Hai bài học từ các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga và Trung Quốc

Đăng ngày: 14/11/2023

Sau nhiều năm « cuộc chiến mậu dịch » kéo dài, vế kinh tế và thương mại là một trong những hồ sơ hai nhà lãnh đạo Joe Biden -Tập Cận Bình sẽ đề cập đến nhân thượng đỉnh tại San Francisco, bên lề hội nghị Diễn Đàn Hợp Tác Châu Á Thái Bình Dương APEC. Thêm vào đó là yếu tố Nga, kể từ khi Matxcơva bị quốc tế trừng phạt vì xâm chiếm Ukraina. 

Ảnh minh họa: Tượng nhỏ bằng giấy được trưng bày tại lễ hội Fallas ở Valencia, Tây Ban Nha. Từ trái sang phải: tổng thống Mỹ Joe Biden, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ảnh minh họa: Tượng nhỏ bằng giấy được trưng bày tại lễ hội Fallas ở Valencia, Tây Ban Nha. Từ trái sang phải: tổng thống Mỹ Joe Biden, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Nga Vladimir Putin. AFP – JOSE JORDAN

Mỹ một năm trước bầu cử tổng thống còn tại Trung Quốc, toàn cảnh kinh tế khá ảm đạm : Mỗi bên mặc cả những gì với đối phương trong bối cảnh giao thương quốc tế càng lúc càng bị những tính toán chính trị làm xáo trộn ?

RFI tiếng Việt mời giáo sư Sébastien Jean Học Viện Mỹ Thuật và Công Nghệ Quốc Gia CNAM phân tích về một nghịch lý trong quan hệ quốc tế : các nền kinh tế trên thế giới càng lúc càng « gắn kết chặt chẽ với nhau, càng phụ thuộc vào lẫn nhau » đồng thời thương mại, tài chính, công nghệ hay năng lượng … đều là những công cụ – nếu không muốn nói là một loại vũ khí, để mặc cả, để bắt chẹt hay kềm tỏa sức mạnh của đối phương.

Sébastien Jean, nguyên là giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu về Triển Vọng Kinh Tế và Thông Tin Quốc Tế. Cùng với Thomas Gomart, giám đốc Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI, ông vừa cho công bố một nghiên cứu mới về thương mại quốc tế. Tài liệu mang tựa đề : « Découplage impossible, coopération improbable : Les interdépendances économiques à l’épreuve des rivalités de puissance – Không thể tách rời, ít triển vọng hợp tác : Những sự phụ thuộc về kinh tế trước những tranh giành để thể hiện sức mạnh » – Viện IFRI tháng 11/2023.    

Mục tiêu một « hiệp định hưu chiến » cho các doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc ?

Trước hết trong cuộc thảo luận được dự trù kéo dài trong bốn giờ đồng hồ ngày 15/11/2023 giữa tổng thống Mỹ Joe Biden và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trên hồ sơ kinh tế, đâu là những ưu tiên của mỗi bên ?

Hãng tin Mỹ AP ghi nhận : Washington vừa tiếp tục kiểm soát xuất khẩu chíp điện tử và linh kiện bán dẫn cho Trung Quốc vừa trấn an Bắc Kinh là Mỹ không tiến hành một cuộc chiến tranh kinh tế nhắm vào quốc gia châu Á này. Các quan chức cao cấp nhất trong chính quyền Biden nhiều lần khẳng định Mỹ không chủ trương « tách rời – decoupling » với Trung Quốc mà chỉ là « giảm thiểu rủi ro – derisking » để bớt lệ thuộc quá nhiều vào một quốc gia mà thôi. Ngoài ra phía Hoa Kỳ cũng muốn thăm dò ý định của Trung Quốc trong liên hệ thương mại, kinh tế và tài chính giữa Bắc Kinh và Matxcơva vào lúc Âu Mỹ phong tỏa kinh tế Nga, trừng phạt chính quyền Vladimir Putin đưa quân xâm chiếm Ukraina .

