Ông Tập, ông Biden và những mong đợi từ APEC 2023

Bui Van Phu
Chụp lại hình ảnh,Trung tâm của cuộc biểu tình phản đối APEC

  • Tác giả,Bùi Văn Phú
  • Vai trò,Gửi cho BBC Tiếng Việt từ San Francisco, California

Hội nghị APEC 2023 – Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương – đang diễn ra tại thành phố San Francisco, California.

Từ nhiều tháng qua, đã có những chuẩn bị từ các cấp trong chính quyền Mỹ cho APEC.

Theo ban tổ chức, sẽ có hai vạn khách đến từ nhiều nơi trên thế giới, cùng với hai nghìn phóng viên có mặt để tường thuật cuộc họp thượng đỉnh. Khu vực tài chánh và quanh toà thị chính cuối tuần qua trông sạch sẽ, không còn thấy những người không nhà nằm bên lề đường.

Nhiều bộ trưởng kinh tế, tài chánh các nước đã có mặt từ tuần trước để họp sơ bộ với giới chức Hoa Kỳ.

APEC gồm 21 thành viên ven biển Thái Bình Dương, có các cường quốc Mỹ, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật cùng Canada, Úc, Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Philippines, Singapore, Thái Lan, Mexico, Brunei, Chile, New Zealand, Papua New Guinea, Peru.

Đài Loan và Hong Kong không phải là hai quốc gia nhưng có nền kinh tế độc lập và phát triển nên cũng được mời tham dự.

Giới quan sát chú ý nhất đến gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong ngày thứ Tư 15/11. Lãnh đạo hai nước sẽ có đạt được sự đồng thuận quan trọng nào để làm tan băng và đưa quan hệ trở lại bình thường hay không?

Quan hệ Mỹ-Trung trong những năm gần đây đã đóng băng, bắt đầu từ 2017 khi Donald Trump lên làm tổng thống với chính sách quân bình cán cân thương mại, thay đổi mức xuất nhập cảng giữa Hoa Kỳ và nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là “chiến tranh kinh tế mậu dịch” giữa Bắc Kinh và Washington. Cùng lúc có nhiều căng thẳng trên không và trên biển Đông Á mà Tập Cận Bình xem đó như ao nhà.

Hơn một năm qua, Trung Quốc đã không nhận điện thoại của lãnh đạo quân sự Mỹ, từ khi Tổng thống Joe Biden có những phát biểu liên quan đến việc bảo vệ Đài Loan, mà Bắc Kinh coi hòn đảo này là một tỉnh thuộc về Trung Quốc.

Hai năm qua, đã có quan chức cao cấp Mỹ sang Đài Bắc gồm nhiều bộ trưởng, dân biểu và nghị sĩ, có cả Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, là một loạt những chuyến đi liên tục chưa từng thấy trước đây trong quan hệ dù không chính thức có giữa Mỹ và Đài Loan, khiến Bắc Kinh bực bội.

Bui Van Phu
Chụp lại hình ảnh,Biểu tình phản đối APEC ở San Francisco

Thảo luận về tương lai quan hệ Mỹ-Trung tại Đại học U.C. Berkeley

Trước thềm APEC, thứ Năm tuần qua có một buổi nói chuyện về tương lai quan hệ Mỹ-Trung tại Đại học U.C. Berkeley với các diễn giả:

  • Orville Schell, giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ-Trung của Asia Society;
  • Zongyuan Zoe Liu, nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại Council for Foreign Relations;
  • Andy Rothman, cựu nhân viên ngoại giao Mỹ hiện là nhà chiến lược đầu tư của Matthews Asia
  • Victor Shih, giám đốc 21st Century China Center.
  • Ker Gibbs, giám đốc điều hành Center for Business Studies and Innovation in Asia-Pacific của Đại học San Francisco là người điều hợp chương trình
  • Các phân tích, nhận định được diễn giả đưa đều có một điểm chung là không thể tách Trung Quốc ra được – decoupling, vì hai nước đã có những quan hệ từ giáo dục, kỹ thuật, mậu dịch đan kết với nhau trong nửa thế kỷ qua.

