ bẩn hiện nay hay không.

“Tôi sợ chuyện này,” Duaa nói. “Tôi sợ là chuyện sinh con sẽ mất nhiều thời gian, tôi sợ cho con tôi, tôi lo rằng sẽ không có áo quần hay chăn ấm. Chúng tôi đã lên kế hoạch cho việc sinh con, giờ mọi chuyện đã thay đổi.”

Duaa Filfel và con trai của cô trên bãi biển ở thành phố Deir al-Balah
Chụp lại hình ảnh,Duaa Filfel, đang mang thai tám tháng, cùng với con trai mình. “Tôi lo cho con tôi,” cô cho biết

Hiện nay, cô phải chịu đựng khi là một phụ nữ tị nạn đang có thai tám tháng. “Tôi bị mỏi mệt về thể chất và tinh thần,” Duaa nói. “Con tôi hiện còn nhỏ và chúng tôi phải đứng xếp hàng chờ toilet trong 15 đến 30 phút. Tôi bị đau khi phải giặt giũ và ngồi quá lâu gần biển. Sự mỏi mệt này không hề thuyên giảm.”

Thậm chí khi Duaa có thể đến được một bệnh viện ở Deir al-Balah, thì không có đảm bảo nào cô sẽ sinh con mạnh khỏe. Bệnh viện Al-Aqsa, giống những nơi khác trên khắp Dải Gaza, cũng đang đứng trên bờ vực sụp đổ. Những người tị nạn đi về phía nam trong bối cảnh Israel ném bom, san phẳng các tòa nhà ở những khu vực dân cư tại Deir al-Balah và khiến hàng chục người bị thương nghiêm trọng tại nơi đó.

Khalil al-Duqran, một bác sĩ cấp cứu 55 tuổi đã làm việc tại Al-Aqsa trong 20 năm qua, nói chuyện với BBC qua điện thoại khi những người bị thương từ cuộc không kích trên đường Salah al-Din bắt đầu đến đây.

“Họ hiện đang đến đây, hàng trăm người bị thương, hàng chục người bị thương ở đầu và tay chân,” anh ấy hét lớn, và có thể nghe thấy âm thanh hỗn loạn đằng sau. “Đây là một cuộc thảm sát người dân của chúng tôi.”

Bác sĩ Khalil al-Duqran đang thăm khám cho một bé trai bị thương nặng ở tay tại bệnh viện Al-Aqsa hôm thứ Bảy 11/11
Chụp lại hình ảnh,Bác sĩ Khalil al-Duqran đang thăm khám cho một bé trai bị thương nặng ở tay tại bệnh viện Al-Aqsa hôm thứ Bảy 11/11

Al-Duqran xin lỗi và cúp máy điện thoại, sau đó sự hỗn loạn lắng xuống, anh ấy gọi lại, giọng nói có vẻ vô cùng mệt mỏi. “Đây là cuộc chiến khó khăn nhất mà tôi đã chứng kiến trong 20 năm qua,” ông cho biết. “Mỗi ngày người chết và bị thương lên cấp hàng chục hay hàng trăm. Trẻ em thì bị mất tay chân, phần trên và dưới cơ thể. Các em ấy bị thương nghiêm trọng ở đầu.”

Giống các bệnh viện khác trên khắp Gaza, Al-Aqsa bị thiếu thốn tất cả mọi thứ cần có để hoạt động. “Chúng tôi dọn giường bệnh từ những tấm gỗ, chúng tôi thiếu gần 90% thuốc men,” bác sĩ Al-Duqran nói. “Mọi thứ từ khay dụng cụ phẫu thuật cho đến các thiết bị giúp chữa gãy xương đã cạn kiệt, và hiện trong phòng ICU, chúng tôi sẽ sớm không thể tiếp tục cứu chữa nạn nhân được, bởi vì chúng tôi không thể duy trì sự sống cho họ thêm được nữa.”

Một người mẹ ôm con mình di tản trên đường Salah al-Din, khi hôm thứ Sáu đã bị ném bom
Chụp lại hình ảnh,Một người mẹ ôm con mình di tản trên đường Salah al-Din, khi hôm thứ Sáu 10/11 đã bị ném bom

Trong bối cảnh Israel tăng cường không kích và tấn công trên bộ tại miền bắc Gaza, người dân tiếp tục đổ xô đến đường Salah al-Din để đến thành phố Deir al-Balah và tất cả các thành phố ở miền trung và nam Gaza.

Nhưng không còn chỗ tại nhiều khu trú ẩn tại các trường học. Vì vậy những người tị nạn đang dựng nên các lều tạm trú bên cạnh trường, cố gắng gần nhất với nơi có gắn cờ của Liên Hiệp Quốc với niềm hy vọng được bảo vệ từ một cuộc không kích, nhưng sẽ chịu ảnh hưởng khi tình hình thời tiết tệ hơn.

“Mọi người đang ngày càng phải chịu cảnh sống ngoài trời,” Thomas White, giám đốc Unrwa ở Gaza nói. “Hiện tại thời tiết trong tháng 11 thì khá ấm áp, nhưng trước ngày thứ Tư thì chúng tôi nghĩ trời sẽ trở lạnh,” ông nói. “Mọi người sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.”

Một bé trai từ nơi trú ẩn ở một ngôi trường tại thành phố Khan Younis, miền nam Gaza
Chụp lại hình ảnh,Một bé trai từ nơi trú ẩn ở một ngôi trường tại thành phố Khan Younis, miền nam Gaza

Mọi cửa hàng cung cấp thực phẩm cho người dân ở Gaza theo Chương trình Thực phẩm Thế giới (WFP) đã cạn kiệt nguồn cung nguyên vật liệu thiết yếu hôm thứ Sáu, người phát ngôn của WFP, Alia Zaki nói với BBC.

Các cửa hàng bánh ngọt không có nguồn gas để làm bánh mì, bà cho biết, và cũng một nguy cơ làn sóng suy dinh dưỡng sắp xảy đến ở Deir al-Balah và trên khắp Gaza.

“Người dân không ăn đủ để duy trì sức khỏe nên hệ miễn dịch của họ đang yếu dần,” bà Zaki nói. “Họ đang xếp hàng năm hay sáu tiếng đồng hồ để có được bánh mì và trở về với tay trắng.”

Trên bãi biển ở Deir al-Balah hôm thứ Bảy, một viễn cảnh không mấy tốt đẹp đang chờ Mahmoud và Duaa. Họ đang chuẩn bị về mặt tinh thần để người thân ở bến tàu để đi tìm kiếm bánh mì.

“Chúng tôi đã chờ nhiều giờ, chỉ để rồi tiệm bánh lại đóng cửa và sẽ lại không có gì cho các con,” Mahmoud nói.

“Cuộc sống của tổ tiên chúng tôi đã trải qua chiến tranh và cuộc sống của chúng tôi cũng là chiến tranh,” anh nói một cách mỏi mệt. “Và hiện nay con cái của chúng tôi cũng mắc kẹt trong một cuộc chiến.”

Muath al-Khatib đóng góp cho phần tường thuật.

Bài Liên Quan

Leave a Comment