Về phía ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc chờ đợi gì sau cuộc đối thoại trực tiếp thứ nhì với tổng thống Biden trong bối cảnh, trong giao đoạn từ tháng 7-9/2023 đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rút khỏi Hoa Lục cao hơn so với số các khoản đầu tư mới vào Trung Quốc  nước ngoài vào Trung Quốc, hiện tượng này chưa từng xảy ra kể từ 1998 tới nay ?

Vẫn AP dự báo Bắc Kinh muốn được bảo đảm là Washington sẽ không ban hành thêm các hàng rào quan thuế đánh vào hàng Trung Quốc bán sang thị trường Mỹ, Hoa Kỳ không dùng đòn công nghệ để « triệt hạ » các tập đoàn công nghệ mới của quốc gia này. Lịch làm việc của ông Tập trong bốn ngày từ 14-17/11/2023 có dự trù một cuộc tiếp xúc với giới doanh nghiệp Mỹ với thông điệp chính : Trung Quốc là một điểm đầu tư an toàn.

Cuối cùng nếu như Nhà Trắng muốn thăm dò ý định của chủ tịch Tập Cận Bình về quan hệ giữa Trung Quốc và Nga thì đổi lại Bắc Kinh cũng muốn tìm hiểu về những ý đồ của tổng thống Biden với Đài Loan, một cường quốc trong công nghệ bán dẫn và cũng là trung tâm cuộc đọ sức Mỹ -Trung về công nghệ.

Tầm mức quan trọng của cuộc đối thoại trực tiếp thứ nhì -và rất có thể là đối thoại cuối cùng trong nhiệm kỳ này của tổng thống Biden, giữa hai nhà lãnh đạo, Joe Biden -Tập Cận Bình cho thấy hai vế kinh tế và chính trị gắn chặt đến mức độ nào hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Đặc biệt là khi mà « những tham vọng về chính trị, và địa chính trị, yếu tố ý thức hệ càng lúc càng chi phối các hoạt động về thương mại và tài chính quốc tế » :

Sébastien Jean : « Dưới tác động từ tiến trình toàn cầu hóa, các siêu cường kinh tế trên thế giới đã được gắn kết chặt chẽ với nhau hơn bao giờ hết, cả về giao thương lẫn tài chính. Nhưng từ hơn một chục năm nay, hay chính xác hơn là từ giữa thập niên 2000, yếu tố chính trị và địa chính trị càng lúc càng chi phối các hoạt động mậu dịch và kể cả trong lĩnh vực tào chính. Lần đầu tiên chúng ta rơi vào nghịch cảnh là các nền kinh tế thì liên hệ rất chặt chẽ với nhau, nhưng đồng thời các các mối hiềm khích, thậm chí là một sự thù nghịch giữa các nền kinh tế đó cũng chưa bao giờ mạnh như hiện tại (…)

Dù vậy hoàn cảnh éo le này không dẫn đến tình trạng gọi là phi toàn cầu hóa. Điều rõ ràng nhất là các quốc gia vẫn rất lệ thuộc vào nhau. Tình hình như vậy lúc nào cũng căng thẳng, bởi vì mỗi bên đều có thể khai thác lá bài kinh tế, tài chính để phục vụ các ý đồ chính trị. Chính vì thế mà ngày càng có nhiều đòn trừng phạt, nhiều quyết định giới hạn xuất nhập khẩu trên một số thị trường. Tựu chung, các mối quan hệ về kinh tế và tài chính đã bị các chính giới thao túng. Có nghĩa là nhiều nước vẫn cứ ban hành các biện pháp trừng phạt, cấm vận … nhắm vào các đối phương. Câu hỏi còn lại là các biện pháp trừng phạt đó có hiệu quả hay không ».

RFI : Hiệu quả có được như mong muốn hay không ? Trong trường hợp giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc thì các biện pháp tăng thuế nhập khẩu vào Mỹ đánh lên hàng Trung Quốc vẫn không cho phép Washington giảm thâm hụt mậu dich với Bắc Kinh. Thêm vào đó, hai chính quyền Mỹ liên tiếp vì lý do « an ninh quốc gia » ban hành các biện pháp cấm hay giới hạn các chương trình hợp tác về công nghệ giữa các công ty của hai nước, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều liên hệ giữa các một số tập đoàn Mỹ và Trung Quốc kể cả trong những lĩnh vực được coi là nhậy cảm nhất.