Andy Rothman với 20 năm kinh nghiệm ngoại giao, từng làm việc tại Trung Quốc đưa ra quan sát là nhờ nhân công Trung Quốc mà người dân Mỹ có mức sống cao với tiện nghi vật chất. Ngược lại nhờ Mỹ và phương Tây mà lợi tức đầu người của dân Trung Quốc đã tăng gấp 148 lần trong nửa thế kỷ qua, trong khi chỉ tăng 5 lần cho người Mỹ.

Ông nói, hãy thử tưởng tượng nếu không có bàn tay của công nhân Trung Quốc làm ra các mặt hàng từ tivi, tủ lạnh, điện thoại cầm tay cho đến dược phẩm để người Mỹ tiêu dùng với giá rẻ thì mức sống ở Mỹ sẽ đắt đỏ hơn bây giờ rất nhiều.

Tuy nhiên có người đặt câu hỏi, như thế là các công ty Mỹ bóc lột sức lao động của dân Trung Quốc?

Bà Zoe Liu, sinh ra và lớn lên ở đó cho biết là không bao giờ nghe nói đến hai chữ “bóc lột” mà rất nhiều công nhân lại thích làm cho hãng Mỹ, cảm thấy hãnh diện là công nhân của các công ty đa quốc gia.

Theo bà Liu, dân Trung Quốc nói chung rất thích Mỹ. Ông nội của bà từng là lính tham dự ba cuộc chiến, trong đó có chiến tranh Triều Tiên chống lại “đế quốc Mỹ”, bà kể, nhưng từ khi hai nước mở ra quan hệ, ông nội khuyên bà nếu có cơ hội nên đến Mỹ học hỏi.

Nhận định về Chủ tịch Tập Cận Bình, Victor Shih nói ông là một người có khả năng lãnh đạo, nhất là trong những lúc khó khăn. Các chính sách nghiêm ngặt liên quan đến Covid-19 được ban hành đã kiểm soát được sự lây lan, giữ cho số tử vong ở Trung Quốc rất thấp. Tuy nhiên, Tập là một nhà độc tài, gần đây ông đã loại bỏ những “nhà kỹ trị” – technocrats – ra khỏi thành phần lãnh đạo vào đưa vào guồng máy những ai chỉ biết phục tùng Tập.

Trong lãnh vực tài chánh thương mại nay không còn những lãnh đạo có sáng kiến, theo quan sát của Shih, và sự việc này làm thế giới quan ngại. Cũng như Tập Cận Bình đang có những bước mang tính chiến lược trên biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), thách thức Hoa Kỳ vì hiện nay khối lượng tàu chiến của Bắc Kinh hiện diện ở đó nhiều hơn Mỹ.

Giáo sư Orville Schell nguyên là hiệu trưởng Trường Báo Chí của Đại học Berkeley, tác giả của hơn chục tác phẩm về Trung Quốc trong đó có tác phẩm “Silicon Triangle”, phân tích về quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ, Trung Quốc và Đài Loan. Nhận định về chiến tranh liên quan đến Đài Loan có thể xảy ra, Schell nói vì chất bán dẫn và micro-chip ngày nay có trong mọi sản phẩm, từ đơn sơ cho đến tinh vi, đang được sử dụng khắp thế giới mà Đài Loan, Trung Quốc và Mỹ là những trung tâm sản xuất nên các bên sẽ không để xung đột xảy ra, vì thiếu micro-chip thế giới sẽ rơi vào khủng hoảng.

Victor Shih cho biết Trung Quốc là nước hỗ trợ tài chánh cho việc sản xuất panô chuyển năng lượng mặt trời thành điện và đang được bán khắp thế giới, đây là một điều tích cực trong việc chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch và là điểm thuận lợi cho hai quốc gia khi bàn thảo về biến đổi khí hậu.

Điều hợp viên Ker Gibbs nhắc lại lời Tổng thống Richard Nixon khi mở đường giao thương với Trung Quốc cách đây nửa thế kỷ: “Về viễn cảnh, đơn giản mà nói chúng ta không thể để Trung Quốc mãi mãi sống bên ngoài đại gia đình những quốc gia để họ ôm ấp những ước mơ, cùng thù ghét và đe doạ các nước láng giềng. Vì không có nơi nào trên địa cầu bé nhỏ này để cho 1 tỷ người tràn đầy năng lực phải sống trong tức giận và cô lập.”

