Rời khỏi phòng hội nghị tại bảo tàng Filoli Estate gần thành phố San Francisco sau 4 giờ họp hôm 15/11/2023, cả tổng thống Mỹ lẫn chủ tịch Trung Quốc đều tiếp tục cuộc chạy đua tranh giành ảnh hưởng với các đối tác châu Á –Thái Bình Dương.
Đăng ngày: 16/11/2023
Khai mạc thượng đỉnh APEC hôm nay 16/11/2023, tổng thống Mỹ Joe Biden thúc đẩy sáng kiến « Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương » (IPEF) vì thịnh vượng chung để chiêu dụ các đối tác tại một khu vực mà Bắc Kinh liên tục mở rộng ảnh hưởng cả về kinh tế lẫn quân sự.
Chủ tịch Tập Cận Bình ngay từ hôm 15/11/2023 đã trấn an các doanh nhân Mỹ rằng Trung Quốc luôn là « một đối tác và là một nước bạn » của Hoa Kỳ, luôn mở rộng cửa đón đầu tư quốc tế và không có ý định « gây chiến » với bất kỳ một quốc gia nào. Tuyên bố này gián tiếp xua tan những lo ngại xảy ra xung đột giữa hai siêu cường kinh tế thế giới. Ông Tập Cận Bình không chỉ trấn an các doanh nhân Mỹ mà còn gửi thông điệp đến tất cả các nhà đầu tư nước ngoài, vào lúc mà FDI vào Hoa Lục, lần đầu tiên từ 1998, rơi vào tình trạng « thâm hụt », tức là vốn đầu tư ngoại quốc rút khỏi Trung Quốc cao hơn số vốn mới đổ vào « công xưởng của thế giới » này.
Trở lại Hoa Kỳ lần này vào lúc quan hệ Bắc Kinh -Washington đang trong giai đoạn « tồi tệ » vì nhiều lý do, lãnh đạo Trung Quốc cố gắng chứng minh rằng hai nền kinh tế hàng đầu « tuy có liên hệ phức tạp và là đối thủ cạnh tranh với nhau, nhưng đôi bên sẽ cố gắng kềm chế, tránh để tình hình xấu đi thêm, ảnh hưởng đến ổn định, thịnh vượng chung của toàn cầu ». Một số nhà quan sát cho rằng có thể ông Tập Cận Bình không có nhiều chọn lựa vào lúc mà Bắc Kinh cần đầu tư trực tiếp nước ngoài và toàn cảnh kinh tế Trung Quốc đang khá ảm đạm.
Trái lại, về phía Hoa Kỳ, mức tăng trưởng và các chỉ số thất nghiệp, sản xuất … đều đang rất khả quan và đây là một lợi thế nhất định đối với ông Biden. Tiếc là nguyên thủ quốc gia Mỹ không thể khai thác thế thượng phong đó một cách tối đa trong đối thoại với các nước châu Á -Thái Bình Dương.
Nhà Trắng muốn lợi dụng thượng đỉnh APEC ở San Francisco để đẩy mạnh sáng kiến IPEF lên một « tầm cao mới », mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực giữa Washington với 13 đối tác khác trong khu vực, mà phần lớn là thành viên APEC.
Sáng kiến của Mỹ trên nguyên tắc bao gồm 4 vế, trong đó hợp tác về năng lượng và chống tham nhũng. Mới đây các bên cũng đã đồng ý về nguyên tắc giảm thiểu rủi ro chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Tuy nhiên, bộ Thương Mại Hoa Kỳ cho biết 14 nước tham gia Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương chưa đạt được đồng thuận về thương mại.
Theo giới phân tích được Reuters trích dẫn, trước mắt đây là một « vố đau » đối với chính quyền Biden, bởi thương mại là « hồ sơ quan trọng hơn cả » trong đối thoại giữa Washington với các quốc gia châu Á -Thái Bình Dương. Thế nhưng, hơn một năm trước các quộc bầu cử quan trọng tại Hoa Kỳ, Nhà Trắng ý thức được rằng cử tri Mỹ không mặn mà với viễn cảnh mở rộng thêm thị trường Mỹ cho các đối tác nước ngoài.
Vậy làm thế nào để Washington khẳng định lại với các thành viên APEC về mức độ quan tâm của Hoa Kỳ với khu vực này để làm đối trọng với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ?
Từ năm 2011 đến nay, Mỹ mới lại có dịp tổ chức hội nghị APEC. Từ khi lên cầm quyền tháng Giêng 2021 đây là lần đầu tiên Joe Biden trực tiếp tiếp xúc với các lãnh đạo của khối này. Tháng 5/2022, tổng thống Biden đã đề xuất sáng kiến IPEF, sáu năm sau khi người tiền nhiệm Donald Trump đơn phương rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP mà Washington đã ký kết với 11 nước.
Sáng kiến Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương quy tụ tổng cộng 14 quốc gia có trọng lượng kinh tế tương đương với 40 % GDP toàn cầu, trong đó có nhiều thành viên quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Úc, Singapore và một số nền kinh tế đang phát triển mạnh như Việt Nam, Ấn Độ hay Indonesia. Sáng kiến của tổng thống Biden cũng dựa trên 4 « lĩnh vực chủ chốt », thế nhưng, như vừa nói, « cột trụ quan trọng nhất là trao đổi mậu dịch giữa Hoa Kỳ với các thành viên khác » lại đang gặp bế tắc.
Do vậy, giới phân tích cho rằng nguyên thủ quốc gia Mỹ có thể hô hào rằng sáng kiến IPEF « cho phép phác họa ra những quy tắc về kinh tế cho thế kỷ 21 », nhưng thiếu vế thương mại thì đấy sẽ chỉ là « một cái thùng rỗng ». Chắc chắc chắn là Bắc Kinh « không bỏ lỡ cơ hội để khai thác kẽ hở đó », vào lúc mà một số thành viên IPEF đã chịu ảnh hưởng khá lớn của Trung Quốc.