Nhật cân nhắc cung cấp trang bị quốc phòng cho Việt Nam

November 14, 2023

Tướng Izutsu Shunji tới Hà Nội gặp Nguyễn Tân Cương

Có tin chính phủ Nhật cân nhắc nới lỏng luật lệ xuất cảng các loại võ khí đã qua sử dụng như xe tăng, hỏa tiễn. Đồng thời, họ cân nhắc xem có thể cung cấp chúng miễn phí cho những đối tác tại khu vực Á Châu đang cần chúng.

Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc cung cấp trang bị quốc phòng cho hai quốc gia là Việt Nam và Djibouti, trong khuôn khổ yểm trợ an ninh.

Đài truyền hình NHK hôm 13 Tháng Mười Một, thuật lời các viên chức chính phủ Nhật, nói hai nước kể trên là ứng viên để nhận “Viện Trợ An Ninh Chính Thức” (Official Security Assistance) thường gọi tắt là OSA cho tài khóa bắt đầu từ Tháng Tư năm tới.

Khuôn khổ OSA được thiết lập để nước Nhật cung cấp trang bị quốc phòng cho những quốc gia đồng quan điểm như một cách tăng cường hợp tác an ninh.

Mới đầu tháng này, chính phủ Nhật và chính phủ Philippines đã họp thượng đỉnh ở Tokyo theo đó Nhật sẽ cung cấp cho Philippines các hệ thống radar giám sát dựa trên khung OSA đã thỏa thuận.

Mới đây, Nhật cũng đã đạt những thỏa thuận cuối cùng để cung cấp một số tàu tuần tra cho Bangladesh ngay trong tài khóa này. Malaysia và Fiji cũng chuẩn bị nhận được các trang bị.

Việt Nam thì đang có những tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc tại Biển Đông. Trung Quốc ngăn cấm Việt Nam dò tìm và khai thác dầu khí trong phạm vi “lưỡi bò” dù hoàn toàn nằm trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, theo Công Ước Quốc Tế về Luật Biển UNCLOS.

Bắc Kinh từng đe dọa đánh chiếm các vị trí Việt Nam trấn giữ tại quần đảo Trường Sa nếu nhất định tiến hành các kế hoạch dò tìm và khai thác dầu khí trong phạm vi “lưỡi bò” mà Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền dựa vào sức mạnh quân sự ăn trùm, bất chấp các quy định quốc tế. Hà Nội từng phải bồi thường cho nhà thầu Rapsol cả tỉ đô la khi buộc họ bỏ ngang cuộc khoan thăm dò ở khu vực mỏ Cá Rồng Đỏ, bồn trũng Nam Côn Sơn.

Theo NHK, chính phủ Nhật dự trù dàn xếp các thỏa thuận cụ thể với hai nước Việt Nam và Djibouti về những trang bị gì sẽ có thể được cung cấp. Djibouti là một quốc gia nhỏ, diện tích chỉ có hơn 23,000 km2 ở khu vực gọi là “Sừng Phi Châu”, Nam giáp Somalia, Eritrea phía Bắc, Ethiopia ở Tây Nam, Biển Đỏ và vịnh Aden phía Đông.

Djibouti nằm gần một trong những hải lộ thương mại quan trọng nhất thế giới, kiểm soát đường tiếp cận Biển Đỏ và Ấn Độ Dương. Xứ này đóng vai trò quan trọng cho nhu cầu tiếp nhiên liệu hàng hải và trạm trung chuyển hàng hóa, đồng thời lại là hải cảng chính cho xuất nhập cảng từ Ethiopia. Nhờ vị trí quan trọng, nước này được nhiều quốc gia đặt căn cứ quân sự.

Hồi Tháng Chín, 2021, Bộ Trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Nobuo Kishi đến Hà Nội ký thỏa thuận chuyển giao trang bị và kỹ thuật quốc phòng với Bộ Trưởng Quốc Phòng CSVN Phan Văn Giang. Truyền thông quốc tế dạo đó bình luận rằng hai nước gia tăng hợp tác quân sự vì đều cùng có chung mối lo gia tăng áp lực bá quyền bành trướng của Bắc Kinh.

Tháng Sáu, năm 2022, có tin chính phủ Nhật cân nhắc nới lỏng luật lệ xuất cảng các loại võ khí đã qua sử dụng như xe tăng, hỏa tiễn. Đồng thời, họ cân nhắc xem có thể cung cấp chúng miễn phí cho những đối tác tại khu vực Á Châu đang cần chúng.

Cũng vào khoảng thời gian này, tổng tham mưu trưởng Lực Lượng Phòng Vệ Trên Không Nhật Bản, Tướng Izutsu Shunji tới Hà Nội “thúc đẩy hợp tác phòng không-không quân.”

Ông Izutsu Shunji đã gặp Nguyễn Tân Cương, thứ trưởng Bộ Quốc Phòng kiêm tổng tham mưu trưởng quân đội CSVN ngày 28 Tháng Sáu, 2022, mà tờ Quân Đội Nhân Dân (báo tuyên truyền của Bộ Quốc Phòng CSVN) ca ngợi “hợp tác quốc phòng giữa hai nước đạt được những bước phát triển vững chắc, tiếp tục khẳng định là một trong những trụ cột quan trọng của quan hệ giữa hai nước.”

(Theo Người Việt)

Bài Liên Quan

Leave a Comment