Thứ Năm, 16 Tháng Mười Một 2023
Leonardo da Vinci thường được mọi người biết đến là một họa sĩ thiên tài thời Phục hưng với những tác phẩm hội họa
nổi tiếng như “Mona Lisa”. Ngoài những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng, Leonardo còn là nhà phát minh vĩ đại với những ý tưởng vượt thời gian như: xe tự hành, súng liên thanh…
Máy bay
(Ảnh: Wikimedia Commons)
Leonardo da Vinci vẽ phác thảo cỗ máy biết bay dựa theo kiến thức giải phẫu học của loài chim và dơi. Đặc điểm nổi bật nhất trong thiết kế là đôi cánh khổng lồ kết nối với một khung gỗ. Phi công bên trong có thể nằm úp xuống và di chuyển đôi cánh lên xuống nhờ quay bộ phận tay quay, tạo ra sự chuyển động của chuỗi que và ròng rọc. Tuy nhiên, Da Vinci không thực hiện chế tạo thiết kế của mình ngoài thực tế. 400 năm sau, Wilbur và Orville Wright là người thực hiện thành công chuyến bay đầu tiên trên một chiếc máy bay vào năm 1903.
Máy bay trực thăng
Ảnh: Scientifics.
Các nhà khoa học hiện đại cho rằng, thiết kế “máy bay trực thăng” của Da Vinci được vận hành bởi 4 người đàn ông rất khó để bay lên khỏi mặt đất. Nhưng đây vẫn là một trong những ý tưởng nổi tiếng nhất của ông.
Nguồn cảm hứng của Da Vinci có lẽ bắt nguồn từ chiếc cối xay gió đồ chơi phổ biến trong thời kỳ Phục Hưng.
Xe bọc thép
(Ảnh: Stanford University)
Có lẽ một trong những vũ khí nổi tiếng nhất của Leonardo là xe bọc thép. Cỗ xe có dạng đĩa tròn, bao phủ nhiều tấm thép có cạnh nhọn, có thể điều chỉnh để ngăn kẻ thù tấn công. Mẫu xe trang bị một số súng thần công hạng nhẹ xếp men theo chu vi, cho phép tấn công quân địch từ mọi góc. Ở bên trong, 8 người đàn ông điều khiển cỗ xe bằng tay quay và bánh răng.
Chiếc xe bọc thép dùng để ngăn chặn kẻ thù trong trận chiến. Cỗ xe mà ông phát minh vận hành nhờ sức người, được bảo bệ bởi lớp vỏ kim loại chắc chắn bên ngoài. Vũ khí ở khe hở lớp vỏ cho phép người lính tác chiến mà không bị hỏa lực đối phương tác động. Cũng giống như máy bay, Da Vinci không chế tạo xe bọc thép ngoài thực tế. Khi Chiến tranh Thế giới thứ nhất nổ ra, xe tăng bọc thép mới xuất hiện trên chiến trường ở Châu Âu.
Dù rằng da Vinci không tự tay làm nên thiết bị này, ông tưởng tượng ra một khung gỗ bọc sắt đặt trên bánh xe, xung quanh lớp vỏ là các khe hở cho súng thò ra, cho phép cỗ máy này càn lướt trên chiến trường.
“Đây là ví dụ tuyệt đẹp về sự sáng tạo trong các bản vẽ của Leonardo. Thiết kế này mạnh mẽ hơn nhiều những phát minh của người đương thời. Ông đại diện cho ý tưởng xe tăng lướt trên mặt đất, tung mù bụi với tốc độ cao”, ông Claudio Giorgione, đồng phụ trách Museo Nazionale della Scienza e della Tecnologia, bảo tàng khoa học công nghệ lớn nhất nước Ý nói.
Có một điểm đáng chú ý, là thiết kế nguyên bản của da Vinci có một lỗi nghiêm trọng: bánh trước và bánh sau của cỗ xe tăng này quay ngược chiều nhau. Nếu như đơn vị sản xuất cứ làm theo đúng mẫu, chiếc xe không thể chạy được. Xét tới tư tưởng yêu hòa bình và khả năng thấu hiểu rõ ràng cơ chế vận hành cỗ máy, một số nhà sử gia tin rằng đây là hành động cố ý phá hoại của da Vinci.
Bộ đồ lặn
(Ảnh: Wikimedia Commons)
Bộ đồ lặn có chất liệu chủ yếu từ da, gồm một bộ quần áo cùng mặt nạ có cặp kính làm bằng thủy tinh. Trong ghi chép của ông, không khí lưu thông trong khu vực phồng lên của áo da cho phép người mặc thở dưới nước. Ngoài ra, ông còn vẽ những bộ quần áo có bình chứa nước tiểu và nhiều loại túi đựng dụng cụ cần thiết khác.
Phương tiện không người lái
Leonardo cũng thiết kế phương tiện không người lái đầu tiên. Phương tiện của ông giống cỗ xe 3 bánh đẩy bằng lò xo giúp xoay bánh xe. Đầu tiên, các sử gia cho rằng phương tiện này là một sản phẩm tưởng tượng cho tới khi họ nhận ra lò xo có hình lá cho phép chế tạo trong thực tế.
Vậy làm thế nào một chiếc xe không người lái có thể trở thành vũ khí? Rất đơn giản, người sử dụng chỉ cần nạp chất nổ và thuốc súng lên xe, trước khi cho xe lăn tự động về phía kẻ thù.
“Đàn organ” liên thanh 33 nòng
Đúng như tên gọi, vũ khí này gồm có 33 khẩu pháo được xếp thành hình quạt theo từng hàng. Mục đích của Da Vinci khi thiết kế loại pháo này là để giải quyết hai vấn đề lớn với pháo thông thường: Tốc độ bắn chậm và độ thiếu chính xác của chúng.
