- Tác giả,Phóng viên an ninh BBC
- Vai trò,Frank Gardner
- 21 tháng 11 2023
Yahya Sinwar đã biến mất. Không gì ngạc nhiên khi hàng ngàn binh lính Israel, được trang bị drone, thiết bị nghe lén điện tử, những người chỉ điểm, đang ráo riết truy tìm nơi ở của ông ta.
Sinwar, người có bộ râu trắng như tuyết và cặp chân mày đen nhánh, là thủ lĩnh cánh chính trị của Hamas tại Gaza, một trong những đối tượng bị Israel truy nã gắt gao nhất.
Ông ta cùng những người khác bị quy trách nhiệm cho vụ tấn công ngày 7/10 nhằm vào miền nam Israel, khiến 1.200 người thiệt mạng, và hơn 200 người khác bị bắt cóc.
“Yahya Sinwar là một tư lệnh… và hắn ta là một tội phạm nghiêm trọng,” người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari tuyên bố hồi đầu tháng 10.
“Yahya Sinwar đã quyết định tiến hành vụ tấn công tồi tệ,” Tham mưu trưởng của IDF, Herzi Halevi nói. “Vì vậy hắn ta và cả những thuộc hạ đều là những tử tù.”
Những người này bao gồm Mohammed Deif, một lãnh đạo đang lẩn trốn của cánh quân sự của Hamas, lực lượng các lữ đoàn Izzedine al-Qassam.
Hugh Lovatt, nhà nghiên cứu chính sách cấp cao từ European Council on Foreign Relations (ECFR) cho rằng Deif là bộ óc đằng sau việc lên kế hoạch tấn công ngày 7/10, vì đó là một chiến dịch quân sự, Sinwar “sẽ có thể thuộc nhóm đã lên kế hoạch và tạo sức ảnh hưởng”.
Israel tin rằng Sinwar, người giữ vị trí thứ hai chỉ sau tổng tư lệnh, sau khi lãnh đạo của Hamas Ismail Haniyeh, bị dồn vào thế phải lẩn trốn dưới những địa đạo ở Gaza, với những cận vệ, cắt đứt mọi liên lạc vì lo sợ sẽ bị truy vết và định vị.
Quá trình trưởng thành và bị bắt giữ
Sinwar, 61 tuổi, người được biết đến rộng rãi với cái tên Abu Ibrahim, sinh tại trại tị nạn Khan Younis ở miền nam Dải Gaza. Cha mẹ của ông ta từ Ashkelon nhưng sau đó trở thành người tị nạn sau sự kiện mà người Palestine gọi là “al-Naqba” (Thảm họa) – khi người dân Palestine bị mất vùng đất tổ tiên ở Palestine trong cuộc chiến tranh dẫn đến sự ra đời của nhà nước Israel vào năm 1948.
Ông ta sau đó học tại tại trường trung học nam sinh Khan Younis và sau đó tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân ngành tiếng Ả Rập từ Đại học Hồi giáo Gaza (Islamic University of Gaza).
Vào thời điểm đó, Khan Younis là một “pháo đài” ủng hộ dành cho nhóm Huynh đệ Hồi giáo (Muslim Brotherhood), Ehud Yaari, một nhà nghiên cứu từ Washington Institute for Near East Policy nói, người đã phỏng vấn Sinwar bốn lần trong tù.
Nhóm Hồi giáo này “là một phong trào quy mô lớn dành cho những người trẻ chịu cảnh nghèo khó trong trại tị nạn, được đi đến đền thờ’. Yaari nói, và sau đó điều này đã đóng vai trò quan trọng tương đương dành cho Hamas.
Sinwar lần đầu bị Israel bắt vào năm 1982, khi 19 tuổi, vì “các hoạt động Hồi giáo” và sau đó bị bắt lần nữa vào năm 1985. Khoảng thời gian này, ông ta chiếm được lòng tin của nhà sáng lập Hamas, khi đó đang phải ngồi trên xe lăn, là Sheikh Ahmed Yassin.
Hai người này đã trở nên “rất, rất thân thiết”, Kobi Michael, một nhà nghiên cứu cấp cao từ Institute for National Security Studies tại Tel Aviv nói. Mối quan hệ với lãnh đạo tinh thần của tổ chức này sau đó đã trao cho Sinwar một “hiệu ứng hào quang” trong nội bộ phong trào này, ông Michael nói thêm.
