Bình luậnChadwick Hagan • 16/11/23
Việc một công ty đi từ mức vốn hóa thị trường 47 tỷ USD xuống dưới 50 triệu USD là một thất bại đầy kịch tính. WeWork trông chẳng khác gì một trò lừa đảo.
Bài bình luận
Việc nộp đơn phá sản của WeWork là câu chuyện cảnh báo về mối nguy hiểm của việc định giá quá cao, những giả định đáng ngờ về lợi nhuận và mô hình kinh doanh không bền vững.
Được thành lập vào năm 2010, WeWork đã phát triển thành gã khổng lồ trong vòng chưa đầy một thập kỷ, từ một không gian làm việc chung duy nhất trở thành gã khổng lồ toàn cầu với mức định giá 47 tỷ USD.
Nhưng khi doanh nghiệp này phát triển, nó đã bắt đầu rạn nứt. Mô hình kinh doanh của WeWork chủ yếu dựa vào kinh doanh chênh lệch giá cho thuê, bao gồm việc thuê bất động sản và cho người khác thuê lại với giá cao hơn.
Kinh doanh chênh lệch giá là một chiến lược đầu tư tận dụng sự chênh lệch giá ở các thị trường khác nhau. Vấn đề với kinh doanh chênh lệch giá là sự chênh lệch giá dường như ở khắp mọi nơi, trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Cần phải có tài năng ở mức độ nghiêm túc mới có thể kiếm được lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chênh lệch giá. Kiếm lợi nhuận ổn định từ kinh doanh chênh lệch giá khó hơn bạn tưởng. Khi bạn thêm đòn bẩy vào mô hình này, thì sẽ càng có ít chỗ trống cho sai lầm hơn.
Trong trường hợp này, WeWork đã đặt cược vào chênh lệch giữa khoản thanh toán tiền thuê hàng tháng [mà WeWork phải trả] và tiền thuê hàng tháng mà người đi thuê trả cho WeWork .
Chiến lược này phát huy tác dụng khi nền kinh tế đang bùng nổ, nhưng ngay khi nền kinh tế bắt đầu giảm tốc, công ty đã phải đối mặt với một danh mục đầu tư trị giá nhiều tỷ USD đầy rủi ro. Tệ hơn nữa, công ty này nổi tiếng là không có lãi.
Ví dụ: vào tháng 8/2019, WeWork đã nộp báo cáo định kỳ lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch, tiết lộ tình hình tài chính của mình. Công ty đã lỗ hơn 1,9 tỷ USD vào năm 2018 và thậm chí còn có nguy cơ lỗ nhiều hơn vào năm 2019. Hóa ra, việc công ty phụ thuộc vào các hợp đồng thuê dài hạn khiến công ty dễ bị tổn thương trước suy giảm kinh tế.
Đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng cuối cùng đã bị hủy bỏ và công ty buộc phải tìm kiếm một gói cứu trợ.
Vào tháng 9/2019, ông Adam Neumann, người sáng lập và CEO của công ty, đã mất ghế. Ông Neumann từng bị chỉ trích vì phong cách quản lý kỳ quái và lối sống xa hoa.Giám đốc điều hành Adam Neumann của WeWork (trái) và diễn viên Ashton Kutcher chụp ảnh hậu trường trong Lễ trao giải Nashville Creator do WeWork tổ chức tại Marathon Music Works vào ngày 13/9/2018 ở Nashville, Tennessee, Mỹ. (Ảnh: Terry Wyatt/Getty Images cho Lễ trao giải WeWork Creator)
Ông Neumann được mô tả là một người bán hàng bậc thầy – hay một kẻ thao túng bậc thầy – nhưng ông đã tạo ra được khối tài sản ròng trị giá hàng tỷ USD cho dù đã tạo ra một công ty đang sụp đổ.
Sau khi ông bị sa thải khỏi công ty, người ta tiết lộ rằng ông Neumann đã nhận được những khoản thanh toán tài chính đáng kinh ngạc. Tôi đã liệt kê một số khoản thanh toán dưới đây:
- Khoản thanh toán cấp phép 5,9 triệu USD cho ông Neumann để có được quyền sở hữu tên WeWork
- Khoản bồi thường sa thải giám đốc trị giá 245 triệu USD năm 2019
- 200 triệu USD tiền mặt cho gói rút lui
- Thỏa thuận không cạnh tranh trị giá 185 triệu USD
- Thanh toán dàn xếp 106 triệu USD
- 578 triệu USD tiền bán cổ phiếu
Nếu bạn đang thắc mắc khối tài sản hàng tỷ USD của ông đến từ đâu, thì đừng tìm đâu xa ngoài những khoản thanh toán được trả cho ông khi ông bị buộc phải rời đi.
Cũng đáng chú ý, ông Neumanm được biết đến với việc sử dụng quyền lực ngôi sao của vợ mình, bà Rebekah Paltrow, em họ của nữ diễn viên Gwyneth Paltrow. Bà Rebekah Paltrow được biết đến là người sa thải mọi người dựa trên sự bốc đồng, thậm chí còn sa thải một thợ sửa máy bay sau khi gặp anh này lần đầu vì anh ấy có “năng lượng xấu”. Điều này đã được ghi lại trong một câu chuyện năm 2019 trên Vanity Fair.
Sự hỗn loạn còn được kịch tính hóa hơn nữa trong một bộ phim truyền hình ít tập năm 2022 với sự tham gia của diễn viên Jared Leto, có tên là “WeCrashed” [Nghĩa là ‘Chúng tôi sụp đổ’, trong khi WeWork là ‘Chúng tôi làm việc’].
Bất chấp tất cả những điều này, công ty cuối cùng vẫn được niêm yết cổ phiếu. Điều này giống như việc dán băng cứu thương lên vết thương chí mạng.
Cổ phiếu WeWork dao động một cách khốc liệt. Giá cổ phiếu của WeWork đạt mức cao 520 USD một cổ phiếu vào năm 2021, trước khi giảm xuống 0,84 USD một cổ phiếu vào ngày 3/11/2023.
Công ty khởi nghiệp từng có giá trị nhất Mỹ đã trở thành một công ty trị giá khoảng 50 triệu USD, với một cuộc tái cơ cấu sắp xảy ra sẽ xóa sạch tài sản của tất cả những cổ đông.
Việc một công ty đi từ mức vốn hóa thị trường 47 tỷ USD xuống dưới 50 triệu USD là một thất bại đầy kịch tính. WeWork trông chẳng khác gì một trò lừa đảo.
Bây giờ ông Neumann có một công ty mới tên là Flow, nhưng ngay cả nó cũng là một điều bí ẩn. Một bài báo trên Fast Company trong năm nay cho biết: “Dựa trên cách ông Neumann mô tả mô hình kinh doanh, người nghe có thể hỏi liệu Flow thực ra có phải là phiên bản bất động sản của một mô hình tiếp thị đa cấp hay không”.
Hãy hy vọng ông ấy tránh xa thị trường cổ phiếu với dự án kinh doanh mới của mình.
Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch