Hôm qua, 15/11/2023, lần đầu tiên kể từ khi xung đột bùng nổ tại Gaza, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ra được một nghị quyết chung ‘‘yêu cầu’’ tiến hành ‘‘nhiều đợt ngừng bắn nhân đạo trên diện rộng và khẩn cấp, trong khoảng thời gian đủ dài’’, để cứu trợ và sơ tán người dân. Nghị quyết được 12 nước bỏ phiếu thuận, 3 nước không bỏ phiếu (gồm Mỹ, Nga và Anh Quốc). Nghị quyết cũng kêu gọi trả tự do vô điều kiện cho tất cả các con tin bị Hamas bắt giữ.
Đăng ngày: 16/11/2023
RFI
Từ New York, thông tín viên RFI Carrie Nooten cho biết cụ thể :
“Bế tắc từ nhiều tuần lễ nay của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc tập trung vào một điểm mấu chốt: Mỹ ủng hộ “các đợt hưu chiến nhân đạo” trong khi Nga vẫn chủ trương phải “ngưng bắn”, như vậy sẽ kéo dài hơn. Nhưng với tư cách thành viên Hội Đồng Bảo An, Malta đã thúc đẩy được các bên nhượng bộ lẫn nhau để đạt được một nghị quyết mà trong đó các cuộc tấn công khủng bố của Hamas không bị lên án.
Theo quan điểm của Hội Đồng Bảo An, yêu cầu cấp thiết hiện nay là cứu trợ nhân đạo cho trẻ em ở dải Gaza và cho các nhân viên của Liên Hiệp Quốc khi mà đã có hơn 100 nhân viên thiệt mạng kể từ đầu các cuộc tấn công của Israel. Đại sứ Palestine, Riyad Mansour, cho biết : “Hơn 5.000 trẻ em bị giết tại dải Gaza, đó là vết nhơ của Hội Đồng Bảo An. Lẽ ra họ nên hành động từ lâu. Tuy vậy, chúng tôi vẫn muốn cứu mạng hàng trăm nghìn trẻ em và thường dân còn lại. Vì vậy nghị quyết này, dù chỉ là một bước tiến nhỏ, nhưng đã đi đúng hướng. Chưa có yêu cầu ngưng bắn, nhưng đây là một bước đi theo hướng đó.”
Trước khi kết thúc cuộc họp, Israel đã khẳng định vẫn tiếp tục cuộc chiến nhưng sẽ “tôn trọng luật pháp quốc tế”. Theo nhiều đại sứ, các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An cấu thành ‘‘luật pháp quốc tế’’ và như vậy phải được mọi thành viên của Liên Hiệp Quốc tôn trọng.”
Lần đầu tiên xăng dầu được phép vào lại Gaza
Hôm qua lần đầu tiên kể từ ngày 07/10, nhiên liệu được phép chuyển vào Gaza. Theo ông Thomas White, lãnh đạo cơ quan của Liên Hiệp Quốc cứu trợ dân Palestine (UNRWA), khoảng 23.000 lít nhiên liệu đã được cung cấp. Nhưng ông nhấn mạnh số nhiên liệu này chỉ đáp ứng 9% nhu cầu hàng ngày của các hoạt động nhân đạo.
Theo Liên Hiệp Quốc, các hoạt động viện trợ của họ ở dải Gaza “đang trên bờ sụp đổ” do thiếu nhiên liệu. Do thiếu xăng dầu, toàn bộ các hoạt động nhân đạo, kể cả của bệnh viện, phải bị đình chỉ. Theo ông Thomas White, khoảng 70% dân Gaza hiện không có nước sạch. Do thiếu nhiên liệu, công ty viễn thông Palestine Paltel đã phải tuyên bố “ngừng tất cả các dịch vụ viễn thông trong vài giờ”, còn theo tổ chức Quan Sát Nhân Quyền – HRW, điều này có thể “đe dọa nhiều hơn nữa cuộc sống của người dân tại đây”.
Trả lời AFP hôm qua, ông Martin Griffiths, phụ trách các hoạt động nhân đạo của Liên Hiệp Quốc khẳng định Israel không giới hạn số lượng các xe chở nhiên liệu vào Gaza. Hiện tại khoảng 460 xe chở xăng dầu của Liên Hiệp Quốc đang túc trực tại El Arish, thành phố Ai Cập gần nhất với Rafah, cửa khẩu duy nhất vào Gaza.
Đàm phán trao trả con tin đánh đổi ‘‘ngừng bắn nhân đạo’’ tiếp diễn
Hiện tại chưa rõ nghị quyết hôm qua của Hội Đồng Bảo An về ‘‘các đợt ngừng bắn nhân đạo’’ tại Gaza sẽ được các bên áp dụng ra sao. Trước mắt, việc tổ chức các đợt ngừng bắn nhân đạo kéo dài phụ thuộc vào đàm phán giữa Israel và Hamas về việc trao trả con tin. Theo AFP, tổng thống Hoa Kỳ hôm qua tỏ ra ‘‘tương đối lạc quan’’ về khả năng hai bên đạt được một thỏa hiệp với trung gian Qatar.
Hãng tin Anh Reuters dẫn lời một giới chức Qatar cho hay các nhà trung gian nước này đang nỗ lực để đạt một thỏa thuận thả 50 con tin đổi lấy 3 ngày ngừng bắn. Cũng theo nguồn tin này, Hamas đã đồng ý về các nội dung chính, trong lúc Israel đang tiếp tục thương lượng thêm về một số chi tiết. Cách đây ba hôm, tổ chức Hamas từng tuyên bố sẵn sàng thả 70 con tin đánh đổi 5 ngày ‘‘ngừng bắn nhân đạo’’.
Qatar kêu gọi ‘‘điều tra quốc tế’’ về các vụ tấn công bệnh viện
Qatar một mặt làm trung gian đàm phán tìm thỏa hiệp ngừng bắn tại Gaza, mặt khác kêu gọi ‘‘điều tra quốc tế’’ về các cuộc tấn công của quân đội Israel vào các bệnh viện. Hôm qua, 15/11, bộ Ngoại Giao Qatar ra một thông cáo lên án hành động tấn công vào bệnh viện Al-Shifa là một ‘‘tội ác chiến tranh’’.