Hai năm sau khi Hamas được thành lập vào năm 1987, ông ta đã thiết lập một tổ chức an ninh nội bộ, gây quan ngại là al-Majd. Khi đó ông ta chỉ mới 25 tuổi.
Al-Majd khét tiếng cho việc trừng phạt những người bị cáo buộc với tội gọi là xúc phạm đạo đức – ông Michael nói, Sinwar đã nhắm đến những cửa hàng trữ “video khiêu dâm” – cũng như truy tìm và giết bất kỳ ai bị nghi ngờ có cấu kết với phía Israel.
Yaari nói Sinwar chịu trách nhiệm cho “vô số vụ giết chóc tàn bạo” những người bị tình nghi hợp tác với phía Israel. “Một vài người trong số đó bỏ mạng dưới chính tay của Sinwar và ông ta tự hào về chuyện đó, kể với tôi và những người khác.”
Theo giới chức Israel, Sinwar sau đó thừa nhận đã trừng phạt một kẻ chỉ điểm bị tình nghi bằng cách chôn sống người anh trai của đối tượng này, hoàn tất phần việc chỉ sử dụng một cái muỗng thay vì dùng tới cái xẻng làm vườn.
“Ông ta là kiểu người đàn ông có thể tập hợp những người đi theo mình, người hâm mộ – cùng với nhiều người khác chỉ đơn giản là sợ hãi ông ta và không muốn gây sự với ông ấy,” Yaari nói.
Hồi năm 1988, Sinwar bị cáo buộc lên kế hoạch bắt cóc và giết hai binh sĩ người Israel. Ông ta bị bắt cùng năm đó, bị Israel kết tội giết 12 người Palestine và bị bốn mức án chung thân.
Những năm tháng trong tù
Sinwar đã trải qua phần lớn cuộc đời trưởng thành của mình – hơn 22 năm – trong các nhà tù của Israel, từ năm 1988 đến 2011. Trong thời gian ở đó, một số trong đó bị biệt giam, dường như đã khiến ông ta trở nên cực đoan nhiều hơn.
“Ông ta có thể áp đặt quyền lực của mình một cách bất cần, sử dụng bạo lực,” Yaari nói. Ông ta tự định vị là lãnh đạo của các tù nhân, đại diện họ thương lượng với giới chức nhà tù và ban bố luật lệ dành cho các tù nhân.
Một đánh giá của chính phủ Israel về Sinwar trong thời gian ông ta trong tù mô tả về tính cách của con người này như sau “bạo tàn, ra lệnh, gây ảnh hưởng và có khả năng chịu đựng khác người thường, gian xảo và thao túng, ít chịu hài lòng.. Chất chứ bí mật thậm chí bên trong nhà tù giữa các tù nhân khác nhau… Có khả năng lôi kéo đám đông”.
Đánh giá của Yaari về Sinwar, được tích tụ theo thời gian khi họ gặp nhau, cho biết ông ta là một kẻ tâm thần. “[Nhưng] khi nói về Sinwar, ‘Sinwar là một tên tâm thần, chấm hết, thì bạn đã bỏ qua phần kỳ lạ và phức tạp của con người này.”
Yaari nói, Sinwar là một “người đàn ông cực kỳ cáo già, hiểm ác – một người biết khi nào lộ hay giấu kín khả năng lôi kéo cá nhân của mình”.
Khi Sinwar nói với Yaari rằng Israel sẽ phải bị hủy diệt và khẳng định không còn chỗ cho người Do Thái ở Palestine, “ông ta đùa, ‘Có lẽ chúng tôi sẽ có ngoại lệ dành cho các người'”.
Khi bị bỏ tù, Sinwar đã trở nên thành thạo tiếng Hebrew, đọc báo Israel. Yaari nói Sinwar muốn nói tiếng Hebrew với ông ta hơn, thậm chí khi Yaari thành thạo tiếng Ả Rập.
“Ông ta tìm cách cải thiện tiếng Hebrew của mình,” Yaari nói. “Tôi nghĩ ông ta muốn hưởng lợi như ai đó có thể nói tiếng Hebrew giỏi hơn những người cai ngục.”