Sébastien Jean : « Chúng ta nhận thấy rằng khó có thể đạt được những mục tiêu chính trị bằng các công cụ như vậy. Nghĩa là dùng đòn kinh tế để đạt được mục đích chính trị. Cần hiểu rằng, giao thương quốc tế dựa trên nguyên tắc ‘tôi cũng có lợi và anh cũng có lợi’. Vậy nếu tôi trừng phạt anh thì tôi cũng bị thiệt hại. Điều đó có nghĩa là một biện pháp trừng phạt chỉ có lợi nếu như chúng ta biết chắc rằng, đối phương sẽ trả giá đắt hơn so với những thiệt hại mà ta sẽ phải gánh chịu. Đó là điều rất khó thực hiện. Mỗi biện pháp trừng phạt đều luôn luôn có những liều thuốc hóa giải, có nghĩa sẽ nảy sinh những hình thức khác nhau để luồn lách lệnh trừng phát đó ».

Để giảm bớt lệ thuộc vào Trung Quốc, căn cứ trên các thống kê, cho thấy, đúng là tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ với bạn hàng Trung Quốc đã giảm. Nhưng trong cùng thời kỳ, nhập khẩu của Hoa Kỳ với một số quốc gia khác như Mêhicô, hay Việt Nam, Ấn Độ… đã tăng mạnh. Bản thân ba quốc gia này thì đã mua vào nhiều hơn hàng của Trung Quốc để bán lại cho sang thị trường Mỹ. Nói cách khách Hoa Kỳ muốn tránh Trung Quốc nhưng để rồi lại bị lệ thuộc nhiều hơn vào các nhà cung cấp khác và chính những nguồn cung cấp này lại là khách hàng của Bắc Kinh. Trong điều kiện đó không thể kết luận là kinh tế Mỹ và Trung Quốc đã bớt phụ thuộc vào nhau hay đang ‘tách rời’ khỏi lẫn nhau. Các luồng giao thương giữa hai nền kinh tế này chỉ trở nên mù mịt và phức tạp hơn mà thôi ».

RFI : Còn liên quan đến nước Nga ?

Sébastien Jean : « Đây là một trường hợp quan trọng, bởi vì lần đầu tiên nhiều biện pháp trừng phạt mạnh đã được ban hành và nhắm vào một nền kinh tế có trọng lượng như là Nga. Cùng một lúc Nga phải đối mặt với các biện pháp cấm vận cả về thương mại lẫn tài chính. Chính sách trừng phạt đã đem lại nhiều hệ quả và gây trở ngại về nhiều mặt cho kinh tế nước này. Nhưng kinh tế Nga đã không sụp đổ như nhiều người mong đợi bởi hai lý do. Về mặt tài chính Matxcơva vẫn không bị thiếu hụt tiền mặt nhờ vẫn tiếp tục xuất khẩu tài nguyên, dầu khí …. Trong những lĩnh vực khác, đành rằng Nga đã bị kẹt vì không thể tiếp cận được với công nghệ cao, bị cấm nhập khẩu một số phụ tùng có thể sử dụng trong lĩnh vực quân sự, để chế tạo vũ khí, nuôi dưỡng cỗ máy chiến tranh nhưng Matxcơva đã lách lệnh cấm đó nhờ một số trung gian, như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ hay một số nước lân cận như Kazakhstan. Trong trường hợp này, lệnh cấm vận có hiệu quả nhưng chỉ một phần ».

Tác động đến dây chuyển sản xuất và hoạt động thương mại toàn cầu ?

