Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên : Vì sao Trung Quốc im lặng ?

Ngày 23/11/2023, Bình Nhưỡng chính thức khai tử Thỏa Thuận Quân Sự  ký với Seoul tại Bàn Môn Điếm vào tháng 9/2018 dưới thời tổng thống Moon Jae In. Bắc Triều Tiên tuyên bố sẽ « huy động thêm quân, triển khai vũ khí » tại biên giới Liên Triều sau khi phóng « thành công » vệ tinh do thám quân sự lên quỹ đạo. Theo tình báo Hàn Quốc, chế độ Kim Jong Un đã được Nga « hỗ trợ » trong việc phóng vệ tinh, còn Bắc Kinh « ngoảnh mặt nhìn đi nơi khác ».  

Đăng ngày: 23/11/2023

Một bức ảnh dường như cho thấy tên lửa Bắc Triều Tiên Chollima-1 được phóng lên từ Cholsan, Bắc Triều Tiên, ngày 31/05/2023. Ảnh do KCNA cung cấp.
Một bức ảnh dường như cho thấy tên lửa Bắc Triều Tiên Chollima-1 được phóng lên từ Cholsan, Bắc Triều Tiên, ngày 31/05/2023. Ảnh do KCNA cung cấp. via REUTERS – KCNA

Thanh Hà

Ta có thể thấy gì từ việc Bắc Triều Tiên liên tục khiêu khích cộng đồng quốc tế, vi phạm lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc? Làm thế nào giải thích cho thái độ « im lặng » của Trung Quốc ? Đông Bắc Á thực sự có nguy cơ rơi vào vòng xoáy của một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân hay không ?

Vào lúc thế giới tập trung vào chiến tranh Ukraina và xung đột Gaza, vào số phận các con tin Israel bị phong trào Hamas của Palestine bắt giữ, vào những đàm phán gay go về một lệnh hưu chiến nhân đạo…, Bình Nhưỡng bắt truyền thông quốc tế phải chú ý đến tình hình bán đảo Triều Tiên.

Bộ Quốc Phòng Bắc Triều Tiên sáng nay vừa tuyên bố quân đội nước này từ nay « không còn bị thỏa thuận quân sự với Hàn Quốc ràng buộc » nên sẽ điều thêm quân và đưa vũ khí hiện đại đến khu vực sát biên giới với láng giềng phương nam. Cách nay hai tháng, nhân kỷ niệm 5 năm ngày Seoul và Bình Nhưỡng ký Thỏa Thuận Quân Sự Bắc Nam (North-South Military Agreement), cựu tổng thống Moon Jae In từng tuyên bố thỏa thuận mà ông đã đạt được với lãnh tụ Kim Jong Un hôm 19/09/2018 là « chốt an toàn cuối cùng ».

Trên thực tế, thỏa thuận quân sự năm 2018 đã bị khai tử từ lâu, vì trong 5 năm qua Bình Nhưỡng đã 17 lần vi phạm qua các vụ phóng tên lửa, thử nghiệm nguyên tử, phóng vệ tinh do thám … Chính những hoạt động quân sự dồn dập đó của Bắc Triều Tiên đã thúc đẩy đối thoại và hợp tác quốc phòng càng lúc càng chặt chẽ giữa bộ ba Mỹ – Nhật – Hàn.

Riêng về kế hoạch phóng vệ tinh do thám quân sự, các giới chức tình báo ở Seoul nhấn mạnh, sau hai lần thất bại hồi tháng 5 và tháng 8/2023, Bình Nhưỡng đã công khai cầu viện Matxcơva và đã được Nga cố vấn về mặt kỹ thuật. Sau thượng đỉnh Vladimir Putin – Kim Jong Un hồi tháng 9 vừa qua, điện Kremlin đã gửi kỹ sư sang Bắc Triều Tiên. Truyền thông và giới tình báo Mỹ thường xuyên nói đến một thỏa thuận « đổi đạn dược lấy công nghệ phóng vệ tinh và chế tạo tên lửa » giữa Matxcơva với Bình Nhưỡng. Kim Jong Un coi như tiếp tay cho cỗ máy chiến tranh của Vladimir Putin tại Ukraina. Cũng Hàn Quốc cho rằng sau thành công hôm qua, Bắc Triều Tiên sẽ thừa thắng xông lên, « phóng thêm vệ tinh quân sự và nhanh chóng tiến hành trở lại thử nghiệm nguyên tử ». Rất có thể là vũ khí mới đó sẽ mang theo « đầu đạn hạt nhân ».

Trước tất cả những tuyên bố ồn ào đó, Bắc Kinh đã khá kín tiếng. Nếu như trước đây bộ Ngoại Giao Trung Quốc từng ra thông cáo « lấy làm tiếc » về việc Bắc Triều Tiên phóng tên lửa, thì lần này điểm tựa kinh tế của chế độ Bình Nhưỡng chỉ « ghi nhận » vụ phóng vệ tinh trong đêm 21/11/2023 và kèm theo bình luận : « Không phải tình cờ » mà bán đảo Triều Tiên lâm vào tình cảnh hiện nay.

Giáo sư Min Yong Lee, cộng tác viên của đại học Sookmyung, Seoul, trong bài tham luận trên tờ báo Nhật The Diplomat, ghi nhận « quyết tâm » của Bắc Triều Tiên trong lĩnh vực hạt nhân đã trở nên nguy hiểm, kể cả đối với Trung Quốc. Tháng 9/2023, Bình Nhưỡng ban hành học thuyết mới về việc sử dụng vũ khí hạt nhân, theo đó chế độ này có thể sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt nếu như các lãnh đạo nước này, đứng đầu là Kim Jong Un, bị đe dọa.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như chế độ khép kín này « đánh giá sai tình hình » ? Đó là điều mà các nước láng giềng sát cạnh với Bắc Triều Tiên cần phải suy nghĩ, nhất là qua việc ông Kim Jong Un đẩy mạnh hợp tác quân sự với Nga.

Về lâu dài, câu hỏi đặt ra là căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên có lợi cho Trung Quốc hay không ? Có lẽ là không : « Hiểm họa hạt nhân Bắc Triều Tiên  » là một lý do để Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở Đông Bắc Á, thắt chặt thêm quan hệ với các đối tác Châu Á -Thái Bình Dương. Đây cũng là lý do để Washignton mở rộng vòng kềm tỏa đến những « đồng minh » của chế độ Kim Jong Un, bao gồm cả Nga lẫn Trung Quốc. Đó là chưa kể Nhật Bản và Hàn Quốc cũng sẽ lao vào một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân. Không chắc đây là một kịch bản lý tưởng đối với Bắc Kinh. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng Trung Quốc im lặng với ý đồ dùng ảnh hưởng của mình đối với Bình Nhưỡng để mặc cả với Mỹ trên một số hồ sơ khác.

Tuy nhiên, thực tế trước mắt là Kim Jong Un đang lợi dụng lúc quốc tế quá « bận rộn » vì chiến tranh Ukraina và xung đột Israel-Hamas để đi tiếp những nước cờ. Nga, một thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, mặc nhiên vi phạm lệnh cấm vận quốc tế, còn Trung Quốc dường như không vội lên tiếng về tình hình bán đảo Triều Tiên. 

Bài Liên Quan

Leave a Comment