Sinwar được thả tự do vào năm 2011, trong một thỏa thuận có 1.027 tù nhân người Ả Rập Palestine và Israel được ra tù để đổi lấy một tù nhân Israel được thả, một binh sĩ thuộc IDF, Gilad Shalit.
Shalit đã bị bắt giữ trong 5 năm, sau khi bị anh trai của Sinwar – tư lệnh quân đội cấp cao của Hamas – bắt cóc cùng những người khác. Sinwar từ khi đó đã kêu gọi tiến hành các cuộc bắt có thêm những binh sĩ Israel.
Cho đến thời điểm đó, Israel đã chấm dứt việc chiếm đóng Dải Gaza và Hamas chịu trách nhiệm, chiến thắng cuộc bầu cử và sau đó loại trừ các đối thủ của mình, đảng Fatah của cố Tổng thống Yasser Arafat, bằng cách xô nhiều thành viên của Fatah từ đỉnh của những tòa nhà cao tầng xuống đất.
Nền kỷ luật bạo tàn
Khi Sinwar trở về Gaza, ông ta ngay lập tức được phê chuẩn trở thành lãnh đạo, ông Michael nói. Lý do chính đó chính là uy tín mà ông ta có được với vai trò là một thành viên sáng lập của Hamas, người đã hy sinh rất nhiều năm trong những nhà tù của Israel.
Nhưng cũng vì, “người ta sợ hãi ông ta – đây là kiểu người mà có thể dùng chính tay mình giết người,” ông Michael nói. “Ông ta vừa rất bạo tàn, hung dữ và đồng thời cũng có sức lôi cuốn.”
“Ông ta không phải là một nhà diễn thuyết,” Yaari nói. “Khi ông ta nói chuyện trước công chúng, giống như ai đó từ đám côn đồ vậy.”
Yaari nói thêm, ngay khi ra tù, Sinwar đã hình thành một liên minh với các lữ đoàn Izzedine al-Qassam và tham mưu trưởng Marwan Issa.
Hồi năm 2013, ông ta được bầu là thành viên của Cục Chính trị của Hamas ở Dải Gaza, trước khi trở thành lãnh đạo của tổ chức này vào năm 2017.
Người em trai của Sinwar, Mohammed cũng giữ vai trò trong Hamas. Ông ta tuyên bố đã sống sót sau các nỗ lực ám sát của Israel trước khi bị Hamas tuyên bố đã chết vào năm 2014.
Tường thuật từ truyền thông từ khi đó xuất hiện, khẳng định ông ta có thể vẫn còn sống, hoạt động trong nhánh quân sự của Hamas, lẩn trốn trong các địa đạo ở Gaza và thậm chí có góp công trong các vụ tấn công ngày 7/10.
Sự khét tiếng bạo tàn và bạo lực của Sinwar đã giúp ông ta có được một cái tên khác “Tên đồ tể của Khan Younis’.
“Ông ta là kiểu người áp đặt các kỷ luật bạo tàn,” Yaari nói, “Những người biết Hamas và họ vẫn biết – nếu không tuân theo Sinwar, coi chừng bạn không giữ được mạng sống.”
Ông ta bị cho đã chịu trách nhiệm trong vụ bắt giam năm 2015, hành hạ và giết một thủ lĩnh Hamas, tên Mahmoud Ishtiwi, người bị cáo buộc tham ô và là người đồng giới.
Hồi năm 2018, trong một cuộc họp báo trước truyền thông quốc tế, ông ấy đã phát đi tín hiệu ủng hộ hàng ngàn người Palestine trung thành với Chính quyền Palestine (PA) đối lập ở Bờ Tây.
Mặc dù vậy ông ta cũng cho thấy một thời kỳ thực dụng, ủng hộ những lệnh ngừng bắn tạm thời với phía Israel, trao đổi tù nhân, và hòa giải với Chính quyền Palestine. Ông ta thậm chí bị một số người đối lập chỉ trích vì đã quá ôn hòa, ông Michael nói.
Thân với Iran
Nhiều người trong cơ quan an ninh và quốc phòng của Israel tin ràng đây là một lỗi lầm mang tính sống còn khi đã để Sinwar ra tù, trong một thỏa thuận trao đổi tù nhân.