Trong nghiên cứu vừa công bố trên trang mạng của Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI về thương mại quốc tế, giáo sư đã nêu bật một số điểm chính như sau : giao thương trên thế giới phức tạp hơn bởi các nền kinh tế vừa là những đối tác vừa là những đối thủ của lẫn nhau và lại lệ thuộc rất lớn vào nhau. Cũng chính mức độ lệ thuộc đó mà các luồng giao thương, từ hàng hóa đến tài chính… đều rất dễ bị khai thác để phục vụ cho những mục tiêu chính trị và chiến lược. Kinh tế thương mại, tài chính … dễ trở thành những công cụ để mặc cả, thậm chí là để uy hiếp các đối tác …Thưa ông Sébastien Jean, trong trường hợp đó dây chuyền sản xuất nói riêng và học thuyết thương mại quốc tế nói chung bị xáo trộn như thế nào ?

Sébastien Jean « Các dây chuyền sản xuất đã bị méo mó. Hiểu theo nghĩa, như tôi vừa đơn cử trường hợp của Mêhicô hay Việt Nam và Ấn Độ khi mà các quốc gia này nhập khẩu nhiều hơn hàng của Trung Quốc để bán lại sang Mỹ. Tuy nhiên, trước những thách thức mới đó, các doanh nghiệp cũng đã thay đổi chiến lược phát triển : đa dạng hóa các nguồn cung cấp, mở các nhà máy ở nhiều nơi khác nhau tránh để yếu tố địa chính trị làm gián đoạn chuỗi cung ứng hay tránh để phải đóng cửa một số cơ xưởng …. Nhưng đó là những biện pháp đòi hỏi nhiều thời gian để mang lại kết quả. Thí dụ như Apple muốn ra khỏi Trung Quốc, mở địa bàn ở Ấn Độ và Việt Nam nhưng cần thời gian để đóng cửa bớt các chi nhánh hay cắt giảm hợp đồng với các hãng gia công Trung Quốc …. Ở cấp quốc gia, thì các chính phủ đã đẩy mạnh các chương trình tự chủ về công nghiệp, tìm mọi cách -nhất là biện pháp ưu đãi thuế khóa, để khuyến khích doanh nghiệp hồi hương… Tất cả những điều đó đòi hỏi phải mất nhiều năm mới hoàn thành ».

Khái niệm An toàn về kinh tế

Cũng vì yếu tố « địa chinh trị », thay vì sử dụng khái niệm « cạnh tranh -competition » trong giao thương quốc tế, giới trong ngành thường nói đến một « sự đối đầu – rivality » giữa các đối tác thương mại. Do vậy theo Thomas Gomart và Sébastien Jean, hai đồng tác giả công trình nghiên cứu đăng trên trang mạng của IFRI, bài thọc thứ nhất là chưa bao giờ các nền kinh tế trên thế giới phụ thuộc chặt chẽ vào nhau như hiện tại, điều đó không cấm cản, cũng chưa khi nào các đối tác thương mại lại sử dụng « vũ khí hạng nặng » để trừng phạt lẫn nhau.

Bài học thứ nhì đồng thời cũng là hệ quả kèm theo, là các quốc gia vẫn tiếp tục trao đổi mậu dịnh nhưng luôn trong thế thủ với một khái niện mới là « an toàn kinh tế -sécurité économique ». Đó là lý do vì sao Trung Quốc đã có hẳn chiến lược với ba mục tiêu : tự chủ về công nghệ cao không để phụ thuộc vào Mỹ hay các đồng minh của Washington ; làm chủ các nguồn tài nguyên thiên nhiên ; và bảo vệ quyền lợi quốc gia ở hải ngoại.

Về phía Hoa Kỳ thì chính sách năng lượng được coi là một vấn đề chiến lược từ lâu nay. Ngoài ra Mỹ cũng luôn thủ thân bằng rất nhiều biện pháp trừng phạt các nước bất hảo và kể cả các nước bạn như Liên Âu. Còn Nga thì dùng khoáng sản, nông phẩm, phân bón, dầu khí … để bắt chẹt hay mua chuộc các đối tác hay đổi thủ của Matxcơva. Trong cuộc chạy đua tranh giành ảnh hưởng đó Liên Hiệp Châu Âu mới vừa « tỉnh ngủ » và chuyển hưởng về mục tiêu tự chủ công nghiệp. Giáo sư Sébastien Jean, học viện CNAM của Pháp kết luận. 

Thanh Hà

Bài Liên Quan

Leave a Comment