“Đàn organ” 33 nòng của Da Vinci có thể bắn nhiều phát đại bác cùng một lúc. Khi một hàng đang được nạp đạn, hàng tiếp theo có thể được bắn, cho phép nó có thể khai hỏa không ngừng nghỉ. Hơn nữa, việc pháo được xếp theo hình quạ cho phép vũ khí này tăng tỷ lệ bắn trúng sau mỗi loạt khai hỏa.
(Ảnh: leonardodavinci.net)
Khả năng gây thiệt hại trên diện rộng khiến nó trở thành vũ khí lý tưởng để chống lại một lượng lớn quân đang tiến lên. Nó cũng được thiết kế để có trọng lượng nhẹ và có bánh xe, cho phép pháo sẽ dễ dàng di chuyển khắp chiến trường. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy loại vũ khí này đã thực sự được sản xuất. Da Vinci sau đó đã thiết kế một phiên bản 11 nòng nhỏ hơn nhưng dường như phiên bản này cũng vẫn nằm trên bàn vẽ.
Súng thần công 3 nòng
Leonardo rất quan tâm tới vũ khí bắn liên thanh. Với thiết kế này, các nòng súng được thiết kế để bắn liên tiếp. Leonardo sớm nhận ra hạn chế ở thiết kế của ông là nòng súng bị nóng lên quá nhanh. Để khắc phục vấn đề, ông thiết kế cỗ máy để nòng súng có thể dễ dàng tháo lắp và thay thế, giúp tăng tốc độ nạp thuốc súng và khai hỏa. Trên thực tế, loại súng thần công này thực sự hoạt động. Trong thế kỷ 20, những trẻ em Croatia chơi ở một pháo đài tìm thấy khẩu súng sau này được xác nhận là thiết kế của Leonardo vào năm 2011. Giới sử gia cho rằng quân đội Venice sử dụng khẩu súng trong trận chiến với người Thổ Nhĩ Kỳ.
Súng thần công nạp từ phía sau
Leonardo từng thiết kế một loại súng thần công nạp từ phía sau thay vì phía trước. Trước đó, súng thần công luôn được nạp thuốc súng từ phía trước. Cách làm này có hai hạn chế lớn là tốc độ chậm và nguy hiểm. Nếu súng bị trục trặc, người nạp thuốc súng rất dễ bị thương. Leonardo cũng gợi ý dùng nước làm mát nòng súng, giúp hạn chế sự cố và tăng độ chính xác. Nòng súng làm mát bằng nước sau này trở nên phổ biến. Ví dụ, trong Thế chiến II, súng máy M1917 Browning Machine sử dụng khe dẫn nước để hạ nhiệt cho nòng súng.
Robot hình người
Dưới sự bảo trợ của Công tước Sforza, da Vinci phát minh “hiệp sĩ robot” có thể vẫy cánh tay, cử động cổ và thậm chí là đóng mở miệng. Robot được điều khiển bằng dây tương tác với một tay quay và cơ cấu máy móc bên trong. Khoảng 450 năm sau, người ta mới tìm thấy bản phác thảo chi tiết phát minh của ông. Năm 2002, Mark Rosheim, chuyên gia về robot xây dựng hệ thống robot cho NASA và Lockheed Martin, sử dụng ghi chép của da Vinci chế tạo lại mẫu mô hình hiệp sĩ robot.
Cây cầu di động
Ảnh: Da Vinci Studio.
Da Vinci cho rằng một cây cầu di động, có thể quay được, là phương tiện hữu ích trong chiến tranh. Cây cầu được làm từ vật liệu cứng nhưng nhẹ, gắn với hệ thống dây và ròng rọc, cho phép một đội quân di chuyển qua và nhấc nó lên khi cần thiết.
Thành phố lý tưởng
Ảnh: Pinterest.
Khi căn bệnh dịch hạch tràn ngập khắp thành phố Milan, Italy, Da Vinci hình dung về một thành phố lý tưởng hơn, nơi ông tự hào gọi là nhà. Bản dự thảo kiến trúc của Da Vinci được thiết kế rất chi tiết, bao gồm chuồng ngựa có lỗ thông khí, hệ thống cống thoát nước ngầm, phân chia làn đường cho người đi bộ, xe ngựa, xe kéo và những dịch vụ công cộng khác.
Hóa thạch động vật thân mềm
Ảnh: Jaume Vila
Hầu hết những người sống cùng thời với Leonardo da Vinci lý giải hóa thạch động vật thân mềm xuất hiện trên đỉnh núi và đất liền là dấu tích sót lại sau trận Đại hồng thủy trong truyền thuyết.
Tuy nhiên, Leonardo da Vinci cho rằng, những ngọn núi này từng chìm dưới đáy biển trước khi chúng vận động nhô lên cao nhiều năm sau đó.
Nỏ khổng lồ
Nỏ khổng lồ có kích thước lớn hơn 25 mét. Với 6 bánh xe được lắp, nỏ có thể di chuyển quanh chiến trường. Do hoạt động bằng tay quay, nỏ khổng lồ không cần quá nhiều người vận hành, khi chỉ cần một người lính có nhiệm vụ gắn mũi tên lên rãnh bắn và chờ đợi khai hỏa.
Tuy nhiên, đây lại là một thiết kế được coi là không thực sự hiệu quả. Da Vinci đã thiết kế nó như một giải pháp thay thế rẻ tiền cho những loại pháo đắt tiền. Tuy nhiên, trên thực tế, súng và đại bác lại tốt hơn nỏ khổng lồ về mọi mặt.