Israel cảm thấy họ đã bị lôi vào một cảm nhận an ninh sai lầm với một niềm tin rằng nếu trao cho Hamas những động lực kinh tế và thêm giấy phép làm việc, phong trào này sẽ không còn ý muốn khơi màu chiến tranh. Điều này dĩ nhiên, đã trở thành một tính toán sai lầm vô cùng tai hại.
“Ông ta tự nhận thấy bản thân là một người có định mệnh giải phóng cho Palestine – ông ta không chỉ cải thiện tình hình kinh tế, xã hội cho Gaza,” Yaari nhận định. “Đó không phải là ông ta.”
Hồi năm 2015, Bộ Ngoại giao Mỹ đã xếp loại Sinwar là “Kẻ khủng bố Toàn cầu Đặc biệt”. Hồi tháng 5/2021, các cuộc không kích của Israel nhắm vào nhà và văn phòng của ông ta ở Dải Gaza. Hồi tháng 4/2022, trong một bài phát biểu trên truyền hình, ông ta đã khuyến khích mọi người tấn công Israel bằng mọi phương tiện cho phép.
Các nhà phân tích xác định Sinwar là một nhân vật chính có liên hệ với cục chính trị của Hamas với phe có vũ trang, các lữ đoàn Izzedine al-Qassam, đơn vị đã dẫn đầu các cuộc tấn công hôm 7/10 ở miền nam Israel.
Vào ngày 14/10, người phát ngôn quân đội Israel, Trung tá Richard Hecht, đã gọi Sinwar là “bộ mặt của ma quỷ”. Ông nói thêm: “Tên này và cả thuộc hạ của hắn ta đang trong tầm ngắm của chúng tôi. Chúng tôi sẽ bắt được hắn.”
Sinwar có mối quan hệ thân cận với Iran. Mối hợp tác giữa quốc gia người Hồi giáo theo dòng Shia và tổ chức Ả Rập của người Sunni là một sự rõ ràng, nhưng cả hai phía đều cùng chia sẻ một mục tiêu ‘kết liễu’ nhà nước Israel và “giải phóng” Jerusalem ra khỏi sự chiếm đóng của Israel.
Họ đã cùng phối hợp với nhau. Iran hậu thuẫn, huấn luyện và trang bị quân sự cho Hamas, giúp gầy dựng sức mạnh quân sự và tập hợp một kho đạn đạo gồm hàng ngàng rocket, được dùng để nhắm vào các thị trấn của Israel.
Sinwar cũng bày tỏ sự biết ơn trong một bài phát biểu hồi năm 2021. “Nếu không nhờ vào Iran, sức phản kháng của Palestine sẽ không thể đạt được năng lực hiện tại.”
Mặc dù vậy, việc giết Sinwar sẽ hơn là một “chiến thắng mang tính PR” cho Israel hơn là thật sự gây tác động cho phong trào này, ông Lovatt nói.
Các tổ chức phi nhà nước có khuynh hướng hoạt động như đầu của một con rắn nhiều đầu – một tư lệnh hoặc một nhân vật đứng đầu bị thôi chức thì sẽ nhanh chóng có người khác thay thế. Người kế nhiệm thường thiếu kinh nghiệm hay uy tín như nhau, nhưng tổ chức này vẫn có cách để tự tạo nên các yếu tố này theo cách thức nào đó.
“Rõ ràng, ông ta sẽ là một tổn thất,” ông Lovatt nói, “nhưng ông ta sẽ bị thay thế và đã có những cấu trúc sẵn có để thực hiện điều này. Không phải như vụ giết Bin Laden. Có những lãnh đạo quân sự và chính trị cấp cao khác ngay bên trong lòng Hamas.”
Có lẽ câu hỏi lớn hơn vẫn còn là – chuyện gì đã xảy ra đến cho Gaza, khi nào Israel chấm dứt chiến dịch quân sự nhằm xóa sạch Hamas, và cuối cùng ai sẽ chịu trách nhiệm làm chuyện này?
Và liệu Gaza có thể bị ngăn chặn để không một lần nữa trở thành bàn đạp để tấn công Israel, để rồi sau đó kích động một dạng trừng phạt quy mô vô cùng lớn mà chúng ta hiện đang chứng kiến.
Tường thuật bổ sung do Jon Kelly thực hiện.