RFA
2023.11.21
Ảnh minh họa: Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình.
Tại Phiên thảo luận ở Quốc hội về các báo cáo công tác của Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC) hôm 20/11, trong phần trả lời Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Kim Thúy thuộc Đoàn Đà Nẵng, Chánh án TANDTC – Nguyễn Hòa Bình đã nói: “Đại biểu có đề nghị toà án phải làm cái này, làm cái khác. Xem xét lại một vụ án có điều kiện của nó, điều kiện đó được ghi trong luật. Muốn xem xét lại thì đề nghị đại biểu làm đúng quy định như vậy chứ chúng tôi không thể căn cứ vào phát biểu tại hội trường của ai đó mà xem xét lại vụ án, cái này không đúng trình tự tố tụng”.
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình từ Việt Nam hôm 21/11 nhận định với RFA về câu trả lời của Chánh án TANDTC – Nguyễn Hòa Bình:
“Khi Quốc hội đặt vấn đề ra thì các ban ngành đều phải trả lời cho người ta, vì người ta là đại diện cho người dân. Đó là nguyên tắc, việc được đặt ra để giải quyết, để xử lý… Nếu nói lật lại một vụ án để xem xét lại thì cơ quan chức năng phải làm. Còn những đầu mối lãnh đạo của các ngành thì phải tiếp thu và đặt vấn đề xử lý. Luật tất nhiên là có, nhưng có những cái luật không bao quát được, thì ĐBQH là đại diện cho dân, thay mặt dân yêu cầu thì phải thực hiện, đấy mới là Quốc hội. Còn ông Bình nói như vậy thì tôi nghĩ ông ấy không hiểu về nguyên tắc đại biểu của dân, đại diện cho dân của Quốc hội.”
Luật tất nhiên là có, nhưng có những cái luật không bao quát được, thì ĐBQH là đại diện cho dân, thay mặt dân yêu cầu thì phải thực hiện, đấy mới là Quốc hội.
-Nhà báo Nguyễn Vũ Bình
Để tìm hiểu thêm về trình tự pháp luật trong vấn đề này, RFA hôm 21/11 liên lạc Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài ở nước Đức, và được ông giải thích:
“Tất cả những vụ án hình sự có quy định rõ cơ quan nào được phép xem xét lại vụ án. Theo tôi biết, tất cả những vụ án giám đốc thẩm hay tái thẩm thuộc thẩm quyền của Viện Kiểm sát Tối cao hoặc Tòa án Nhân dân Tối cao. Và khi đã Giám đốc thẩm và Tái thẩm rồi là thẩm quyền cao hơn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội… Như vậy khi có ý kiến của ĐBQH ở nghị trường hay bằng đơn kiến nghị… thì đương nhiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan trực tiếp đại diện của người dân có trách nhiệm xem xét lại vụ án đó, nếu thấy có oan sai thì sẽ yêu cầu bên Tòa án Tối cao, Viện Kiểm sát Tối cao xem xét lại vụ án đó.”
Theo Luật sư Nguyễn Văn Đài, ông Nguyễn Hòa Bình nói không thể căn cứ phát biểu của Đại biểu Quốc hội để xem xét lại vụ án… là ổng coi thường những tiếng nói được cho là đại diện của người dân. Luật sư Đài nói tiếp:
“Ông Nguyễn Hòa Bình không chỉ là một người đứng đầu của ngành tòa án Việt Nam, mà còn là đảng viên, một ĐBQH. Và đặc biệt trong điều lệ của đảng Cộng sản Việt Nam, mỗi đảng viên đều phải tiếp thu lắng nghe ý kiến của người dân… thế thì khi ông Bình phát biểu như vậy rõ ràng ổng coi thường tất cả mọi tầng lớp người dân. Ông ta không xứng đáng là một người đại diện đứng đầu ngành tòa án tối cao, không xứng đáng là người đảng viên đảng Cộng sản, cũng như không xứng đáng là một ĐBQH được coi là người đại diện cho dân.”
Trước đó theo truyền thông nhà nước, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy đã nêu ba câu hỏi với ông Bình như sau: “Vì sao tòa án lại áp dụng không thống nhất việc xác định giá trị tài sản thiệt hại đối với 3 tài sản nhà nước ở vụ án Phan Văn Anh Vũ và vụ án Trần Văn Minh? Quyết định Giám đốc thẩm số 14 khẳng định bản án phúc thẩm số 346 đã xử đúng, thì bản án phúc thẩm số 158 có xử sai quy định của pháp luật về việc xác định giá trị tài sản thiệt hại hay không? Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao cần làm gì để bảo đảm sự thống nhất, công bằng, khách quan trong việc xét xử hai vụ án trên, tạo niềm tin cho cử tri về sự công minh của pháp luật?”
Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già hôm 21/11 từ Sài Gòn nhận định với một góc nhìn khác:
“Bà Nguyễn Thị Kim Thúy với vai trò là ĐBQH khi đặt ba câu hỏi xoay quanh vụ án Phan Văn Anh Vũ và Trần Văn Minh, thì cả ba câu này thật ra là một, đặc biệt câu thứ hai thì vụ án này đã có giám đốc thẩm. Mà giám đốc thẩm là bản án chung cuộc, không có quyền khiếu nại. Vì vậy đối với vụ án cụ thể Phan Văn Anh Vũ và Trần Văn Minh thì tôi cho rằng ông Nguyễn Hòa Bình với vai trò là Chánh án tòa Tối cao đã trả lời đúng với quy định của pháp luật.”
Thay vì bà Nguyễn Thị Kim Thúy đặt những câu hỏi này, thì nên đặt những câu hỏi rõ ràng hơn, cụ thể hơn, ví dụ như ‘bao giờ thì có tam quyền phân lập?’… Thì lúc đó người Việt Nam mới có được công lý.
-Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già
Ý kiến thứ hai theo Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, có lẽ bà Nguyễn Thị Kim Thúy lầm lẫn, không rõ về quy trình giám đốc thẩm. Ông Già giải thích:
“Bản án Giám đốc thẩm coi như chung cuộc, không bất cứ ai có quyền can thiệp dù đó là Chủ tịch Quốc hội, thậm chí một Ủy viên Bộ Chính trị cũng không có quyền can thiệp vào quyết định Giám đốc thẩm.”
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng vụ án của Phan Văn Anh Vũ và Trần Văn Minh Trị là vụ án tham nhũng… Trong khi đó hiện nay, những vụ án quan trọng dính líu đến sinh mạng của một con người, ví dụ như tử tù Hồ Duy Hải, Lê Văn Mạnh, Nguyễn Văn Chưởng chẳng hạn… cũng đều có quyết định giám đốc thẩm như vậy… và theo luật cũng không thể thay đổi. Ông Già nói thêm:
“Hệ thống pháp luật hiện nay Việt Nam hiện nay đã được quy định như vậy rồi, và quan chức cao cấp cho đến một thường dân có lẽ họ không hiểu gì về pháp luật. Cái này lỗi lớn thuộc về nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Vì vậy thay vì bà Nguyễn Thị Kim Thúy đặt những câu hỏi này, thì nên đặt những câu hỏi rõ ràng hơn, cụ thể hơn, ví dụ như ‘bao giờ thì có tam quyền phân lập?’… Thì lúc đó người Việt Nam mới có được công lý.”
Những câu hỏi của ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy và của tất cả ĐBQH xoay quanh về mặt hệ thống và thực thi pháp luật Việt Nam… thì theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, chỉ là câu hỏi mang tính chất hình thức, nó không giải quyết được gốc rễ của vấn đề, đó chính là tam quyền phân lập.