Gibbs phân tích, quan hệ Mỹ-Trung hiện nay căng thẳng vì lãnh đạo Hoa Kỳ có người cho rằng Trung Quốc đã lớn mạnh, sẽ vượt qua Mỹ trong tương lai gần và đe doạ đến an ninh nước Mỹ cũng như thế giới. Còn Bắc Kinh nhìn Hoa Kỳ như đang tìm cách bao vây Trung Quốc, không chỉ ở biển Đông Á mà còn bao vây kinh tế, kỹ thuật và chính trị để Trung Quốc không thể vươn lên thành cường quốc vượt qua Hoa Kỳ.

Làm sao để tương lai quan hệ hai nước được tốt hơn? Theo Schell là khó và ông bi quan, vì hai quốc gia có hai thể chế chính trị hoàn toàn khác nhau. Làm sao chúng ta không quan tâm khi nhà nước Trung Quốc có thể bắt bỏ tù bất cứ ai, bất cứ lúc nào, ông nói.

Quan tâm đến tự do của người dân Trung Quốc nên tháng 9 vừa qua, cũng tại Đại học Berkeley ông đã có buổi đàm luận với nghệ sĩ Ngải Vị Vị, nhà bất đồng chính kiến với Bắc Kinh nổi tiếng nhất hiện nay và đang phải sống lưu vong

Cuộc gặp giữa Biden và Tập tại APEC

Năm ngoái, trong một buổi thảo luận do Asia Society tổ chức, với diễn giả là một cựu thứ trưởng ngoại giao Mỹ đặc trách châu Á, tôi có đặt câu hỏi là nếu chẳng may Biden hay Tập bất thình lình qua đời thì quan hệ Mỹ-Trung có sẽ khá hơn lên không? Nhà ngoại giao trả lời rằng cũng sẽ không có gì thay đổi.

Cuộc gặp giữa Biden và Tập tại APEC, theo tôi rồi cũng không mang lại những tiến bộ quan trọng nào vì hai bên như đang trở lại với những quan điểm chính trị và địa chính trị thời thập niên 1960, khác chăng nay Trung Quốc đã tiến bộ với các phát minh bắt kịp với phương Tây, từ xe ôtô, xe chạy điện, hệ thống tàu hoả, vệ tinh, máy bay, tàu chiến, hàng không mẫu hạm và có thể thách thức Hoa Kỳ ở nhiều nơi.

Biden và Tập gặp nhau chỉ là để mở lại những cổng liên lạc giữa lãnh đạo hai nước đã bị đóng lại từ mấy năm qua. Nếu có thay đổi chính sách cụ thể, phải chờ đến sau bầu cử Mỹ vào cuối năm tới.

Hôm Chủ Nhật vừa qua, ở trung tâm thành phố San Francisco đã có hàng nghìn người xuống đường biểu tình để phản đối APEC, đòi dẹp bỏ tổ chức này vì cho đó là nơi tập trung của tư bản để bóc lột dân nghèo khắp thế giới.

Những lời hô vang được người biểu tình lập đi lập lại: “Biden Biden lie. He don’t care if people die.” Hay “Xi Jinping lies. He don’t care if people die” – Biden, Tập nói dối. Không quan tâm nếu dân có chết.”

Bui Van Phu
Chụp lại hình ảnh,Hình các lãnh tụ cộng sản trong biểu tình hôm 12-11 ở San Francisco

Trong khi đó có người biểu tình diễu hành giơ cao hình Marx, Lenin, Stalin, Mao. Giơ cao biểu ngữ đòi chấm dứt khai thác dầu hoả. Chấm dứt việc coi phụ nữ Philippines như những món hàng. Có người đứng phát báo “Red Star – Sao Đỏ”, có quầy bán sách báo cách mạng tán dương xã hội chủ nghĩa.

Nhìn đoàn người tuần hành gồm đủ mọi thành phần dân chúng, quan điểm chính trị, tôi biết mình đang sống trong một đất nước tự do. Rất khác với Việt Nam hay Trung Quốc là những quốc gia đã đăng cai APEC mà dân không được phép xuống đường biểu tình.

Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một nhà báo tự do từ vùng Vịnh San Francisco, California.

Bài Liên Quan

Leave a Comment