Nepal vừa ra lệnh cấm nền tảng TikTok vì ‘lan truyền nội dung xấu’

TikTok
Chụp lại hình ảnh,TikTok

Chính quyền Nepal vừa ra lệnh cấm mạng xã hội gốc Trung Quốc, TikTok, vì lý do “để cho lan tỏa nội dung xấu”.

Hiện có gần 1 tỷ người dùng trên toàn cầu mỗi tháng, TikTok đã bị nước láng giềng của Nepal là Ấn Độ cấm hoạt động.

Đầu năm nay, Montana trở thành bang đầu tiên của Hoa Kỳ cấm TikTok, còn tại Anh thì Nghị viện không cho các thành viên, nhân viên dùng TikTok.

Bộ trưởng Truyền thông và Công nghệ Thông tin của Nepal, Rekha Sharma nói với Ban Tiếng Nepal của BBC rằng “nền tảng TikTok cho lan truyền nội dung độc hại”.

Bà Sharma cũng nói lệnh cấm này “có hiệu lực ngay lập tức và các cơ quan quản lý truyền thông trên cả nước phải thi hành ngay”.

Nhưng ông Gagan Thapa, một lãnh đạo của đảng chính trị Đại hội Nepal (Nepali Congress, tham gia nội các liên minh) thì phê phán quyết định của chính phủ.

Ông nói các quan chức đáng ra cần tìm cách quản trị mạng xã hội này thay vì cấm nó, điều chỉ làm hạn chế thêm tự do biểu đạt.

Nhiều quốc gia muốn kiểm soát tình trạng người dân của họ dùng TikTok và nêu quan ngại là thông tin cá nhân sẽ được chuyển cho chính phủ Trung Quốc.

Công ty mẹ của Tiktok, ByteDance từng bác bỏ cáo buộc nói trên và TikTok không trả lời yêu cầu của đài BBC xin bình luận về lệnh cấm của Nepal.

Dù số người dùng không bằng Facebook và Instagram, TikTok có độ tăng trưởng nhanh hơn hai nền tảng kia trong giới trẻ.

Hồi tháng 6 năm nay chính phủ Ấn Độ đã cấm TikTok, WeChat và một số app do công ty Trung Quốc làm, với lý do “nguy hiểm cho quốc gia”.

Chừng 59 app bị cấm gồm cả WeChat mà chính phủ Ấn Độ cho là đã truyền đi các thông tin vi phạm chủ quyền lãnh thổ nước họ, sau xung đột ở vùng biên giới tại Ladakh với biên phòng Trung Quốc, làm ít nhất 20 quân nhân Ấn thiệt mạng.

Bài Liên Quan

Leave a Comment